Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-11-2012
- Thứ Bảy, 10 tháng Mười Một năm 2012 18:15
- Tác Giả: Minh Anh
Tập Cận Bình : Chủ tịch tương lai của Trung Quốc (REUTERS)
Sau kỳ Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần này, ai cũng biết rằng ông Tập Cận Bình sẽ lên nắm quyền lãnh đạo Đảng và đất nước.
Để hiểu rõ về nhà lãnh đạo tương lai của Trung Quốc, báo Le Figaro có bài phác họa chân dung đề tựa « Tập Cận Bình, vị « hoàng tử đỏ » sắp lên lãnh đạo Trung Quốc ».
Theo Le Figaro, ông Tập Cận Bình được xem như là lãnh tụ phe « Thái tử », vốn là con cháu của các cựu binh cách mạng. Tập Cận Bình là con trai của Phó thủ tướng Tập Trọng Huân, người từng lãnh đạo kháng chiến quân cộng sản vùng Tây Bắc và từng bị Mao Trạch Đông thanh trừng vào năm 1962 trước khi được ông Đặng Tiểu Bình hồi phục danh dự.
Vốn xuất thân từ một gia đình giàu có, nhưng ông Tập Cận Bình chấp nhận từ bỏ chốn đô thị để đến công tác tại các vùng nông thôn. Chính những năm tháng lăn lộn nơi thôn dã đã giúp cho ông tích lũy nhiều kinh nghiệm và kiến thức. Không những thế, nó còn giúp ông xóa đi hình ảnh kẻ « ăn bát vàng » để có thể khoác lên mình chiếc áo là « người của địa bàn » trên con đường phát triển sự nghiệp chính trị.
Le Figaro nhắc lại trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, Tập Cận Bình bị điều xuống công tác tại tỉnh Thiểm Tây (1969-1975). Lúc ấy, ông chỉ mới 15 tuổi. Có thể nói, đây là giai đoạn ghi đậm nhiều dấu ấn trong cuộc đời ông cũng như bao kẻ khác cùng thế hệ. Chính ở nông thôn mà những người giống như ông đã khám phá ra một sự thật khác biệt, thấy rõ hạ tầng xã hội Trung Quốc và thực tiễn của chủ nghĩa Mao.
Trở về Bắc Kinh, ông tiếp tục con đường học vấn, trở thành kỹ sư hóa học và sau đó bảo vệ bằng tiến sĩ « lý luận chủ nghĩa Mác-xít » tại trường Đại học Thanh Hoa.
Nhìn chung, Le Figaro đánh giá Tập Cận Bình là một con người cẩn trọng, không thuộc hạng « thiên tài sáng tạo » và khá « chính thống ».
Nên nhớ rằng, trước khi bị thanh trừng, ông Bạc Hy Lai, cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh thất sủng từng mô tả ông Tập Cận Bình là người không biết biến hóa và quá tầm thường để ngồi trên ghế thượng tầng lãnh đạo. Lời chỉ trích đó đã khiến ông Bạc phải trả giá đắt. Cho đến giờ, Tập Cận Bình đã tạo cho mình hình ảnh một nhà lãnh đạo khiêm nhường, thực dụng và « dứt khoát ».
Chính từ lần Đại hội Đảng lần thứ 17, ông Tập được đề bạt vào hàng lãnh đạo cao cấp của đất nước. Le Figaro dẫn lại nhận định của nhiều nhà quan sát cho rằng đấy chính là con người của sự đồng thuận.
Trên thực tế, ngay từ đầu ông Hồ Cẩm Đào đã có ý định chọn ông Lý Khắc Cường làm người thay thế chứ không phải là Tập Cận Bình. Sau khi qua thương lượng với cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, Tập Cận Bình có vẻ như được tất cả các phe chấp nhận.
Người ta cũng hy vọng là ông sẽ mở ra các cải cách hợp lý. Mà bằng chứng là việc ông đến gặp trao đổi với ông Hồ Đức Bình , con trai cựu lãnh đạo theo phái tự do Hồ Diệu Bang, mà cái chết của ông đã phát động phong trào dân chủ Thiên An Môn.
Le Figaro nhận xét rằng tuy có tính điềm tĩnh, Tập Cận Bình cũng tỏ ra cứng rắn như người tiền nhiệm trong chính sách đối ngoại.
Trong chuyến công du Mehico cách đây hai năm, ông đã gây ngạc nhiên mọi người khi tuyên bố : « Có những người nước ngoài ăn không ngồi rồi, chỉ tay năm ngón mà chỉ trích Trung Quốc. Nhưng mà, thứ nhất, Trung Quốc không xuất khẩu cách mạng. Thứ hai, Trung Quốc cũng không xuất khẩu đói nghèo. Và thứ ba, Trung Quốc cũng chẳng làm ai đau đầu. Vậy thì họ còn muốn gì nữa ? ».
Câu hỏi « gì nữa », theo Le Figaro phải đợi đến hồi kết mới biết, một khi ông đã trở thành nhà lãnh đạo và đại diện cho dân tộc Trung Hoa trên toàn thế giới.
Đại sứ Nhật Bản : Senkaku là của Nhật Bản
Đến với thời sự châu Á, trên trang « Ý kiến độc giả » báo Le Monde cho đăng bài viết của đại sứ Nhật Bản tại Pháp, khẳng định « Quần đảo Senkaku thuộc nước Nhật Bản. Hành vi bạo lực của người Trung Quốc dẫn đến ngõ cụt » , nhằm đáp trả lại bài viết của Đại sứ Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Hoa lục đối với quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư, cũng đăng trên nhật báo Le Monde ngày 31/10/2012.
Mở đầu bài viết, đại sứ Nhật Bản, ông Ichiro Komatsu, nhắc lại rằng sau khi Đệ Nhị Thế chiến kết thúc, chính phủ Nhật Bản đã công khai bày tỏ sự ân hận và đã đề ra nguyên tắc như sau : các vụ tranh chấp quốc tế phải được giải quyết trên nguyên tắc hòa bình và tuân theo luật quốc tế. Và từ hơn 60 năm nay, Nhật Bản luôn trung thành với nguyên tắc đó. Hơn nữa, Nhật Bản cũng đã tham gia hết mình góp phần vào sự thịnh vượng chung của thế giới thông qua chính sách trợ giúp phát triển công cộng (APD), trong đó có phần dành cho Trung Quốc (tính đến nay, tổng số tiền đầu tư đã lên đến 28,5 tỷ euro).
Về phần quần đảo Senkaku, Đại sứ Nhật Bản một lần nữa khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của mình trên phương diện lịch sử cũng như luật quốc tế. Bởi vì, quyết định sát nhập quần đảo Senkaku vào lãnh thổ xứ Phù Tang đã có vào năm 1895, sau mười năm nghiên cứu kỹ lưỡng (từ năm 1885) chứng minh rằng quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư là vùng đất « vô chủ », không hề mang chút vết tích gì cho thấy có sự quản lý của Trung Quốc (trong khi đó triều đại nhà Thanh cai trị Trung Hoa suốt từ năm 1616 cho đến năm 1911).
Về phần Hiệp ước ký kết giữa Nhật Bản, với tư cách là nước bại trận với 48 quốc gia đồng minh sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Đại sứ Nhật Bản khẳng định quần đảo Senkaku không nằm trong mục II của Hiệp ước, quy định các vùng lãnh thổ Nhật Bản phải từ bỏ. Ngược lại, Hiệp ước San Francisco ký kết với Hoa Kỳ, đã đặt quần đảo Senkaku dưới sự cai quản của quân đội Mỹ xem như một phần lãnh thổ thuộc quần đảo Nansei.
Cho đến năm 1972, Senkaku đã được sát nhập vào tỉnh Okinawa theo thỏa thuận ký kết giữa Nhật và Mỹ. Từ đó, quần đảo Senkaku luôn được Hoa Kỳ sử dụng như là vùng đất để tập bắn đạn thật. Mặt khác, giữa Nhật Bản và Trung Quốc không có một thỏa thuận nào về việc « đình hoãn » liên quan đến quần đảo đang tranh chấp.
Như vậy, việc Tokyo mua lại từ sở hữu chủ tư ba hòn đảo trong quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh kịch liệt phản đối, chỉ là một sự chuyển nhượng đơn giản quyền sở hữu đất đai thuộc phần lãnh thổ Nhật Bản.
Cuối cùng, đại sứ Nhật Bản cũng đồng tình với đại sứ Trung Quốc về việc nên tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác Nhật – Trung, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Và ông cũng lên tiếng cảnh báo rằng Nhật Bản sẽ không khuất phục trước các hành vi bạo lực.
Kinh tế Pháp bên bờsuy thoái
Tình hình chính trị, kinh tế trong nước và sự kiện thể thao « Vendée Globe », cuộc đua 80 ngày vòng quanh thế giới bằng thuyền buồm là các chủ đề chính trên các trang báo Pháp cuối tuần.
Đáng chú ý nhất là dòng tựa báo động trên trang nhất báo Le Figaro « Đe dọa suy thoái : báo động đỏ về kinh tế Pháp ». Ngân hàng Pháp dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý tư sẽ tiếp tục tụt giảm 0,1% tương tự như trong quý 3. Như vậy, với tình hình đó, nước Pháp gần như rơi vào giai đoạn suy thoái.
Trên tờ phụ trương Kinh tế, Le Figaro nhận định « Kinh tế Pháp bên bờ suy thoái ». Cơ quan thẩm định tài chính Mỹ Moody’s cho biết cơ quan này sẽ đưa ra những đánh giá mới nhất về nền kinh tế Pháp trong những tuần sắp tới.
Tờ báo nhắc lại rằng, trái với cơ quan thẩm định tài chính Standard & Poor’s, Moody’s vẫn duy trì điểm AAA cho nước Pháp ngay sau khi ông François Hollande đắc cử tổng thống.
Giờ đây, chính phủ của thủ tướng Jean-Marc Ayrault phải chấm dứt chuyện thuyết phục Moody’s về khả năng kéo nợ công xuống còn ở mức 3% so với GDP, và phải thực hiện ngay các biện pháp cải cách nhằm tăng khả năng cạnh tranh.
Các chỉ số tài chính gần đây cho thấy có sự suy giảm rõ nét về tinh hình kinh tế và đang gióng lên hồi chuông báo động. Ngân hàng trung ương Pháp cảnh báo mối đe dọa suy thoái đang bao trùm lên nền kinh tế Pháp vào cuối năm nay. Nếu như trong quý 3, chỉ số Tổng sản phẩm nội địa tụt giảm 0,1%, thì tình hình sẽ tiếp tục tương tự trong quý 4. Điều đó, đủ để đặt nước Pháp vào tình trạng suy thoái sau hai lần liên tiếp có mức GDP tụt giảm.
Theo Le Figaro, ngành công nghiệp Pháp vẫn tiếp tục tuột dốc. Trong tháng 9, sản xuất toàn ngành đã rớt xuống còn 2,7%, sau khi tăng 1,9% tháng trước đó. Nếu so với cùng kỳ nằm rồi, mức tụt giảm là 2,1%.
Le Figaro cho rằng hiếm có lãnh vực nào có thể thoát được suy thoái. Nhất là ngành công nghiệp sản xuất xe ô-tô, trong khoảng 6 tháng cuối năm nay mức sản xuất giảm 11,6% so với cùng kỳ năm rồi. Như vậy, dự báo đầu tư của ngành công nghiệp không mấy gì sáng sủa.
Tuy nhiên, Bộ tài chính và Bộ Kinh tế Pháp đang cố trấn an các nhà đầu tư, khi cho rằng « tình hình cuối năm sẽ có khó khăn chút đỉnh… nhưng sau đó hoạt động sẽ trở lại từ từ ».
Năm 2013 sẽ bắt đầu mà không đà vươn lên do mức tăng trưởng là không. Một tình trạng chưa từng xảy ra từ nhiều năm nay. Điều này đang gây không ít khó khăn cho chính phủ Pháp, vốn đang phấn đấu duy trì mức dự đoán tăng trưởng cho năm tới là 0,8%, cao gấp đôi so với mức dự đoán do Ủy ban châu Âu đưa ra.
Khủng hoảng vùng euro bắt đầu lan sang Đức
Cũng liên quan đến chủ đề này, phụ trương Kinh tế Le Figaro có bài nhận định đề tựa « Nước Đức bị khủng hoảng khu vực đồng euro đuổi kịp ».
''Nếu như cho đến giờ, Đức vẫn thoát được những khó khăn mà các nước khác trong khu vực gặp phải, các chỉ số gần đây cho thấy hậu quả của khủng hoảng cũng đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Đức ''.
Theo dự báo của Bộ trưởng Kinh tế Đức, tăng trưởng sẽ trì trệ trong quý IV năm nay và sẽ kéo dài trong suốt quý I năm 2013. Trong bối cảnh khủng hoảng châu Âu, các doanh nghiệp Đức buộc phải giảm đầu tư. Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ kinh tế Đức, thì tình hình trên chỉ có tính chất tạm thời.
Trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu, trụ cột của nền kinh tế Đức, tụt giảm 3,4% trong tháng 9. Riêng trong khu vực châu Âu, xuất khẩu bị sụp đến 9,1% : mức kỷ lục chưa từng có kể từ tháng 11 năm 2009. lượng đơn đặt hàng công nghiệp ghi nhận trong tháng 9 suy giảm thê thảm mà không hề cho thấy chút hy vọng hồi phục.
Theo Le Figaro, tinh thần các chủ doanh nghiệp Đức đang bị lung lay. Trong tuần này, chỉ số Dax, chỉ số chứng khoán quan trọng của Francfurt đã bị tụt giảm trong quý 3 này. Một số doanh nghiệp lớn của Đức bắt đầu rục rịch các chính sách sa thải nhân viên. Ngay cả ngành công nghiệp sản xuất xe ô-tô cũng bắt đầu có dấu hiệu hụt hơi, trong khi mà các nhà sản xuất buộc phải bán tống bán tháo để duy trì lượng bán ra.
Các chuyên gia kinh tế còn sợ rằng lãnh vực máy móc-dụng cụ cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng, do một số doanh nghiệp bắt đầu thực hiện chính sách thất nghiệp bán phần.
Về phần mình, chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu, ông Mario Draghi nhận định rằng kinh tế Đức trì trệ buộc Berlin phải ủng hộ chương trình mua lại nợ công. Ông cho rằng « cần phải tính đến cơ chế của các thị thường » và rằng sự bình ổn của cả khối đồng euro cũng mang lại lợi ích cho nền tài chính Đức.
Hàn Quốc : mỗi tháng thay áo một lần
Bạn muốn thay áo mới mỗi tháng ư ? Điều đó không còn khó nữa. Chỉ cần trả khoản tiền 72,3euro/ năm, hàng tháng bạn sẽ được nhận qua bưu điện một chiếc áo sơ-mi mới theo màu đã chọn. Đây là một dịch vụ mới, đang nở rộ tại Hàn Quốc. Đề tài được phụ san Kinh tế báo Le Figaro thuật lại qua bài viết đề tựa « Tại Hàn Quốc, áo sơ-mi mới mỗi tháng qua bưu điện ».
Một tuyệt chiêu của Shirts Magazines. Không như mọi người tưởng tượng, chỉ cần trả một khoản thuê bao 72,3 euros một năm, hàng tháng người mua sẽ được nhận một chiếc áo sơ-mi mới toanh trong hộp thơ của mình, chứ không phải là tờ tạp chí như mọi người vẫn nghĩ.
Người mua có thể nhận 12 chiếc áo cùng màu hay mỗi tháng mỗi màu khác nhau khi lướt tạp chí Shirts Magazines trên mạng Internet.
Bà Lee, cũng mua thuê bao dịch vụ này nhận định « như vậy rẻ hơn rất nhiều, tiết kiệm được gần 6 euro/ chiếc áo, thay vì phải trả từ 22 đến 29 euro nếu mua tại cửa hàng lớn ». Theo giải thích của bà với tờ Korea Herald, « dịch vụ này rất là tiện lợi. Đối với chồng bà là viên chức công sở việc mua chiếc áo sơ-mi mới cũng không kém phần quan trọng cũng giống như gạo hay kim chi ».
Món kim chi, được làm từ cải thảo Trung Quốc ngâm dấm, là món ăn truyền thống của người Hàn Quốc. Mỗi gia đình đều phải trữ một hũ đầy kim chi trong tủ lạnh. Thế thì, áo sơ-mi mới cũng gần giống như thế. Ông Kim Mi-young, người sáng lập tờ Shirts Magazines khẳng định « Giới chuyên nghiệp đô thị là những người tiêu thụ tốt nhất ».
Chương trình vừa được tung ra cách đây đúng một tháng, nhưng mỗi ngày có đến 50 người thuê bao mới. Ngần ấy phụ nữ và cũng ngần ấy đàn ông. Tuổi đời trạc ba mươi, nhưng không ai trong số họ có thời gian đi chọn áo quần tại Lotte hay Shinsegae, hai siêu thị lớn nhất tại Seoul.
Tin mới
- Mỹ đặt radar và kính viễn vọng tại Úc để giám sát tên lửa Trung Quốc - 14/11/2012 17:48
- Philippines sẽ tăng sức ép trên Trung Quốc về bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông - 14/11/2012 17:26
- Nga mở đường bay tới Vịnh Cam Ranh - 13/11/2012 20:59
- Điểm BáoPháp Quốc Ngày 13-11-2012 - 13/11/2012 20:50
- Afghanistan tìm hậu thuẫn kinh tế từ Trung Quốc và Ấn Độ - 13/11/2012 16:54
- Lãnh đạo VN đón mừng ông Ahmedinejad - 12/11/2012 22:36
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-11-2012 - 12/11/2012 20:57
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-11-2012 - 12/11/2012 02:31
- Tây Tạng ám ảnh đại hội Đảng Trung Quốc - 12/11/2012 01:31
- Trung Quốc chuẩn bị củng cố hạ tầng cơ sở trên đảo Phú Lâm – Hoàng Sa - 12/11/2012 01:23
Các tin khác
- Giám đốc CIA từ chức vì ngoại tình - 10/11/2012 06:09
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-11-2012 - 09/11/2012 21:20
- Iran gián tiếp công nhận bắn vào máy bay do thám của Mỹ - 09/11/2012 18:29
- Bà Suu Kyi kêu gọi gửi quân tăng viện để tái vãn trật tự ở Tây Miến điện - 09/11/2012 03:13
- Trí Tạ được bầu thị trưởng gốc Việt đầu tiên ở Westminster - 08/11/2012 22:24
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-11-2012 - 08/11/2012 20:52
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-11-2012 - 07/11/2012 17:31
- Obama đã thắng, Romney nhận thua - 07/11/2012 16:50
- Tổng thống Obama tái đắc cử - 07/11/2012 06:14
- Cử tri Hoa Kỳ tấp nập đi bỏ phiếu - 06/11/2012 23:07