main billboard

“Ðó là cuộc biểu tình tôi nghĩ rằng lớn và tàn khốc nhất thế kỷ 20, vì đồng bào thuyền nhân đã không sợ hy sinh, họ đổ máu, có người tự sát bằng dao, có người châm lửa, tự thiêu...”


WESTMINSTER, California (NV) - Từ tiểu bang xa xôi, anh Hiếu Nguyễn, thành viên của ban vận động bảo tồn di tích thuyền nhân Việt Nam, có buổi nói chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt, về buổi ra mắt hai cuốn đặc san “Galang Một Thuở” và “40 Năm Thuyền Nhân Viễn Xứ,” sẽ được thực hiện ngày Chủ Nhật, 3 Tháng Năm, lúc 10 giờ sáng, tại phòng sinh hoạt nhật báo Việt Báo, 14841 Moran St., Westminster, CA 92683.


galang 1Khu nhà ở của người tị nạn ở Galang. (Hình: Hiếu Nguyễn cung cấp)

Anh Hiếu cho biết: “Bắt đầu từ khi chúng tôi đi sang Nam Dương, thăm lại đảo Galang, cũng là trại tị nạn của hàng mấy chục ngàn người tị nạn Việt Nam đã ở đó vào những năm cuối thập niên 1970 đến 1996, hiện nay ở đó chính phủ Nam Dương thành lập viện bảo tàng thuyền nhân, ở trong trại tị nạn Galang, và chúng tôi tìm thấy một dãy nhà hai tầng (ở trên 5 phòng, ở dưới 5 phòng), còn lại nhưng hiện nay tình trạng bị mục nát, có nguy cơ sụp đổ, bởi vậy khi trở về Mỹ, chúng tôi kêu gọi những anh chị em thuyền nhân của Galang đóng góp, chung tay để trùng tu lại nơi chốn kỷ niệm ấy.”

Anh Hiếu nói thêm sau khi anh đề nghị với chính phủ Nam Dương về chuyện bảo tồn khu nhà này, họ đã đồng ý và cho nhà thầu đến đo đạc, kết toán chi tiết về chuyện xây sửa, và con số cuối cùng đưa ra khoảng $40,000.

Với ý tưởng xây dựng, bảo tồn di tích của người tị nạn ấy, anh kêu gọi mỗi thuyền nhân sẽ đóng góp khoảng $40, và chỉ cần 1,000 người đóng góp là đủ.

“Chuyện làm hai cuốn đặc san là nằm trong kế hoạch gây quỹ, riêng cuốn 'Galang Một Thuở' có 192 trang, với khoảng 60 bài viết do các anh chị em cựu thuyền nhân đã từng sống tại Galang đóng góp, còn cuốn '40 Năm Thuyền Nhân Viễn Xứ' có 213 trang, khoảng 50 bài viết của rất nhiều các cựu thuyền nhân từ nhiều trại tị nạn khắp nơi đóng góp.”

Anh Hiếu kể thêm, cuốn “Galang Một Thuở” là những câu chuyện thương tâm về đời sống cơ cực của các thuyền nhân, những cảnh đời trớ trêu, xảy ra không ngờ trong trại tị nạn, và hay nhất là những hình ảnh thật từ 179 ngày biểu tình trong trại với con số 4,500 người tham gia. “Ðó là cuộc biểu tình tôi nghĩ rằng lớn và tàn khốc nhất thế kỷ 20, vì đồng bào thuyền nhân đã không sợ hy sinh, họ đổ máu, có người tự sát bằng dao, có người châm lửa, tự thiêu...” Bằng giọng xúc động anh Hiếu bồi hồi kể tiếp.

galang 2Dãy nhà hai tầng, nơi trú ngụ của thuyền nhân, xơ xác còn sót lại trong trại Galang. (Hình: Hiếu Nguyễn cung cấp)

Câu chuyện tiếp tục với cảnh hai người thuyền nhân tự thiêu, trong đó một người là cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, anh tên Phạm Văn Châu (lính Thủy Quân Lục Chiến) tự thiêu, ngày 26 Tháng Tư, năm 1994, và anh Lê Xuân Thọ (vừa tự thiêu, vừa đâm dao vào bụng, anh này chết tại chỗ) trong Tháng Năm, 1994 (không nhớ rõ ngày).

Hoặc trên 20 thuyền nhân khác tự sát bằng cách đâm bụng nhưng không thành, phải vào bệnh viện, đói và mệt. Anh Hiếu cho hay hầu như tất cả những người tự sát này đều bị trả về Việt Nam.

Câu chuyện thương tâm nhất là ông Văn Viết Hoài Niệm Tử, thuyền nhân Galang trên chuyến bay trả về Việt Nam đã mang theo chai xăng, uy hiếp phi công chuyển hướng để đến một nơi khác, cho ông có cơ hội công bố với thế giới về vấn đề thuyền nhân Galang bị tấn công, uy hiếp.

Cuộc không tặc này không thành công, khi về đến Việt Nam, ông Văn Viết Hoài Niệm Tử (cựu quân nhân binh chủng nhảy dù) bị kêu án 20 năm, ông ở tù 15 năm, được thả ra, nhưng bị 5 năm quản chế, lúc đó gia đình tan nát, ông mất nhà cửa, không còn bất cứ giấy tờ tùy thân nào, không có nơi trú ngụ, đành phải đi lang thang, ở trọ, làm nghề bán vé số ở Vĩnh Long.

Trở lại với hai tác phẩm đặc san, anh Hiếu chia sẻ, chủ nhiệm của cả hai cuốn đặc san là ông Bùi Hữu Liêm, chủ bút là nhà văn Tôn Nữ Thu Dung.

Phần giới thiệu hai cuốn đặc san này sẽ do nhà văn Quyên Di và nhà văn Tôn Nữ Thu Dung phụ trách.

Phần văn nghệ “cây nhà lá vườn” do các anh chị em cựu thuyền nhân đảm trách, anh Hiếu tiết lộ, họ sẽ thể hiện những ca khúc nhạc lưu vong, đấu tranh như Ðêm Chôn Dầu Vượt Biển, hay Nếu Tôi Chết Hãy Ðem Tôi Ra Biển (do chính nhạc sĩ Ngô Tín trình bày)...

Ðiều khiển chương trình: Oscar Thuận Nguyễn.

Vào cửa tự do.

Ðặc biệt những khán giả, độc giả nào muốn nhận sách tặng xin liên lạc anh Thuận (714) 767-0353, hay anh Liêm (510) 329-2634.