Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Biểu tình ở DC phản đối đảng Cộng Hòa


Cuối tuần trước họ tự xích tay nhau vào chiếc xe của cảnh sát ở Chicago để ngăn cản không cho nhân viên công lực trao trả 2 di dân bất hợp pháp về lại nguyên quán trong lúc gia đình những người này vẫn ở lại Mỹ.

Hôm qua (Thứ Tư, 20 Tháng Mười Một 2013), họ rủ nhau về D.C. biểu tình trước cửa nhà riêng của ông Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner trước khi kéo nhau sang biểu tình trước cửa nhà ông Trưởng Khối Ða Số Eric Cantor. Mục tiêu giống nhau: đòi hỏi Hạ Viện Cộng Hòa phải thảo luận về dự thảo luật di dân, cho phép những người đang cư trú bất hợp pháp được phép ở lại nước Mỹ và có thể trở thành công dân Hoa Kỳ trong tương lai.

bieutinh caito ditruBiểu tình tại Washington hồi Tháng Mười, yêu cầu Hạ Viện thông qua luật cải tổ di trú đã được Thượng Viện thông qua. (Hình minh họa: Chris Kleponis/AFP/Getty Images)

Họ là những nhân vật rất quen thuộc của những nhóm chuyên vận động cho tập thể 11 triệu người không có giấy tờ hợp lệ đang cư ngụ tại Hoa Kỳ, cộng với một số sinh viên được phép ở lại (vì đi cùng sang Mỹ với cha mẹ từ lúc còn bé) theo chương trình “Dreamers” do Tổng Thống Barack Obama đề xướng. Kế hoạch của họ thật đơn giản: dọn bàn tiệc ăn mừng Thanksgiving trước cửa nhà của ông số 1 và ông số 2 của đảng Cộng Hòa, phân phát truyền đơn cho giới truyền thông biết trong lúc cả nước Mỹ đang hân hoan chào đón Mùa Tạ Ơn và Mùa Lễ Giáng Sinh “thì có những gia đình đang ngồi khóc vì thân nhân của họ bị bắt trả về nguyên quán vì không có giấy tờ cư trú.” Sau 2 cuộc biểu tình đó đoàn người kéo nhau sang biểu tình trước cửa Quốc Hội, tiếp tục hô hào đòi các vị dân cử giúp họ giải quyết tình trạng di trú để có thể ở lại với người thân trong gia đình.

Hầu như không ai ngạc nhiên khi thấy những cuộc biểu tình liên tục diễn ra, đặc biệt sau cuộc họp kín của các vị dân cử Cộng Hòa hồi tuần trước. Sau cuộc họp kín đó, Dân Biểu Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner cho hay “chắc chắn năm nay sẽ không bàn thảo dự luật di dân” và không thể biết trước tình hình năm tới sẽ như thế nào. Ông Chủ Tịch Hạ Viện Cộng Hòa cũng nói Hạ Viện sẽ soạn thảo một dự luật riêng biệt để cải tổ luật di trú, không liên quan gì đến dự luật đã được Thượng Viện thông qua vài tháng trước đây, trong khi văn phòng của ông Trưởng Khối Eric Cantor nhận trách nhiệm soạn thảo dự luật dành riêng cho những người được cha mẹ đưa sang đây từ lúc còn bé.

Cũng từ tuần trước, tin từ văn phòng ông Cantor đã cho thấy theo quan điểm của các vị dân cử Cộng Hòa “thành phần thiếu niên cư trú bất hợp pháp lớn lên ở Mỹ là thành phần dễ được người dân chấp nhận cho ở lại” trong khi số phận của những người vào Mỹ lúc đã trưởng thành “sẽ được cứu xét sau.” Theo lời ông phát ngôn viên Rory Cooper, “Lãnh đạo (Cộng Hòa) Hạ Viện đã nói rất nhiều lần là những đứa trẻ lớn lên chỉ biết có nước Mỹ, sang đây vì cha mẹ chúng đưa sang là những người không có lỗi gì cả nên phải được ở lại Mỹ.” Ông Cooper cũng nhắc lại “chương trình này do Hạ Viện đưa ra, cần sự hợp của Thượng Viện” nhưng nếu bên Thượng Viện Dân Chủ không đồng ý làm việc chung “chuyện cuối cùng sẽ không đi tới đâu cả.”

Ngay lúc này, chuyện chắc chắn sẽ chẳng đi tới đâu. Ông Chủ Tịch Khối Ða Số Harry Reid của Thượng Viện từng nói “chỉ thảo luận và thông qua dự luật trong đó có những điều khoản giải quyết toàn bộ tình trạng của những người cư trú bất hợp pháp” trong đó “bao gồm cả những quy định để trong tương lai họ có thể trờ thành công dân Mỹ.” Ý kiến “đánh trọn gói” này không được Hạ Viện đồng ý, viện dẫn lý do người dân không tán thành ý kiến cho những người cố tình vi phạm luật pháp khi trốn sang đây sau đó lại trở thành công dân Hoa Kỳ. Ðiều này được ông John Boehner giải thích rất rõ trong những lần họp báo trước đây, cho hay “chúng tôi sẽ giải quyết từng bước một và theo ý kiến của người dân, chứ không một lúc đưa ra đạo luật dầy cả ngàn trang quy định hết điều khoản này tới điều khoản khác mà chẳng ai chịu đọc cả,” ám chỉ luật Obamcare dày cũng cả ngàn trang, chẳng ai có thì giờ đọc, “để rồi khi thi hành gặp hết trở ngại này đến trở ngại khác.”

Bên Dân Chủ vẫn nuôi hy vọng.

Thượng Nghị Sĩ Charles Schumer - một trong 8 vị nghị sĩ soạn dự luật bên Thượng Viện - tin tưởng “cuối cùng Hạ Viện sẽ đồng ý với chúng tôi, biết rằng chuyện cải tổ di trú phải được giải quyết bởi đôi bên.” Bà Trưởng Khối Thiểu Số Hạ Viện Nancy Pelosi nhắc nhở cánh Dân Chủ Hạ Viện có soạn thảo một dự luật tương tự như dự luật của Thượng Viện “nếu ông Chủ Tịch Boehner đồng ý đưa ra thảo luận trước nghị trường thế nào cũng được thông qua.” Một ông cố vấn của bà Pelosi còn lên tiếng chê bai, nhắc lại đầu năm nay “chính ông Boehner từng nói sẽ làm việc với Tổng Thống Barack Obama để giải quyết vấn đề di dân” nhưng đến bây giờ vẫn chưa làm “chỉ vì ông ta không đủ sức thuyết phục được những vị dân cử cùng đảng.”

Chẳng biết bao giờ Dân Chủ-Cộng Hòa mới bắt tay giải quyết chuyện này, chỉ biết 11 triệu người đang cư trú bất hợp pháp trên đất Mỹ ngày đêm hy vọng số phận của họ sớm được giải quyết, như một người trong đoàn biểu tình ở D.C. tên là Ana Rodriguez nói với mọi người, “Các ông bà sẽ sung sướng ngồi ăn mừng Lễ Thanksgiving với gia đình, trong khi những người như tôi lúc nào cũng sợ nơm nớp, không biết tối nay có được ngủ với chồng con hay bị cảnh sát bắt về bót, sau đó sẽ bị trả về nguyên quán.”

Switch mode views: