Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-11-2019
- Thứ Bảy, 16 tháng Mười Một năm 2019 21:30
- Tác Giả: Trọng Nghĩa
Báo Anh: Tàu sân bay Mỹ và mối đe dọa từ tên lửa Trung Quốc
Ba tầu sân bay của Mỹ USS Ronald Reagan, USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz ở Thái Bình Dương. Ảnh chụp ngày 12/11/2017.
James Griffin/U.S. Navy/Handout via REUTERS
Ngay trên trang bìa, dù tựa chính cho cơn sốt đầu tư vào ngành công nghệ giải trí tại Mỹ, được gọi là “Bữa nhậu trị giá 650 tỷ đô la - The §650bn binge”, tuần báo Anh The Economist (ngày 14-22/11/2019) cũng đã giới thiệu trong một hàng tựa nhỏ một bài phân tích rất lý thú: “Hàng không mẫu hạm, những cái đích to lớn và đầy uy lực để nhắm bắn - Aircraft carriers, mighty big targets”.
Ở bên trong, tờ báo đã dành cho chủ đề này một bài dẫn nhập mang tựa đề : “Tàu sân bay đang nằm dưới sự đe dọa của tên lửa hiện đại”, và một bài phân tích dài về hiện tượng: “Hàng không mẫu hạm là những con tàu to lớn, đắt tiền, dễ lâm vào hiểm cảnh nhưng lại rất được ưa chuộng”.
Dĩ nhiên là nói đến tàu sân bay là phải nói đến Mỹ, và tuần báo Anh không ngần ngại cho rằng nếu các tàu sân bay Mỹ và các chiến đấu cơ được chở theo không thích nghi được với tình huống mới, thì các đồng minh của Mỹ ở châu Á sẽ gặp rắc rối.
Tàu sân bay là “sai lầm về tư duy quân sự”?
Cái nhìn của The Economist rất thẳng thắn. Tờ báo đã trích lời của cựu bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter trong cuốn hồi ký, theo đó: “Không một phương tiện nào thể hiện rõ sức mạnh của quân đội Mỹ bằng một chiếc tàu sân bay”, để khẳng định ngay rằng “Không một vũ khí nào khác minh họa rõ hơn những sai lầm trong tư duy quân sự của Mỹ”.
Tuần báo Anh giải thích: Hàng không mẫu hạm là những cỗ máy lớn nhất và đắt nhất trong lịch sử chiến tranh.
Một con tàu lớp Ford mới của Mỹ có trị giá hơn 13 tỷ đô la, tức là lớn hơn cả ngân sách quốc phòng hàng năm của Ba Lan hoặc Pakistan.
Tuy nhiên, khi các loại tên lửa chính xác trở nên nhanh hơn, hiệu quả hơn và nhiều hơn, những con tàu này ngày càng giống như các mục tiêu nổi khổng lồ.
Cho dù vậy, sức hấp dẫn của hàng không mẫu hạm vẫn rất mạnh trên thế giới.
Hiên nay, Mỹ là nước có hạm đội tàu sân bay lớn nhất hành tinh, với 11 chiếc thuộc loại cực lớn, cùng với hơn nửa chục chiếc nhỏ hơn.
Trung Quốc đã đóng xong chiếc tàu sân bay đầu tiên của họ và sẽ đưa vào hoạt động vài tháng tới.
Tàu sân bay hiện đại thứ hai của Anh Quốc đã bắt đầu thử nghiệm trên biển vào tháng 09/2019.
Ngay cả nước có Hiến Pháp chủ hòa là Nhật Bản cũng đang cải tiến hai tàu khu trục để có thể mang theo máy bay phản lực, lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Tàu sân bay đã chứng minh đầy đủ giá trị tác chiến trong những năm gần đây.
Lực lượng vũ trang nhiều nước đã trầm trồ theo dõi việc máy bay của Hải Quân Mỹ đảm nhận phần lớn các phi vụ ném bom trong những tháng đầu chiến tranh ở Afghanistan (2001) và Irak (2003), và một lần nữa vào năm 2014.
Tại những chiến trường này, Mỹ không thể sử dụng căn cứ trên đất liền do địa lý hiểm trở hoặc vì không được phép của các đồng minh.
Tàu sân bay Mỹ không còn an toàn ở vùng biển gần Trung Quốc
Thế nhưng, theo The Economist, tình hình hiện nay đã khác.
Vùng biển ngoài khơi Nga và Trung Quốc, hai đối thủ tiềm tàng của Mỹ, đã trở nên kém an toàn hơn bao giờ hết đối với hạm đội Hoa Kỳ.
Nga và Trung Quốc đều đang phát triển các tên lửa tầm xa có khả năng điều khiển từ xa và đủ chính xác để tấn công các tàu lớn trên biển.
Hỏa tiễn đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc chẳng hạn, với tầm bắn 1.500 km, đã là một mối đe dọa đối với Mỹ.
Bên cạnh đó, một số nước đang chế tạo tên lửa hành trình chống hạm rẻ hơn, tầm hoạt động ngắn hơn nhưng có thể được phóng đi từ máy bay.
Tên lửa chống hạm đang phát triển về tầm bắn, độ chính xác và số lượng.
Theo một ước tính, một lực lượng hải quân Mỹ khi tiến vào bên trong phạm vi 2.000 km quanh Trung Quốc có thể phải chịu đến 640 vật thể tấn công trong cùng một loạt bắn.
Không thể đẩy hàng tỷ đô la và hàng ngàn người vào hiểm cảnh
Đối với tuần báo Anh, cho dù việc hướng dẫn các tên lửa để đánh trúng một mục tiêu di động ở ngoài xa là một điều khó khăn, nhưng không một lực lượng hải quân nào dám để cho hàng tỷ đô la và hàng ngàn thủy thủ lâm vào tình trạng nguy hiểm.
Hàng không mẫu hạm đã trở thành một công cụ quá quan trọng cần phải bảo vệ và như vậy, có lẽ hạm đội Mỹ sẽ phải ở cách bờ ít nhất 1.000 km, một khoảng cách mà máy bay chiến đấu của họ không thể vượt qua nếu không được tiếp tế nhiên liệu.
Khả năng kể trên có thể có ảnh hưởng nghiêm trọng trên năng lực triển khai sức mạnh của Hoa Kỳ trên khắp Thái Bình Dương và trên tất cả các đồng minh của Mỹ.
Mặt khác, tàu sân bay cũng sẽ phải được cả một đội khu trục hạm và hộ tống hạm bảo vệ.
Điều này đòi hỏi một ngân sách lớn, có nguy cơ làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên của các lực lượng hải quân nhỏ hơn, như của Anh và Pháp chẳng hạn.
Hàng không mẫu hạm vẫn còn hữu dụng
Cho dù vậy, The Economist cho rằng hàng không mẫu hạm hiện nay chưa lâm vào tình trạng lỗi thời. Hầu hết các cuộc chiến tranh sẽ không phải là cuộc xung đột lớn.
Tàu sân bay vẫn hữu dụng để chống lại những kẻ thù không có hệ thống tên lửa hiện đại.
Ngay cả trong các cuộc xung đột dữ dội, các chiến hạm vẫn cần đến sự yểm trợ của không quân nhằm chống lại tàu và máy bay của địch thủ.
Chừng nào mà Hải Quân còn sử dụng tàu nổi, họ luôn luôn muốn có phi cơ bay kèm bên trên để bảo vệ.
Vấn đề được tuần báo Anh nêu bật tuy nhiên lại là loại máy bay nào.
Vào lúc tên lửa đẩy tàu sân bay ra xa bờ, tầm bay trung bình của phi cơ chở theo đã bị thu hẹp, từ 2.240 km năm 1956, xuống còn khoảng 1.000 km ngày nay.
Biện pháp khắc phục rõ ràng là sử dụng máy bay không người lái có thể bay lâu hơn, mà lại không dùng đến phi công, cho phép các tàu sân bay giữ khoảng cách an toàn.
Nhưng Lầu Năm Góc đã vô tình loại bỏ chương trình chế tạo một loại drone như vậy vào năm 2016, thay thế nó bằng một loại chỉ dùng để tiếp liệu.
Các tàu sân bay, cũng như các chiến đấu cơ chở theo, thuộc diện vũ khí “tuyệt hảo” cực kỳ đắt tiền.
Tuy nhiên, có một cách đơn giản hơn, sử dụng các hệ thống nhỏ hơn, rẻ hơn và, nếu có thể, không cần đến người lái, có thể được mua với số lượng lớn hơn, phân bố rộng rãi hơn và sử dụng một cách táo bạo hơn.
Loại phương tiện này có thể không oai phong bằng các tàu chiến lớn, nhưng thích hợp hơn với một thế giới trong đó việc triển khai sức mạnh quân sự ngày càng khó khăn hơn.
The Economist: Disney, Netflix và cuộc chiến streaming
Như nói ở trên, trang bìa The Economist tuần này được dành cho cuộc chạy đua tranh giành thị trường phim ảnh trực tuyến (streaming) đang diễn ra giữa các đại gia Mỹ, vốn đã bỏ ra đến 650 tỷ đô la đầu tư.
Dưới tựa đề : “Netflix, Disney và cuộc chiến để giành quyền kiểm soát nhãn cầu (của khán giả)”, tuần báo Anh đã tự hỏi là ai sẽ thắng trong cuộc chiến tranh truyền thông, đặc biệt sau sự nhập cuộc mới đây của chàng khổng lồ trong lãnh vực giải trí là Disney, vừa khai trương dịch vụ cung cấp phim ảnh trực tuyến của chính mình.
Đối với The Economist, nước Mỹ đã từng chứng kiến nhiều sự bùng nổ đầu tư ngoạn mục, như vào ngành đường sắt trong những năm 1860, ngành công nghiệp xe hơi Detroit vào những năm 1940 hay ngành dầu khí trong thế kỷ này.
Thế nhưng, vào lúc này, cơn sốt đang dâng lên không dính líu gì đến sắt và cát, mà lại liên quan đến kịch bản, âm thanh, màn hình và các nghệ sĩ tên tuổi.
Trong tuần này, Disney đã ra mắt một dịch vụ xem video trực tuyến với những bộ phim lừng lẫy như Star Wars và các tác phẩm ăn khách khác trong kho phim khổng lồ mà tập đoàn này sở hữu, với giá chỉ là 6,99 đô la một tháng, ít hơn cả tiền mua một đĩa DVD.
Đã có hơn 700 triệu khách hàng
Vào lúc mô hình kinh doanh do Netflix khai mở được hàng chục đối thủ sao chép, đã có hơn 700 triệu người đăng ký trả tiền xem video trực tuyến trên toàn thế giới.
Khoảng 100 tỷ đô la được đầu tư vào việc soạn thảo nội dung các bộ phim trong năm 2019, tương đương với khoản rót vào ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ.
Tổng cộng, ngành công nghiệp giải trí đã chi ít nhất 650 tỷ đô la cho việc mua lại và soạn thảo chương trình trong năm năm 2018.
Đối với The Economist, công nghệ và ý tưởng mới đã làm rung chuyển ngành âm nhạc, chơi game và bây giờ đến lượt ngành truyền hình.
Ngày nay, nhiều người đã gắn liền các thay đổi kinh tế với tình trạng cuộc sống ngày càng xấu đi: công ăn việc làm bị mất đi, con người bị gạt ra bên lề xã hội hoặc sống trong sự kềm tỏa độc đoán của thế giới ảo bắt nguồn từ các công cụ tìm kiếm và mạng xã hội.
Tuy nhiên, theo tuần báo Anh, sự bùng nổ của video trực tuyến cũng là một lời nhắc nhở rằng một thị trường năng động có thể mang lại lợi ích cho người tiêu dùng với giá thấp hơn và chất lượng tốt hơn.
Cho đến nay, các chính quyền không có vai trò gì nhiều trong việc thúc đẩy thị trường này phát triển, nhưng khi nó đạt đến đỉnh điểm, nhà nước sẽ có một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng thị trường vẫn mở và sôi động.
Courrier International: Hãy cẩn thận với các thuật toán dự đoán tương lai
Cũng chú ý đến công nghệ mới, nhưng dưới một khía cạnh đáng sợ hơn, tuần báo Pháp Courrier International đã dành hồ sơ chính và trang bìa cho các “Thuật toán (Algorithmes)” mà theo tờ báo, được dùng để “dự đoán tương lai của chúng ta” - tựa lớn trang bìa.
Đối với Courrier International, các thuật toán dự đoán là một công nghệ ngày càng được nhiều nước sử dụng để dự đoán các hành vi nguy hiểm.
Việc sử dụng công nghệ này đang đặt ra vô số câu hỏi.
Theo tạp chí Pháp, mọi sự bắt đầu từ một phóng sự của tờ báo Anh The Guardian về thị trấn Bristol.
Ở đấy, gần một phần tư trong số 170.000 dân bị một chương trình dự đoán dành cho nhân viên xã hội theo dõi, một chương trình được bổ sung bằng dữ liệu từ cảnh sát, bộ Nhân Dụng, cơ quan Y Tế Quốc Gia NHS…
Theo The Guardian: “Những người bị giám sát nhận được điểm số từ 1 đến 100, tương ứng với khả năng họ can dự nhiều hay ít vào những hành vi vô phép tắc, gây hại cho trẻ em, hoặc biến mất không để lại tung tích”.
Courrier International ghi nhận: Ở những nơi khác tại Vương Quốc Anh, và cả ở Mỹ, một số phần mềm mà cảnh sát sử dụng có chức năng dự đoán nguy cơ tái phạm của một cá nhân.
Điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến bản án, hay đóng vai trò quan trọng trong việc cho tại ngoại hay không.
Theo tạp chí khoa học Nature, tại các bệnh viện Mỹ, các bệnh nhân da đen có nguy cơ bị phân biệt đối xử một cách có hệ thống với một thuật toán thường được sử dụng để xác định các dịch vụ y tế cung cấp cho mỗi bệnh nhân.
Nhật báo Anh Financial Times đã nêu bật vấn đề: Những chương trình tin học được dùng để thiết lập hồ sơ về mỗi người (qua đó phân biệt người tốt, người xấu) hoàn toàn không khách quan, và rất thường phản ánh định kiến của những người thiết kế ra các chương trình đó.
Các loại công cụ đó không khỏi gợi đến một số cách làm đang được các chế độ độc đoán áp dụng.
Từ năm 2014, Trung Quốc đã thử nghiệm một hệ thống xếp hạng công dân để có thể xử phạt hoặc khen thưởng hành vi của các cá nhân.
Mang tên gọi là “tín chỉ xã hội”, hệ thống đánh giá này sẽ được phổ cập vào năm 2020.
Những ai bị hệ thống “hạ uy tín” sẽ phải coi chừng: Đi du lịch, tìm việc làm hoặc nhà ở đối với họ có thể sẽ rất khó khăn.
L'Express: Macron bị tê liệt
Thời sự Pháp tiếp tục là trọng tâm chú ý của L’Express. Dưới tựa đề chữ đỏ: “Tê liệt”, trang bìa tạp chí Pháp đăng hình vẽ tổng thống Pháp Macron đang co ro trong một tảng nước đá, với lời giải thích: “Emmanuel Macron đã cam kết cải tổ, giờ đây ông không dám động đậy”.
Tờ báo giải thích: Trong tình hình tâm lý bất bình trong dân chúng đang dâng cao, hành pháp có khả năng không dám làm gì cả và “hồi II” của nhiệm kỳ tổng thống Pháp sẽ được đánh dấu bằng sự “bất động”.
Trong một hồ sơ dài 17 trang, L’Express đã lược qua nỗi tức giận trong từng lãnh vực.
Nghịch lý được tạp chí nêu bật là người dân bất bình vào lúc mà kinh tế lại khá lên.
Trong những dự báo gần đây, các chuyên gia của viện thống kê Insee đã xác nhận rằng sức mua của người dân tăng 2,3% trong năm nay, một mức tăng mạnh nhất từ 2007 đến nay.
Thế nhưng có vẻ như không ai tin.
Theo L’Express, có vẻ như khoảng cách giữa cảm nhận và thực tế khô khan của các con số thống kê đã rất lớn.
Chính vì thế mà dự án cải cách hưu bổng đã kết tụ mọi bất bình.
Trên giấy tờ thì cải cách để đi đến một chế độ hưu bổng chung cho mọi người là một điều lý tưởng: một mức đóng góp như nhau, quyền lợi như nhau.
Trên thực tế, việc đưa 42 chế độ hưu bổng khác nhau vào một hệ thống thống nhất là một việc khổng lồ.
Trong làn sóng tức giận hiện nay, có một phong trào làm cho ông Macron đặc biệt lo ngại, một lãnh vực bị khủng hoảng từ lâu, và được cảm tình của toàn bộ người Pháp: Đó là khu vực bệnh viện.
Tổng thống Pháp luôn luôn nhấn mạnh: “Một ông hay một bà trong áo blouse trắng luôn luôn có lý trước những người mặc com lê cà vạt”.
L'Obs: Người Pháp càng lớn tuổi, càng muốn về hưu trễ
Tuần báo L’Obs cũng chú ý đến hồ sơ hưu bổng và ghi nhận trong tựa lớn trang bìa: “Làm việc sau khi về hưu”, bên dưới tiểu tựa “Vì sở thích hay vì bị bắt buộc”.
Trong hồ sơ dài 13 trang, tạp chí đã phân tích kết quả một cuộc thăm dò mà Viện Yougov đã thực hiện.
Trả lời cho câu hỏi: “Tuổi nào là tuổi lý tưởng nhất để về hưu?”, những người chưa về hưu đã trả lời “60 tuổi”, tức ít hơn 2 năm so với tuổi hợp pháp hiện nay.
Tuy nhiên câu trả lời cũng thay đổi theo lứa tuổi của người được hỏi.
Giới từ 18 đến 44 tuổi, thì cho biết họ muốn về hưu ở tuổi 58, trong lúc thành phần từ 45 đến 54 tuổi, thì lại muốn ngưng làm việc ở tuổi 60.
Riêng đối với những người trên 55 tuổi, thì về hưu ở tuổi 62 là lý tưởng nhất.
Theo cuộc thăm dò, gần một nửa người được hỏi cho là họ sẵn sàng làm việc sau khi về hưu.
Hiện nay, nửa triệu người về hưu vẫn tiếp tục làm việc, một số do chọn lựa, một số vì cần phải làm thêm.
Le Point: Bà Margrethe Vestager là nhân vật trong năm
Le Point dành trang bìa cho “Nhân vật (nổi bật) trong năm” mà theo tờ báo là bà Margrethe Vestager, Ủy Viên Châu Âu đặc trách cạnh tranh và kỹ thuật số.
Tóm tắt về nhân vật này, ngay bên cạnh chân dung của bà trên trang bìa, Le Point tóm tắt: “Bà khiến Google và Facebook hãi sợ, làm cho Donald Trump tức tối, thúc ép Merkel và Macron”.
Trong một hồ sơ dài 8 trang, tạp chí nêu những vấn đề mà bà Ủy Viên Châu Âu phải đối mặt.
Tờ báo đã đặt cho bà câu hỏi: Ông Thierry Breton, người sắp làm Ủy Viên Châu Âu phụ trách thị trường nội địa, đã gợi lên khả năng không thể không tháo dỡ nhóm Gafam - tức là Google, Apple, Facebook, Amazon, Microsoft - nhưng quý vị có đủ phương tiện hay không ?
Câu trả lời của bà Vestager: “Đó là giải pháp duy nhất nếu họ làm điều gì phi pháp.
Chúng tôi có khả năng, nhưng liệu pháp phải tương xứng với vết thương.
Chúng tôi chỉ sử dụng phương thức này trong trường hợp thật nghiêm trọng, nghiêm trọng hơn rất nhiều so với những gì mà Google phạm phải đến giờ”.
Tin mới
- Nhóm BRICS gặp bế tắc - 19/11/2019 15:48
- Tiềm lực của Việt Nam để chống Trung Quốc ở Biển Đông - 18/11/2019 23:05
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-11-2019 - 18/11/2019 19:24
- Biểu tình chống tăng giá xăng : Iran tố Mỹ can thiệp vào chuyện nội bộ - 18/11/2019 17:03
- Trung Quốc: Lộ tài liệu mật về chính sách trấn áp người Duy Ngô Nhĩ - 18/11/2019 00:44
- Hồng Kông: Cảnh sát và người phản kháng đối đầu tại Đại học Bách Khoa - 17/11/2019 22:07
- CH Séc kỉ niệm Cách Mạng Nhung, biểu tình lớn chống thủ tướng "tham nhũng" - 17/11/2019 20:16
- Biển Đông và vai trò của Mỹ: Tâm điểm Hội nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng ASEAN - 17/11/2019 19:48
- Thụy Điển trao giải thưởng cho một nhà văn gốc Hoa bị cầm tù ở Trung Quốc - 17/11/2019 00:51
- Đài Loan : Mục tiêu tấn công "Fake news" của Trung Quốc - 17/11/2019 00:07
Các tin khác
- Cuba tổ chức kỷ niệm La Habana tròn 500 năm - 16/11/2019 19:01
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-11-2019 - 15/11/2019 23:09
- « NATO chết não » : Macron muốn khai tử Liên minh Bắc Đại Tây Dương ? - 14/11/2019 23:07
- Bức tường Berlin sụp đổ, nhưng vẫn còn nhiều "bức tường" chia cắt thế giới - 14/11/2019 22:37
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-11-2019 - 14/11/2019 21:15
- Trung Quốc đưa tàu đến đón sinh viên về Hoa lục, Hồng Kông tiếp tục tê liệt - 14/11/2019 20:53
- Chiến hạm Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, lần thứ 9 trong năm 2019 - 14/11/2019 03:55
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-11-2019 - 13/11/2019 21:14
- Nông phẩm "bio công nghiệp, giá rẻ" : Sự chệch hướng của nông nghiệp sạch - 13/11/2019 20:52
- Vì sao phản kháng xã hội bùng nổ khắp thế giới những tháng gần đây? - 13/11/2019 20:20