Một vài suy nghĩ nhân mùa Oscar 2014 sắp đến
- Thứ Năm, 24 tháng Mười năm 2013 10:10
- Tác Giả: Song Chi
Các nước ồ ạt gửi phim tham dự Oscar phim nước ngoài
Ngày 7 tháng 10 vừa qua, Viện Khoa Học và Nghệ Thuật Ðiện Ảnh Mỹ (The Academy of Motion Picture Arts and Sciences (AMPAS) đã công bố danh sách phim dự thi hạng mục Phim Nước Ngoài giải Oscar lần thứ 86, 2014. Có tất cả 76 phim, vượt qua con số 71 phim năm ngoái và thiết lập một kỷ lục mới cho hạng mục này.
Trong danh sách các quốc gia gửi phim dự thi, có những quốc gia lần đầu tiên tham gia như Moldova (phim “All God's Children,” đạo diễn Adrian Popovici), Montenegro (phim “Ace of Spades-Bad Destiny,” đạo diễn Drasko Djurovic) và Saudi Arabia (phim “Wadjda,” đạo diễn Haifaa Al Mansour). Sau 50 năm, Pakistan lại tham gia với bộ phim “Zinda Bhaag,” của hai đạo diễn Meenu Gaur and Farjad Nabi.
Quốc gia nhỏ xíu Iceland với dân số chỉ trên 300,000 người, gửi đến AMPAS bộ phim “Of Horses and Men,” của đạo diễn Benedikt Erlingsson, câu chuyện về một con ngựa có liên quan đến đời sống con người.
Ðiều đáng nói hơn, từ năm 1981, Iceland bắt đầu gửi phim tham dự giải Oscar và sau đó, đều đặn hàng năm, không bỏ lỡ lần vào.
Không những thế, tại Oscar lần thứ 64, năm 1991, bộ phim “Children of Nature” của Iceland, đạo diễn Friðrik Þór Friðriksson, là một trong 5 phim được đề cử Ocar. Và năm ngoái, bộ phim “The Deep”, đạo diễn Baltasar Kormakur lọt vào danh sách rút gọn (9 phim), mặc dù sau đó không lọt vào vòng 5 phim cuối cùng được đề cử.
Các quốc gia Bắc Âu với dân số trên 5 triệu người, mỗi năm chỉ sản xuất khoảng trên 20 bộ phim, không phải thuộc loại có bề dày thành tích trong lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh nếu xếp cạnh những quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Ðức, Ý, Nga... nhưng cũng đều từng có phim được đề cử Oscar Phim Nước Ngoài.
Ðan Mạch, tham gia kể từ năm 1956, 8 lần được đề cử (không kể thêm một lần lọt vào vòng rút gọn 9 phim), 3 lần đoạt giải với các phim “Babette's Feast” (1987), “Pelle the Conqueror” (1988) and “In a Better World” (2010).
Năm nay Ðan Mạch tham gia với bộ phim “The Hunt,” đạo diễn Thomas Vinterberg. Câu chuyện phim xảy ra tại một ngôi làng nhỏ ở Ðan Mạch vào dịp lễ Giáng Sinh, về một người đàn ông trở thành mục tiêu của một đám đông cuồng loạn sau khi bị cáo buộc sai về tấn công tình dục một đứa trẻ.
Na Uy, tham gia từ năm 1957, 5 lần được đề cử, lần mới nhất là năm ngoái với bộ phim “Kon-Tiki” (2012) của hai đạo diễn Joachim Ronning và Espen Sandberg.
Năm nay Na Uy gửi dự thi bộ phim “I Am Yours,” của nữ đạo diễn và và ca sĩ người Na Uy gốc Pakistan Iram Haq.
Thụy Ðiển, tham gia từ năm 1956, 14 lần được đề cử, 3 lần đoạt giải với các phim “The Virgin Spring” (1960), “Through a Glass Darkly” (1961) và “Fanny and Alexander” (1983). Tất cả các phim đoạt giải đều của đạo diễn Ingmar Bergman, một gương mặt lớn của điện ảnh Thụy Ðiển và của thế giới. Năm nay Thụy Ðiển tham gia với phim “Eat Sleep Die,” đạo diễn Gabriela Pichler.
Phần Lan, tham gia từ năm 1973, có vẻ kém cạnh hơn với duy nhất một phim được đề cử là “The Man Without a Past” (2002), năm nay gửi đến bộ phim “Disciple,” đạo diễn Ulrika Bengts.
Các quốc gia có nền điện ảnh mạnh ở Châu Á đều gửi phim tham dự.
Trung Quốc gửi phim “Back to 1942,” đạo diễn Feng Xiaogang, kể về một nạn đói lớn ở Hà Nam, Trung Quốc, trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai. Hongkong chọn “The Grandmaster,” đạo diễn Wong Kar-wai, về cuộc đời của Ip Man, bậc thầy của nghệ thuật võ Vịnh Xuân (Wing Chun, hay Ving Tsun) từ những năm 30.
Ðài Loan chọn “Soul,” phim thể loại kinh dị của đạo diễn Chung Mong-Hong. Hàn Quốc chọn “Juvenile Offender,” đạo diễn Kang Yi-kwan, về một tội phạm tuổi vị thành niên đoàn tụ với người mẹ đã từ bỏ mình lúc mới sinh.
Nhật Bản chọn “The Great Passage,” đạo diễn trẻ Ishii Yuya, là câu chuyện về một nhân viên bán hàng sau đó là một biên tập viên từ điển, dự định cùng với nhóm biên tập của mình sản xuất một cuốn từ điển mới được gọi là “Daitokai” (The Great Passage).
Ấn Ðộ tham dự với bộ phim “The Good Road,” đạo diễn Gian Correa, được kết nối bởi 5, 6 câu chuyện đan xen với trung tâm của hành động là các đường cao tốc của vùng nông thôn Gujarat gần thị trấn Kachch.
Cả Nhật Bản, cả Ấn Ðộ đều chọn phim khác thay cho 2 bộ phim được đánh giá rất cao là “Like Father, Like Son” (Nhật Bản) và “The Lunchbox” (Ấn Ðộ).
Iran, quốc gia mà từ vài thập niên trở lại đây liên tục ẵm nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim danh giá trên thế giới, năm ngoái lần đầu tiên đoạt giải Oscar Phim nước ngoài với bộ phim “A separation” của đạo diễn Asghar Farhadi, năm nay tiếp tục gửi một phim khác của đạo diễn này: “The Past.”
Phim kể về một người đàn ông Iran trở lại Pháp sau 4 năm để hoàn tất thủ tục ly dị vợ, gặp lại người sắp trở thành vợ cũ của mình và cô con gái chung của hai người đang trong mối quan hệ căng thẳng vì cô con gái không chấp nhận mối quan hệ của mẹ mình với một người đàn ông Ả Rập khác.
Các quốc gia có nền điện ảnh chưa mấy nổi như Thái Lan, Philippines, Cambodia... cũng đều có phim.
Một vài suy nghĩ nhân mùa Oscar 2014 sắp đến
... nhìn lại VN
Báo chí đưa tin “Việt Nam không gửi phim dự Oscar” năm nay (báo Tuổi Trẻ). Vì chỉ nhận được một phim đăng ký tham gia là “Thiên Mệnh Anh Hùng” do Phương Nam Film, Saiga Film và Thanh Niên Film hợp tác sản xuất, nhưng bộ phim lại không đáp ứng thời gian phát hành hợp lệ theo yêu cầu của điều lệ chọn phim tham dự giải thưởng Oscar lần thứ 86.
Mà giá như có gửi phim đi dự thi thì chắc cũng lại về tay không như những lần trước. Ðiện ảnh VN chưa bao giờ lọt vào vòng rút gọn 9 phim chứ đừng nói đến đoạt giải. Trong khi VN, với dân số gần 90 triệu, và những bộ phim nói đầu tiên do người Việt sản xuất đã xuất hiện từ cuối những năm 30 của thế kỷ XX.
Sau khi đất nước bị chia cắt, theo Wikipedia, “Nếu như ở miền Bắc năm 1959 mới xuất hiện bộ phim truyện đầu tiên thì ở miền Nam, điện ảnh đạt tới thời kỳ đỉnh cao ngay từ năm 1957 với nhiều bộ phim được sản xuất, trong đó có phim màu đầu tiên của Việt Nam là phim Lục Vân Tiên. Những đại diện của điện ảnh miền Nam tới tham dự các liên hoan phim ở Châu Á và trong khu vực cũng đã nhận được nhiều giải thưởng.”
Nhưng cho đến nay, điện ảnh của nước Cộng Hòa XHCN VN vẫn thuộc vào dạng “không tên tuổi” trên thế giới.
Lý giải điều này, nhiều người thường hay đề cập đến vấn đề kinh phí làm phim hạn hẹp, máy móc thiết bị lạc hậu... so với nước người ta. Nhưng thật ra có khá nhiều bộ phim hay, đoạt giải tại các liên hoan phim khác nhau trên thế giới được quay với kinh phí rất thấp. Nhiều bộ phim Iran là minh chứng cho điều này với đề tài, cốt truyện đơn giản, bối cảnh đơn giản, ít diễn viên, ít tốn kém.
Cũng không thể đổ thừa cho vấn đề kiểm duyệt, không có tự do sáng tác, bởi vì ở một số quốc gia Hồi Giáo, việc kiểm duyệt còn khắt khe hơn rất nhiều. Một nụ hôn cũng không được phép chứ đừng nói đến những cảnh nóng trên giường, diễn viên nữ tuyệt đối không có những cảnh ăn mặc mát mẻ, đồng tính lại càng cấm kỵ, bạo lực, chết chóc cũng không.
VN, có thể có bất lợi là môi trường sáng tác không được tự do, có thể không có tiền nhiều, thiết bị kỹ thuật cũng còn thuộc vào hàng lạc hậu nếu so với nhiều quốc gia, nhưng bù lại, lợi thế lớn nhất là câu chuyện, đề tài. Những nhà làm phim chẳng cần phải bóp đầu bóp trán bịa ra một câu chuyện thương tâm, bi hài hay đầy kịch tích, cuộc sống thật đã đầy sự kiện, đầy chuyện.
Nếu nghèo trí tưởng tượng, nghèo óc sáng tạo, thậm chí chỉ cần quan sát trong cuộc sống hay đọc báo, lượm từ trong các câu chuyện trên báo chí cũng đã khối câu chuyện hay, so với các quốc gia có đời sống bình yên, ổn định, ít sự kiện như các nước Bắc Âu chẳng hạn. Thế nhưng, những câu chuyện mà chúng ta đưa lên phim thì hoặc là nhảm nhí nhằm câu khách một cách lộ liễu, hoặc nặng tính tuyên truyền, tuyên huấn, nhằm phục vụ mục đích chính trị, và nói chung là giả.
Cùng thời gian với thông tin về việc các nước rầm rộ gửi phim tham dự Oscar và VN không có phim, là thông tin về Liên Hoan Phim VN lần thứ 18, 2013 sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 16 tháng 10 tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Theo báo chí nhận định tuy có đến 23 phim tham dự, nhiều hơn mọi lần nhưng “ít phim hay, nhiều phim hài, nhảm.”
Một liên hoan phim trong nước mà còn không tìm đâu ra phim hay để dự thi, để trao giải, phải vơ bèo vạt tép tất cả những phim bị gọi là “nhảm” cho tới “thảm họa,” nếu không thì quá ít phim tham dự, thế thì còn hy vọng gì đến dự liên hoan phim thế giới nói chung và Ocar nói riêng?
Tất nhiên, không phải ta làm phim chỉ để nhằm đi dự thi, nhằm mơ có giải quốc tế, nhưng việc điện ảnh VN còn quá kém là một sự thực mà chúng ta phải thừa nhận.
Cái thiếu nhất của điện ảnh VN hiện nay, chưa hẳn đã là tiền hay điều kiện làm phim, mà là tài năng.
Mà tài năng, là con người, muốn có tài năng thì phải đầu tư. Những việc như đầu tư cho máy móc, thiết bị, phim trường, tiền bạc, kinh phí... tất cả đều đúng, đều quan trọng, nhưng trên hết và quan trọng nhất là đầu tư cho con người.
Ðầu tư cho những con người đang, sẽ làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật này, là đầu tư về giáo dục cho các trường điện ảnh trong nước từ giảng viên, chương trình, sách học, kho tư liệu xem phim phong phú, điều kiện thực tập, thực hành...
Ðầu tư bằng cách gửi người ra học ở nước ngoài hoặc khuyến khích đi học tự túc, nhà nước cho vay tiền học.
Nhưng nếu có người có thể làm phim hay mà không có người biết đánh giá, thẩm định tài năng để bỏ tiền ra sản xuất thì cũng không có phim hay.
Có người có thể làm ra phim hay, có người chịu bỏ tiền làm phim hay mà không có người có trình độ để đánh giá, kiểm duyệt thì phim hay cũng bị cắt xén hoặc không thể phát hành.
Có người có thể làm phim hay, có người chịu bỏ tiền, có người biết thẩm định mà không có/chưa có một lớp công chúng biết thưởng thức phim hay, thay vì chỉ muốn bỏ tiền ra xem những phim nhảm nhí, thì phim hay cũng chết, bỏ tiền ra để lỗ vốn, vỡ nợ thì ai mà làm. Và những người thật lòng yêu điện ảnh cứ phải nghe hoài những điệp khúc của người làm phim đổ thừa cho thị hiếu khán giả khi khán giả chê bai phim mình.
Nên phải nâng cao trình độ từ người làm phim, người bỏ tiền ra làm phim, người phê bình phim, người kiểm duyệt phim cho đến người xem phim là vậy.
Nói thật, phải nghe những chuyện như phim đoạt giải Oscar mà nhà phát hành cũng không dám mua về chiếu ở VN vì sợ lỗ vốn không mấy ai coi, thì buồn lắm. Hoặc cứ nhìn vào các phim được chiếu ngoài rạp, phim phát sóng hàng ngày trên TV cho đến phim đĩa lậu bán đầy rẫy ngoài thị trường, chỉ thấy phim Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc là nhiều. Bao nhiêu nền điện ảnh khác, người dân Việt chả mấy khi được biết đến.
Thư viện hoành tráng tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội cũng chả có kho phim để mượn về xem miễn phí, chẳng bù cho các nước, thư viện công cộng mà kho phim, băng đĩa nhạc phong phú, mênh mông, đủ mọi thể loại. Người dân bình thường không cần phải bỏ tiền vẫn thưởng thức được gần như đầy đủ những tác phẩm điện ảnh lớn của thế giới.
Ðể có một nền điện ảnh VN cất cánh trong khoảng một, hai thập niên nữa, nhà nước VN phải có chiến lược đầu tư, trước hết cho con người, ngay từ bây giờ.
Chợt nghĩ, có những quốc gia kinh tế xuống nhưng văn hóa nghệ thuật không bị ảnh hưởng nhiều nhưng với VN, hình như không phải vậy, mọi thứ đều tụt hậu một cách thảm hại từ kinh tế, quân sự, y tế, giáo dục, văn hóa nghệ thuật cho đến đạo đức xã hội. Mà sự tụt hậu về văn hóa nghệ thuật thuật thì mất thời gian xây dựng lại gấp nhiều lần so với kinh tế!
Related news items:
Tin mới
- Lập Viện Khổng Tử tại Việt Nam, đôi điều suy nghĩ - 22/10/2013 01:08
- Không phải chuyện Tướng Giáp - 22/10/2013 00:56
- Những kịch bản tồi - 22/10/2013 00:40
- Từ Hoàng Trọng Hồ Ðình Phương đi về kỷ niệm - 17/10/2013 16:31
- Trận chiến ngân sách kết thúc - 17/10/2013 16:21
- Thức ăn Philippines - 15/10/2013 19:47
- 24 tiếng ở Châu Âu - 14/10/2013 21:43
- Di sản của một 'anh hùng' - 14/10/2013 21:36
- Võ Nguyên Giáp và bi kịch thất bại - 13/10/2013 20:24
- Câu chuyện hai hội nghị ASEAN - 13/10/2013 20:15
Các tin khác
- Johnny Guitar - 11/10/2013 20:13
- Căng thẳng White House/Congress vẫn chưa xong - 11/10/2013 20:03
- Tiếng Cú Bis - 11/10/2013 14:40
- Minh chủ không tự nhiên sinh ra - 09/10/2013 16:56
- Thêm một trường hợp: Trần Khải Thanh Thủy - 07/10/2013 19:59
- Bao giờ chính phủ liên bang mở cửa? - 07/10/2013 19:44
- Đến Philippines, nhìn mưa, nhớ Việt Nam - 07/10/2013 11:36
- Tù hình sự thì đặc xá, tù chính trị thì... - 06/10/2013 08:19
- Tổng Thống Obama không đi Châu Á - 06/10/2013 08:13
- 'Shutdown' - 06/10/2013 08:06