Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nghệ thuật “nhỏ lệ” trong giới chính trị

OBAMA-GUNS

Tổng thống Mỹ Barack Obama lau nước mắt khi nói về các vụ thảm sát bằng súng tại Mỹ trong buổi họp báo về việc kiểm soát vũ khí, ngày 05/01/2016.
REUTERS/Kevin Lamarque

Khóc trước các phương tiện thông tin đại chúng là một công cụ truyền thông hữu hiệu như nhiều phương thức khác. Và các chính trị gia nổi tiếng đều đã thử ít nhất một lần.

Đây là lời khẳng định trong bài « Những giọt nước mắt chính trị » được nhật báo Le Monde đăng trong số ra ngày 16/01/2016.

Để một khoảng lặng trôi qua, sau đó là một giọt nước mắt rơi xuống, tổng thống Barack Obama rơi lệ khi đọc bài diễn văn ngày 05/01/2016 nhắc tới số lượng trẻ em Mỹ bị thiệt mạng hàng năm trong các vụ xả súng.

Trước đó, cũng tự như vậy, tổng thống Mỹ không ngần ngại để cảm xúc dâng trào khi nghe nữ danh ca Aretha Franklin hát hay đúng ra là để cảm ơn nhóm vận động tranh cử của mình.

Và người đứng đầu Nhà Trắng không phải là người duy nhất. Hiện nay, hình ảnh các vị tổng thống, chính trị gia tự cho phép mình rơi nước mắt không hề hiếm.
« Khóc » đã trở thành một phần trong đời sống chính trị.

Nước mắt, vũ khí lợi hại trong chế độ cũ tại Pháp

Ông Emmanuel Fureix, giảng viên đại học ngành lịch sử tại đại học Paris-Est Créteil, giải thích : « Nước mắt của nhà chính trị không hề xa lạ vào những thời điểm nhạy cảm, dễ gây xúc động ».

Tác giả cuốn sách « Nước Pháp trong nước mắt. Những tang tóc chính trị thời lãng mạn (1814-1840) » cho biết thêm trong giai đoạn Cách mạng Pháp, việc thể hiện cảm xúc hay mủi lòng trước Hạ viện là chuyện thường xảy ra. Các nghị sĩ « khóc như mưa khi tuyên thệ trước bản Hiến pháp năm 1791 ».
Thế nhưng, những cảm xúc đời thường này giúp họ đoàn kết hơn và gắn bó hơn.

Sau đó, nổi bật trong giai đoạn Phục hưng thứ hai (1815-1830) là « sự trỗi dậy tình cảm nhờ nước mắt, được cho là nguồn dung hoà xã hội với chính bản thân và giúp khôi phục tình cảm chính trị, tôn giáo sau thời kỳ Cách mạng và Thiết chế khủng bố (la Terreur). Đây là hai thời kỳ được đánh giá là tràn đầy nhiệt huyết ».

Trong giai đoạn này, những người ủng hộ Phục hưng tổ chức tưởng niệm ngày mất của vua Louis XVI hay hoàng hậu Marie-Antoinette tố cáo cái họ gọi là « tội ác của cuộc Cách mạng ».
Chính trong bối cảnh này, người ta có thể nhìn thấy một người ủng hộ nền quân chủ, mắt đẫm lệ và tay cầm một chiếc khăn mùi xoa.

Theo nhận xét của nhà nghiên cứu Anne Vincent-Bufault, giảng dạy tại trường đại học Paris-Diderot và là tác giả cuốn sách « Lịch sử nước mắt » (Histoire des larmes), thì từ nửa cuối thế kỷ XIX trở đi, người ta nhận thấy thái độ của các chính trị gia trở nên cứng rắn hơn.

Nếu như khóc được xem là một hành động hoàn toàn bình thường của phụ nữ thì với nam giới, được cho là mạnh mẽ hơn, phải biết kiềm chế cảm xúc và không được thể hiện ra ngoài, trừ trong một số trường hợp vô cùng đặc biệt như tại lễ tang.

 Nhà nghiên cứu Anne Vincent-Bufault phân tích :
« Sự thay đổi này hoàn toàn trái ngược với thời kỳ Cách mạng Pháp. Bài diễn văn phản cách mạng muốn « lật tẩy » những người nhạy cảm có thể dễ dàng nhỏ nước mắt trong khi đó lại vấy máu khắp nơi ».

Đây cũng là thế kỷ được đánh dấu bằng sự tách biệt rạch ròi giữa đời sống công và tư. Khóc được cho là một hành động riêng tư, có nghĩa là mang tính cá nhân.

Tuy nhiên, nếu như vào thế kỷ XIX này, các nhà quý tộc không còn khóc nức nở trước công chúng, thì người dân vẫn tiếp tục rơi lệ trong các buổi diễn tại nhà hát mà theo bình luận của bà Anne Vincent-Bufault, thì « báo chí thời đó hồ hởi nói đến những dòng nước mắt tuôn dài không kiểm soát nổi ».
Tổng thống Georges W. Bush chấm dứt « thời kỳ nam chính trị gia không biết khóc »

Quy luật nam giới phải biết kiềm chế cảm xúc kéo dài « cho tới khi tổng thống Georges W. Bush (Bush con) nhỏ lệ », theo bác sĩ tâm thần Patrick Lemoine, đồng thời là tác giả cuốn sách « Giới tính của nước mắt ».

Theo ông, « kể từ khi người đàn ông mạnh nhất và quyền lực nhất thế giới bắt đầu khóc trước hàng chục triệu người mà không hề cảm thấy yếu đuối », thì các chính trị gia để cảm xúc của mình tuôn trào.
 Tuy nhiên, theo bác sĩ Patrick Lemoine, « nếu nước mắt được sử dụng đúng lúc, thì đó là một công cụ truyền thông hữu hiệu như bao công cụ khác ».

Ngày 04/03/2012, tại Matxcơva, ông Vladmir Putin, thủ tướng Nga vào thời kỳ đó, xúc động trào nước mắt khi bài quốc ca ngân lên : ông vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Nga.

Hay ngày 28/05/2009, ông Mahmoud Ahmadinejad, giữ chức tổng thống Iran từ năm 2005 đến 2013, rút một chiếc khăn tay lớn để lau nước mắt trong buổi lễ kỷ niệm ngày mất của Fatima, con gái nhà tiên tri Mahomet.

Từ đó, ngày càng có nhiều chính trị gia thử dùng « nghệ thuật rơi nước mắt ».
Hành động này của họ được phán xét hay đánh giá thông qua số lượng tín hiệu được truyền tải.

Chính các phương tiện truyền thông và truyền hình cũng góp phần vào việc xây dựng tính chính đáng và danh tiếng của các chính trị gia. Những người này đều hiểu rằng một lần rớt lệ sẽ là một vỏ bọc truyền thông quan trọng, đặc biệt là từ khi các kênh thông tin liên tục xuất hiện ngày càng nhiều.

Thế nhưng, « nghệ thuật » này ngày càng có vẻ phức tạp hơn đối với phụ nữ làm chính trị. Họ vừa phải gạt bỏ những chỉ trích mang tính phân biệt giới đánh đồng những giọt nước mắt phụ nữ thể hiện sự yếu đuối của họ.

Năm 1974, báo chí khẳng định đã nhìn thấy bà Simone Veil khóc trên diễn đàn Hạ viện vì bất lực trước những lời phản đối gay gắt của các nhà đối lập trong cuộc chiến đòi quyền cho phụ nữ được phép nạo phá thai.
 Ba mươi năm sau, nữ chính trị gia không hề nhớ là đã khóc.

Trong khi đó, bà Ségolène Royal, nay là bộ trưởng Môi trường, từng xuất hiện với đôi mắt ngấn lệ sau khi bị thất bại tại vòng đua vào vị trí ứng viên chức tổng thống tại đảng Xã hội ngày 08/10/2011.
 Ngay sau đó, cảm thấy cần phải khẳng định chính mình, bà cười nói : « Tôi sẽ ổn hơn vì tôi là một phụ nữ mạnh mẽ ! »

Dù là những giọt nước mắt do cảm xúc, nỗi buồn, tức giận hay cố tình đưa ra một thông điệp hay chỉ đơn giản là do không kiềm chế được, từ giờ một nam chính trị gia « bình thường » có thể rơi nước mắt. Đúng là họ khóc nhưng họ không để cảm xúc kiểm soát.

Vì thế, theo bà Anne Vincent-Buffault, vẫn còn rất nhiều người tránh khóc trước đám đông vì họ chưa nắm bắt được hết quy luật của « bài tập » cần được tôi luyện trước. Vì khóc trong môi trường chính trị là cả một « nghệ thuật ».

Không được khóc nhiều quá mà cũng không được ít quá. Không được để người khác nhìn thấy khuôn mặt nhăn nhúm lại và cũng không được để cho người khác nghe thấy giọng nói bị lạc đi.
Cuối cùng, phải biết cách khóc như tổng thống Barack Obama trong buổi họp báo về việc kiểm soát vũ khí ở Hoa Kỳ được tổ chức tại Nhà Trắng ngày 05/01 vừa qua.


Switch mode views: