Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

GIẤC MƠ XƯA

Tiep Vien Hang Khong

Năm tôi mười hai tuổi, tôi đã biết mộng mơ. Nhưng tôi không mơ công tử đẹp trai con nhà giàu học giỏi hay các chàng bạch diện thư sinh mặt hoa da phấn mà tôi mơ hình ảnh thiếu nữ áo dài xanh (màu xanh nước biển), có đôi găng tay trắng, ở cổ áo gắn hai đầu rồng nho nhỏ, xinh xinh, huy hiệu của tiếp viên phi hành hàng không Air Việt Nam.

Tôi còn nhớ năm nào, lần đầu tiên theo mẹ du lịch bằng máy bay, tôi bắt gặp hình ảnh duyên dáng của…nàng, đứng nép bên cửa phi cơ, lịch sự bắt tay từng du khách, nụ cười lúc nào cũng rạng rỡ trên môi. Nàng xoa đầu tôi bằng cử chỉ trìu mến, dịu dàng và nhìn tôi với ánh mắt đầy thân ái.

Trời ơi! Làm sao tôi có thể diễn tả được tâm trạng tôi lúc đó. Tôi mê mẩn tâm thần như vừa uống một ly rượu mạnh, để rồi qua cơn say, hình ảnh nàng in sâu vào trí não tôi bằng những chuyển biến lạ lùng mới mẻ nhất.

Tôi về nhà…tương tư, âm thầm xây mộng cuộc đời, quyết sau này lớn lên bằng mọi giá tôi phải trở thành… chiêu đãi viên hàng không. Bởi thế, tôi bắt đầu thăm dò tìm hiểu…

Một hôm trong bữa ăn tối của gia đình, tôi đã hỏi bâng quơ:
– Ơ… dường như chiêu đãi viên hàng không là…vợ của các phi công ấy nhỉ?
Cả nhà không ai để ý đến câu hỏi ngớ ngẩn của tôi, cứ lẳng lặng và cơm, trong khi tôi bỏ chén cơm trên bàn, chống đũa chờ đợi.
Mãi một lúc sau, sau khi xắn xong miếng cá thu trong bát canh chua thì là, bố tôi mới thong thả đáp:
– Bậy nào, các cô ấy đều chưa chồng, phải thông thạo ngoại ngữ và phải có Tú Tài đôi.

Biết đại khái như thế, tôi liền xin mẹ học thêm cours Anh văn tối với giáo sư tư nhân ở đầu ngõ nhà tôi, mặc dù năm đệ thất (lớp 6 bây giờ) tôi đã chọn Pháp văn làm sinh ngữ chính (theo chương trình của Bộ Giáo Dục, lớp đệ tam tức lớp 10, học sinh mới được phép học hai sinh ngữ).
Thấy tôi hiếu học, mẹ tôi bằng lòng ngay. Bà không hoạnh họe tò mò hay thắc mắc gì. Bởi đã có ước vọng, đã dọn sẵn con đường phải đi, tôi cố tâm chăm chỉ học hành, không biết mệt.

Nhưng thời gian chưa được bao lâu tôi lại có nỗi ưu tư, lo lắng. Đó là lúc bố tôi mang về một cuốn lịch lớn được cuốn tròn bằng hai vòng dây thun hờ hững. Tôi tò mò mở ra xem, cặp mắt tôi sáng rỡ ngạc nhiên khi cuốn lịch được trải rộng ra để tôi nhìn thấy những người trong mộng.
Mỗi trang lịch là hình ảnh duyên dáng của các tiếp viên phi hành. Vẫn áo dài xanh, vẫn găng tay trắng, ở cổ áo vẫn gắn hai đầu rồng nho nhỏ, xinh xinh, bên cạnh là chiếc máy bay có hàng chữ lớn “Air Việt Nam” và huy hiệu ở đuôi máy bay vẽ chiếc đầu rồng nổi bật trong bầu trời xanh thẫm.

Có những hình các cô đứng xếp lớp dọc cầu thang phi cơ, một tay thân thiện quàng vai nhau còn tay kia giơ cao vẫy vẫy.
Có tấm chụp trong lòng máy bay lúc các cô bưng bánh, nước niềm nở phục vụ hành khách. Các cô cười tươi như hoa. Cô cười mím, cô cười nụ. Có cô cười hở cả hàm răng để lộ những chiếc răng khít khao đều đặn như hạt bắp.
Chao ôi, cô nào cũng đẹp, mỗi cô mỗi vẻ, mười phân vẹn…tám, chín! (Tám, chín là cũng đẹp lắm rồi)
Tôi như bị thôi miên, đứng ngắm say sưa, cặp mắt mở lớn dán sát vào cuốn lịch. Một lúc, tôi buột miệng trầm trồ:
– Ôi, mấy chị đây đẹp quá!
Một bàn tay đặt nhẹ lên vai tôi, có tiếng cất lên từ sau lưng, giọng nói quen thuộc của ba tôi:
– Hẳn nhiên rồi. Tiếp viên phi hành phải tuyển người đẹp chứ!

Tôi mơ hồ thấy con đường phải đi có nhiều chông gai, trở ngại. Tôi vụt chạy về phòng ngắm mình trước tấm gương lớn. Tôi ẹo qua ẹo lại, đặt ngón trỏ lên môi, nghiêng đầu mỉm nụ cười.
Tôi ủ ê thất vọng không tìm thấy những nét duyên dáng, yêu kiều của người trong gương. Nhưng tôi có khe khắt lắm không khi chấm dung nhan của mình?
Tôi lẻn ra ngoài kín đáo hỏi mẹ tôi:
– Mẹ ơi, con thế này là…đẹp hay xấu?
Mẹ ngắm kỹ khuôn mặt tôi, một lúc, bà lắc đầu chép miệng:
– Con nước da bị rám nắng ngăm ngăm này, mũi tẹt này và nhất là cái răng khấp khểnh này. Đẹp sao được!
Tôi sụ mặt phụng phịu, nước mắt muốn trào ra. Mẹ tôi vuốt đầu tôi an ủi:
– Hôm nào mẹ dắt con đi nha sĩ, nhổ răng khểnh này đi thay vào đó chiếc răng…vàng!

Chao ôi, nghe mà choáng váng mặt mày. Tôi lắc đầu nguầy nguậy, không những tôi sợ nhổ răng mà tôi không thể chấp nhận những nụ cười…tóe lửa!
 Ông Chính trong xóm có cả hàm răng vàng, mỗi khi cười nhe hàm răng chớp nháy, bóng loáng đã chẳng bị bọn trẻ chúng tôi trêu chọc đó sao?
Tôi tiu nghỉu bỏ đi, cho rằng mẹ…cù lần, không có mắt thẩm mỹ làm giám khảo.

Trong nhà, tôi hy vọng còn mỗi chị Linh, chị lớn nhất của tôi, năm nay chị tròn 18 tuổi. Chị có nhiều bạn trai nên trổ mòi ăn diện.
Chị biết điểm phấn tô son, biết kẽ mắt màu xanh, tỉ mỉ viền từng mí mắt. Chị còn cẩn thận gò gẫm làn môi, nên môi của chị lúc nào cũng hồng tươi.
Chị Linh có cái eo thon, mông nở. Khi chị mặc áo dài chị kín đáo cột sợi cước ở eo để tăng phần hấp dẫn cho thân hình của chị, mặc dù lúc đó đã có phong trào mặc áo dài xổ li eo, nhưng chị Linh vẫn luyến tiếc cố giữ cái mốt xưa làm nổi bật cái eo thon, nhỏ xíu của chị.

Tôi tìm chị Linh, ngập ngừng hỏi nhỏ:
– Chị Linh à, em thế này là…đẹp hay xấu?
Chị Linh đang sơn móng tay, nước sơn hồng lấp lánh hạt kim tuyến, quét nhè nhẹ lên những móng tay dài được cắt dũa nhọn hoắt của chị.
Nghe tôi hỏi, chị liếc mắt nhìn tôi một thoáng, đáp nhanh:
– Mầy hả? Mầy xấu như ma!
Tôi nghi ngại lời chị, hỏi vặn:
– Chị thấy ma hồi nào?
Chị Linh không thèm nhìn tôi, vẫn chăm chú với những móng tay:
– Tao thấy ma trong nhà con mẹ Hoát.

Rồi như biết tôi không đọc truyện ma quái của Vũ Bằng, chị tiếp:
– Tao thấy ma trong xi-nê, tranh ảnh.
Tôi “xì” một tiếng biết chị chọc tôi đấy thôi. Làm sao tôi có thể giống những con ma mặt vôi trong phim được?
Con ma có cặp mắt lồi, lòng trắng nhiều hơn lòng đen. Ánh mắt của nó thỉnh thoảng lóe lên những tia cùng hung cực ác chực ăn tươi nuốt sống người. Cái mũi nó thì cao, cong quặp như mũi phù thủy. Còn những cái răng, ừ, cái răng…

Tôi bỗng sa sầm nét mặt khi nhớ lời nhỏ bạn nói tháng trước trong dịp sinh hoạt văn nghệ cuối năm:
– Nếu hai răng khểnh của con Ngọc dài thêm một tí, nó có thể đóng vai ác quỷ Dracula được.

Lúc đó tôi đã sừng sộ muốn gây lộn với nó. Nó đang cười, cụt hứng khựng lại, xin lỗi tôi rối rít, tôi mới thôi.
Bây giờ nhớ lại, thêm câu nói của chị Linh, lời chê của mẹ, lòng tôi buồn héo hắt. Tôi đứng dậy thất thểu bỏ ra ngoài.
Chị Linh cười, nói với theo:
– Ngọc à, nói giỡn chơi chứ mầy không xấu. Mầy đẹp, đẹp như… Chung Vô Diệm!
Tôi không rõ Chung Vô Diệm là ai, nhưng qua giọng điệu của chị Linh, tôi biết đó không phải là lời khen.
 Sau này khi lớn lên có cơ hội đọc sách, coi phim tập, tôi mới rõ Chung Vô Diệm xấu như ma, như quy, bị chồng chê sát ván!

Nỗi thất vọng về dung nhan khiến tôi lơ là đèn sách, không quan tâm nữa về giấc mơ, và đương nhiên không tha thiết học ngoại ngữ nữa. Học làm chi khi mộng chẳng hy vọng thành?!
Nhưng hình ảnh thiếu nữ áo dài xanh, đôi găng tay trắng, hai đầu rồng nho nhỏ xinh xinh gắn ở cổ áo đã in sâu trong trí tôi, ám ảnh tôi đêm ngày. Nghĩ đến, tôi lại buồn thấm thía.

Nhưng tôi không buồn lâu khi tìm ra giải pháp để cứu vãn nhan sắc của mình trong tương lai. Mũi tẹt thì đến thẩm mỹ viện, da ngăm thì nhồi phấn, răng khểnh thì…xấu một chút chẳng sao!
Mấy người đẹp trong lịch thấy cũng đâu toàn vẹn, chỉ mới tám, chin thôi mà? Nghĩ thế, tôi lại nuôi hy vọng, lại lo lắng học hành và nhất là lưu tâm chăm sóc dung nhan.
Tôi bớt dang nắng hơn, xin mẹ tiền mua chiếc nón rộng vành để đi học. Mỗi lần nhìn tôi với chiếc nón ấy trong thân hình thấp bé của tôi, mẹ thường bảo tôi giống cái nấm rơm.

Một hôm, tôi lén vào phòng chị Linh, mon men đến ngồi trên chiếc ghế nệm trước bàn phấn. Tôi mở hộc tủ, lôi phấn son của chị ra trét lên mặt. Tôi cũng kẻ chì, bôi phấn xanh lên mí mắt, tô một chút má hồng, cẩn thận vẽ những nét son môi.

Màu sắc trên khuôn mặt của người trong gương khiến tôi hài lòng. Tôi ỏn ẻn cười, ẹo mình ẹo dạng ngắm nghía mình thật lâu.
Những khuyết điểm trên khuôn mặt dường như biến đâu mất hay tại tôi dễ dãi tha thứ, nên không nhận thấy chăng?
Tôi cười với bóng mình trong gương lần nữa rồi mới rón rén xuống bếp tìm khăn rửa mặt.
Sau lần đó niềm hy vọng lại tràn trề giúp tôi yêu đời say sưa dệt mộng dù ai bàn ra tán vào, nói ngược nói xuôi tôi vẫn tự tin vào ý nghĩ giản đơn của mình.

Nhưng cuộc đời tự nó đã có nhiều biến đổi. Vô thường mà.
Cho nên, như một kẻ chìm đắm vừa bừng tỉnh cơn mơ, tôi trở về với thực tại. Đó là hai năm sau, vào tuổi dậy thì tôi trổ mã…nở bề ngang.
Tôi bỗng mập tròn như cục bột sống, không, cục bột nướng mới phải. Bởi vì nước da của tôi vốn dĩ không thuộc loại “Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”, tôi thất vọng hoàn toàn và ước mơ cũng nhạt dần theo những tai nạn hàng không trong thời gian đó.

Ban đầu, chiếc thứ nhất rơi lòng tôi chưa nao núng, nhưng đến chiếc thứ hai, thứ ba tôi bắt đầu kinh sợ khi nhìn thấy cái xác cháy cong queo, đen thui của thân mẫu cô bạn hàng xóm, và nhìn thấy một lúc ba chiếc quan tài xếp lớp của một gia đình bị tai nạn máy bay.
Từ đó, nỗi kinh hoàng đánh gục ước mơ của tôi, khiến tôi bỏ hẳn ý định trở thành tiếp viên phi hành hàng không Air Việt Nam.
Nhưng như thế không phải là tôi đã chịu thua trước những khó khăn đầu tiên của cuộc đời.

Vỡ mộng này tôi lại xây mộng khác.
Và giấc mơ mới của tôi bấy giờ đó chính là hình ảnh cô giáo Trung học đệ nhị cấp.
Tôi quay về với khung cảnh học đường. Nơi đó, mỗi buổi sáng, trưa, chiều tôi bắt gặp bóng dáng tha thướt của các cô giáo lướt trên hàng phượng vĩ trong sân trường.

Thảm cỏ xanh mượt mà làm nổi bật tà áo dài rất duyên dáng đầy màu sắc của các cô. Ở các cô, tôi tìm thấy tất cả những nét độc đáo vừa oai nghiêm khi cô giảng dạy, vừa cởi mở dịu dàng khi kể một chuyện vui hay những lúc rảnh rỗi tâm tình với học trò.
Cô giáo không đòi hỏi phải đẹp nhưng dường như ở con người có chút ăn học tôi thấy các cô đều lịch sự, trang nhã, trí thức cho dù trong các cô có cô hơi lùn, mập và kể cả hàm răng vẩu!

Bấy nhiêu đó thôi cũng đủ làm cho tôi…mê mệt, ngất ngây. Huống gì trong khung cảnh học đường tôi có thể tìm lại không khí vui tươi, những nụ cười hồn nhiên vô tư lự từ những tâm hồn trong sáng, không biết tranh chấp, không biết hận thù của đám học trò thơ ngây, thánh thiện.
Có điều tôi không chỉ mơ thành cô giáo đệ nhị cấp mà tôi còn kén dạy môn nào cho oai nữa cơ! Thuở đi học tôi rất yêu môn toán. Tôi vui sướng thấy môn tôi yêu có hệ số cao, được xem là quan trọng nhất.
Giờ toán, tôi hân hoan phơi phới. Những con số cộc lốc khô khan đi vào đầu tôi êm ái nhẹ nhàng hơn là những bài văn, thơ trữ tình, ướt át.

Cô giáo toán của tôi còn trẻ, nhan sắc không mấy ưa nhìn. Mặt cô lẹm, mắt cô nhỏ, môi cô hơi dày dù cô đã kín đáo tô một lớp son hồng nhưng vẫn không giấu được làn môi thâm đen trên khuôn mặt không mấy trắng của cô. Ấy thế mà không hiểu sao tôi vẫn bị thu hút bởi lời giảng dạy từ miệng cô.
Tôi tôn sùng cô như thần tượng, ngưỡng mộ cô hết mình và tôi ao ước sau này tôi sẽ được đi dạy như cô hoặc dạy còn…chì hơn cô nữa!

Tạm cho là đã ổn định được sự lựa chọn cho tương lai trong cuộc sống, tôi không còn lý do nào để lo ngại những bất trắc có thể xảy ra!
Hơn nữa vào tuổi mười bốn, mười lăm tôi đâu đã gặp đắng cay, sóng gió của cuộc đời và đâu đủ trí khôn để nhận định rõ về cuộc sống để phải bi quan nhìn đời bằng cặp mắt ưu tư.
Cho nên, sau khi quan sát kỹ lưỡng, cân nhắc cẩn thận để định hướng một lối đi tôi an tâm theo đuổi giấc mơ.
Tôi chăm chỉ học hành và lưu tâm đến kinh nghiệm giảng dạy sao cho hấp dẫn, lôi cuốn học trò của các thầy, cô.

Tôi có năm đứa cháu gọi tôi bằng cô. Đứa lớn nhất năm đó vừa lên chín. Hai đứa cháu gọi tôi bằng dì. Tuổi chúng san sát nhau, đứa nọ hơn đứa kia một, hai tuổi.
Mỗi tối khoảng 8 giờ sau khi cơm nước xong, tôi thường cầm chiếc roi mây…lùa chúng vào bàn học để tôi thực tập làm cô giáo.
Đứa đã đi học, tôi kèm toán, dò bài. Đứa chưa đi học, tôi cho ngồi xếp chữ, xem hình trong các tập truyện bằng tranh như “Bạch Tuyết và bảy chú lùn”, “Cô bé lọ lem”…v.v… để chúng làm quen với sách vở.

Tôi…dạy như thế đã bảy, tám tháng rồi, không hiểu tại tôi dạy dở (chắc vậy) hay tại não chúng…tráng xi măng mà môn toán chả đứa nào tiến bộ.
Tuy vậy, điều làm tôi thích thú là suốt thời gian đó tôi đã tạo được uy tín với bọn chúng. Đôi khi tôi có cảm tưởng tôi không chỉ là cô giáo mà còn kiêm luôn vai trò “chánh án” để xử những vụ giành ăn, đánh lộn giữa đứa này với đứa kia.
Hơi một tí là chúng réo tên tôi ỏm tỏi: “Cô Ngọc ơi, cô Ngọc à, tới xử cho con vụ này”. Tôi bỗng trở thành nhân vật quan trọng của gia đình để thay thế các anh chị tôi chăm lo các cháu. Chà, sao lúc đó, tôi không mơ làm luật sư nhỉ?

Một hôm, năm đó nhằm năm tôi luyện thi Tú Tài, tôi thường rủ bạn về học chung. Chúng tôi cần yên tĩnh để giải những bài toán hốc búa. Chợt có tiếng khóc thét của con lớn chị Linh.

Tiếng khóc càng lúc càng to, khóc như gào, như réo, như báo động cho mọi người biết đến tiếng khóc của mình. Tôi hiểu ý đến rút cây phất trần tôi thường treo ở góc tường, chạy ra.
Ở căn phòng kế bên, cậu bé, con anh cả tôi đang ngồm ngoàm nhai một mẩu bánh. Thấy tôi đến, con chị Linh càng khóc to hơn, làm như thể đang gặp điều oan ức lắm.
Thế nhưng khi tôi hỏi rõ nguyên nhân để hai bé phân bày, mới truy ra cớ sự. Thì ra, con chị Linh cấu bánh của con anh trai, bị anh đánh nhẹ một chút mà đã gào như la làng.
Cái tội “vừa ăn cướp vừa la làng” khi tôi phân xử trắng đen, con chị Linh biết tội, nín khe, không than van gì nữa. Trẻ con là vậy, chúng vẫn có nhận thức đúng, sai khi người lớn giải bày cho chúng hiểu.
Do vậy mà ca dao đã khuyên “Dạy con dạy thuở còn thơ” là vậy, chúng là tờ giấy trắng để ta vẽ hay viết lên chữ gì là in ngay chữ đó. Người ta vẫn uốn măng chứ không uốn tre bao giờ.

Khi tôi quá say với giấc mơ làm cô giáo (dù chỉ là cô giáo thực tập với các cháu) tôi bỗng thấy đời sống mình gắn liền với niềm vui của lũ nhỏ.
Những lúc rảnh rỗi tôi thường quấn quít với… học trò, tập cho chúng nếp sống quây quần yêu thương, hòa thuận và nhất là biết chia xẻ, qua đó, tôi thu nhận được vài kinh nghiệm thích thú để về sau này khi cuộc đời gặp nhiều nghịch cảnh, đắng cay, thỉnh thoảng tôi lại có ý chuyển hướng tìm nguồn an ủi bên vườn trẻ thơ.

Một vườn trẻ quy tụ những em bé mồ côi cha mẹ bởi chiến tranh hoặc những bất hạnh khác. Và tôi đã nuôi ý định này hy vọng thực hiện tại Việt Nam khi trở về quê hương, coi như đóng góp chút gì cho xã hội, đất nước sau hơn thời gian dài bôn ba nơi xứ lạ.
Ba má tôi có một miếng đất rộng phía sau nhà của sáu căn nhà dành cho sáu người con nằm gần trung tâm thành phố. Thật là thuận lợi để mở một trường tiểu học hoặc là vườn trẻ.

Vì nuôi ước mơ, nên bao lâu tại hải ngoại, tôi giảm thiểu tối đa mọi ăn tiêu cho bản thân, không đua đòi, luôn sống giản dị, ký cóp để dành tiền, hy vọng thực hiện điều mình mong mỏi; nhưng phước duyên của tôi không đủ hay phước của đám trẻ kia chưa tròn nên dun dủi số phận tôi không phù hợp với thời cuộc.
Cái “tội” “vợ ngụy”, vợ sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa với cái mác “Việt Kiều” đã là cái khó cho tôi, chỉ phát tặng một ít sách vở, học phí đến học sinh nghèo, tôi đã bị lên án “ỷ có tiền mua chuộc học sinh để sau này lật đổ chế độ” (thực sự tôi nào có nhiều tiền như “đại gia” đâu mà ỷ?!), huống hồ mảnh đất kia đang là miếng mồi ngon của bao quan tham lăm le ngày đêm tranh dành, lấn chiếm. Cho đến bây giờ vẫn nằm trơ ra đó, như một mảnh đất hoang, vô dụng.

Trở lại việc học của tôi nói trên, tôi đang say đang mơ với nghề cô giáo. Cuộc sống cứ thế đều đều tiếp diễn phẳng lặng êm đềm.
Thế rồi, vô thường đến, chỉ một cơn gió lao xao gợn trên mặt hồ thu vài con sóng lăn tăn … cuộc đời tôi lại chuyển sang một hoàn cảnh khác.
Tôi chiều ý cha mẹ, vâng lời người lớn, cất bước lên xe hoa về nhà chồng giữa thời điểm căng thẳng nhất của những ngày luyện thi Tú Tài phần một và giữa lúc tôi vẫn say mê cuộc sống học trò.

Cuộc “đấu tranh” quyết liệt giữa tôi và…người lớn của hai bên gia đình về ngày đám cưới: Nhà trai thì muốn thực hiện gấp vì chỉ có một người con duy nhất và cũng đã lớn tuổi; nhà gái thì đông con gái quá (những 5 cô) giải quyết sớm được cô nào, nhất là mẹ tôi, là bà mừng khấp khởi như tống đi được một trái mìn chưa nổ.

Cuối cùng, để vẹn đôi đàng, tôi ra điều kiện, vòi cho bằng được dù có chồng, tôi vẫn cắp sách đến trường để tôi thực hiện giấc mơ tôi hằng ấp ủ.
Nhưng hỡi ôi, sau đám cưới khi về nhà chồng, bố chồng tôi là một nhà Nho phong kiến, cụ vẫn thường vỗ ngực tự hào, cụ là người thượng cổ còn sót lại thời nay nên quan niệm cực đoan đàn bà không nên học nhiều chỉ được…quyền quanh quẩn xó bếp mà cụ vẫn thường gắn một mỹ danh thơm tho, lẫy lừng: “Nội tướng gia đình” để đảm đương mọi việc nhà.
Cụ không muốn tôi cắp sách đi học nữa. Tiếc thay, tôi không ham làm “tướng” dù là tướng của các ông Táo nơi xó bếp, tôi chỉ thích làm “lính” để thỉnh thoảng bị phạt, bị khảo bài vở của các thầy, cô.
Nên sự xung đột không ít giữa hai quan niệm “mới, cũ” giữa tôi và bố chồng khiến tôi điên đầu, khổ sở, tức tối lẫn một chút…hối hận về sự quyết định ngày đám cưới của tôi.

Cuối cùng, nhờ sự yểm trợ đắc lực của đồng minh (tức chồng tôi) tôi quyết “chiến đấu tới hơi thở cuối cùng” để thắng “đối phương”. “Chiến lợi phẩm” tôi thu được suốt hơn một năm ròng đấu tranh gian khổ đem lại cho “phe ta” hai bằng Tú Tài phần một, phần hai.
Ngược lại ta cũng bị thiệt hại nặng nề hao tổn nhiều nước mắt và sức lực. Để được đi học, tôi phải chu toàn, ngoài mọi công việc nhà: nấu ăn, quét dọn, giặt giũ còn phải chăn gà, chăn vịt, chăn chim bồ câu, chăn mèo…trước khi đến lớp.

“Trang trại gia cầm” này do bố chồng tôi “tậu” mục đích phòng xa khách bất ngờ lại nhà có cái để đãi. Cụ dạy, nhà nề nếp thì phải thế. Mỗi loại dăm, bảy con thôi cũng khiến tôi chóng mặt!
Nhưng rồi cuối cùng, vì sự yếu thế của đồng minh (chồng tôi đang làm việc tại một tỉnh lỵ miền Trung, không có trường Đại học) tôi phải tạm “đình chiến” ký kết một thỏa ước hòa bình nhưng tôi vẫn ngấm ngầm thúc đồng minh hãy cố gắng tìm cách giúp tôi vì cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn, cuộc chiến vẫn chưa tàn, vẫn chưa tới đích hoàn toàn thắng lợi.

Nhờ sự kiên trì, ba năm sau chồng tôi được đổi về Sài Gòn, tôi liền ghi danh đi học lại.
Vì bị gián đoạn thời gian dài, gặm nhắm những nỗi buồn âm ỉ, tôi quên hết bài vở đành ghi tên vào Đại học Văn Khoa để…học đại cái môn tôi không mấy thích nhưng cũng an ủi cho tôi phần nào để tôi có thể tiếp nối lại giấc mơ bị dang dở dù giấc mơ không còn là cô giáo dạy môn khoa học.

Tôi an phận theo Đại học Văn Khoa, cố chịu đựng khuôn mặt “nặng chịch” của bố chồng mỗi khi tôi đi học về.
Đến khi tôi nhận rõ không còn gì trở ngại có thể làm suy suyển lòng tôi thì,…cuộc đời tự nó lại có nhiều biến đổi, nên ước mơ trở thành cô giáo của tôi cũng lụn tàn theo tình hình đen tối của đất nước.

Biến cố 30.4.75 làm miền Nam sụp đổ, chồng tôi khăn gói vào tù kéo theo luôn những ước mơ và thời hoa mộng của tôi.
Tôi kết thúc đời cặp sách đến trường từ đó. Với lý lịch đen thui (vợ sĩ quan “ngụy”) tôi đâu còn hy vọng tìm chỗ đứng trong xã hội mới.
Huống chi trong xã hội đó đời sống càng lúc càng khó khăn như vô tình đẩy tôi cùng mọi người vào một cuộc chạy đua, vật lộn với hai bữa cơm khiêm tốn.
Tôi đâu còn thì giờ tâm trí thảnh thơi để học, để vẽ vời những chuyện cao xa, đành ngậm đắng nuốt cay vùi chôn mộng đẹp, nhìn cơn lốc cuốn trôi thời hoa mộng của mình.
Và như thế, suốt sáu năm ròng rã sống dưới chế độ cộng sản, thời gian đủ cho tôi thấm thía nỗi đắng cay, ê chề về thân phận của người thua trận.

Tôi bỏ nước ra đi, gạt những giọt lệ đau thương, thương chồng tiều tụy còn kẹt lại trong trại tù miền Bắc, thương bố chồng mỏi mòn với tháng ngày đợi con, thương cả chính mình lạc lõng bơ vơ trên đường bôn ba xứ lạ và thương đồng bào sống vất vưỡng trong chuỗi ngày đọa đày, khổ sở vô tận tại quê nhà để chỉ mang theo trong lòng đầy ắp nỗi căm hờn ngút ngàn đối với cộng sản.

Đến Thụy Sĩ trong tâm trạng đó, lại đối diện với cuộc sống mới, ngôn ngữ (tiếng Đức) hoàn toàn mới, tôi không còn cơ hội thuận tiện để thực hiện ước mơ.
Và GIẤC MƠ XƯA trong lòng tôi chỉ còn là kỷ niệm để tiếc, để thương, để thỉnh thoảng lại len lén trở về với nỗi đam mê xưa cũ, nhưng nó chỉ kịp bùng lên rồi lại lắng chìm ngay đó trong những bận rộn cuộc sống.

Nhưng trong tôi niềm ưu ái thiết tha với ngành giáo dục tôi luôn đặt hàng đầu. Tôi nghĩ, người ta có thể dễ dàng đào tạo ông bác sĩ, bà kỹ sư…nhưng đào tạo để được một ông bác sĩ có lương tâm, có tinh thần phục vụ tha nhân, yêu nước, thương người lại do sự đóng góp phần lớn của ngành ĐỨC DỤC mà căn bản từ trong gia đình ngay tuổi ấu thơ.

Xin đọc câu chuyện dưới đây để thấm thía ý nghĩa sâu xa đó.

Ước muốn cuối cùng của một tử tù.

Một tử tù đang chờ thi hành án, anh cầu xin một điều ước cuối cùng là một cây bút chì và một tờ giấy. Sau khi viết xong trong một vài phút, anh nhờ nhân viên bảo vệ nhà tù gửi giúp bức thư này cho người mẹ ruột của mình.

Trong thư anh viết …
Mẹ, nếu có công lý trong thế giới này, con và mẹ nên bị kết án tử hình cùng nhau. Mẹ cũng có tội như con vì những gì con đã làm.
Mẹ hãy nhớ lại đi, khi con ăn cắp chiếc xe đạp của thằng bé gần nhà. Mẹ đã giúp con giấu chiếc xe đạp đó để bố không nhìn thấy nó.
Mẹ có nhớ lần con lấy trộm tiền từ ví của người hàng xóm không? Mẹ đã đi siêu thị mua sắm cùng với con.
Mẹ có nhớ ai đã bênh vực con khi con cãi lại bố đến nỗi bố phải bỏ đi không? Bố chỉ muốn sửa dạy con vì con đã gian lận trong bài thi và cuối cũng là con phải bị đuổi học.

Mẹ ơi, lúc đó con chỉ là một đứa trẻ, không lâu sau con đã trở thành một thiếu niên hư nghịch và bây giờ con đang là một tử tù chờ thi hành án.
Mẹ ơi, lúc đó con chỉ là một đứa trẻ con cần được bao biện, nhưng cái thực sự con cần là được sửa trị.
Nhưng thôi, con tha thứ cho mẹ! Con chỉ muốn viết thư này để nó có thể đến được nhiều người khác đang làm cha làm mẹ, với hy vọng rằng, họ có thể nhận ra điều tạo nên người tốt, kẻ xấu trên thế giới này là sự giáo dục.
Cảm ơn mẹ đã cho con cuộc sống và cũng đã giúp con đánh mất nó.
Đứa con tử tù của mẹ.

“Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể sử dụng để thay đổi thế giới.” (Nelson Mandela)”
Trong ý nghĩ đó, đôi khi tôi liên tưởng đến những trẻ mồ côi nơi quê nhà thiếu tình thương và giáo dục gia đình, tương lai chúng sẽ ra sao?
Còn tôi, qua cuộc bể dâu, tôi không còn vẻ háo hức, đua đòi của một thứ anh hùng tính thời vụng dại, nên ước mơ của tôi bây giờ cũng khiêm tốn thận trọng hơn.
Và cho dù giấc mơ xưa đôi khi có lúc trở về, bùng cháy, nhưng thời cuộc, hoàn cảnh, nhất là tuổi tác đã khép đi rồi cánh cửa ước mơ của tôi để chỉ còn một tiếng thở dài não nuột!
Bây giờ xin cho tôi được đóng góp với đời theo khả năng hiện thời tôi có thể!


Switch mode views: