Pleyel Finale
- Thứ Bảy, 23 tháng Mười Một năm 2013 10:51
- Tác Giả: Quỳnh Giao
Có một thời là biểu tượng của nền hàng không Hoa Kỳ, máy bay Pan Am đã đưa chúng ta đi nhiều nơi và trên đường Tự Do ngày xưa ở Sài Gòn quầy vé Pan Am có sự quyến rũ của tiếng mời chào du lịch. Vậy mà hai chục năm trước, hãng Pan Am phải đóng cửa, building Pan Am tại New York chìm trong lãng quên. Nhưng sau Pan Am, nhiều hãng khác đã ra đời và lời kêu gọi phiêu lưu vẫn còn đó.
Người viết bâng khuâng nghĩ đến một chuyện “tắt tiếng” khác. Ðó là khi được tin hãng Pleyel vừa ngưng hoạt động. Pleyel là hiệu đàn dương cầm danh tiếng nhất của Pháp từ hơn hai thế kỷ.
Đàn dương cầm Pleyel (Ảnh trên Net)
Với người yêu nhạc cổ điển Tây phương, Pleyel là cái tên nối liền với Frederic Chopin, Camille Sain-Saens, Maurice Ravel, Rimsky-Korsakov và Igor Stravinsky, là những nhạc sĩ tên tuổi từ mấy trăm năm nay đã thửa đàn Pleyel cho mình.
Ðược một nhạc sĩ người Pháp gốc Áo thành lập tại Paris từ 1807, hãng Pleyel đem vinh dự cho nước Pháp với loại đàn có giá trị rất cao và là hình ảnh của văn minh. Mỗi chiếc dương cầm Pleyel lại là một tác phẩm nghệ thuật được nhiều thế hệ nối tiếp duy trì và quảng bá khắp thế giới. Năm 1925, hãng Pleyel còn lập ra một thính đường có tiêu chuẩn âm thanh tối tân nhất thời đại ở trung tâm thanh lịch của Paris. Có lẽ hình ảnh của các nhạc sĩ thượng thặng trình tấu trong Salle Pleyel còn quyến rũ hơn chuyến bay Pan Am lần đầu tiên cất cánh vào năm 1927.
Ignaz Pleyel là một nhạc sĩ có tài sinh tại Áo, từng học nhạc với Joseph Haydn và phụ trách dàn nhạc cho một nhà quý tộc Áo. Năm 1783, khi đã 26 tuổi, ông qua Pháp sống, đổi tên ra Ignace và thành nhà soạn nhạc trứ danh, có nhiều tác phẩm được trình tấu. Khi Cách Mạng Pháp bùng nổ ông qua lánh nạn bên Anh rồi trở về thì bị phe cách mạng bắt giữ. May là được tha vì viết một nhạc khúc trường thiên ca tụng cách mạng và nhờ trước đó đã soạn nhiều khúc ngợi ca tự do với Rouget de Lisle, là tác giả của khúc La Marseillère sau này là quốc thiều của Pháp.
Cuối thế kỷ 19, Pleyel mở nhà xuất bản, viết sách dạy đàn rồi quảng bá sách nhạc tới mấy ngàn đầu sách, đến năm 1807 mới lập xưởng chế tạo dương cầm nhờ sự hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm. Con trai ông là Camille lên thay và là bạn thân của Chopin, tạo ra danh hiệu cao quý của đàn Pleyel. Thời ấy, người ta nói đến “tiếng Pleyel” như một đặc tính riêng và dương cầm Pleyel bắt đầu chinh phục các nước.
Ðến thế hệ thứ ba, ông Auguste Wolff cũng là một nhạc sĩ có tài, đã từng làm việc với Camille và nâng cao tiêu chuẩn của đàn Pleyel với hai xưởng chế tạo rất lớn từ cuối thế kỷ 19. Con rể của August Wolff mới là bậc kỳ tài. Ông Gustave Lyon tốt nghiệp trường Bách khoa Polytechnique khét tiếng của Paris, học thêm về hầm mỏ mà cũng là nhạc sĩ. Sự hiểu biết về khoa học của ông đã cải tiến dương cầm và đoạt giải danh dự của Hội chợ Ðấu xảo Paris. Ông hiện đại hóa hãng xưởng cũ, nghiên cứu về khoa học âm thanh trong thính đường để xây dựng rạp hát Pleyel.
Nhưng vụ khủng hoảng kinh tế năm 1929 đã gieo họa cho âm nhạc.
Hãng Pleyel vỡ nợ năm 1933 và một năm sau thì rạp Pleyel bị chủ nợ là ngân hàng Credit Lyonnais tịch biên! Cho đến năm 1998 thì một doanh gia yêu nhạc là ông Hubert Martigny mới bỏ tiền mua lại Salle Pleyel và bước qua thế kỷ 21 vào năm 2000 thì mua lại hãng Pleyel cùng nhiều hãng làm đàn khác. Khi ấy, Pleyel là hiệu đàn dương cầm duy nhất của Pháp.
Nhưng sự xuất hiện của nhiều hãng Nhật Bản, Nam Hàn và cả Trung Hoa sau này đã là làn sóng cạnh tranh rất mạnh với loại đàn bán khá rẻ. Trong ba chục năm, số piano của Pháp đã sụt từ bốn vạn xuống có tám ngàn vào năm 2010. Hãng Pleyel lui về cố thủ ở trên đỉnh, với loại dương cầm thượng thặng nhưng rất đắt, từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn, mỗi năm sản xuất có vài chục chiếc thay vì vài ngàn. Vụ khủng hoảng năm 2008 là tai họa sau cùng vì những người giàu có nhất mà còn mất tiền.
Trong những năm qua, Pleyel tìm cách kháng cự và hợp tác với hãng xe Peugeot hay Audi để sáng chế loại đàn có thể gọi là hậu hiện đại về cả âm thanh, nguyên liệu và kiểu dáng. Hồi Tháng Tư vừa qua, mục tạp ghi này của chúng ta có nói đến cây đàn rất lạ mà rất đắt của Pleyel và Peugeot.
Cuối cùng thì một ngày sau Lễ Chiến Thắng của Pháp, hôm Thứ Ba 12 vừa qua Pleyel tấu lên một cung bậc cuối. Họ đóng cửa xưởng đàn cuối cùng, cho 14 nghệ nhân sau cùng ra về và chờ bán nốt những cây đàn đang nằm trong kho.
Nghe nói rằng Bộ Văn Hóa Pháp đã theo dõi chuyện này và muốn tìm giải pháp cứu vãn danh dự và duy trì được tiếng nhạc Pleyel.
Related news items:
Tin mới
- Dạy trẻ em như thế này sao? - 01/12/2013 14:28
- Black Friday, mê shopping hay mê ... xếp hàng? - 30/11/2013 17:06
- Lễ Tạ Ơn, về Little Saigon ăn gà Tây quay kiểu Tàu - 28/11/2013 10:24
- Ðại hồng thủy và nỗi đau miền Trung - 26/11/2013 13:00
- Haiyan và thông tin - 26/11/2013 01:59
- Một cộng đồng Việt, ba hội chợ Tết! - 26/11/2013 01:26
- Câu chuyện nhà báo - 24/11/2013 21:16
- Nói vậy nhưng không phải vậy - 23/11/2013 13:33
- Lũ lượt rủ nhau về Iowa - 23/11/2013 12:27
- Biểu tình ở DC phản đối đảng Cộng Hòa - 21/11/2013 12:48
Các tin khác
- Chuyện bà Phó Ðoan - 19/11/2013 00:34
- Sự ô trọc ở Việt Nam lan cả vào nhà chùa - 17/11/2013 16:26
- Ðảng Cộng Hòa đang gặp khó khăn - 17/11/2013 02:17
- Obamacare: Dân Chủ xé rào - 17/11/2013 02:11
- Nghèo mà chơi sang, vì sao? - 12/11/2013 18:19
- Nghệ thuật bỏ đói - 11/11/2013 19:30
- Tự xử - 10/11/2013 19:32
- Người cõi trên - 10/11/2013 02:13
- Viện Khổng Tử và quyền lực mềm của Trung Quốc - 06/11/2013 21:41
- Trí nhớ, ký ức, một câu chuyện y học - 06/11/2013 18:08