Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đêm Giáng Sinh tuyệt vời

dem giang sinh tuyet voi
Anh Mây vừa treo những trái cầu xanh, đỏ, óng ánh kim tuyến lên cây thông tẩm màu tuyết trắng, vừa lên tiếng hỏi:
– Năm nay, em định làm món gì để ăn mừng lễ Giáng sinh?

Ðặt con dao vào chiếc thau nhựa đựng mớ đậu que xanh mướt, chị Mây thở dài ngao ngán:
– Không biết nữa!… trong lòng cứ buồn buồn sao đó, nên chẳng muốn làm gì hết.

Anh Mây lắc đầu, cười nhẹ:
– Mẹ mày… thiệt tình… Ðã nói, ván đóng thuyền rồi, có thay đổi được đâu mà cứ suy nghĩ chi cho nặng lòng. Em đã từng nói, hạnh phúc của con là trên hết, sao bây giờ lại đặt vấn đề cho mệt mỏi đầu óc.
– Em cũng biết vậy, nhưng nghe thằng con anh Trình sắp về Việt Nam cưới vợ, em lại nao lòng. Thấy người ta có dâu, có rể Việt Nam mà bắt ham. Còn mình, rể, dâu gì cũng trớt quớt.
– Ủa! anh thấy, cứ mỗi lần thằng rể Tàu bập bẹ tiếng Việt là em cười ngất, còn khen “thằng Chệt con” này dễ thương và biết hiếu thảo với ba mẹ vợ, sao bữa nay lại than thở. Ðúng là… lưỡi không xương nhiều điều lắt léo.

Chị Mây phì cười khi nhớ đến thằng rể người Hoa, thân hình vạm vỡ, mặt mày lúc nào cũng tươi rói, hớn hở, với hàm râu quai nón bặm trợn, mà lúc nào cũng tìm cách lấy lòng ba má vợ cho vợ vui.
Không biết nó làm vậy là do thương vợ hay sợ vợ. Mỗi khi nghe chị nói câu này, anh Mây nheo mắt cười cười, coi chừng nó giả bộ đó em. Chị không nghĩ vậy, vì chị cảm nhận được sự chân thành trong đôi mắt một mí của nó.

Anh chị Mây chỉ có hai đứa con, nên đôi khi chị lo lắng vẩn vơ rằng không biết khi có vợ, có chồng rồi, anh em nó còn hòa thuận, yêu thương nhau như thuở bé không, hay đứa nghe lời vợ, đứa nghe lời chồng, anh em trở thành xa lạ, ghét bỏ nhau, như chị đã từng chứng kiến thảm cảnh này trong vài gia đình của người thân, bạn bè.

Nhớ thời gian trước khi bầu cử, thằng rể theo đảng Cộng hòa, thằng con trai ủng hộ Dân chủ, mỗi khi hai anh em cùng xem TV, đứa ủng hộ, đứa đả đảo vị tổng thống đương nhiệm, chị sầu héo ruột.
Dù vậy, trong gia đình vẫn chưa xuất hiện dấu hiệu xung khắc trầm trọng, vì chúng vẫn đối đáp với nhau có lúc nhẹ nhàng, có lúc tửng tửng.
Nhưng hôm đi đám giỗ ba của Sương – bạn đồng nghiệp của chị – chị sợ điếng hồn khi thấy chồng Sương và người em ruột, cãi nhau xanh máu mặt, vì người bênh đảng này, người chống đảng kia.
Trong cơn thịnh nộ không kềm chế, hai anh em đập bàn rầm rầm, ly chén ngả nghiêng, ngã ngửa, khách khứa thất kinh hồn vía, không biết lúc nào họ choảng nhau, nên lặng lẽ rút lui.
Trên đường về, chị lo âu thầm hỏi, khi nào ngày đau buồn đó sẽ xảy ra trong gia đình mình.

Rồi một hôm, trong bữa cơm sum họp cuối tuần như vẫn thường có xưa nay, trong lúc phấn chấn sau vài ly bia, anh Mây dường như quên đi sự dè dặt hằng có, nên bàn luận chuyện chính trị.
Ba người, hai phe, với lập trường, quan điểm đối chọi nhau.
Ba vợ, chàng rể cùng phe, con trai khác phe.

Chị Mây xen vào, tìm cách lái câu chuyện sang đề tài khác, nhưng không kết quả. Tuy chưa thấy có gì căng thẳng, nhưng chị vẫn hồi hộp, tim đập thình thình.
Bỗng nhiên, anh Mây quay sang Bryan, hỏi:
– Ê! mày là Tàu, sao không ủng hộ đảng Dân chủ mà ủng hộ ông Trump. Mày có biết là ông Trump chống Tàu cộng quyết liệt không?
– Dạ biết.
– Vậy tại sao mày quyết định bầu cho ổng?
– Tại con muốn ổng “đánh chết mẹ tụi Tàu cộng”

Câu “đánh chết mẹ tụi Tàu cộng”, Bryan nói bằng tiếng Việt với giọng lơ lớ, là do con gái chị dạy, để lấy lòng ông già vợ, mà đó cũng là câu anh Mây hay nói mỗi khi nhắc đến cộng sản Trung quốc.
Anh Mây cười ngặt nghẽo:
– Vậy chắc mày là Tàu trừ.  Ha! Ha! Tao thích mày, thằng “phản quốc”.
Bryan tròn mắt nhìn anh Mây. Chị lườm anh “tiếng Anh không đầy lá mít” mà bày đặt chơi chữ.  

Tín im lặng tự nãy giờ với khuôn mặt đăm chiêu, khiến chị cứ dòm chừng để dò xét phản ứng của nó.
Nghe cậu con trai hắng giọng, rồi sửa thế, chị giật mình lo lắng. Nhưng không ngờ, Tín cười hóm hỉnh, rồi giải thích cho Bryan hiểu câu nói khôi hài của anh Mây.
Thằng rể cười khoái chí, vỗ ngực:
– Ðúng, con ghét cộng sản. Con là Tàu trừ, không phải Tàu cộng.

Chị thở phào nhẹ nhõm, chưa có nỗi vui mừng nào hơn khi thấy hai thằng vừa cụng ly, vừa cười rổn rảng:
– Dô! Dô! Biden.
– Dô! Dô! Trump.
Từ hôm đó, hai thằng cứ gọi nhau là Trump, là Biden, mà không hề cãi cọ, tranh luận vấn đề chính trị với nhau. Thật là ơn phúc của gia đình chị.

Bước vào phòng ăn, chị Mây thấy bàn tiệc đã được sắp xếp thật gọn gàng, đẹp mắt. Chị quá đỗi ngạc nhiên vì sự khéo léo của Milan.
Bấy lâu nay chị cứ nghĩ, trong bữa tiệc mừng Giáng sinh này, cô con dâu tương lai sẽ đến đúng giờ, rồi thủng thỉnh bước vào nhà, ngồi chễm chệ trên bàn ăn, mặc cho chị chạy tất bật, như bạn bè chị thường nói về con dâu của họ.
Nhưng không, Milan đến từ sáng sớm để phụ giúp chị mọi chuyện. Con bé có vẻ rành rẽ chuyện sắp xếp bàn tiệc, chuẩn bị thức ăn.
Ba ngày trước, chị Mây hỏi ý Tín về vài món Mỹ mà chị học được trên internet và dự định nấu để đãi nhà gái. Nhưng Tín quả quyết:
– Gia đình Milan biết ăn món Việt và họ cũng rất thích món Việt, mẹ cứ yên tâm.

Ừ! thì chuyện người Mỹ thích phở, chả giò, gỏi cuốn… chị Mây đã biết và đã từng nhìn thấy họ kéo nhau vào nhà hàng, thưởng thức món ăn Việt Nam một cách thích thú.
Nhưng đứa con dâu người Mỹ biết sắp xếp thức ăn theo từng món, như bánh hỏi đặt cạnh thịt quay và nước mắm, bánh mì nằm kế bên tô cà ri, còn có chén muối ớt, nặn thêm chút nước chanh thơm làm gia vị chấm, thì thật đáng ngạc nhiên.

Chị Mây đưa ngón tay cái lên cao như lời khen, Milan xếp hai bàn tay trước bụng, cúi đầu cười hiền hòa. Chị đáp lại bằng cái nhìn trìu mến.
Thật sự, chị Mây không mấy ưng bụng cuộc hôn nhân này, dù hôm nay là ngày hai gia đình sẽ gặp nhau, bàn tính chuyện cưới hỏi cho hai đứa con.
Làm sao chị có thể chê cô con dâu tương lai xinh đẹp, hiền lành, ngoan ngoãn như Milan. Nhưng tiếng Anh của chị quá kém cỏi, thì chuyện mà chị hằng ao ước, là mẹ chồng và nàng dâu sẽ thân mật, cảm thông nhau, với lòng yêu thương chân thật như mẹ con ruột thịt, sẽ là chuyện không bao giờ có.

Nhiều lúc, chị cố gắng nghĩ đến hình ảnh Milan chào chị bằng cái cúi đầu lễ phép và cánh tay khoanh tròn thật trịnh trọng, hay tưởng tượng ra khuôn mặt những đứa cháu nội lai Mỹ sẽ rất xinh đẹp, dễ thương, để che lấp đi sự hụt hẫng đôi khi chợt dấy lên trong lòng.
Nhưng sao vẫn thấy buồn, buồn vì ước mơ của mình mãi mãi là niềm mơ ước viển vông.

Cây thông ở góc nhà bừng lên, sáng choang cả một góc phòng cùng với điệu nhạc Giáng Sinh réo rắt trổi lên, làm ấm cả gian phòng tràn đầy không khí lễ hội.Tín nhìn đồng hồ rồi nhắc mẹ và Milan thay quần áo, chuẩn bị đón ba mẹ Milan, hai người khách đặc biệt trong đêm nay.

Ðứng trước tủ áo, chị Mây phân vân lựa chọn, không biết có nên mặc áo dài hay không. Theo thói quen, trong những bữa tiệc có người Mỹ tham dự, chị thường mặc áo dài.
Chiếc áo dài là niềm hãnh diện của chị, bởi nét đẹp mềm mại, đằm thắm và kín đáo mà bất cứ người bạn ngoại quốc nào khi nhìn thấy chị mặc đều trầm trồ khen ngợi.
Nhưng hôm nay, chị không cảm thấy hứng thú lắm, nên chọn chiếc áo đầm đơn giản, trong lúc đầu óc chị vẫn suy nghĩ mông lung trong sự tiếc nuối, phải chi họ là người Việt, hai bà sui và cô dâu cùng mặc áo dài thì đẹp biết bao nhiêu.

Tiệc tàn. Mọi người hoan hỉ bước ra phòng khách uống trà.
Chị Mây không rời mắt khỏi Milan trong chiếc áo dài màu hồng đào rực rỡ, bó sát thân hình cân đối, với dáng dấp cao thon và mái tóc vàng óng, bồng bềnh.
Khi Milan từ trên lầu bước xuống, chị Mây sững sờ trước sắc vóc xinh xắn của Milan. Chưa kịp hỏi từ đâu Milan có được chiếc áo dài quá đẹp, thì con bé đã đến trước mặt anh chị Mây, khoanh tay lại, thưa chào bằng tiếng Việt thật rõ ràng:
– Con thưa ba, thưa mẹ, thưa bố mẹ mới đến.

Ba Milan, người đàn ông cao dong dỏng, dù không điển trai, nhưng nét hiền hòa, phúc hậu trên khuôn mặt ông đã tạo được cảm tình với người đối diện.
Ðiều không thể tưởng là ông nói tiếng Việt một cách lưu loát, rành rọt. Trong bữa tiệc, ông thưởng thức chí tình tất cả những món ăn chị Mây đã làm và luôn miệng khen ngợi tài nấu nướng của chị.

Nơi phòng khách, ông hào hứng kể lể khi nghe anh Mây hỏi, ông học từ hồi nào mà nói tiếng Việt rành rẽ quá. Câu trả lời của ông làm anh chị Mây sửng sốt:
– Có một điều mà chắc đến bây giờ anh chị vẫn chưa biết… Mẹ Milan là người Việt Nam. Cũng tại thằng Tín muốn dành cho anh chị một bất ngờ thích thú, nên mọi người phải giữ kín chuyện này đến hôm nay.
Quay sang người đàn bà bên cạnh đang nhìn anh chị Mây với nụ cười dịu dàng, ông tiếp lời:
– Linda đây là vợ thứ hai của tôi.

Rồi ông mơ màng nhắc lại chuyện ngày xưa, trong khi trên khuôn mặt anh chị Mây, nét ngạc nhiên chưa tan biến:
– Hồi trước, lúc tôi và mẹ của Milan xin phép được kết hôn sau ba năm yêu nhau, má vợ ra điều kiện tôi phải học tiếng Việt, vì bà không biết tiếng Mỹ.
Tôi biết bà không muốn có thằng rể người Mỹ, nên mới làm khó tôi. Lúc đó, tôi đang mê mẹ của Milan như điếu đổ. Nhìn Milan anh chị có thể đoán mẹ của Milan xinh đẹp như thế nào.

Vì quá yêu cô ấy, nên tôi quyết chí học cho được thứ tiếng mà đối với tôi không phải dễ. May mắn làm sao, tình yêu đã làm đầu óc tôi trở nên thông minh bất ngờ và tôi đã thành công hơn sự mong đợi.
Cưới xong, về ở cùng với mẹ vợ trong căn nhà không được phép nói tiếng Mỹ, vì thế mà tiếng Việt của tôi ngày càng tiến bộ.  
Rồi mẹ Milan qua đời khi con bé mới có bảy tuổi, một tay bà ngoại chăm sóc cháu. Anh chị thấy không, Milan sinh ra ở Mỹ, đi học trường Mỹ, nói chuyện với bạn bè, dù là Việt Nam cũng toàn bằng tiếng Mỹ, vậy mà tiếng Việt của nó cũng rất giỏi.
Ðó là nhờ bà ngoại. Bà dạy dỗ Milan từng lời ăn, tiếng nói, sao cho lễ phép, dịu dàng, chỉ bảo cách nấu nướng từng món ăn, món bánh, nên cái gì Milan cũng biết.

Tính bà ngoại tuy có đôi lúc nghiêm khắc, nhưng rất ngọt ngào, tình cảm. Bà thương tôi như con trai, tôi thương bà như mẹ ruột, nên dù vợ đã mất, tôi vẫn sống với mẹ vợ cả mười năm hơn.
Buồn cười là bà hay nhờ bạn bè mai mối, để kiếm vợ cho tôi. Khi gặp Linda, bà rất hài lòng. Bà nói “kỳ này, má cho mày lấy vợ Mỹ để thay đổi không khí” .
Ông ngửa mặt cười vang rồi quay sang nhìn vợ:
– Bây giờ bà cũng rất thương Linda và dạy Milan phải thương và kính trọng người mẹ kế.
Bà Linda ngồi cạnh ông, tuy không hiểu tiếng Việt, nhưng có lẽ cũng cảm nhận được tâm tình của chồng, nên thỉnh thoảng lại gửi cho ông một ánh mắt trìu mến.

Ôi! một gia đình hạnh phúc đáng ngưỡng mộ. Chị Mây chưa bao giờ cảm thấy lòng mình rộn ràng niềm vui như hôm nay. Tất cả lo âu, sầu muộn đã chắp cánh bay xa. Tuy vậy, chị vẫn làm mặt giận:
– Hai đứa dám xí gạt mẹ hả? Thiệt… hết nói tụi bây.
Milan vòng tay ôm ngang lưng chị Mây, giọng nũng nịu:
– Con xin lỗi mẹ, tại anh Tín bắt con phải giữ bí mật.
Tín gãi đầu, cười mơn trớn:
– Tụi con đâu dám gạt mẹ. Nhưng con biết, đây sẽ là món quà mẹ thích nhất, nên để dành làm quà Giáng Sinh tặng mẹ.

Anh Mây nhìn chị gật gù, cười đắc ý. Nhìn nét mặt rạng rỡ của anh chị Mây, Tín nghe lòng rộn rã.
Tín biết, từ bé đến lớn, nó luôn là nỗi buồn phiền, lo lắng của cha mẹ. Khi còn đi học thì không biết bao lần anh chị Mây bị mời đến trường, vì thành tích đánh lộn của thằng con được cưng như trứng mỏng.
Tín ham chơi hơn ham học, khiến anh chị ăn ngủ không yên. Ra trường, đi làm, thì bồ bịch lăng nhăng. Chỉ từ khi quen biết Milan, Tín mới thật sự trưởng thành và trở thành một chàng trai chín chắn hơn, đàng hoàng, tử tế hơn.

Cảm nhận được niềm vui tột cùng của anh chị Mây, nhưng Tín vẫn nghĩ mình là người sung sướng nhất. Vì Tín biết rằng, sự thất vọng mà nó đã gây ra cho ba mẹ mấy mươi năm qua đã được đền bù xứng đáng, khi hôm nay, ngay đêm Giáng sinh tưng bừng, ấm áp, nó mang về cho ba mẹ một cô dâu vừa Việt, vừa Mỹ, nấu nướng cũng có hạng và nhất là nói tiếng Việt thành thạo, để có thể hiểu mẹ nói lẫy, nói xiên, đôi khi mắc mỏ, mỗi khi nó làm điều gì không vừa ý bà.


Switch mode views: