Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Dư luận sôi sục trước Đại hội Đảng Việt Nam

VIETNAM-CONGRESS 2

Các tranh cổ động, biểu ngữ quảng bá cho Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 tại Trung Tâm Hội Nghị, Hà Nội, ngày 18/01/2016
REUTERS/Kham

Chỉ còn hai ngày nữa là Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ chính thức khai mạc, để chọn lựa giàn lãnh đạo mới cầm quyền trong năm năm tới.

Càng gần đến thời điểm đại hội, không khí càng sôi sục với những lá thư tố cáo, những tin đồn được liên tiếp tung ra.

Tại một đất nước độc đảng như Việt Nam, hiếm khi công chúng tiếp cận được những bí mật chính trị và việc kỳ kèo thương lượng giữa các nhà lãnh đạo với nhau.

Nhưng trong thời đại internet, những đấu đá nội bộ giữa các phe nhóm trong đảng Cộng sản – độc quyền lãnh đạo từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975 đến nay – đã được đưa ra ánh sáng, trước khi Đại hội chính thức khai mạc vào thứ Năm 21/01/2016.

Trong những tuần lễ gần đây, báo chí chính thức nhiều lần chỉ trích những bài viết đăng trên các blog và Facebook là « những thông tin xấu và nguy hiểm », kêu gọi người dân không nên để bị những tin tức này « làm ô nhiễm ».

Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Trương Minh Tuấn, thứ trưởng bộ Thông Tin Truyền Thông cho rằng « việc tung tin xuyên tạc, bôi nhọ này là nhằm gây rối, nhiễu loạn thông tin trước Đại hội Đảng ».

Nhưng theo AFP, một bộ phận dân chúng Việt Nam không dễ dàng nghe theo.
Nhiều người cho rằng tổ chức Đại hội Đảng là một sự lãng phí về tiền bạc và thời gian.

Hãng tin Pháp dẫn lời một công chức tên Minh, cho biết đã gởi con ra nước ngoài du học, và nếu người con không trở về thì bà cũng không can ngăn.
Bà nói :
« Tôi không tin tưởng vào hệ thống quan liêu, tham nhũng, đấu đá giành quyền lực này. Chủ nghĩa tư bản tốt hơn chủ nghĩa xã hội… Ở đây, chúng tôi như sống trong một cái chuồng, rất khó thở ».

Đại hội Đảng kéo dài đến ngày 28/01/2016 sẽ chỉ định bốn chức vụ lãnh đạo quan trọng nhất : tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội, mà dân gian thường mệnh danh là « tứ trụ ».

Trên nguyên tắc, bốn chiếc ghế này thường được thỏa thuận trước từ lâu, nhưng năm nay dường như chưa có gì là chắc chắn.

Theo các nhà phân tích, khó thể nói trước ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc chiến không khoan nhượng chưa từng thấy, giữa phe bảo thủ trong đảng và phe cải cách, mà theo AFP, đứng đầu là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Lên làm thủ tướng từ năm 2006, ông Nguyễn Tấn Dũng được cho là người thân phương Tây, đã chỉ đạo quá trình gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), và mới đây là việc tham gia Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Hoa Kỳ đề xướng.

Đối mặt với ông là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà theo AFP là quan chức bảo thủ có quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh, gần đây có vẻ đã giành lại được thế thượng phong khi bố trí được người của mình vào các chức vụ chủ chốt.

Trước đại hội, ông Trọng đã cho điều động hàng loạt cán bộ về trung ương, và mở tới sáu lớp lý luận đặc biệt – nhiều cán bộ được « quy hoạch » loại này đã trở thành ủy viên trung ương hay cán bộ chủ chốt ở các địa phương.

Nghị quyết 244/QĐ/TW về « Quy chế bầu cử trong đảng » cũng cản đường tiến của ông Dũng, tước đi quyền đề cử và ứng cử của các ủy viên trung ương.
Chừng như để trấn an dư luận, vài ngày qua báo chí chính thức có những bài viết nói rằng quyết định vẫn thuộc về các đại biểu dự Đại hội 12.

Tính chất gay gắt của đại hội lần này được thấy rõ với hai hội nghị trung ương 13 và 14 liên tiếp vẫn chưa ngã ngũ.
Đặc biệt cuộc chiến lần này diễn ra khốc liệt trên mạng xã hội, khi các bên liên tục tung ra những tài liệu, thư từ thật giả lẫn lộn để bôi xấu nhau.

Có thể nói các trang được mệnh danh là « lề trái » đã được lợi dụng để thay thế cho sự vắng bóng của những trang như Chân Dung Quyền Lực, trong đó có cả một trang uy tín mà người sáng lập đang ở trong tù.

Ông Nguyễn Tấn Dũng có vẻ là đích nhắm chủ yếu bị tấn công tới tấp.
Đầu tiên là ba vị giáo sư Học Viện Chính Trị Quốc Gia tố cáo con gái ông có quốc tịch Mỹ, sau đó là đơn của một cán bộ lão thành tố thêm nhiều tội khác như âm mưu chuẩn bị « Cách mạng màu », phá hoại quan hệ Việt-Trung.

Sau đó xuất hiện lá thư giải trình được cho là của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong đó khẳng định ông không xin tái cử, nội dung rất bất lợi cho ông.
Dư luận cho rằng mục đích chính là gạt ông Dũng ra ngoài với lý do phải chờ đợi điều tra.

Những thông tin được cố tình cho rò rỉ trên mạng về bốn khuôn mặt trong « tứ trụ », trong đó không có ông Dũng, cũng trong mục đích này.
Một số cây bút « lề trái » trong nước lâu nay tỏ vẻ trung dung, nay bỗng đứng hẳn về phía này hay phía khác.

Giáo sư Jonathan London thuộc City University ở Hồng Kông cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng không còn là nhân vật nhiều hy vọng nhất như trước đây, nhưng mọi chuyện còn để ngỏ.

 Ông nói với AFP : « Đã hẳn là như vậy, nhưng ai biết được ? Ông ấy vẫn có thể quay lại…Ngược với Trung Quốc, đại hội Đảng Việt Nam không hoàn toàn theo một kịch bản đã định trước ».

Cũng theo AFP, dù vậy không có phe phái nào muốn thay đổi đáng kể về những vấn đề hệ trọng như bất đồng với Bắc Kinh về chủ quyền Biển Đông.

Tuy nhiên một nhà ngoại giao ở Hà Nội cảnh báo nếu phe ông Trọng chiến thắng, việc tiến hành những cải cách kinh tế cần thiết có thể bị chựng lại, do các chính khách có năng lực và ít giáo điều hơn bị cho ngồi chơi xơi nước.
Như vậy sự chọn lựa lãnh đạo sẽ có tác động đáng kể đến Việt Nam, đất nước 90 triệu dân trong đó giới trẻ chiếm đa số.

Một cựu chiến binh Việt Nam, có 40 năm tuổi đảng nói lên tâm trạng ngờ vực, chán nản chung của nhiều người : « Cho dù ai lên ngôi đi nữa, cũng sẽ chẳng có thay đổi nào, họ đều như nhau cả ».
Ông cho biết không còn tin tưởng vì vào chế độ cộng sản, đang « phá hoại » đất nước cho dù tỉ lệ tăng trưởng vẫn gần 7% mỗi năm.
 

Switch mode views: