Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-11-2012
- Thứ Hai, 12 tháng Mười Một năm 2012 20:57
- Tác Giả: Thanh Hà
Tướng David Petraeus và bà Paula Broadwell (Reuters)
Về thời sự Hoa Kỳ, ba tờ báo lớn của Pháp là Le Monde, Libération và Le Figaro đều có bài nói về sự nghiệp vừa đổ vỡ của ông trùm cơ quan tình báo CIA, tướng David Petraeus.
Libération dùng ngôn ngữ của những tay chơi cờ vua để nói về hoàn cảnh của lãnh đạo tình báo Mỹ : "Tướng Petraeus bị tình nhân chiếu tướng".
Trên trang nhất Le Figaro đưa hàng tựa khá hấp dẫn « Tiết lộ về người tình của trùm CIA ».
Ở trang trong tờ báo gọi đây là một « mối quan hệ nguy hiểm » : ghen tuông, tham vọng hay quyền lực đã làm sụp đổ sự nghiệp của đại tướng Petraeus ?
Câu chuyện đã bắt đầu được phơi bày ra ánh sáng khi bà Paula Broadwell, 40 tuổi, người theo sát chân tướng Patraeus để viết tiểu sử về cuộc đời của một trong những vị tướng được dư luận Mỹ ngưỡng mộ nhất gửi email đe dọa một người phụ nữ thứ nhì, có khả năng là Jill Kelley, 37 tuổi. Nếu như Paula là người tình thì Jill là một người bạn từ lâu năm của tướng Petraeus.
Cảm thấy mình bị đe dọa, Jill Kelley báo động với Cục điều tra liên bang FBI và cơ quan này đã khám phá ra một chuyện động trời : Paula có mã số để tham khảo thư từ riêng của ông trùm CIA.
Paula Broadwell, theo Le Figaro, là một hụ nữ xinh đẹp và giỏi giang. Tốt nghiệp trường quân sự nổi tiếng của Hoa Kỳ West Point và trường đại học Harvard. Broadwell cũng được biết đến như một phụ nữ đầy tham vọng và dường như bà đã trở thành người tình của tướng David Patraeus, 60 tuổi, sau khi ông được chỉ định đứng đầu cơ quan tình báo Hoa Kỳ vào mùa thu năm ngoái.
Sự thân mật giữa người đẹp Paula và viên tướng đầy quyền lực này đã không khỏi gây xôn xao. Nhưng theo các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ thì dường như sự đi lại thân mật giữa hai người đã kết thúc vào mùa hè năm nay.
Vấn đề đặt ra là trước khi câu chuyện của nàng Paula với tướng Patraeus được khép lại thì FBI đã nhập cuộc để điều tra về xem vì sao Paula lại có thể tham khảo điện thư của tướng Patraeus một cách dễ dàng.
Liệu người đẹp có đọc được những tài liệu tối mật của người đứng đầu cơ quan tình báo Mỹ hay không.
Chuyện ông tướng Patraeus ngoại tình không chỉ dừng lại ở đó mà nó còn liên quan đến cả từ bộ Tư pháp đến Nhà Trắng : bởi lẽ FBI phải được phép của bộ trưởng Tư pháp Mỹ mới có thể điều tra về trùm CIA và như vậy, câu hỏi đặt ra là liệu Nhà Trắng có hay biết gì về quả bom nổ chậm đang âm ỉ ngay trong trụ sở của cơ quan tình báo Hoa Kỳ hay không ?
Le Monde nhắc lại : cách nay 16 tháng, 96 Thượng nghị sĩ có mặt trong buổi điều trần hôm đó đã đồng thanh chỉ định đại tướng David Patraeus vào chức vụ tối cao của ngành tình báo Hoa Kỳ. Ông chính thức ngồi vào chiếc ghế giám đốc CIA vào tháng 9/2011.
Thứ Sáu vừa qua, 3 ngày sau khi tổng thống Obama tái đắc cử, người hùng của chiến trường Irak và Afghanistan thông báo từ chức vì « một mối quan hệ ngoài hôn thú ».
Tờ báo cho hay quan hệ giữa tướng David Patraeus với tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama không phải lúc nào cũng tốt đẹp.
Còn về phía đảng Cộng Hòa thì đã có khá nhiều tiếng nói gắn liền việc tướng Patraeus đột ngột từ chức với vụ tấn công ở Benghazi, Lybia làm 4 công dân Hoa Kỳ thiệt mạng, trong đó có Đại sứ Mỹ, Chis Stevens. Giới này cho rằng Chính quyền Obama đã đánh giá sai lầm về đe dọa khủng bố để gây ra cái chết cho Đại sứ Stevens và giám đốc CIA đột ngột từ chức, để tránh phải ra điều trần trước Quốc hội về trách nhiệm trong vụ tấn công ở Benghazi nhắm vào công dân Hoa Kỳ.
Nếu như Le Figaro chú ý đến người đàn bà làm sụp đổ sự nghiệp của ông trùm CIA thì Libération lại dành nhiều cột báo để phác họa chân dung tướng Patraeus : độc giả biết được rằng ông là một trong những nhân vật được trọng nể nhất ở Hoa Kỳ hiện nay, và cũng là một trong những người hiếm hoi còn « trụ lại » từ thời chính quyền của tổng thống G. W. Bush.
Tháng 4/2003 tướng David Patraeus là người cầm quân tiến vào miền nam Irak. Vài giờ sau sư đoàn 101 của ông chiếm được thủ đô Bagdad.
Vào lúc ở miền Bắc Irak, Moussoul trong tình thế hỗn loạn, lại cũng tướng Patraeus được điều tới hiện trường để tái thiết trật tự, mở lại trường học, và cũng ông trùm tương lai của CIA là người có trọng trách đào tạo cho quân đội Irak trong thời kỳ hậu Saddam Hussein.
Năm 2007, ông trở lại Irak vào thời điểm mà quân đội Mỹ đang sa lầy và chỉ vài tháng sau cũng chính người hùng Patraeus đã « bình ổn » được tình hình. Thành công đó khiến ông trở thành tổng tư lệnh điều hành từ mọi chiến dịch quân sự của Hoa Kỳ ở khắp vùng từ Trung Đông đến Trung Á.
Với chính quyền Obama, sự nghiệp của tướng Petraeus hơi bị chựng lại khi ông bị « giáng chức » để điều hành chiến dịch quân sự của Mỹ tại Afghanistan. Trên mặt trận này, đại tướng Patraeus không có đất dụng võ.
Tháng 9/2011 Washington đã tìm cho ông một ngõ thoát khi đưa ông về đứng đầu cơ quan tình báo CIA. Trong hơn một năm qua, dưới sự điều hành của tướng Patraeus, Hoa Kỳ đã tăng cường các chiến dịch tấn công bằng máy bay tàng hình tại Pakistan. Nạn nhân không chỉ là những phần tử hồi giáo cực đoàn, mà còn có cả nhiều thường dân vô tội.
Pháp-Đức : cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt
Bên cạnh hàng loạt những bài báo nói về bộ mặt kinh tế và xã hội Trung Quốc nhân Đại hội Đảng lần thứ 18, làng báo Paris hôm nay đặc biệt quan tâm đến quan hệ « cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt » giữa Pháp và Đức sau khi nhiều lãnh đạo bên kia bờ sông Rhin chính thức bày tỏ lo ngại về tình hình kinh tế của Pháp.
Ngày 31/10/2012, tờ báo Bild Zeitung của Đức đã không ngần ngại nêu lên câu hỏi : phải chăng « Pháp sẽ là một nước Hy Lạp trong tương lai ? » vì vậy hôm nay tờ Libération chạy tựa trên trang nhất « Achtung ! – Coi chừng » để phản ánh quan điểm của Berlin về toàn cảnh kinh tế của nước Pháp.
Tuần trước, một báo cáo do 5 chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Đức -và cũng là cố vấn của chính phủ, thực hiện đã kết luận rằng « Pháp hiện là vấn đề lớn nhất của khu vực đồng euro ».
Nước Đức của bà thủ tướng Merkel không còn che giấu những hoài nghi về chính sách kinh tế của tổng thống Hollande. Cụ thể hơn, Berlin cho rằng Paris không quyết tâm cắt giảm chi tiêu công cộng, để giải quyết nợ công và thu hẹp bội chi ngân sách.
Đối với nước Đức thì đấy là con đường duy nhất để kinh tế Pháp vươn lên. Do vậy Berlin đòi Paris nhanh chóng cải tổ tránh để vạ lây cho toàn khối euro, tránh để châu Âu lún sâu thêm vào khủng hoảng.
Lo ngại của Đức cũng được nhật báo kinh tế Les Echos của Pháp phản ánh ngay trên trang nhất khi cho rằng « Đức đang lo lắng về trường hợp của Pháp ». Libération và Les Echos cùng nhắc lại, khủng hoảng trong quan hệ giữa Paris và Berlin thêm nghiêm trọng kể từ khi Đức « lên giọng dạy đời » nước Pháp về chính sách kinh tế.
Báo cáo của các chuyên gia Đức đã đi kèm với những lời khuyên để giúp Paris « quay về với thực tế ». Báo L'Humanité không bỏ lỡ cơ hội để chỉ trích những đề nghị của Berlin từ biện pháp xóa bỏ chính sách quy định 35 giờ lao động một tuần đến việc cải tổ hệ thống an sinh xã hội, cải tổ hệ thống hưu bổng …
Không cần vòng vo, ai cũng biết là Paris rất bực mình khi bị nước Đức của bà Merkel lên giọng dạy đời. Điện Elysée cho rằng « có nhiều khác biệt giữa kinh tế của Pháp và Đức, cho nên, liều thuốc từng có hiệu quả đối với kinh tế của Đức không phù hợp với mô hình của Pháp ».
Vẫn Libération cho biết « Paris giảm nhẹ tầm mức quan trọng của khủng hoảng trong quan hệ với Berlin nhưng không phủ nhận là đang có lục đục nội bộ ».
Theo phân tích của tờ báo Berlin đang khuấy động quan hệ Pháp Đức với dụng ý chính trị vào thời điểm mà nước Đức của bà Merkel chuẩn bị bầu lại Quốc hội và đảng cánh hữu bảo thủ của bà tấn công vào đảng cánh tả cầm quyền tại Pháp để tranh thủ cử tri.
Dù vậy, trong bài xã luận, Libération không mấy lạc quan về quan hệ Pháp Đức. Paris Berlin trong quá khứ luôn là cột trụ của đại gia đình châu Âu.
Mỗi khi thay đổi ban lãnh đạo ở hai bên bờ sông Rhin, thì êkip mới lên cầm quyền luôn cần có thời gian, thường là mất một năm, để tìm hiểu lẫn nhau. Nhưng trước mắt chưa có dấu hiệu nào cho thấy Paris dưới sự điều hành của ông François Hollande và Berlin trong bàn tay sắt của bà Angela Merkel sớm có thể trở nên thân thiện.
Tờ báo cảnh cáo : tổng thống Hollande nên chóng giải tỏa hoài nghi của Berlin, bởi vì kinh tế Pháp không mấy sáng sủa, và Paris không thể đơn phương giải quyết khủng hoảng.
Bằng mọi giá Pháp phải cùng với Đức tránh để khủng hoảng chính trị song phương làm phương hại đến sự tồn tại của đồng euro hay đe dọa đến đà tăng trưởng của toàn khối.
Tin mới
- Nga cảnh cáo phương Tây về ý muốn cấp vũ khí cho quân nổi dậy Syria - 15/11/2012 17:25
- Miến Điện thả hơn 450 tù nhân trước khi tiếp đón tổng thống Obama - 15/11/2012 16:51
- Israel bắn hỏa tiễn giết thủ lĩnh Hamas - 14/11/2012 23:33
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-11-2012 - 14/11/2012 18:06
- Mỹ đặt radar và kính viễn vọng tại Úc để giám sát tên lửa Trung Quốc - 14/11/2012 17:48
- Philippines sẽ tăng sức ép trên Trung Quốc về bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông - 14/11/2012 17:26
- Nga mở đường bay tới Vịnh Cam Ranh - 13/11/2012 20:59
- Điểm BáoPháp Quốc Ngày 13-11-2012 - 13/11/2012 20:50
- Afghanistan tìm hậu thuẫn kinh tế từ Trung Quốc và Ấn Độ - 13/11/2012 16:54
- Lãnh đạo VN đón mừng ông Ahmedinejad - 12/11/2012 22:36
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-11-2012 - 12/11/2012 02:31
- Tây Tạng ám ảnh đại hội Đảng Trung Quốc - 12/11/2012 01:31
- Trung Quốc chuẩn bị củng cố hạ tầng cơ sở trên đảo Phú Lâm – Hoàng Sa - 12/11/2012 01:23
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-11-2012 - 10/11/2012 18:15
- Giám đốc CIA từ chức vì ngoại tình - 10/11/2012 06:09
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-11-2012 - 09/11/2012 21:20
- Iran gián tiếp công nhận bắn vào máy bay do thám của Mỹ - 09/11/2012 18:29
- Bà Suu Kyi kêu gọi gửi quân tăng viện để tái vãn trật tự ở Tây Miến điện - 09/11/2012 03:13
- Trí Tạ được bầu thị trưởng gốc Việt đầu tiên ở Westminster - 08/11/2012 22:24
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-11-2012 - 08/11/2012 20:52