Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-11-2012

thegioi hoannghenh-obama

 


Người dân tập trung tại Times Square ngày 07/11/2011 vui mừng lắng nghe phát biểu của Tổng thống Barack Obama sau khi tái đắc cử.
REUTERS/Andrew Kelly

 

Thế là người dân Mỹ lại trao chìa khóa Nhà Trắng cho Tổng thống Mỹ Barack Obama dù rằng kinh tế Mỹ vẫn chưa phục hồi, nạn thất nghiệp còn ở mức cao, nhà tù Guatanamo vẫn còn đó, bóng ma nợ công vẫn chập chờn.

Thế giới nghĩ gì về chiến thắng này của ông Obama ?

Tuần san Courrier International dành hồ sơ về chủ đề này với dòng tựa lớn chạy trên trang nhất : « Obama bis ! Hợp đồng mới của ông với nước Mỹ ».

Nhìn từ nước Nga, tờ Rossiskaia chào đón chiến thắng của Tổng thống Obama vì cho rằng dù sao vị Tổng thống này cũng không xem nước Nga là « kẻ thù địa chính trị » như ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney. Hơn nữa, ông Obama từng có ý sẽ tái khởi động đối thoại với Maxcơva về những hồ sơ nhạy cảm như Syria, Iran hay lá chắn tên lửa Châu Âu. Thế nhưng tờ báo dẫn lời của trưởng ban đối ngoại Thượng viện Nga cho rằng, quá trình tái khởi động sẽ không dễ dàng, nhất là về hồ sơ lá chắn tên lửa, mà theo Châu Âu là để đề phòng Iran, còn theo Maxcơva thì nhắm đến nước Nga.

Về phần mình, phó tổng biên tập của tờ nhật báo El País Tây Ban Nha chúc mừng chiến thắng của Tổng thống Obama và cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của chiến thắng đó là sự ủng hộ của người Mỹ gốc Tây Ban Nha, vì họ phản đối chính sách chống nhập cư của đảng Cộng hòa.

Đến với nước Ý, tờ Corriere della Sera tỏ ra bất nhẫn đối với những tuyên bố của ứng viên Mitt Romney, mà tờ báo này cho rằng xúc phạm đến nước Ý trên hồ sơ kinh tế. Theo điều tra của một viện thăm dò dư luận tại Ý thì có đến 70% người dân nước này hy vọng Tổng thống Obama tái đắc cử.

« Một cơ may đối với Châu Âu », đó là đánh giá của nhật báo kinh tế Đức Handelsblatt. Tờ báo cho rằng, người Châu Âu không nên bi quan về chính sách hướng về vùng Châu Á -Thái Bình Dương của Tổng thống Obama, vì như thế Châu Âu sẽ có cơ hội lấp đi khoảng trống mà nước Mỹ để lại, nhất là trong thế giới đa cực như ngày nay, Châu Âu sẽ có thể tìm cho mình những đồng minh mới trên những hồ sơ mới, như hồ sơ khí hậu chẳng hạn.

Một tín hiệu ủng hộ khác đến từ Mêhicô, Tổng thống Mêhicô Enrique Penã Nieto là một trong những nguyên thủ đầu tiên của Châu Mỹ gửi thông điệp chúc mừng chiến thắng đến Tổng thống Obama. Ông Penã Nieto cũng vừa được đắc cử hồi tháng Bảy rồi trong một cuộc bầu cử đầy tranh cãi, ông sẽ chính thức nhậm chức vào đầu tháng 12 tới đây.

Tờ Clarín của Achentina thì ca ngợi sự dũng cảm nhận khuyết điểm của Tổng thống Obama. Tờ báo cho rằng, ông Obama đã mạnh dạn thừa nhận chưa đạt được tất cả các mục tiêu đã đề ra và xin cử tri cho ông thêm một nhiệm kỳ nữa để hoàn thành nốt những việc còn dở dang. Tờ báo nhận định : «Ít có vị lãnh đạo nào đang trong kỳ tranh cử lại dám thừa nhận khuyết điểm của mình ».

Cựu Ngoại trưởng Tunisia Ahmed Ounaies bày tỏ sự ủng hộ ông Obama, và đặt hy vọng vào nhiệm kỳ hai của ông khi cho rằng : «Đúng là trong nhiệm kỳ của ông chúng ta đã thất vọng, thế nhưng chúng ta tin tưởng rằng ông ấy sẽ có thể nắm lấy mọi việc trong tay ». Nguyên nhân ủng hộ của ông Ounaies là : «Barack Obama là một trong những Tổng thống hiếm hoi của thời đại chúng ta có thể hiểu được tình hình của thế giới Ả Rập và của Châu Phi ».

Các nhà báo tại Pakistan bày tỏ ủng hộ chiến thắng của Tổng thống Obama trên trang mạng Twitter. Kênh truyền hình Dunya Television của nước này cho rằng : «Ông Obama đã làm được điều gì đó cho người Hồi giáo, người da đen, phụ nữ, những người cảm thấy bị đe dọa, người nhập cư, tầng lớp trung lưu, người da trắng ôn hòa, nhờ đó mà họ đã chọn ông ».

Tại Ấn Độ, tờ báo kinh tế Economic Times ở New Delhi đánh giá cao thái độ cởi mở và gần dân của Tổng thống Obama và từ đó cảm thấy « cay đắng » về thực trạng chính trị trong nước.

Tờ Tzo Barel của Israel, đồng minh thân cận của Hoa Kỳ ở Trung Đông, nhắc lại việc ông Obama khi tranh cử đã hứa hẹn sẽ tìm giải pháp cho Afghanistan, bày tỏ bất bình về xung đột đẫm máu tại Syria, đe dọa Iran và cam kết sẽ là « đồng minh muôn đời » của Israel. Tờ báo cho rằng, những hứa hẹn này sẽ khiến không ít người ngây thơ và dễ tin ở Israel mong chờ Tổng thống Obama sẽ làm được điều gì đó cho tiến trình hòa bình khu vực.

Thế nhưng tờ báo nhận định, sau khi chiến thắng, sắp tới Washington chắc chắn sẽ hội kiến với từng bên có liên quan, rồi sau đó lại trở lại vị trí « quan sát » vì không thể can thiệp vào việc nội bộ của các nước khác. Tuy vậy, trong quan hệ song phương, tờ báo cho rằng, Israel sẽ lại ra sức thuyết phục cho Tống thống Mỹ thấy rằng Israel là « một thế mạnh chiến lược » tại Trung Đông.

Một tờ nhật báo thân Bắc Kinh tại Hồng Kong cho rằng, cho rằng, khi tranh cử, Tổng thống Obama đã không ít lần chỉ trích Bắc Kinh, nhưng đó chỉ là động thái tranh cử mà thôi, chứ sau cuộc bầu cử, Tổng thống Mỹ sẽ phải trở về thực tế.

Thực tế, theo tờ báo đó, là sự ràng buộc về kinh tế giữa hai nước là rất lớn, đó là trong các hồ sơ Trung Đông, hạt nhân Bắc Triều Tiên hay vấn đề biến đổi khí hậu, Mỹ sẽ không thể nào bỏ qua sự tham gia của Trung Quốc.

Còn ở Trung Quốc, dù sắp thay giàn lãnh đạo tối cao, nhưng chắc chắn chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ không thay đổi. Trên cơ sở đó, tờ báo khẳng định, quan hệ Mỹ-Trung sẽ không có gì xáo trộn trong thời gian tới.

Trung Quốc : Tham nhũng từ gốc đến ngọn

Một sự kiện khác cũng thu hút dư luận thế giới trong tuần qua đó là đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc và việc sắp chuyển giao quyền lực trên chóp bu của nước này. Tuần qua, báo chí Pháp có rất nhiều bài mổ xẻ đủ mọi góc độ về chủ đề này, trong đó có vấn nạn tham nhũng tại Trung Quốc.

Thế nhưng, điều đáng chú ý là tờ Apple Daily tại Hồng Kong cũng không ngại chỉ trích vấn nạn này, được Courrier International trích dẫn với dòng tựa khá ấn tượng : « Trên chóp bu tất cả đều tham nhũng ».

Tờ báo nhận định, tại Trung Quốc, chỉ cần quân tâm một chút đến thời sự thì sẽ biết là trên chóp bu Đảng Cộng sản Trung Quốc, không một nhân vật nào không biết lợi dụng chức vụ và ảnh hưởng của mình để cho vợ con tha hồ kiếm chác, dù rằng bề ngoài thì vị nào cũng tỏ ra liêm khiết và luôn kêu gọi liêm khiết.

Tờ báo nhắc lại một loạt chuyện rùm ben trong thời gian qua như vụ Bạc Hy Lai, vụ quý tử của ông Lệnh Kế Hoạch, rồi vụ phanh phui về tài sản kếch xù của đương kim Thủ tướng Ôn Gia Bảo và lãnh đạo tương lai của Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ngoài những chuyện đó, tờ báo còn cho biết, theo điều tra của tổ chức phi chính phủ Global Financial Integrity của Hoa Kỳ, năm ngoái nhà giàu Trung Quốc đã tuồn ra nước ngoài đến 600 tỉ đô la, mà chủ yếu là qua các kênh rửa tiền.

Trong giai đoạn 2000-2011, con số này lên đến 3.790 tỉ đô la. Trong số đó, dĩ nhiên có cả tiền của cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai thông qua trung gian là doanh nhân người Anh Neil Heywood, người bị vợ ông Bạc sát hại bằng thuốc độc.

Cựu Tổng bí thư-Chủ tịch nước Giang Trạch Dân nhắc đi nhắc lại rằng, cuộc chiến chống tham nhũng và việc xây dựng một giàn lãnh đạo liêm khiết « là vấn đề sống còn » của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ấy thế nhưng, Apple Daily chua chát đặt câu hỏi : «Ai còn chưa biết rằng hai quý tử của ông Giang đã nhờ vào ảnh hưởng của ông để phát triển kinh doanh và đã có tài sản trên 100 triệu đô la ? »

Chưa hết, tờ báo cho biết, con cái của cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ cũng nhờ uy thế của cha mình mà kiếm được nhiều tiền. Truyền thông nước ngoài và ngay cả của Hồng Kông chưa từng công bố bằng chứng về sự vi phạm pháp luật của những cô cậu ấm này, thế nhưng, người dân thì biết rõ rằng, họ không thể trở nên giàu có như vậy nếu cha họ không công tác trên chóp bu nhà nước.

Trong bối cảnh đó, tờ báo cho biết, dù rằng thời gian qua dưới thời Hồ Cẩm Đào-Ôn Gia Bảo cuộc chiến chống tham nhũng có vẻ quyết liệt với nhiều vụ bắt giam cả quan chức cấp bộ và trên bộ, thế nhưng hiện tại vấn nạn tham nhũng vẫn chưa được giải quyết.

Quyết tâm bài trừ tham nhũng của toàn thể hệ thống chính trị nói chung hình như chưa đủ mạnh, bởi vào năm 2009, chính phủ đã đề nghị Quốc hội thông qua luật buộc cán bộ cao cấp công khai tài sản, nhưng đề nghị này đã không được thông qua.

Về phần nhà lãnh đạo tương lai Tập Cận Bình, Apple Daily cho rằng, do mạng lưới làm ăn rộng khắp của gia đình ông nên không thể tin rằng ông sẽ quyết tâm tiêu diệt tận gốc tham nhũng một khi ông lên nắm quyền lực tối cao của đất nước.

Cuối cùng tờ báo kết luận, ở tuổi 91, ngôi nhà Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ sụp đổ hoàn toàn nếu tiếp diễn tình trạng mục rỗng từ mọi phía.

Cải cách hoặc bạo động xã hội !

«Đồng tiền điên dại của quan chức cộng sản », đó là bài viết đăng trên tuần san Le Nouvel Observateur chia sẻ quan điểm với tờ Apple Daily tại Hồng Kông về vấn nạn tham nhũng ở Trung Quốc.

Le Nouvel Observateur nhắc lại, ở Trung Quốc người dân thường có thói quen nghĩ rằng, tham nhũng chỉ ở cấp thấp mà thôi, còn những lãnh đạo cao cấp thì luôn có hình ảnh tích cực. Ấy thế nhưng, vụ xì-căng-đan gia đình Bạc Hy Lai chợt đến làm hoen ố hình ảnh tốt đẹp nêu trên của cán bộ lãnh đạo cấp cao.

Bắc Kinh khi ấy ra sức để chứng minh rằng đó chỉ là trường hợp riêng lẻ như một con sâu làm sầu nồi canh vậy. Thế nhưng, một con sâu khác lại đến, đó là vụ quý tử của ông Lệnh Kế Hoạch - một người thân cận của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Vị quý tử này lấy chiếc xe sang trọng chở theo hai cô gái bán khỏa thân đâm sầm vào một bức tường ven đường vong mạng.

Sự việc chưa dừng lại ở đó khi vừa rồi báo chí Mỹ phanh phui tài sản kếch xù của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, người nổi tiếng tận tụy và ghét tham nhũng như ghét kẻ thù. Thế là, tờ báo nhấn mạnh, không một lãnh đạo cao cấp nào có vẻ trong sạch cả.

Nhìn trên tổng thể tình hình tại Trung Quốc tờ báo nhận định : tham nhũng lan tràn, bất bình đẳng gia tăng, các vụ bất ổn xã hội xảy ra hầu như hàng ngày, trong bối cảnh đó giàn lãnh đạo sắp tới phải tiến hành cải cách, nếu không toàn hệ thống sẽ nổ tung.

Châu Âu thiển cận trong việc khôi phục kinh tế ?

Đến với Châu Âu, tuần san L’Express đăng bài nhận định về viễn cảnh kinh tế Châu Âu với hàng tựa : «Hướng vào bờ hay hướng ra khơi ? ».

Tác giả cho biết, hiện tại người ta cứ tưởng là cuộc khủng hoảng tại Châu Âu là cuộc khủng hoảng mang tính chu kỳ theo kiểu đúng hẹn lại lên, và hễ qua cơn bỉ cực thì ắt hẳn đến hồi thới lai, bởi vậy người ta tưởng rằng cuộc khủng hoảng này đã kết thúc để chuẩn bị cho một chu kỳ phát triển mới.

Lập luận đó dựa trên những dấu hiệu phục hồi ghi nhận được trong thời gian gần đây, như lãnh vực tiêu dùng, bất động sản và việc làm đã có bước tiến triển ở Hoa Kỳ, Châu Phi và Châu Á đang tuổi lớn với mức tăng trưởng trên dưới 10% ở nhiều nước, bầu cử ở Mỹ đã xong, Trung Quốc thì sắp có lãnh đạo mới, trong bối cảnh đó, khu vực euro sẽ bị cuốn vào làn sóng tăng trưởng giống như một chiếc thuyền theo dòng nước tiến ra khơi.

Thế nhưng, tác giả cũng chỉ ra những dấu hiệu cho thấy không nên lạc quan quá mức. Tại Mỹ vấn đề nợ công vẫn còn đó, và có thể vào đầu năm 2013 sẽ kéo theo việc tăng thuế tại nước này, mà tăng thuế sẽ dẫn để nguy cơ suy thoái mới, đồng đô la sẽ mất giá gây hậu quả domino cho Châu Âu.

Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở Hy Lạp đang ngày một tệ hơn, nợ công của nước này chẳng bao lâu sẽ lên đến 200% GDP cả nước, tất cả các biện pháp khắc khổ đều đã thất bại. Trước mắt, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý cũng có nguy cơ lâm vào cảnh tình này.

Hai nước đầu tàu Châu Âu là Pháp và Đức thì vẫn chưa thống nhất về các cơ chế trợ vốn cho các ngân hàng và các nước lâm nguy. Các lãnh đạo Đức và Pháp không ngừng nhắc đi nhắc lại với cử tri về hậu quả khủng khiếp một khi khối eurozone tan rã, nhưng họ không dám nhắc đến việc là nếu cứu đồng euro thì mỗi nước có thể sẽ mất đến 100 tỉ euro. Hồ sơ trái phiếu Châu Âu (euro-obligation) vẫn còn bỏ ngỏ.

Tác giả cho rằng, cuộc khủng hoảng hiện tại của Châu Âu không mang tính chu kỳ, tức Châu Âu không phải đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ phát triển mới như những dấu hiệu phục hồi vừa nêu trên, mà nó giống như cuộc khủng hoảng hồi năm 1929.

Một cuộc khủng hoảng hướng đến một thế giới mới, một cuộc khủng hoảng mà một vài nước khi thoát ra còn ở trong tình trạng tồi tệ hơn là khi bước chân vào, cũng như những chiếc thuyền bị làn sóng dữ đẩy trở ngược vào bờ vậy. Nói cách khác, vào cuối năm 2013, Châu Âu sẽ có thể biết đến cảnh trời quang biển lặng, tức một sự tăng trưởng trở lại của thế giới. Ấy thế nhưng, sự tăng trưởng này không có gì đảm bảo sẽ diễn ra trong dài hạn.

Theo tác giả, Châu Âu sẽ không thể nào thoát ra được khủng hoảng nếu không thành lập một cách tự nguyện và cấp bách một ngân sách theo kiểu liên bang. Tác giả kết luận : dựa vào sự phục hồi kinh tế thế giới để thay cho việc tiến hành cải cách, đây là một cuộc đặt cược nguy hiểm ; cuộc đặt cược này chỉ có 1/5 cơ may chiến thắng trong ngắn hạn, 1/10 trong trung hạn và không cơ may nào cả trong dài hạn.

Switch mode views: