Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trong nhà tù cộng sản

tunhan congsanMột vụ “nổi loạn” của tù nhân đã bùng phát tại một phân trại giam Z30A Xuân Lộc vào ngày Chủ Nhật, 30 Tháng Sáu, được báo chí trong nước đưa tin, mà nguyên nhân là tù nhân phản đối chế độ nhà tù hà khắc: thường xuyên bị cán bộ coi tù đánh đập và phần ăn bị cắt xén.

Theo tin của báo chí Việt Nam, biến cố gọi là “nổi loạn” chỉ kéo dài 6 tiếng đồng hồ, khởi đầu từ 8 giờ 30 sáng và bị dập tắt lúc 2 giờ 30 chiều, khi tù nhân đồng ý thả con tin là giám thị trại giam, Ðại Tá Hồ Phi Thắng. Mức độ bạo động chỉ ở mức 50 tù nhân la ó và một số khác phá cửa khu kiên giam, giải thoát cho 19 người ra khỏi khu vực này (nhưng vẫn ở trong vòng trại tù) vào nhà bếp lấy nước uống (!)và tìm dụng cụ nhà bếp làm vũ khí. Thiệt hại của cuộc “nổi loạn” ở mức “hỏng vài bình ga ở nhà ăn và chăn, màn, giường của phạm nhân,” như chính một viên tướng công an trong đoàn điều tra từ Hà Nội vào Xuân Lộc nhận định. Ðây là một cuộc nổi loạn trong nhà tù cộng sản ở qui mô mà người nổi loạn không có vũ khí, nhà tù không bị đốt, không ai chết hay bị thương, không có tù vượt thoát.

Tuy vậy, công an Việt Nam đã điều động hằng trăm “cảnh sát cơ động” ở các tỉnh lân cận về Xuân Lộc để “ổn định trật tự” và tổng cục trưởng Tổng Cục 8, Trung Tướng Cao Ngọc Oánh, cho những người cầm đầu là “lưu manh chuyên nghiệp, không chịu cải tạo, thường xuyên vi phạm nội quy, kỷ luật của trại giam” và hứa sẽ thẳng tay “trừng trị” họ. Ðầu tiên, họ cho chuyển trại năm tù nhân chính trị đến trại Xuân Mộc và sau đó cách ly một số tù nhân để điều tra thẩm vấn. Công an coi tù cộng sản luôn nhất quán trong kế sách thủ đoạn đối phó với những vụ nổi loạn làm reo trong tù. Họ tách rời những người có khả năng cầm đầu để điều tra, ly gián và cuối cùng đưa tù nhân đến một trại tù khắc nghiệt khác để mượn tay đồng bọn trừng trị hay những tù nhân khác hành hạ.

Người viết cũng đã chứng kiến một vụ “nổi loạn” vào cuối năm 1981 của những người bạn tù “cải tạo” tại trại Z30D Hàm Tân. Khoảng 100 tù nhân ở hai lán đã từ chối “lao động,” hát nhạc chính huấn, và hô khẩu hiệu chống cộng sản trong thời gian một ngày một đêm. Vì không có tổ chức và mục đích cụ thể, và có lẽ cũng không có lãnh đạo và kế hoạch, khi bị thuyết phục và trấn áp, các tù nhân đã đồng ý chấm dứt cuộc nổi loạn và trở lại lán trại. Sáng hôm sau các công an từ trung ương đã được điều đến để làm việc. Trại ngưng lao động hai ngày để anh em tù “cải tạo” ở nhà để viết kiểm điểm. Mỗi người ngồi cách xa nhau, do các vệ binh và quản giáo giám sát, không được trò chuyện, trao đổi ý kiến với nhau. Tổng kết các bản “tự kiểm” này, ban chỉ huy trại tù tìm ra những người được cho là “cầm đầu,” và chỉ một tuần sau họ bị gọi ra khỏi phòng giam, mang tư trang lên xe “bít bùng” giữa đêm chuyển đến trại trừng giới ở Tuy Hòa.

Những lý do như phản đối việc tù nhân bị đánh đập, thực phẩm bị cắt xén chỉ là những chuyện dễ thấy bề ngoài. Thật ra chế độ lao tù dưới các chế độ cộng sản rất tệ hại vì người tù bị đối xử không khác gì súc vật. Họ bị tước đoạt không chỉ miếng ăn, manh áo, mà còn nhân phẩm của chính mình. Chúng ta đã nghe nói đến những trại lao động cưỡng bức của Liên Xô mang tên GULAG, chữ gọi tắt của Tổng Cục Trại Lao Cải, cũng như các trại Lao Ðộng Cải Tạo (Laodong Gaizao) và Lao Giáo (Laojiao) của chính quyền Trung Cộng. Các trại tù và trại lao động được sử dụng để giam giữ không chỉ tù hình sự, gái mại dâm, người nghiện ma túy và những người phạm tội vặt khác lên đến bốn năm mà không đưa ra xét xử, mà còn là nơi giam giữ những người bất đồng chính kiến. Tra tấn và ngược đãi là những hành vi phổ biến trong hệ thống trại tù này. Chẳng hạn, ở Bắc Hàn hơn 30% tù nhân lao động khổ sai phải chết trong tù, tù nhân đói đến mức phải ăn chuột và giun đất để sống còn.

Cộng Sản Việt Nam có tài tổng hợp các mô hình trại tù của Liên Xô, Trung Cộng và Bắc Hàn để tạo nên những trại tù “cải tạo” trên toàn quốc sau năm 1975. Chỉ nói riêng đến thân phận tù “thường,” không phải tù quân nhân viên chức miền Nam, ở miền Bắc vào năm 1979, chúng tôi đã chứng kiến những cảnh đau lòng, khốn nạn trong các đội tù hình sự khi họ được đưa về từ vùng biên giới Việt-Trung. Ðể khống chế người tù, cán bộ công an cho những tên “đầu gấu,” được cắt cử như là đội trưởng tự quản lộng hành. Những màn “chào buồng” dành cho tù nhân mới thường xuyên xẩy ra. Khẩu phần cụ thể là thau cơm được phân phối cho đội tù mỗi ngày đều do “đầu gấu” quyết định. Cho ai ăn, không cho ai là quyền của y. Tù nhân chỉ là những xác người ghẻ lở biết đi, hoàn toàn chịu khuất phục không chỉ trước bạo lực mà còn trước cơn đói và sợ đói dai dẳng. Tôi cũng đã gặp những đoàn nữ tù hình sự gầy còm rách rưới trên quê hương miền Bắc, bị đày đọa trong những công việc nặng nhọc như vác cột điện, đào đất. Thậm chí, điều tội nghiệp nhất cho những người nữ tù yếu đuối này, qua tiết lộ của những người tù hình sự gần gũi với chúng tôi, là đến kỳ kinh nguyệt, họ không có nổi một miếng giẻ rách để làm băng vệ sinh nên họ phải dùng lá chuối khô để giải quyết!

Dưới chế độ cộng sản, có thể có tù nổi loạn trong trại giam đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình nhưng chưa bao giờ thành công, vì các vụ nổi loạn không có tổ chức và kế hoạch cụ thể cũng như không có các tổ chức dân sự hay các cơ quan truyền thông quan tâm ủng hộ và tranh đấu cho họ. Chính quyền cũng không bao giờ vì những vụ này mà xét lại cách quản lý các trại giam của mình.

Nhìn nay nhớ xưa, tại miền Nam cộng sản đã cho ra đời cái gọi là Ủy Ban Vận Ðộng Cải Thiện Chế Ðộ Lao Tù miền Nam vào ngày 30 Tháng Mười, 1970, với hơn 80 thành viên từ nhiều thành phần xã hội “sáng lập.” Mặc dù người đứng đầu là Linh Mục Chân Tín với vai trò chủ tịch nhưng thực ra chỉ huy ủy ban lại chính là những cán bộ cộng sản hoạt động nội thành, như sinh viên Trần Văn Long, người giữ chức tổng thư ký của ủy ban, mà sau năm 1975 giữ chức phó bí thư Thành Ðoàn. Ðúng như thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã viết trong bài “Vì Ấu Trĩ:”

“Vì ấu trĩ, thờ ơ, u tối
Vì muốn an thân, vì tiếc máu xương
Cả nước đã quay về một mối
Một mối hận thù, một mối đau thương!”

Trong cuộc phỏng vấn của đài Radio France Internationale vào Tháng Sáu, 1993, Linh Mục Chân Tín đã cho biết sự “ấu trĩ” một thời của mình: “Tôi nghĩ đảng Cộng Sản, người cộng sản chỉ làm thế nào để cướp chính quyền và giữ chính quyền với bất cứ giá nào. Khi chúng tôi đấu tranh cho nhân quyền, thì đảng cộng sản lợi dụng cái đó của chúng tôi, không là vì con người hay là vì dân tộc, mà chính vì họ muốn nhờ chúng tôi một cách gián tiếp để giành chính quyền. Sau 1975, bề ngoài họ cũng có vẻ như chấp nhận Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà họ đã ký và họ cũng đã cho vào Hiến Pháp của họ, nhưng đó chỉ là vấn đề chiến thuật để cho thế giới biết họ cũng là người văn minh, cũng tôn trọng con người, tôn trọng quyền con người. Nhưng thực sự, theo tôi thấy, người cộng sản không đặt vấn đề nhân quyền, họ luôn nhìn con người là một công cụ để thực hiện bá quyền, chúng chà đạp con người để giữ quyền bính với bất cứ giá nào.”

Những con cờ của cộng sản chỉ “lớn lối” được dưới một chính thể tự do, dân chủ nhưng tê liệt, bại xụi, cụp tai, bị khuất phục dưới những chế độ độc tài, sắt máu, công an trị như chế độ hiện nay. Ðấu tranh cải thiện chế độ lao tù đối với cộng sản chỉ là chiêu bài. Những con cờ và tay sai khi đã làm xong nhiệm vụ thì “điểu tận cung tàn.” Những “hào khí” đấu tranh cho chế độ lao tù một thời của đám con rối chỉ là cơn lên đồng ấu trĩ vì họ “ăn làm sao nói làm sao” khi nỗi đọa đày của người tù chính trị lẫn hình sự Việt Nam vẫn còn tiếp tục trên khắp miền đất nước, ở miền Bắc từ 1945 và ở miền Nam từ 1975 đến nay, chế độ lao tù dưới thời cộng sản còn xảo quyệt, hà khắc, và dã man hơn cả thời Pháp thuộc.

Tuần qua, đọc những tin tức về vụ Z30A, tôi mong một điều. Dù là tù hình sự hay tù chính trị thì cũng là những con người. Dù tù hình sự bị mất quyền công dân nhưng họ vẫn là những con người và phải được đối xử như những con người. Công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ hôm nay cũng phải bao gồm việc đấu tranh cải thiện chế độ lao tù cho những người tù này, mà trong đó không ít vì bị oan sai, vì hoàn cảnh xã hội vô nhân đẩy đưa, vì đói nghèo bóc lột vùi dập. Các tổ chức và phong trào đang đấu tranh cho những tù nhân chính trị tù nhân lương tâm cũng nên ghé mắt đến những người tù hình sự dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam, để họ, dù trong lao tù, vẫn còn được bảo vệ nhân phẩm và được quyền sống cho ra con người.

Chúng ta chắc chắn không trông mong gì vào đám con rối của cộng sản hoạt động ở miền Nam trước đây, nhưng có lẽ vẫn còn rất nhiều hy vọng vào tuổi trẻ Việt Nam cả trong nước lẫn hải ngoại. Chẳng phải chính những tù hình sự “nổi loạn” vừa qua đã nhờ tù chính trị chuyển tin ra ngoài để giúp vận động hỗ trợ họ đấy sao. Nếu mục tiêu cải thiện chế độ lao tù Việt Nam hiện nay trở thành cuộc vận động thì thế giới, các tổ chức NGO và truyền thông, có thể đồng hành với chúng ta, và người dân trong nước có dịp hiểu thêm được ý nghĩa chân thực của quyền làm người, biết được tấm lòng của những người đấu tranh cho một tương lai Việt Nam dân chủ và tự do.

Switch mode views: