Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-01-2016

Bầu cử: Đài Loan giữ khoảng cách với Trung Quốc

TT-Thai anh Van

Tổng thống tân cử Đài Loan, bà Thái Anh Văn.
REUTERS/Pichi Chuang

Thời sự châu Á hầu như vắng bóng, riêng nhật báo Le Monde (19/01/2016) là vẫn còn chú ý đến đến « Chiến thắng áp đảo của « Tiểu Anh » tại Đài Loan », tít lớn trên trang nhất.

 Bà Thái Anh Văn đã trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Đài Loan khi nhận được 56,12% phiếu ủng hộ của người dân.

Với thắng lợi này, đảng Dân Tiến rộng đường hành động. Việc người dân dồn phiếu cho bà Thái Anh Văn cũng cho thấy « Cử tri Đài Loan đã chọn sự thay đổi », tựa bài viết trên trang 5 của Le Monde.

 Một cú giáng mạnh dành cho Quốc Dân Đảng, với chính sách xích lại gần với Trung Quốc của tổng thống mãn nhiệm Mã Anh Cửu, bị người dân xứ này xem là quá phiêu lưu, mạo hiểm.
La Croix trong mục Chân dung dành những từ ngữ tốt đẹp để ca ngợi một « Thái Anh Văn, trí thức, ngoại giao và nữ chính trị gia rất được tôn trọng tại Đài Loan ».

Nữ luật gia 59 tuổi và có tính cách khẳng khái này là hiện thân cho sự đổi mới của một xã hội Đài Loan.
Một xã hội tôn vinh nền dân chủ và các giá trị tự do, đối mặt với một Hoa Lục ngày càng trở nên đàn áp.
Tuy vậy, Le Monde cũng băn khoăn liệu thắng lợi áp đảo của đảng Dân Tiến trong cuộc tổng tuyển cử sẽ có những tác động thế nào lên mối quan hệ với Trung Quốc ?

Hệ quả trước mắt thắng lợi của đảng này đang đè nặng lên chính sách xích lại gần giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Tờ báo ghi nhận một sự nghịch lý trong mối quan hệ đôi bên. Hễ mỗi khi người Đài Loan càng gia tăng các mối quan hệ với Hoa Lục, hàng ngàn tên lửa nước này càng chĩa lên hòn đảo.

 Trung Quốc vẫn luôn xác quyết chủ quyền trên hòn đảo này và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để lấy lại. Và như vậy người dân Đài Loan lại càng xa rời Bắc Kinh, tự nhận mình là người Đài Loan chứ không phải là người Trung Quốc.

Theo nhận định của Le Monde, nữ tổng thống tân cử đã khôn khéo đặt chủ đề củng cố nền dân chủ làm trọng tâm cho cuộc vận động tranh cử. Vì đây chính là sợi dây gây chia rẽ Quốc Dân đảng với giới trẻ.

Họ chỉ trích mạnh mẽ những lề thói cũ của đảng này. Thêm vào đó là chính sách đối ngoại với Trung Quốc, còn làm cho mối bất đồng trên thêm sâu sắc.
Trong suy nghĩ của người dân đảo này, không thể áp dụng mô hình chính trị « Một quốc gia, hai chế độ » đang áp dụng tại Hồng Kông.

Chiến thắng áp đảo của bà Thái Anh Văn đã xác nhận sức sống mãnh liệt của nền dân chủ Đài Loan, 20 năm sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên theo phổ thông đầu phiếu.

Tuy nhiên, Le Monde cũng lưu ý là, với đối trọng kinh tế, Bắc Kinh sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng.
Đương nhiên, Trung Quốc sẽ tỏ ra tinh tế hơn trong dự án sáp nhập hai bên.
Các phản ứng đầu tiên của Bắc Kinh sau kết quả bầu cử cho thấy Trung Quốc đang so găng với bà Thái Anh Văn và sẽ tỏ ra thực dụng hơn.

Cuối cùng, nhật báo Le Monde lưu ý, nếu như việc duy trì hiện trạng giữa hai bờ eo biển Đài Loan vẫn được kêu gọi, việc đặt ra vấn đề vị thế của Đài Loan tại Liên Hiệp Quốc sẽ là điều không thể tránh khỏi.
 Cộng hòa Trung Hoa, tên chính thức của Đài Loan, hội đủ các thuộc tính của một Nhà nước có chủ quyền.
Thế nhưng, Đài Loan vẫn bị cô lập về mặt ngoại giao, mặc dù các nước dân chủ phương Tây khác vẫn duy trì các mối quan hệ không chính thức với xứ này.

Trong bối cảnh tham vọng bành trướng trên Biển Đông của Trung Quốc gây quan ngại cho các nước láng giềng, Hoa Kỳ có thái độ cứng rắn với Bắc Kinh, thắng lợi của bà Thái Anh Văn đang làm dấy lên tranh luận tại Mỹ.

Tờ báo kết luận, đến một lúc nào đó khi Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức kinh tế và địa chính trị chưa từng có, vấn đề vị thế Đài Loan sẽ được đưa ra toàn thế giới.

Iran : Lệnh cấm vận vừa dỡ, Trung Quốc đã chen chân

Thứ Bảy 16/01/2016, Liên Hiệp Quốc thông báo gỡ bỏ một phần lớn lệnh cấm vận nhắm vào Iran, sau khi đã thanh tra việc thực hiện các cam kết của Teheran trong thỏa thuận hạt nhân kí kết hồi tháng 7/2015.

Tuy nhiên, Le Monde trong bài viết đề tựa « Gỡ bỏ lệnh cấm vận : Iran thoát khỏi sự cô độc » có trích dẫn thái độ dè dặt của các chuyên gia cho là : « Iran có khả năng ém nhẹm thông tin tuyệt kỹ để rồi sau đó lại nhả ra và biến hóa nó theo nhu cầu của họ trong 10, 20 hay 30 năm sau đó ».

Nhật báo kinh tế Les Echos lại tập trung chú ý đến chuyến viếng thăm Iran của chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, chỉ vài ngày sau khi lệnh cấm vận Iran được tháo dỡ.

Tờ báo chỉ ra mục đích của chuyến viếng thăm, là vì các lợi ích. Thứ nhất, trên phương diện kinh tế, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang tuột dốc, Bắc Kinh muốn mở rộng thị trường ra ngoài, về dài lâu là các hợp tác trong lĩnh vực đường sắt hoặc hàng hải cũng như mảng cơ sở hạ tầng và khai thác dầu mỏ.

Tiếp đến, về mặt chiến lược, tờ báo cũng chỉ rõ ý định tăng cường trao đổi với phương Tây và biểu dương sức mạnh trên quốc tế của đất nước đông dân nhất thế giới.
Cuối cùng là mục tiêu chính trị, Trung Quốc cũng tự cho mình là « nạn nhân của khủng bố » trong vấn đề vùng tự trị Tân Cương.

Khoảng cách giàu- nghèo : Hố sâu lại càng thêm sâu

« Khoảng cách giàu – nghèo ngày càng sâu » là nội dung bản báo cáo của tổ chức phi chính phủ Oxfam công bố trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 46, sắp diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ, từ ngày 20-23/01/2016.
Đề tài này được nhật báo Công giáo La Croix phản ảnh lại.

« Hố ngăn cách giữa giàu và nghèo trên thế giới chưa bao giờ sâu đến như vậy » là báo động của tổ chức Oxfam.
Theo tổ chức này, 1% những người giàu nhất thế giới chiếm giữ đến 50,1% tài sản thế giới và sự giàu có của họ không có ích cho những người nghèo nhất.

Vì sao có sự bất bình đẳng này ? Tổ chức Oxfam cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguồn cội chính là do mô hình kinh tế theo kiểu « thị trường chính thống », gây trở ngại cho sự phân bổ công bằng và hiệu quả.

Tổ chức này đặc biệt nhấn mạnh đến hậu quả của nạn trốn thuế và các thiên đường thuế. Để chứng minh cho nhận định hố sâu giàu-nghèo không có lợi cho những người nghèo nhất, các tác giả của bản báo cáo đưa ra những lập luận như sau :

« Những tiến bộ ngoạn mục đã cho phép giảm đi một nửa số người sống dưới ngưỡng nghèo cùng cực trong giai đoạn 1920-2010.
Nhưng giả như, trong suốt giai đoạn này, không có hố sâu khoảng cách giàu nghèo ở khắp nơi trên thế giới thì có lẽ 200 triệu người đã có thể thoát khỏi sự nghèo đói cùng cực này ».

Tuy nhiên, ông Nicolas Lecaussin, giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Thuế khóa, đã có những chỉ trích báo cáo của Oxfam là « có tầm nhìn theo khuynh hướng tả khổ, sai lệch và phản tác dụng ».
Chuyên gia này, theo trường phái tự do cho là Oxfam đã ngầm lên án những người giàu nhất, ví họ như là những kẻ chỉ biết vơ vét, còn tệ hơn cả những tên trộm.

Theo ông, « Những người giàu ngày nay chẳng có gì giống với những người chỉ biết thu lợi xưa kia.
 Thường đó là những chủ doanh nghiệp, đương nhiên là có tích lũy sản nghiệp, nhưng họ cũng góp phần làm tăng trưởng kinh tế thế giới và tạo việc làm cho hàng ngàn con người. Điểm mặt họ, cũng có nghĩa là nhầm thủ phạm ».

Theo cảnh báo của các chuyên gia kinh tế, chính sách tái phân bổ có thể cản trở tăng trưởng : thuế quá cao đẩy người giàu đi đến việc trốn thuế hay di tản, hay như trợ cấp quá nhiều cũng không khuyến khích người nghèo tìm kiếm việc làm.

Pháp: Tình và tiền đổi lấy ghi danh vào đại học

Tờ Le Monde cũng dẫn dắt độc giả đến nghi án nhận hối lộ của vị cựu chủ tịch trường Đại học Toulon bằng một câu hỏi: Phải chăng cựu chủ tịch trường Đại học Toulon đánh đổi việc ghi danh trái phép của các sinh viên Trung Quốc bằng cách nhận hối lộ, thậm chí bằng các đặc ân tình dục ?

Tờ báo cho hay cựu chủ tịch Laroussi Oueslati, 55 tuổi bị đưa ra xét xử tại tòa án Marseille từ ngày 18/01/2016 với các tội danh mua chuộc, gian lận trong ghi danh và biển thủ công quỹ. Không có nhiều bằng chứng về vụ bán bằng cấp cho sinh viên Trung Quốc.

 Cựu chủ tịch bị nghi ngờ lập ra một « hội đồng xét tuyển ma » trong vụ đồng ý cho khoảng 300 sinh viên Trung Quốc ghi danh vào trường mà không cần hồ sơ xét tuyển.
Nhiều sinh viên Trung Quốc tiết lộ đã phải trả số tiền lên đến 3.000 euros cho mạng lưới trung gian gồm cựu sinh viên hoặc nghiên cứu sinh Trung Quốc.
Một sinh viên cho hay số tiền 3.000 euros này có thể được ăn chia giữa cựu chủ tịch và những người dẫn mối Trung Quốc.

Theo lời làm chứng của các « dẫn mối » này thì mỗi một vụ ghi danh, ông ta được nhận 500 euros.
Nghi phạm đã từng đứng đầu một trường đại học được các công sự miêu tả như một « trụ cột » vững chắc với một quyền năng khiến người khác « không thể cưỡng lại được ».
Ông còn bị nghi ngờ có các dính líu tình ái với hai nghiên cứu sinh « dẫn mối » đổi lại sự ghi danh cho hai cô này.

Switch mode views: