Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

NGƯỜI ĐÀN BÀ GIỮ TRẺ

Me Tre


Ông Nam ngồi vừa nhâm nhi tách trà, vừa ngó mông lung ra ngoài cửa sổ. Trời hôm nay có nhiều mây, những tia nắng yếu ớt không lan rộng trên thảm cỏ sau nhà là mấy.

Chim chóc đi đâu mà không nghe chúng rúc rích trên cây như mọi ngày. Chung quanh yên tĩnh quá, ông cảm thấy buồn làm sao!
Nỗi buồn bao quanh ông cả ngày nên ông biếng ăn, chỉ thích uống trà, uống cà phê thật đậm và ngồi mãi bên khung cửa để suy nghĩ mọi chuyện đời mình.
Chuyện thời tuổi trẻ đi chinh chiến, lặn lội xông pha từ chiến trường này đến chiến trường khác trong không gian ầm tiếng súng đạn.
Chuyện tan hàng rã ngũ ngày nghe lệnh buông súng đầu hàng, chuyện tù đày gian nan, khổ nhục… Mỗi câu chuyện là một nỗi buồn theo ông vào giấc ngủ, làm ông cứ nằm mơ toàn ác mộng.

Có đêm ông thao thức trằn trọc, rồi lại nhớ bà da diết. Bà Nam đã bỏ ông ra đi vì căn bệnh ngặt nghèo mà cả thế giới đều bó tay.
Hạnh phúc tan vỡ quá mau khi gia đình ông vừa định cư trên xứ Mỹ này theo diện H.O. Ông chưa kịp có một dự định gì cho tuổi về già của hai người.
Từ ngày bà mất đi, ông như người mất một cánh tay, tâm tư trống vắng, người thờ thẫn và thường cảm thấy chán chường.
Ông trở nên bẳn gắt, khó tính, nhất là lúc ông bắt đầu nghỉ hưu, ông tách biệt mình ra khỏi cuộc sống chung với các con, các cháu, không thích giao thiệp với ai.

Căn phòng của ông đang ở hiện giờ lúc trước là garage. Hân, đứa con gái lớn đã sửa lại thành một cái studio nhỏ cho ông ở với đầy đủ phòng bếp, phòng tắm, phòng ngủ rất gọn gàng để ông có thể sống thu mình trong thế giới buồn của riêng ông.

Chợt có tiếng nhạc vọng sang từ trên nhà. Tiếng nói eo éo của người đàn bà giữ trẻ, tiếng dậm chân của mấy đứa cháu làm ông giật mình.
Ông nhớ lại ngày đầu tiên khi Hân mướn người đàn bà này vào trông nom ba đứa cháu trai của ông (đứa lớn 5 tuổi, đứa kế 3 tuổi và đứa út 2 tuổi).
Sự ồn ào của người đàn bà ấy làm cho ông khó chịu vô cùng. Chắc Hân đã không nói rõ cho bà biết sự yên tĩnh rất là cần thiết đối với ông trong nhà.
Mỗi khi bà xuất hiện, thì ông đã nghe tiếng nói của bà liên tục không ngừng với mấy đứa bé, lúc thì lớn giọng la lối, lúc thì hạ giọng mềm mỏng, lúc thì đổi giọng đùa giỡn, y như bà đang chơi đóng kịch.

Một ngày, do ông quá nhức đầu vì tiếng nhạc và tiếng động rầm rầm. Ông bực bội bước lên nhà trên thì thấy cả ba thằng cháu ông, mỗi đứa cầm một miếng vải voan trong tay cùng với bà giữ trẻ nhảy nhót theo điệu nhạc “Mambo” từ chiếc máy CD.
Ông tức giận quơ đại cái chổi ở góc nhà, đập lên bàn quát lớn:
– Ồn quá, có im đi không?

Tiếng quát vừa dứt thì tiếng nhạc cũng ngưng. Người đàn bà nhìn ông sửng sốt, ba thằng cháu nép vào bên bà lấm lét.
Ông lớn giọng nhấn mạnh:
– Đây là cái nhà, chứ không phải là vũ trường, có biết tôi bị bịnh cần được yên tĩnh không?

Nói xong ông thở ra như trút được hết sự bực bội trong người, định quay đi, rồi thoáng thấy đôi mắt sợ sệt của ba đứa cháu ngó theo. Ông tự trách mình sao vô lý quá!
Ngoảnh lại nhìn thằng bé út lúc đó đang ôm cái chân của bà giữ trẻ. Ông ngoắc nó dịu giọng nói:
– Lại đây với ông, chơi nhảy nhẹ nhẹ thôi.
Thằng bé vẫn giương to mắt nhìn ông không nhúc nhích, trong cái nhìn hoảng sợ lẫn chút xa lạ của nó làm ông thấy nhoi nhói lòng. Cháu của ông mà xa lạ với ông như vậy sao?

Người đàn bà kia chỉ xuất hiện có mấy ngày thôi mà chúng đã gần gũi bà hơn cả ông rồi. Ông đứng bất động ngượng ngùng; người đàn bà đẩy đứa bé lại phía ông:
– Con lại với ông đi.
Thằng bé vẫn không rời chân bà. Quay sang hai thằng lớn, bà nói:
– Con lại với ông đi xem ông nói gì.
Hai thằng lớn cũng không di chuyển. Ông vẫy tay buồn buồn nói:
– Thôi chơi đi, đừng làm ồn quá.
Rồi ông bước đi.

Mấy ngày sau tiếng ồn đã không còn. Ông không biết bà đã cho ba đứa trẻ làm gì trên ấy để giữ im lặng, mà im lặng quá ông lại thấy như buồn hơn, cứ muốn nghe tiếng trẻ líu lo một chút cho vui. Ông lắc đầu lẩm bẩm: “Mình thật là mâu thuẫn quá!”
Giữa khoảng không gian yên tĩnh giờ này thì tiếng nhạc vang lên. Ông nghiêng đầu lắng nghe, nhưng chỉ được vài phút ngắn ngủi, sau đó tiếng nhạc và tiếng dậm chân đã ngưng.

 Thỉnh thoảng vào giờ trưa, ông có nghe tiếng bà giữ trẻ hát ru vọng qua bên phòng ông. Tiếng hát ngân nga âm điệu nhẹ nhàng của một bài hát nào đó về tình mẹ, mà ông nghe loáng thoáng được vài câu như:
“À á ru hời a hời ru, mẹ thương con có hay chăng, thương từ khi thai nghén trong lòng…”
Làn hơi thanh thanh của bà đôi khi cũng làm ông rung động và chìm dần vào giấc ngủ.

Một con chim Robin từ đâu bay đến đậu trên nhánh cây thấp ngang tầm nhìn của ông. Nó nghiêng đầu nghếch cái mỏ vàng lên cất tiếng hót. Nó hót một âm điệu gì mà nghe cũng buồn quá!
Trông cái dáng vẻ cô đơn của nó thật tội nghiệp. Dường như Robin biết tiếng hót của nó không có bạn đồng họa, nên nó ngừng hót và vỗ cánh bay cao.
Mây kéo về trong chốc lát rồi lại bỏ đi cho nắng dần dần lấn tới, trời thoáng dịu mát, thoáng nắng gắt. Từng mảng nắng đang lan trên lùm cây trắc bách diệp xanh um.

Nhìn nắng, ông lại nhớ đến cái nắng nóng ở Việt Nam, nhớ những ngày đi chặt tre vất vả trong tù dưới ánh nắng thiêu gắt. Chặt đến mỏi cả đôi vai, còn phải khiêng vác tre về trại trên con đường nóng rát, nếu hôm nào mà đi chân đất, nắng như muốn bỏng cả hai chân… Có tiếng gõ cửa phòng ông cùng với tiếng gọi:
– Ông “goại” ơi!
Ông Nam ngạc nhiên khi nghe tiếng thằng Tuấn, đứa cháu lớn gọi, bởi có khi nào ông cho phép chúng nó sang bên phòng ông đâu. Ông ngóng cổ về phía cửa nói:
– Vào đi.
Tiếng ông vừa dứt thì bà giữ trẻ và 3 đứa bé đã đứng ngay cạnh bên ông từ lúc nào. Bà giữ trẻ nhanh miệng nói:
– Chào ông ngoại, rồi bà quay sang lũ trẻ tiếp – con chào ông đi.
3 cái miệng mở to đồng thanh:
– Chào ông.
Nghe cháu chào, ông Nam thấy lòng vui vui, ông cười xoa đầu thằng út là cu Bi hỏi:
– Có chuyện gì mà vô phòng ông đây?
Bà giữ trẻ mỉm cười nói:
– Dạ hôm nay em cho mấy cháu tập vẽ tranh tặng ông ngoại.
Nói xong, bà nhắc hai đứa lớn:
– Nào, con đưa tranh cho ông đi.

Thằng Tuấn tiến về phía ông đưa bức tranh vẽ những hình bầu dục to ở giữa và hai hình chữ nhật hai bên. Phía trước hình bầu dục là những gạch ngang dọc. Nó nói giọng trệu trạo:
– Con tặng ông cái máy bay con vẽ.

Thằng Tú là đứa kế cũng tiến đến đưa ông một tờ giấy vẽ những đường nghuệch ngoạc, bắt chước anh nó nói:
– Con tặng ông.
Ông Nam run tay cầm 2 bức tranh nhìn, chưa kịp nói gì thì bà giữ trẻ đã nói:
– Cháu vẽ đẹp quá phải không ông ngoại?

Ông ngẩng lên nhìn bà. Lần đầu tiên ông được diện kiến bà rất gần, trông bà hãy còn trẻ, bà đang cười với ông. Ông nhận ra bà có hàm răng trắng đều, lại thêm một cái răng khểnh lộ ra bên phải làm cho nụ cười của bà rất có duyên.
Ồ, đôi mắt mới tuyệt vời làm sao, nó tròn to, đen nhánh dưới hàng mi dài cong tự nhiên. Dù đã có vài nếp nhăn lờ mờ hai bên đuôi mắt, vẫn không làm giảm bớt đi sự tươi trẻ trên khuôn mặt bà, ông bỗng thấy rung động trước đôi mắt đẹp đang nhấp nháy với ông như muốn thoả thuận ngầm điều gì, bà nói:
– Ông ngoại nói mấy lời khuyến khích cháu đi, hai anh em ngồi chăm chú vẽ cả buổi sáng cho ông đó.
Tiếng của bà kéo ông ra khỏi cơn mê ngơ ngác; ông lúng túng:
– Ồ… đẹp.. đẹp lắm. Cám ơn cháu nghen.
Tuấn nói:
– Ông “goại” nhớ “cheo” hình lên tường nha.
Ông gật đầu, mắt vẫn không rời nụ cười của bà giữ trẻ:
– Ờ, lát nữa ông treo lên liền.
Bà giữ trẻ nói với mấy đứa bé:
– Xong rồi, mỗi đứa hôn ông một cái đi, rồi mình lên nhà chơi cho ông nghỉ.

Hai thằng lớn đến gần ông ôm cổ hôn cái “chụt” lên má ông. Thằng cu Bi thấp tũn, đang cố kiễng chân với tay để hôn ông, thì bà giữ trẻ đã nhanh nhẹn ẵm nó lên để mặt nó sát vào ông.

Khuôn mặt bà lúc này cũng càng gần ông hơn, và một bên tóc của bà xòa xuống ngay trên phía vai ông.
Một mùi thơm nhè nhẹ toát ra từ người bà cho ông chút cảm giác ngất ngây. Đã lâu lắm rồi, có đến hơn mười năm chứ ngắn ngủi gì, ông chưa nghe lại mùi đàn bà…
Ông vui vẻ đón nhận nụ hôn của các cháu mà lòng không khỏi ngẩn ngơ, tiếng bà giữ trẻ:
– Thôi để em cho mấy cháu lên nhà chơi, khi nào ông ngoại buồn thì lên chơi chung với mấy cháu cho vui nghe ông ngoại.

Ông ầm ừ, nhìn theo bà giữ trẻ và ba đứa cháu đi ra khỏi phòng, tưởng như mùi hương của bà vẫn còn phảng phất quanh đây. Bất chợt ông mỉm cười.

Đã hai hôm nay bà giữ trẻ không đến, ông Nam nghe Hân nói bà bị ốm. Hân phải nghỉ ở nhà để trông con.
Mới hai hôm vắng tiếng nói eo éo của bà mà ông đã thấy nhớ nhớ.
Tính ra bà vào nhà này giữ mấy đứa nhỏ cũng gần cả năm rồi, mọi việc trong nhà đều thay đổi từ khi có sự hiện diện của bà.
Nhà cửa ngăn nắp ra, những thằng cháu nghịch ngợm của ông ít đánh nhau hơn. Chúng hát véo von cả ngày những bài hát tiếng Anh, tiếng Việt, lại còn thích chơi vẽ tranh.

Trong căn phòng gia đình, bà Mơ làm cho chúng một góc trưng bày tranh. Những bức tranh vẽ của hai thằng Tuấn, Tú, được bà lồng vào khung đàng hoàng trông thật ngộ nghĩnh.
Có cả những hình con thú xếp bằng giấy mà ông dạy chúng làm cũng được bà treo lủng lẳng trên trần, ngó vui mắt lắm.

Dạo này bà còn dạy chúng đọc và viết chữ Việt nữa. Hôm qua, hai anh em thằng Tuấn và Tú tranh nhau đọc cho ông nghe bài thơ chúng đã thuộc lòng. Thằng em vừa cầm cuốn sách chỉ vào hình cái cây, vừa hăng hái đọc:
Hôm nay học về cây
Bài cô giảng thật hay
Rễ cây uống nhựa đất,
Như ăn cơm hằng ngày

Cây không hề biết đi
Chưa bao giờ cây nói
Cây chỉ biết thầm thì
Khi trăng lên gió thổi

Lá cây làm lá phổi
Cũng hít vào thở ra
Cành cây thường vẫy gọi
Như tay người chúng ta

Thằng Tú ngừng đọc như để nhớ lại thì thằng Tuấn đã tiếp:
Khi vui cây nở hoa,
Khi buồn cây héo lá,
Ai vặt cành bẻ hoa
Nhựa tuôn như máu ứa (1)

Lúc này, thằng Tú đang cầm cuốn sách có hình cây xanh to ngoài bìa đến gần ông. Tiếng nó cắt đứt sự nghĩ ngợi của ông về bài thơ:
– Ông “goại,” bà Mơ nói không được bứt lá, bẻ cây, cây cũng biết đau đó ông “goại.”

Nghe Tú nhắc đến bà Mơ, ông lại mơ màng nhớ đến nụ cười của bà.Tiếng thằng Tuấn tiếp:
– Cây để làm đẹp đường thôi há ông “goại”, con thuộc hết bài Cây luôn nè.
Ông Nam gật gù cười khen hai cháu:
– Giỏi quá, còn bài nào nữa không, đọc thêm cho ông nghe với?
Thằng Tuấn ngẫm nghĩ:
– Con hết nhớ rồi!
Hân đang lau bàn quay ra nhắc con:
– Hôm bữa má nghe hai đứa đọc bài “thương ông” gì đó, bài đó hay, đọc cho ông nghe đi con.
– Bài thương ông? Thằng Tú hỏi lại
Tuấn nói lớn:
– A, con nhớ rồi, dzầy nè – Tuấn đọc luôn một lèo:
Cháu yêu ông nhất trên đời
Vì ông với cháu cùng chơi suốt ngày
Sáng ông dạy cháu tưới cây
Chiều ra nhặt cỏ dại đầy sân sau (2)

Lần này cả ông Nam và Hân đều khen ngợi hai đứa bé, Hân lại gần bên Tuấn hôn lên má con nói thêm:
– Hay quá, con má thiệt là giỏi ghê.
Hân quay qua nói với ông:
– Ba thấy hông ba, từ hồi bà Mơ giữ tụi nó tới giờ, tụi nó học được nhiều cái hay quá há ba, con cũng mừng ghê đó.
Ông Nam gật đầu tán thành:
– Ừ, bà có vẻ là người có học đó nghen…

Ông chợt ngừng ngang câu nói, không biết dùng tiếp chữ nào để diễn tả được hết ý của ông về bà Mơ. Ông cảm thấy bà quả là người giữ trẻ tuyệt vời so với những người mà Hân đã mướn trước kia.
Chỉ một việc bà tập cho thằng cu Bi “bỏ tã” thôi là ông đã thấy được tính kiên nhẫn của bà đến độ nào.
 Bà nhắc nhở nó đi “pee, pee” cách hai tiếng một. Sẵn lòng ngồi chờ nó bên cạnh cái “potty chair” hồi lâu, đọc truyện cho nó nghe.
Khi nào nó đi được thì bà vỗ tay reo khen nó, lại cho nó mấy cái sticker dán vào áo để mang lên khoe ông thành tích đi “pee pee”.
Bà dỗ dành nó rất hay, nay thằng bé đã biết đi vào phòng tắm một mình. Còn chuyện tập cho chúng đánh răng sau bữa ăn nữa chứ, thật là một kỳ tích.
Không như Hân phải réo gọi con năm lần bảy lượt, thỉnh thoảng còn phải cầu viện đến sự quát tháo của ông thì chúng mới chịu đánh răng.

Ông chú ý cách bà tập cho ba thằng nhóc đánh răng giống như một trò chơi vậy. Khi chúng chải hàm răng phía trước thì bà và chúng đều đồng thanh nói chữ i, hễ đánh vào hàm răng bên trong thì cả ba cái miệng há ra chữ a, và chữ e thì để chà lưỡi.
Ba thằng bé thi nhau chà răng một cách hào hứng. Mỗi lần nhìn bà Mơ với mấy thằng cháu đánh răng, ông thấy vui nhộn quá!

Vợ chồng Hân cũng rất hài lòng và cho rằng mình đã may mắn gặp được một người giữ trẻ tốt như bà. Không những bà chỉ mang niềm vui đến cho các con của cô, mà bà còn mang lại sự vui vẻ cho cha cô.
Ông đã bớt khó tính, không sống biệt lập như trước nữa, thường chơi với các cháu và hay ăn cơm chung với gia đình Hân vào ngày cuối tuần.
Đặc biệt là ông hay hỏi Hân về bà giữ trẻ…Thấy ông chỉ gật đầu, lại dừng đột ngột sau câu nói. Hân cười tủm tỉm hỏi:
– Ba, ba thấy bà Mơ được hông ba?
Nghe con hỏi, lòng ông bỗng rộn ràng kỳ lạ, ông mỉm cười nói ngay:
– Bả dễ thương đó chứ, hồi còn trẻ chắc phải đẹp gái lắm à.
– Con cũng nghĩ vậy đó, bả 50 rồi đó ba, mà nhìn bả trẻ ghê hông, hổng biết lúc con tới tuổi 50 có được như bà Mơ hông đó, bả còn nhanh nhẹn quá trời à!
– Ờ, nhìn bả trẻ quá! Không biết bà đau ốm ra sao? Mày gọi hỏi thăm người ta chưa?
– Con gọi rồi, định chiều ông xã con về cho ảnh coi mấy đứa nhỏ con qua thăm bả một chút.
– Bà có ở gần đây không?
– Dạ gần đây nè ba, đi bộ chừng một block đường tới hà.
Ông Nam ngạc nhiên:
– Vậy sao? Rồi ông ngập ngừng -Ờ, mày…cho ba… đi thăm bả với được không?
Hân nhìn cha ngạc nhiên vài giây, rồi vui mừng nói:
– Dạ được chứ ba. Con còn ước phải chi ba với bà Mơ làm bạn lâu dài cho con vui.
Ông Nam cười ngượng nghịu:
– Ba già rồi…
Hân lại gần cha ngồi xuống nhỏ nhẹ nói:
– Ba à, má mất lâu quá rồi, ba cũng phải cần có người bên cạnh để chăm sóc bầu bạn với ba cho vui.
Nếu ba có tình cảm với bà Mơ thì con sẽ cố gắng ráp nối bả cho ba. Bà Mơ cũng goá chồng mấy chục năm nay rồi, bả ở vậy tới giờ luôn đó ba, coi bộ hoàn cảnh bả cũng đơn chiếc lắm.
Đến lượt ông Nam ngạc nhiên:
– Bà Mơ goá chồng hả? Tội nghiệp không?
– Dạ, mấy chục năm rồi…
Ông Nam ngắt lời Hân:
– Biết lòng người ta ra sao, bả đã ở vậy tới mấy chục năm nay là cũng phải có lý do. Chắc gì bả đã chịu ba mày.
– Con nghĩ chắc bả cũng có cảm tình với ba, có lần bả khen với con ba đẹp lão.

Ông Nam phì cười. Hân tiếp:
– Mà con thấy ba đi với bà Mơ xứng hơn với má…
Ông Nam đánh lên đầu Hân gắt ngang:
– Ý trời, mày nói cái gì kỳ cục vậy?

Hân biết mình lỡ lời, vội bụm miệng nói:
– À, hông, hông. Má ở dưới suối vàng tha tội cho con nghe, ý con nói là về vóc dáng bên ngoài, ba đi với bà Mơ xứng hơn, tại bả nho nhỏ, má thì cao to, ba cũng cao, mà từ hồi ba đi cải tạo về ba sa sút, gầy ốm quá, lúc sau này má bị mập bịnh nữa, nên má đi với ba không thấy ba đâu hết á.

Vừa lúc đó có tiếng la khóc của thằng cu Bi cùng với tiếng chân rượt đuổi nhau, thằng Tú chạy trước, tay cầm cái túi lụa màu tím cà trong tay vừa nói:
– Của anh mà, đâu phải của Bi.
Thằng Bi chạy theo sau anh mếu máo:
– Chả Bi, chả Bi

Cu Bi đã 2 tuổi, nhưng vóc dáng nó nhỏ như đứa bé mười mấy tháng, vì Bi sinh non gần tới 4 tuần. Thằng bé lững thững chạy theo anh, Hân chụp lấy tay con kéo lại:
– Coi chừng vấp đồ té con à, chạy đi đâu vậy?
Thằng Bi dẫy dụa đẩy mẹ ra, nó chỉ tay về phía Tú khóc nói:
– “Ang”…túi
Hân quay về phía Tú, lớn giọng:
– Tú lấy cái gì của em trả cho em đi.
Tú gào lại:
– Của con chứ đâu phải của em.
– Cái túi nào mà của con, đem ra đây cho má coi coi.

Thằng Tú dơ cao cái túi vải nhỏ lên đưa cho Hân xem từ xa. Thằng Bi nhẩy lên đòi lại, Hân nói:
– À cái túi đó bà Mơ làm cho mỗi đứa một cái mà, đem lại má coi có tên con ở ngoài hông?
– Hông có tên mà có hình con ong là của con.
– Thiệt hông? Rồi còn của thằng Bi là hình gì?
– Của Bi hình bong bóng, Bi giục mất tiêu rồi, cứ đòi của con hoài à.
Hân dỗ ngọt Tú:
– Thôi đem lại đây cho em mượn xíu đi, chút má kiếm cái của nó rồi trả lại cho con.

Thằng Tú lắc đầu nói: Hông. Cu Bi lại giẫy lên đành đạch. Ông Nam nhìn cái túi nhỏ thằng Tú đang đong đưa trong tay. Ông dỗ thêm:
– Đưa cho em mượn đi con, lát nữa ông dạy con xếp cái máy bay.
Thằng Tú vẫn lắc đầu: Hông, em cũng có mà!. Ông Nam đứng lên đổi giọng cứng rắn:
– Ông nói cho em mượn để má mày đi kiếm cái của em sau, mau đi.
Thằng Tú vẫn phụng phịu không chịu. Ông Nam chợt quát:
– Mau cho em mượn, nó khóc hoài nhức đầu lắm biết chưa?

Thằng Tú giật mình sau tiếng quát của ông, nó bước tới đưa cái túi cho em. Ông Nam nhìn chăm chú cái túi lụa tím mềm mại, nhớ đến hình ảnh bà Mơ hôm nào trong chiếc áo bà ba lụa màu tím hoa cà, cũng cùng một loại vải như cái túi lụa trên tay thằng cháu ông hiện giờ.
Ôi, lúc đó, trông bà sao dịu dàng, trẻ trung quá! Chiếc áo may vừa khít với thân hình nhỏ nhắn, thon gọn của bà.
Ông xúc động nhìn chiếc áo bà ba như được nhìn lại hình ảnh cô gái Việt Nam ở quê hương Bến Tre của ông mấy chục năm trước.
Ông ngắm mãi từng sự di chuyển của Mơ từ nhà bếp ra phòng khách cho ðến lúc bà ngồi xuống chiếc ghế sofa đối diện với ông, thì thằng cu Bi đã nhảy lên lòng bà, bá lấy cái cổ trắng xinh đòi bà cho nó chơi đứng lên, ngồi xuống trên đùi bà như mọi lần.

 Chiều Cu Bi, bà xốc nách thằng bé cho nó nhảy hai ba lần. Sau một hồi, không muốn bà giữ nó trong tay, nó làm động tác đứng lên, ngồi xuống một mình.
Làm được hai lần nó thích thú cười vui, nhưng đến lần thứ ba, nó hụt một chân ra ngoài, té ngồi xuống, hai tay nắm lấy cái cổ áo bà ba tròn của bà, bất ngờ làm bung hết mấy hàng nút bấm trước ngực áo.

Sự việc xảy ra quá bất ngờ, quá nhanh khiến ông Nam giật thót mình. Vì lịch sự, ông quay mặt nhìn đi nơi khác, nhưng trước khi quay đi ông đã liếc nhanh qua khoảng ngực trắng hồng ẩn dấu sau cái áo ngực cũng màu tím cà có viền ren rất đẹp…
Bà Mơ đã nhanh tay túm ngực áo lại và đặt thằng cu Bi sang bên cạnh. Ông nhìn theo dáng bà chạy nhanh vào phòng trong mà lòng bỗng nhiên rạo rực đến khó tả.

Hình ảnh hấp dẫn kia vẫn ám ảnh ông mỗi khi ông nhìn thấy cái túi lụa màu tím cà, dù ông chỉ được chiêm ngưỡng trong vài giây ngắn ngủi …
Dạo này ông vẫn thường nằm mơ về bà Nam hồi còn sinh tiền, thuở bà gồng gánh đi thăm ông mãi tận trại Phú Yên xa xôi.

 Có khi ông lẫn lộn bà Nam ra hình ảnh bà Mơ thật hiền hoà, dịu ngọt chứ không nóng nảy, gắt gỏng.
Nhớ lại những năm bà Nam đau ốm, sự nóng nảy cáu gắt của bà càng tăng cao.
 Suốt mấy chục năm sống với nhau, ông thường là người nhẫn nhịn nhiều để cho bà vui. Và cũng vì biết ơn tấm lòng tận tụy, hy sinh cho chồng của bà.
Ông xót xa nghĩ đến những ngày bà sắp phải xa ông trong căn bệnh ung thư gan vào giai đoạn cuối.
Đau đớn hành hạ thân xác làm bà rên xiết, khóc lóc, thảm thiết quá, mà ông thì không thể làm gì giúp bà qua cơn đau được…
– Ba ơi, đi thăm bà Mơ để trời tối bả ngủ đó.
Tiếng Hân bên tai kéo ông về thực tại.
– Ủa, ba khóc hả ba? Ba buồn nhớ má nữa hay sao vậy? Hân lo ngại hỏi
Ông Nam lắc đầu, đứng lên:
– Thôi đi.
Đến đón trẻ ở trạm school bus hàng ngày trong khu phố là vài khuôn mặt phụ nữ Việt Nam, Mỹ, Mễ. Họ biết Mơ là một người giữ trẻ như lời tự giới thiệu của nàng.

Về cuộc sống riêng, họ biết thêm nàng goá chồng, không con cái, ở thuê một căn phòng nhỏ của hai vợ chồng già cách nhà Hân một block đường đi bộ.
Thật ra, Mơ hãy còn độc thân, do không muốn ai biết mình là “gái già” hoặc bị mang tiếng “ế” mấy chục năm nay.
Mơ phải nói dối với mọi người mình góa chồng, còn “bịa” thêm chồng mình hồi xưa đi lính đã hy sinh trong trận chiến An Lộc vào năm 72 mùa hè đỏ lửa.
Nói vậy cho oai và còn được tiếng là “chung thủy”, “chính chuyên” hơn là tiếng “ế”.

Mơ dọn đến đây từ thành phố Ignacio nhỏ bé ở phía Nam tiểu bang Colorado, một thị trấn biệt lập của người thổ dân Ute.
Mơ đã sống lạc loài ở đó hơn mười năm trời với nghề dạy trẻ. Thời gian đầu, Mơ chỉ định dạy 3 năm như sở giáo dục liên bang đã qui định để được miễn trả lại tiền học.

Nhưng sau 3 năm, Mơ không xin được việc ở thành phố nào khác, đành phải an phận nơi vùng hẻo lánh ấy. Thời gian cùng tuổi xuân cứ trôi đi lặng lẽ bên cuộc sống hết sức buồn tẻ và cô đơn của Mơ.
Ngoảnh lại thấy mình mới đó đã tới tuổi năm mươi rồi! Năm mươi mà như “còn ngơ ngác, giữa giòng đời cuốn xô…” đúng là “một đời quẩn quanh giành tranh chẳng qua một chớp mắt…” (3)
Và, khi tuổi đời càng lớn, sự chống trả với cô quạnh càng yếu đi, lòng hăng say nhiệt tình trong công việc cũng giảm sút.

Ước muốn về những nơi có đông người Việt sinh sống đã cho Mơ sự cương quyết ra đi, dẫu chưa biết mình có dễ dàng tìm việc làm ở chỗ mới hay không.
Sẵn có thêm sự thuyết phục của ông Thanh, người anh trai cả, nên một ngày hè, Mơ đã khăn gói về Nam Cali này sống với anh.
Ở với anh chị một thời gian ngắn, cảnh chị dâu, em chồng không thuận thảo làm Mơ cảm thấy ngột ngạt với không khí “mất tự do”.
Chị Thanh, tính nết khó khăn, độc tài, thích điều khiển mọi việc trong nhà theo ý mình. Mơ thường bị chị la mắng và nói bóng gió về chuyện “ ăn bám” sẽ kéo dài không biết đến bao lâu của Mơ.
Anh Thanh rất hiền nhưng lại sợ chị Thanh, anh không dám nói đỡ cho Mơ câu nào chỉ an ủi Mơ sau lưng vợ.

Mơ thương anh, không muốn anh phải khó xử giữa vợ và em gái, cũng không muốn là gánh nặng cho anh, khi anh và chị đều đã nghỉ hưu.
Mơ đành phải dọn ra ngoài ở riêng. Ra sống riêng, Mơ gặp không ít khó khăn của người từ thành phố nhỏ đến sinh sống ở thành phố lớn, khó khăn nhất là lái xe.

Trước kia, ở thị trấn Ignacio nhỏ bé, Mơ đi làm rất gần nhà, lái xe chỉ mất khoảng 10 phút, đi chợ thì chưa đến 15 phút.
 Đường phố nhỏ hẹp, vắng lặng, từ 3 giờ chiều trở đi trên đường chỉ lác đác vài chiếc xe chạy.
Khác với Wesminster này, đường xá thênh thang, xa lộ dọc ngang, xe chạy ào ào. Mơ cố gắng thi lại bằng lái Cali mà vẫn còn nhút nhát chưa dám lái xe ra xa lộ lớn.
Đã có mấy chỗ Mơ xin việc quá xa, định nhờ anh Thanh mà lại ngại ánh mắt khó chịu và lời chì chiết của chị dâu:
– Ôi dào, học nghề gì không học, lại đi học “ baby sit” tốn kém mà chẳng kiếm được bao nhiêu, lại phiền hà cho người khác.

Mơ đành thôi, phải cố tìm cách giải quyết khó khăn một mình. Mơ đọc báo để tìm người thuê giữ trẻ, may ra có tiền chi phí ăn ở cho thời gian đầu, sau đó sẽ tính cách khác.
Chặng đường đi xin việc giữ trẻ cũng gay go không kém. Mơ gặp những cặp vợ chồng Việt Nam khó tính, chẳng ai muốn tin vào bề dày kinh nghiệm dạy trẻ của nàng.
Người ta quan niệm “giữ trẻ” nghĩa là một “baby sitter” thực thụ, chứ không ai cần người “dạy trẻ”.
Vì thế, nếu Mơ nói chuyện bằng cấp trong lúc mấy bà mẹ phỏng vấn mình chỉ là vô ích khi kinh nghiệm giữ trẻ tại nhà Mơ chưa hề trải qua, mặc dù nó chẳng có gì là khó.

Cũng có vài gia đình muốn Mơ giữ trẻ kiêm luôn việc đưa đón con họ đi học, nhưng Mơ ngại lái xe xa, lại chưa biết đường xá nên không dám nhận.
Một tháng trôi qua nhanh, tiếp tới tháng thứ hai, tháng thứ ba, tiền nhà đã phải chi hết một phần tư số tiền dành dụm rồi mà việc làm chưa tìm được.
Mơ bắt đầu lo lắng định dọn về ở với anh Hoàng, anh kế của Mơ, song nghĩ đến tính khí khó khăn, hay la mắng của anh, Mơ lại tự ái đành lắc đầu, thôi vậy.

Mơ chỉ có hai ông anh mà tính tình hoàn toàn khác nhau, anh Thanh hiền thì chị vợ dữ, còn anh Hoàng được chị vợ hiền thì tính khí anh nóng nảy, cau có, khó chịu với vợ con, với em. Thật khổ thân!
Tuy thương anh, Mơ chẳng muốn sống chung với các anh chút nào. Có lẽ do cuộc sống quá bận rộn, nhiều lúc cả hai ông cũng quên mình còn một đứa em gái nhỏ.

Mơ mất mẹ từ thuở lọt lòng, sinh ra Mơ khó khăn ở tuổi đã lớn, mẹ qua đời sau một cơn băng huyết nặng.
Mơ lớn lên trong sự nuôi nấng của cha và anh. Mơ thở dài nghĩ; phải cố thôi, mình đã tự lập mười mấy năm nay rồi, chẳng lẽ bây giờ đành chịu thua sao?
Rồi dịp may cũng vừa đến cho Mơ vào tháng thứ tư, Mơ gặp được vợ chồng Hân đang cần người giữ ba đứa trẻ và họ đã nhận Mơ ngay không đắn đo, không hề đòi hỏi ở Mơ điều kiện gì.

Hân kể cho nàng nghe nỗi lo lắng của cô về ba thằng con trai, trước kia không người giữ trẻ nào giữ con cho Hân quá 6 tháng. Họ thường than phiền ba đứa bé quá nghịch phá, và lì lợm.
Hân cũng lo rồi Mơ sẽ bỏ đi như những người giữ trẻ trước.

Mơ trấn an bà mẹ trẻ rằng nên hiểu con trai đứa nào cũng hiếu động nghịch phá, đó là sự phát triển tự nhiên của chúng.
Nếu có phương pháp đưa những trò chơi hữu ích như tô vẽ, chơi nặn đất sét, chơi cát, chơi nước, chơi cờ hình v…v …đến với chúng, làm cho chúng thật bận rộn thì sự phá phách sẽ giảm bớt.
Mơ cũng cho Hân biết là mình có đến 4 thùng đồ chơi, và nhiều dụng cụ làm thủ công, cũng như màu nước để sơn, vẽ, làm Hân yên tâm ngay.

Khi Mơ bắt đầu làm quen với ba đứa trẻ, nàng cũng gặp nhiều khó khăn, vất vả để chỉnh đốn một nề nếp ăn, ngủ, chơi, học giống như trong lớp vậy.
Biết thằng Tuấn rất ham mê chơi game trên computer. Mơ tìm tòi những game về toán và tập đọc cho Tuấn chơi.
Thấy nó có vẻ chán, Mơ thuyết phục mãi và phải tưởng tượng thêm ra những câu chuyện cho mỗi game để hướng sự chú ý của thằng bé vào trò chơi.

Mơ chỉ hạn chế giờ chơi game trên computer là 15 phút mỗi ngày, và thường dùng thời gian chơi game như một phần thưởng cho thằng Tuấn khi nó làm xong bài tập ở nhà.
Còn hai thằng bé thì cũng được chơi theo giờ, Mơ cũng thường cho chúng sự lựa chọn trò chơi và khi chơi xong, Mơ luôn nhắc nhở chúng tự dẹp đồ chơi cho ngăn nắp.
Dần dần ba đứa trẻ đã vào nề nếp, Mơ nhận thấy chúng đã không quá quậy phá, hay lì lợm như Hân đã nói. Trái lại đó là ba đứa bé trai lém lỉnh, hiếu động, biết nghe lời.

Mơ thấy chúng thật đáng yêu, nhất là thằng cu Bi cứ đi theo Mơ như cái đuôi. Tội nghiệp thằng bé sinh thiếu tháng, hai tuổi mà nhỏ xíu con, vậy đó, mà leo trèo chạy nhảy nhanh như con chuột.
Việc đưa đón Tuấn đi học kindergarten cũng rất tiện lợi. Buổi sáng Mơ dắt nó ra trạm xe “school bus” cách nhà khoảng nửa block đường đứng chờ xe đến, rồi trưa lại ra trạm đón Tuấn về.
Chỉ có điều trở ngại cho Mơ là ông Nam, một “grandpa” khô khan, khó tính đến tội nghiệp! Thấy ông cứ lặng lẽ giam mình suốt ngày trong căn phòng tối om và yêu cầu sự yên tĩnh.
Ông không hiểu rằng nhà có trẻ con thì làm sao mà giữ yên tĩnh được, nhất là con trai.

Thỉnh thoảng, Mơ bắt gặp ông ngồi ngoài vườn sau, đôi mắt nhìn xa vắng. Hình ảnh đó, gợi cho Mơ nhớ đến cha mình đã sống một thời gian dài trong cảnh gà trống nuôi con.
Cha cũng buồn và hay ngồi im lặng một mình như thế để nhớ đến mẹ. Những lúc đó, Mơ phải cho ba thằng bé ngồi đọc sách và cố gắng giữ yên tĩnh lâu được chừng nào hay chừng ấy.
Song, rất khó lòng để giữ ba thằng con trai ngồi yên lâu, thế nên khi chúng bắt đầu chán đọc sách thì Mơ phải ra thuyết phục ông Nam tham gia vào những trò chơi với mấy đứa cháu cho vui.

Lúc đầu ông hay viện cớ mệt mỏi để từ chối, rồi càng về sau Ông Nam cũng đồng ý, ông kể chuyện cho chúng nghe, dạy chúng xếp hình, Tuấn rất thích xếp hình với ông.
Nhìn mấy ông cháu ngồi chơi bên nhau, Mơ cũng thấy vui lây, nàng thường nhân cơ hội đó lấy máy hình chụp lia lịa những tấm hình ông cháu cùng chơi, rồi âm thầm làm một cuốn scrapbook riêng cho mỗi đứa, để chúng đem ra khoe với ba má và ông ngoại. Vợ chồng Hân và ông Nam thích lắm.

Sống một mình đã lâu, chưa lần nào bị bịnh kéo dài đến mấy ngày như thế này. Mơ cảm thấy lo sợ cho những ngày sắp tới nếu cơn bịnh tái phát, mà mình vẫn đơn chiếc một mình một bóng trong căn phòng nhỏ.
 Đã ba hôm nằm bẹp trên giường, toàn thân đau nhức, Mơ không nhúc nhích nổi, đói, khát không biết kêu ai. Mơ không muốn làm phiền đến hai anh mình, nghĩ hai anh đã đều lớn tuổi đâu có giúp gì được nhiều cho Mơ.

Hôm qua, hai cha con ông Nam đến thăm Mơ bất ngờ khiến nàng cảm động quá. Chưa bao giờ Mơ thèm muốn một không khí gia đình như lúc đó.

Nhìn cử chỉ lo lắng và ánh mắt thương cảm của ông Nam, Mơ càng tủi thân cho phận cô đơn của mình.
Lại chợt nhớ đến buổi chiều nào thằng cu Bi làm đứt nút áo Mơ trước mặt ông ngoại nó, một sự mắc cỡ ngượng ngùng lan toả trong người Mơ nóng ran như thể nàng bị lên cơn sốt nhiều hơn.
Người Mơ đang sốt thật đây mà. Mơ thấy miệng mình khô rát và đắng nghét, nàng cố ngồi dậy mà vẫn không được.
Cái đầu đau, tay chân cũng đau. Mơ cảm giác như có ai đặt tay lên trán mình.
Trong cơn đau nhức, đôi mắt Mơ sao nặng đến nỗi không mở ra được, bên tai nàng nghe loáng thoáng tiếng đàn ông nói chuyện, Mơ cố lắng nghe mà không nghe rõ, rồi một lúc Mơ thiếp dần đi.

Ông Nam cẩn thận đặt tô cháo nóng vào cái giỏ mây, lấy thêm vài cái khăn giấy, muỗng. Hân đưa thêm cho ông một túi cam và nói:
– Ba nhớ ép bà Mơ ăn nghe ba, trời ơi, nhà gì mà tủ lạnh trống lốc hà.Tội nghiệp bà quá há ba.
– Ờ, mới bịnh có mấy ngày mà coi bà xanh xao quá.
– Ba, ba nhớ hỏi bà Mơ vụ dọn về ở chung với mình nghen ba, nhà mình dư phòng đó, thấy bà ở có một mình tội quá.
Ông Nam gật gù, Hân lại hối:
– Thôi ba đi qua bà Mơ lẹ đi, để thằng Cu Bi thấy nó đòi theo nữa.

Ông Nam ờ ờ, trước khi đi ông không quên bước vào phòng tắm, ngó sơ qua diện mạo của mình, sửa cặp kính và vuốt lại mái tóc trắng. Ông nghĩ bụng, con Hân này cũng tâm lý quá đi chứ, bữa nay giao cho ông đem cháo qua thăm bà Mơ một mình.
Thiệt tình ông rất vui mà cũng rất hồi hộp, ông bước ra cửa rồi, Hân còn nói vói theo:
– “Take time” nghe ba.

Nghĩ đến hình ảnh Mơ hôm qua, khuôn mặt trắng xanh mệt mỏi, đôi môi khô vẫn ráng nở nụ cười đón hai cha con ông đến thăm. Nụ cười khô héo ấy lộ ra cái răng khểnh duyên dáng đã cuốn hút ông say đắm lẫn xót xa trước vẻ tiều tụy của nàng.
Ông mỉm cười, từng bước chân như vui theo sự rộn rã trong lòng làm ông đi nhanh hơn.

Ngang qua công viên, thấy vài người đứng chơi với đám trẻ, ông vui vẻ chào họ. Ông đi theo con đường quanh co phía sau công viên, tới bảng stop 4 chiều, rồi băng sang đường, quẹo trái, đi qua 3 căn nhà nữa, là đến cái nhà gạch, mái nâu, cửa trắng.

 Nơi Mơ ở là căn phòng nằm phía sau nhà, có lối đi riêng rẽ qua mảnh vườn nhỏ. Đứng trước cửa phòng của Mơ, ông ngạc nhiên thấy cửa chỉ khép hờ, thấp thoáng có bóng người đàn ông bên trong. Ông Nam ngần ngại tự hỏi, ông nào trong nhà Mơ thế? Hay là bạn trai Mơ? Ông lúng túng, chợt thoáng buồn…

Ngập ngừng một lát, ông định quay về nhưng lại tiếc không được gặp Mơ thì sợ thêm một tối mất ngủ vì nhớ nàng… Ông nói thầm, nhất quyết phải vào thăm Mơ mới được, coi lão kia là ai, rồi đưa tay gõ nhẹ cánh cửa, không có tiếng trả lời. Ông gõ thêm tiếng nữa, vẫn im lặng. Ông lấy làm lạ, liền mạnh dạn đẩy cửa bước vào, ông đụng ngay người đàn ông sau cánh cửa. Hai ông già nhìn nhau lạ lùng, Ông Nam nghĩ thầm: Trời, không lẽ bạn trai Mơ lại già như vầy sao? Người đàn ông trong nhà Mơ cất tiếng hỏi:

– Xin lỗi ông muốn tìm ai?
Ông Nam ngập ngừng nói:
– À,.. tôi qua thăm bà Mơ…
Người đàn ông ngắt giọng:
– Thăm Mơ, ông là bạn của Mơ à?
Ông Nam thấy khó chịu trước câu hỏi của người đàn ông, nhưng cũng bình thản trả lời:
– À không, Mơ giữ mấy đứa cháu ngoại nhà tôi, nghe bà bị ốm từ hôm qua đến giờ, con gái tôi nấu tô cháo nhờ tôi mang qua cho Mơ đây.

Người đàn ông ồ lên một tiếng thật to, rồi vui vẻ chìa tay ra trước mặt ông Nam nói một hơi:
– Hân hạnh được biết ông, thật là quí hóa quá. Tôi là Thanh, anh trai của Mơ. Thế ra ông cũng là người quen với Mơ nhà tôi, nó hay kể chuyện gia đình ông cho tôi nghe lắm, nó khen gia đình ông rất tốt với nó, nào mời ông vào chơi.
Ông Nam sững sờ vài giây, rồi bắt tay người đàn ông vui vẻ nói:
– A, cũng hân hạnh được biết ông, tôi không biết Mơ có anh trai ở đây, bà không bao giờ nói chuyện về gia đình hết.
Ông Thanh vừa kéo ghế, vừa nói:
– Ôi, cái tính Mơ thế đấy, kín đáo lắm, đấy ông xem, cái thân nó ốm không biết mấy hôm rồi mà nào có gọi báo cho tôi. Nhân tôi chở bà nhà đi làm tóc, ghé qua đây thăm mới biết nó ốm.
Ông Nam đặt chiếc giỏ mây lên bàn nói:
– Bà Mơ bịnh ba bốn ngày nay rồi, hôm qua tôi với đứa con gái có ghé thăm.

Bà mệt không nói chuyện nhiều được. Mấy đứa cháu tôi nhớ bà lắm, cứ hỏi chừng nào bà Mơ hết bịnh tới chơi với tụi nó.
Ông Thanh nói giọng lo lắng:
– Thế à, bịnh mấy hôm rồi cơ đấy, thật khổ thân.

Rồi hạ giọng thân thiết ông tiếp Vâng, nó thích trẻ con lắm. À, Mơ nhà tôi so với chúng ta hãy còn nhỏ, nó cũng chưa bao giờ lập gia đình, ông gọi tên em nó nghe thân mật hơn, gọi bà làm chi nghe trịnh trọng quá. Tôi cũng mừng cho em tôi gặp được một gia đình tốt như gia đình ông.

Ông Nam ngạc nhiên hỏi:
– Ủa, ông nói Mơ chưa bao giờ lập gia đình, vậy sao tôi nghe là bà góa chồng?
Ông Thanh bật cười:
– Mơ nói với ông thế à? Nó hay mặc cảm tiếng ế, nên cứ bịa đặt vớ vẩn. Em tôi hiền lành lắm có giao tiếp nhiều đâu mà quen ai, số phận nó cũng hẩm hiu quá.
Rồi ông chặt lưỡi lắc đầu – thấy nó ốm tôi thật xót xa!

Ông Nam gật đầu như có vẻ đồng tình mà trong lòng ông vẫn chưa hết ngạc nhiên, một sự ngạc nhiên đang trộn lẫn với nỗi vui mừng.
Ôi, Mơ không phải là góa phụ, lại chưa bao giờ có chồng. Thật còn gì hạnh phúc hơn cho ông nữa nếu như…Ông dừng lại ý nghĩ này rồi lắc đầu tự trách mình: Biết ra sao ngày mai mà nghĩ vu vơ.

Mình ước mơ đơn giản chỉ cần được thấy mặt bà giữ trẻ mỗi ngày là đủ vui rồi. Nghĩ đến đây, ông Nam liền nói:
– Tôi cũng thấy tội cho Mơ đơn độc một mình. Nhà tôi có dư một phòng trống, chúng tôi muốn Mơ dọn đến ở chung cho vui.
Mấy đứa nhỏ nhà tôi thương Mơ dữ lắm. Mà chắc Mơ cũng ít liên lạc với ông hả?
– Nếu được vậy thì tốt quá, tôi cám ơn gia đình ông đã lo cho em tôi. Nói nào ngay, nó sợ bà nhà tôi, bà ấy thì hơi khó tính mà nó lại tự ái nên ít khi nó liên lạc với tôi lắm.

Ông Nam hướng mắt vào phía trong hỏi:
– Hôm nay Mơ đỡ chưa ông? Xin phép ông để tôi đem cháo vô cho Mơ nghe, cháo hãy còn nóng …
– Vâng, ông cứ tự nhiên, để xem nó thức chưa, tôi đến đây nãy giờ thấy Mơ có vẻ yếu lắm, không muốn ngồi dậy, nói được vài câu rồi lại thiếp đi.
Hai người đàn ông cùng bước vào phòng trong, Mơ vẫn nằm thiêm thiếp trên giường. Ông Thanh đưa tay sờ trán Mơ lẩm bẩm nói:
– Vẫn còn nóng quá thế này!
Rồi ông vỗ nhẹ vào vai Mơ gọi:
– Mơ ơi, dậy đi có khách tới thăm đây này.

Mơ giật mình nhướng đôi mắt lên, mí mắt như đã nhẹ, cảm giác đau đầu cũng bớt, chớp chớp đôi mắt vài cái. Mơ mở hẳn mắt ra, nhìn thấy ông Thanh, Mơ vui mừng, giọng yếu ớt hỏi:
– Anh Thanh, đến hồi nào vậy?
– Đến từ nãy giờ rồi, cô ốm đau thế nào mà không gọi cho anh biết hả?
Mơ nói nhỏ:
– Em bị cúm xoàng thôi mà.
– Xoàng cái gì, lúc tôi đến cô ngồi dậy không nổi, cứ nhắm mắt ngủ thôi, rồi ông nắm tay ông Nam lại gần – nhìn này, xem người quen nào đây.
Mơ nhìn ông Nam mỉm cười chưa kịp lên tiếng thì ông đã hỏi:
– Bữa nay Mơ thấy trong người khỏe được chút nào không?
– Dạ em cũng đỡ đau chút rồi.
Vừa trả lời xong, Mơ cảm thấy ngượng ngùng khi nằm trước mặt hai ông, liền chống tay ngồi dậy. Ồng Thanh đỡ vai Mơ hỏi:
– Cô ngồi được không hay cứ nằm đi, người cô còn nóng quá đây này.
Ông Nam nói thêm:
– Ồ phải đó, nếu Mơ còn mệt thì cứ nằm, để tôi hâm cháo cho Mơ nghen?
Mơ đẩy tay anh ra nói:
– Dạ không sao, em nằm ba ngày nay rồi, em muốn dậy đi ra ngoài, để em đi rửa mặt cho tỉnh táo cái đã, hai anh ra ngoài ngồi chờ em chút đi, em ra liền.

Cả hai ông gật đầu, rồi bước ra phòng ngoài ngồi tiếp tục trò chuyện. Ông Thanh hỏi thăm ông Nam về gia đình con cái, được biết ông Nam qua Mỹ theo diện H.O, ông Thanh lộ vẻ vui mừng vì cùng có bạn nhà binh.
Hỏi ra thì mỗi người một binh chủng khác nhau. Ông Thanh trước kia là phi công trực thăng, còn ông Nam thì đi lính Biệt Động Quân.
Hai ông kể với nhau chuyện binh nghiệp và chuyện tù cải tạo. Ông Thanh hào hứng nói, trong khi ông Nam lâu lâu mới góp vài câu. Vì lúc này lòng ông đang bận nghĩ đến Mơ, ông không có hứng thú để ôn chuyện binh nghiệp, dù rằng kỷ niệm một thời gian lao chinh chiến vẫn luôn theo ông trong từng nỗi nhớ.

Giữa lúc ông Nam đang mơ màng đến Mơ thì nàng bước ra. Ông sững sờ nhìn Mơ không chớp mắt. Mơ thật xinh xắn, dịu hiền trong chiếc áo bà bà lụa màu huyết dụ, làm nổi bật lên làn da trắng xanh, mái tóc kẹp gọn gàng phía sau tôn thêm vẻ thanh nhã của Mơ.
Chiếc quần đen tha thướt theo từng bước đi chầm chậm, trông vẻ của Mơ hãy còn yếu lắm. Ông Nam nhanh nhẹn kéo chiếc ghế gần bên cho Mơ:
– Mơ ngồi đây đi!
Vừa lúc ấy tiếng cell phone của ông Thanh reo, ông vội vàng móc phone trả lời:
– Hello, bà xong rồi hả…được rồi, tôi đến ngay.
Mơ ngồi xuống ghế run giọng hỏi anh:
– Chị gọi hả anh?
Ông Thanh gật đầu:
– Ừ, anh phải đi đón chị đây, tối rảnh thì anh ghé chơi nhé, ráng nghỉ ngơi uống thuốc cho mau hết bịnh.
Quay sang ông Nam, ông Thanh chìa tay ra lần nữa:
– Thôi ông ở chơi với Mơ nhé, tôi phải đi đây, lệnh của bà là phải thi hành ngay không thì lại nghe lải nhải buốt tai lắm.
Ông Nam cười khà khà bắt tay ông Thanh, Mơ loạng choạng đứng dậy bước theo anh:
– Tối anh nhớ đến nghe.
– Ừ, có cần gì không, tối anh mang đến luôn.
Mơ lắc đầu:
– Anh đến chơi là em vui rồi, anh rủ thêm anh Hoàng tới thì vui nữa khỏi cần mang cái gì cho em.
Ông Thanh ôm vai em gái:
– Ừ, tối anh mang máy đo áp huyết sang đo cho cô, ráng giữ sức khỏe nhé, nghỉ ngơi là cần thiết đấy.

Mơ dạ nhỏ, nhìn theo anh đi ra cửa. Thấy cảnh bịn rịn của Mơ ông Nam càng xốn xang, lòng dậy lên một nỗi thương cảm.
Mơ thật nhỏ bé trong tay ông anh già, nhìn cứ ngỡ như là hai cha con, vì trông vóc dáng và khuôn mặt của Mơ, ông Nam vẫn thấy một nét trẻ trung nào đó, khó tin được Mơ là một phụ nữ đã 50 tuổi.

Ông buột miệng hỏi:
– Chắc Mơ là em út trong nhà hả?
Mơ vừa ngồi xuống ghế vừa hỏi:
– Dạ, sao ông ngoại đoán hay vậy?
– Tại tôi thấy ông Thanh lớn hơn Mơ rất nhiều.

Giọng Mơ buồn buồn:
– Dạ, ai nhìn em với anh Thanh cũng tưởng là hai cha con, tại lúc anh Thanh 18 tuổi thì em mới ra đời. Nghe anh kể, lúc đó mẹ lớn tuổi rồi, sức khỏe yếu lắm nên vừa sanh em xong là mẹ chết.
– Ồ, tội quá hả, vậy là ông ấy lớn hơn tôi 3 tuổi.
– Dạ, chắc ông ngoại bằng tuổi anh Hoàng của em rồi, anh Hoàng năm nay 65 tuổi.
Ông Nam gật gù:
– Ừ, vậy thì bằng tuổi tôi đó. Ủa, mà sao ông anh của Mơ nói giọng Bắc, còn Mơ thì nói giọng Nam?
– Dạ, ba mẹ em người Bắc, em sinh ở Saigon, lớn lên đi học chơi với bạn người Nam không à, nên em nói giọng Nam luôn.
– Mơ thấy trong người ra sao? Hân có nấu cháo cho Mơ, để tôi hâm, cháo nguội rồi.
– Dạ, em cũng đỡ rồi, chỉ còn hơi đau hai vai chút thôi.
Nhìn ông Nam loay hoay với tô cháo, Mơ cảm động nói:
– Thôi ông ngoại à, khỏi cần hâm làm chi để em ăn luôn cũng được, em đang đói đây.
– Ờ vậy hả, cháo vẫn còn ấm đây mà.

Ông Nam đưa tận tay Mơ cái muỗng, âu yếm nhìn nàng nhè nhẹ múc từng muỗng cháo ăn. Nhưng nhấp được vài muỗng, Mơ đậy nắp tô cháo lại, ông Nam lo lắng hỏi:
– Sao vậy, Mơ không thích cháo hả?
Mơ lắc đầu ngao ngán nói:
– Dạ không phải, miệng của em đắng quá, ăn gì cũng không thấy ngon, cứ cảm giác ngán …
Ông Nam ngắt giọng Mơ:
– Ngán thì cũng phải ráng ăn mới có sức mà mau khỏe để còn lại chơi với tụi nhỏ chớ, mấy đứa cứ nhắc Mơ hoài.
– Dạ, em cũng nhớ thằng cu Bi quá!
– À, Mơ nè, bên nhà có dư phòng đó, vợ chồng Hân muốn Mơ dọn qua ở chung cho vui, Mơ khỏi lo tiền nhà.
Mơ tròn mắt nhìn ông Nam, sự xúc động trào lên trong cổ nghèn nghẹn, Mơ run run:
– Thiệt hả ông ngoại…

Nhìn đôi mắt đen như hột nhãn mở to của Mơ, một cảm giác êm dịu nhẹ nhàng, lâng lâng như ông đang ở trong một khung trời xanh dưới bóng mát của hàng mi dài, bỗng ước sao mình có thể đặt lên đôi mắt ấy một nụ hôn thay cho câu trả lời.
Ông mạnh dạn nắm bàn tay Mơ xoa nhè nhẹ:
– Mơ à, cả tôi cũng muốn Mơ dọn qua ở nữa, mấy bữa nay tôi cũng như mấy đứa nhỏ ở nhà nhớ Mơ lắm…

Mơ ngượng ngùng rút tay lại, nhưng ông Nam đã giữ chặt tay Mơ trong tay ông. Hơi nóng từ ông truyền sang Mơ, chạy dọc lên cánh tay, qua bả vai và lan vào tim chút gì hồi hộp, không phải.
Chút nồng nàn sao đó, không phải, chút thân tình ấm áp, có lẽ.
Trong đôi mắt nhăn nheo sau cặp kính trắng ẩn chứa một sự ngắm nghía say sưa, đắm đuối mơ màng. Mơ thấy lúng túng trước cái nhìn của ông, liền quay mặt về phía cửa sổ, Mơ nghe tiếng ông dịu dàng hỏi:
– Mơ bằng lòng về ở chung với gia đình tôi chứ?

Gia đình, hai chữ ấy sao nghe ấm cúng lạ thường, vậy mà hơn nửa cuộc đời rồi Mơ vẫn chưa tìm được hai chữ ấy cho riêng mình.
Nó mãi chỉ là một ước mơ, một giấc mộng đẹp với những đứa trẻ xinh xắn vây quanh…
Bây giờ được nghe hai chữ ấy bên tai, Mơ thấy lòng mình đang nở ra một niềm vui trong sự xúc động. Tiếng ông Nam hỏi tiếp:
– Sao Mơ lại nói dối mình góa chồng làm gì?

Mơ giật mình nhìn ông Nam, đôi mắt thể hiện sự tò mò trên khuôn mặt và cái miệng cười cười của ông làm Mơ bối rối nghĩ: Chắc anh Thanh nói chuyện mình cho ông ta nghe rồi…
Mơ cụp mắt xuống ấp úng:
– Tại …em…không muốn…người ta nghĩ là…em có… “something wrong “ vì từng tuổi này mà hãy..còn..độc thân.
– Ai mà nghĩ kỳ vậy, theo tôi, Mơ là một người rất… đặc biệt.. rất… đáng yêu.

Mơ lại quay mặt ra phía cửa sổ, dấu sự thẹn thùng và làm như không nghe lời ông Nam nói.
Nắng chiều đang dịu bớt sức nóng ngoài vườn sau, một ngọn gió thổi qua lay nhẹ những tán lá xanh chao nghiêng.

Trên nhánh cây xanh gần bên khung cửa, một con chim Robin từ đâu sà xuống đậu, nó ngơ ngác nhìn quanh rồi cất tiếng hót.
Ô lạ chưa, một con chim Robin khác cũng vừa bay đến đậu gần nó. Mơ vỗ nhẹ tay ông Nam rồi đứng lên nói:
– Ông ngoại lại đây coi hai con Robin dễ thương lắm đây nè.
Không đợi ông trả lời, Mơ kéo ông đến khung cửa sổ nói giọng vui vui:
– Ông ngoại biết không, con chim này ngày nào nó cũng bay tới đây có một mình thôi. Em hay để nước với bánh mì khô cho nó ăn, rồi nó bay đi, hôm nay sao lại có hai con bay đến cùng lúc, hay là nó đã tìm được bạn. Ông ngoại thấy không?

Ông Nam nhìn đôi chim ngẫm nghĩ; sao lại có sự trùng hợp đến thế, ở vườn sau nhà ông cũng có một con chim Robin bay đến đậu trên nhánh cây đơn độc mỗi sáng…
Nhiều khi nhìn vẻ cô đơn của con Robin, ông nhớ đến câu thơ: “con chim lẻ bạn bên đời quạnh hiu” (4) mà cảm thấy buồn buồn. Ông nghe giọng mơ màng của Mơ như hòa vào một nhịp điệu suy nghĩ với ông
– Mỗi khi em nhìn con chim bay đi, em tự hỏi, không biết con chim cô đơn kia có tổ ấm hay không? Rồi nghĩ đến thân phận mình…

Mơ bỏ lửng câu nói, mắt vẫn chăm chú nhìn đôi chim.
Ngắm khuôn mặt Mơ đang thả hồn vào hình ảnh đó, đôi mi dài cong cong, sống mũi thanh tú, cái miệng nhỏ xinh.

Chắc Mơ đang nghĩ về một tổ ấm cho chúng chăng? Ông Nam thấy xao xuyến trong lòng, cúi mặt xuống gần trên vầng trán Mơ, ông hôn nhẹ lên đôi mắt nàng và thì thầm:
– Mình sẽ bắt đầu một tổ ấm nghe Mơ.


Switch mode views: