main billboard

“Phần là chúng ta tưởng niệm ngày 30 Tháng Tư, còn một phần khác để ghi lại hành trình của các anh em Du Ca qua những năm tháng qua.”


WESTMINSTER (NV) - Tối Thứ Bảy, 25 Tháng Tư, lúc 7 giờ, tại hội trường nhật báo Người Việt, hơn 200 người từ khắp nơi cùng có mặt tham dự đêm nhạc “Ngày Du Ca Việt Nam.”

ngayduca 1Một màn hợp ca trong đêm nhạc “Ngày Du Ca Việt Nam.” (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)


Anh Nguyễn Bá Thành, thành viên ban tổ chức, nói với Người Việt, “Bốn mươi năm trôi qua, Tháng Tư năm nay hầu như cộng đồng Việt Nam trên toàn thế giới, bất cứ nơi nào, nếu có điều kiện, đều cố gắng dành thời gian để tưởng niệm biến cố 30 Tháng Tư. Trong tinh thần đó, đoàn du ca nam California họp mặt, chia sẻ.”

Anh nói tiếp: “Phần là chúng ta tưởng niệm ngày 30 Tháng Tư, còn một phần khác để ghi lại hành trình của các anh em Du Ca qua những năm tháng qua.”

Có khoảng trên dưới 20 anh, chị, em là thành viên tham gia đoàn Du Ca Nam California. Khoảng 20 tiết mục liên tiếp được trình bày suốt từ đầu đến cuối đêm nhạc gần 3 tiếng đồng hồ.

Không chỉ riêng các nhạc sĩ, ca sĩ thuộc đoàn Du Ca, rất nhiều người đến xem, từ em bé 10 tuổi, 14 tuổi, đến những lão niên hay anh chị em trẻ, đều nhiệt tình đóng góp tiếng hát.


ngayduca 2Nhạc sĩ Trần Chí Phúc trong đêm nhạc “Ngày Du Ca Việt Nam.” (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)


Bên cạnh màn trình diễn sôi động của các thành viên Du Ca, khán giả cũng là nhân tố quyết định quan trọng không kém. Những tiếng vỗ tay hòa nhịp, những động tác múa tay, hát theo các đoạn điệp khúc của những bài hát, tất cả thể hiện một đêm nhạc không có khoảng cách giữa người trình bày trên sân khấu và bà con ngồi thưởng thức phía dưới.

Nội dung của chương trình gồm hầu hết những ca khúc Du Ca, hát cộng đồng, cả mới và cũ, những bài hát quen thuộc, gợi lại ngọn lửa đấu tranh như “Việt Nam, Việt Nam,” “Thề Không Phản Bội Quê Hương,” “Đường Việt Nam,” “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”...

Bên cạnh đó, còn có những bài hát từng ghi lại dấu ấn trong mỗi cuộc đời người Việt tị nạn, như “Chút Quà Cho Quê Hương,” “Sài Gòn Ơi, Vĩnh Biệt,” “Đêm Chôn Dầu Vượt Biển,” “Ai Trở Về Xứ Việt,” “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn,” “Anh Là Ai”...

Ngoài sự chuyển tải các bài hát đồng bộ của dàn hợp ca, còn có các phần trình bày mang đến nhiều chú ý, yêu chuộng từ khán giả, như tam ca Như Ý, Đạt Nguyễn, và Thu Quyên.

ngayduca 3Tam ca Như Ý, Đạt Nguyễn, và Thu Quyên, nhận được nhiều tán thưởng từ khán giả. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)


Đặc biệt, giọng hát Nam Trân, với tà áo dài thướt tha, khuôn mặt đẹp hiền, và phong cách biểu diễn chuyên nghiệp, nhận được nhiều sự tán thưởng của mọi người.

Nam Trân với chất giọng Soprano, đêm nay đã mang đến cho khán giả sự thỏa mãn, khi chinh phục những ca khúc khó như “Nhân Chứng,” “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn.”

Phần giữa của chương trình là phần cảm tưởng ngắn của vị huynh trưởng Du Ca Hoàng Ngọc Tuệ. Cả hội trường lặng im lắng nghe ông nói, từng câu, từng chữ như xoáy sâu vào ký ức, vào tình cảm của tất cả mọi người hiện diện.

Ông nói, “Chúng ta hát không chỉ để nhìn lại, mà để nhớ lại, cũng không phải chỉ để nhớ lại, mà để nhắc nhở lại, cũng không chỉ để nhắc nhở lại mà để nhận diện lại cái gì là tác nhân đã gây khổ đau cho đồng bào và dân tộc trong một thời gian quá dài như thế, để rồi cùng với nhân dân trong nước, tất cả mọi người phải có hành động thích hợp đối phó triệt tiêu cái tác nhân ấy.”

Cũng trong phần phát biểu này, vị huynh trưởng yêu cầu mọi người dành một phút cầu nguyện cho quê hương, tùy theo tôn giáo của mỗi người.

Hiện diện trong buổi văn nghệ còn có sự có mặt của một số huynh trưởng khác như các ông Phan Huy Đạt, Đinh Quang Anh Thái, Hà Tường Cát và một vài anh chị em ca nhạc sĩ như Lê Uyên, nhạc sĩ Trúc Hồ, MC Diệu Quyên.

Chương trình chấm dứt lúc 9 giờ 45 phút, đêm đã khuya nhưng mọi người vẫn chưa muốn đứng dậy ra về, bởi vì những ca khúc cuối như Việt Nam Ơi, Tháng Tư Đen, Đường Việt Nam, Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ. Sôi nổi quá! Cảm động quá!