Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Biểu tình và biểu đồng tình


bieutinh aicapBiểu tình ở Ai Cập

Nói về nỗi khổ của lãnh đạo, chúng ta chỉ cần nhìn vào tin tức thời sự. Từ Ai Cập đến Ba Tây (Brazil), từ Ấn Ðộ, Bulgary, Pháp, Thổ, Thụy Ðiển hay Trung Quốc, v.v... nơi nào cũng đỏ chóe tin tức về biểu tình, đình công, khủng hoảng. Với phương tiện thông tin hiện đại, tin đi rất nhanh, dội từ chính trường xuống thị trường, bật ngược và lan rộng thành những làn sóng bất tận. Bạo động đã xảy ra, không chết tại Tân Cương bên Tàu thì cũng có người phơi thây trên đất Thổ.

Người ta có nhiều cách lý giải về hiện tượng phổ biến đang xảy ra trước mắt, khi người dân của cả chục quốc gia lớn nhỏ trên thế giới không hài lòng với hiện tại và xuống đường biểu tình. Một trong các lập luận là sự hình thành của một tầng lớp trung lưu khó tính hơn xưa. Họ không chấp nhận cuộc sống dư giả hơn về vật chất nên đòi hỏi những điều kiện tinh thần cao xa hơn mà chính quyền không kịp thỏa mãn. Vì vậy, chẳng những chế độ độc tài đều bị rung chuyển mà các quốc gia đã có dân chủ cũng gặp chống đối và tả hữu gì thì cũng hoạn nạn.

Bên cánh tả, chính quyền của Tổng Thống Dilma Rousseff tại Brazil bị khuynh hướng cực tả tấn công vì phản bội cách mạng mà ngả theo xu hướng ôn hòa trung tả và mắc tội tham ô, gây lãng phí công quỹ vì những dự án quy mô của Giải Túc Cầu Thế Giới. Bên cánh hữu, chính quyền của Tổng Thống Mohammad Morsi tại Ai Cập bị phong trào dân chủ Tamarod thách thức qua các cuộc biểu tình liên tục. Mùa Xuân Á Rập có thể đưa lãnh tụ độc tài Hosni Mubarak ra tòa hay vào nhà thương, nhưng một năm sau khi đắc cử, ông Morsi và lực lượng Huynh Ðệ Hồi Giáo vẫn cần đến sự bảo vệ của quân đội và được tối hậu thư là phải ổn định tình hình trong 48 giờ!

Giữa bối cảnh lạ thường ấy, Hoa Kỳ là nơi tập trung nhiều vấn đề nhất, của nước Mỹ và của bàn dân thiên hạ.

***
Cả thế giới đang nói đến một chuyện rất kỳ của nước Mỹ là vụ cơ quan tình báo điện tử NSA đã theo dõi đường dây liên lạc của người dân. Nội vụ bùng nổ khi một nhân viên “ngoại ngạch” của một hãng tư là Edward Snowden đã tiết lộ nhưng dữ kiện tình báo đánh cắp từ bên trong.

Cuộc tranh luận giữa hai nhu cầu là bảo vệ an ninh và bảo vệ quyền sinh hoạt riêng tư của người dân chưa ngã ngũ thì người ta biết thêm rằng cơ quan NSA còn chiếu cố đến hệ thống thông tin tình báo của nước khác, kể cả các đồng minh Âu Châu như Anh, Pháp, Ðức!

Xưa nay, thế giới cứ lo ngại Hoa Kỳ ba đầu sáu tay có thể lũng đoạn toàn cầu và mừng là dân Mỹ đã bầu lên một ông Barack Obama có tinh thần cầu hòa để nối tiếp một ông George W. Bush hung hăng xấc láo. Nào ngờ, chính quyền Obama còn kịch liệt chơi bạo và nghe lén tứ phương.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã thầm mong rằng đảng Dân Chủ nên lãnh đạo nước Mỹ để Hoa Kỳ hết là mối nguy cho thiên hạ. Sự thật lại chẳng được như vậy.

Ðấy là lúc người ta để ý đến hai phán quyết vừa qua của Tối Cao Pháp Viện về quyền ban hành luật bầu cử ở cấp tiểu bang và quyền hôn nhân giữa người đồng tính. Cả hai phán quyết đều được ngợi ca và bị đả kích từ cả hai phía, nhưng chi tiết và hậu quả thế nào thì đa số vẫn chưa rõ.

Hai phán quyết của Tối Cao Pháp Viện xuất phát từ những đề luật hay đạo luật bị phản bác ở cấp tiểu bang và đã trải qua nhiều thủ tục kiện cáo trước khi lên tới định chế có thẩm quyền cao nhất nước về luật pháp. Trong suốt tiến trình phức tạp này, chỉ có một thiểu số quan tâm và am hiểu kiên trì theo dõi và tác động, đa số còn lại thì chỉ có thể thụ động chờ đón tin tức và nếu có suy luận thì cũng qua sự hướng dẫn của thiểu số quan tâm nói trên.

Trong một tương lai không xa, người ta cũng sẽ thấy lại một cuộc tranh luận khác, về đạo luật cải tổ quy chế di trú hay chế độ di dân tại Hoa Kỳ.

Thượng Viện vừa biểu quyết một dự luật được tám nghị sĩ Dân Chủ và Cộng Hòa soạn thảo theo tinh thần hòa giải nhằm cải thiện tình trạng hiện nay là di dân chính thức thì phải vượt hàng rào quá cao trong khi di dân bất hợp pháp vẫn có thể chui qua quá nhiều kẽ hở bên dưới. Nhưng đạo luật còn phải được kết hợp với đề nghị của Hạ Viện trong tay đảng Cộng Hòa.

Ít ai có thể đi vào chi tiết của từng đề nghị, hay từng lối xuyên tạc, và nhìn ra hậu quả lâu dài của việc cải cách chế độ di trú và tình hình dân số tại Hoa Kỳ.

Trong các nước công nghiệp hóa, Hoa Kỳ là nơi mà dân số vẫn còn tăng vì 1) dân Mỹ lạc quan hơn với tương lai và 2) đẻ con nhiều hơn nhờ thành phần di dân. Ðây là lý do chính yếu khiến nước Mỹ vẫn sung mãn vượt qua các cường quốc Âu Châu hay Nhật Bản, Liên Bang Nga và không thể bị Trung Quốc bắt kịp.

Nhưng bên trong xã hội, xu hướng phóng túng về đạo đức và cả trào lưu bảo vệ quyền phá thai hay hôn nhân giữa người đồng tính vẫn có thể gây lo ngại: Dân số Mỹ có nhiều đà tăng trưởng và lối sống khác nhau. Khuynh hướng bảo thủ e ngại là Hoa Kỳ không còn duy trì được những giá trị tinh thần đã làm nên sức mạnh của nước Mỹ.

Nhìn từ bên ngoài, ta thấy Hoa Kỳ không là quốc gia đơn giản!

***
Hoa Kỳ thường đề cao quy tắc của một nền dân chủ có bàn bạc. Thay vì để một nhà nước chuyên chính ban hành luật lệ, hoặc trao cho bộ máy công quyền chủ quan lấy những quyết định áp dụng cho cả nước, nền dân chủ đầy thận trọng này mở ra cuộc thảo luận để mọi người cùng bàn ra tán vào và cân nhắc lợi hại của từng giải pháp. Kết quả trước mắt là người ta thấy dân Mỹ ồn ào tranh luận về đủ mọi chuyện và có đáp án trái ngược về từng vấn đề. Các cuộc tranh luận này có ảnh hưởng đến bầu cử, và sau bầu cử, người dân vẫn có quyền đổi ý.

Phải chăng đấy là lý do khiến dân Mỹ ít dựng chiến hào ngoài đường phố và có nhiều luật sư đi làm chính trị?

Chỉ có tại nước Mỹ:
Một trường huấn luyện chó tại New Jersey vừa mở ra lớp “doga”. Thân chủ dắt chó vào trường sẽ trả tiền khá đắt để yên lặng nghe nhạc sitar có giai điệu thần bí Ấn Ðộ trong khi chú khuyển được dạy cách ngồi thiền. Chủ và tớ đều được nàng Karin Stoetzer chỉ có công phu quán chỉ và nghe nói là cả ba đều vui sống trong trạng thái thân tâm an lạc...

Switch mode views: