Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Truyện ca của chúng ta

honvongphuPhải chăng, biệt ly, chinh chiến và đợi chờ là một phần của đời sống dân ta nên mới để vết hằn trong nền văn hóa của nước nhà? Người viết nêu câu hỏi đó vì nghĩ đến sự tích “vọng phu”...

Chúng ta đều biết chuyện thiếu phụ ôm con chờ chồng đi chinh chiến ở xa và chờ mãi cho đến khi hóa đá. Từ chuyện đó, ta mới có hòn vọng phu, là tảng núi đá có hình dạng của người vợ đợi chồng. Nhưng Việt Nam có đến năm hòn vọng phu như vậy! Từ Ðồng Ðăng ở tỉnh cực Bắc cho đến Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Ðịnh và trên một đỉnh núi tỉnh Ðắc Lắc...

Cũng hình ảnh hòn vọng phu đã gợi hứng cho nhạc sĩ Lê Thương trong ba bài “Hòn Vọng Phu.” Ðây là loại “truyện ca” đã trở thành một di sản văn hóa và nghệ thuật của dân ta.

Nhưng hình như là dân mình không chỉ thích chuyện buồn mà còn có tinh thần lãng mạn. Gặp bất cứ kỳ tích nào thì cũng kể lại thành truyện, viết thành, thơ thành văn. Kho tàng văn hóa ấy lại là nguồn sáng tác cho đời sau. Ngoài ba bản Hòn Vọng Phu, Lê Thương còn viết nhiều truyện ca khác như Nàng Hà Tiên, Thằng Cuội, Hoa Thủy Tiên, hay cả Thằng Bé “Tí Non”...

“Truyện ca” là các ca khúc lấy cảm hứng từ những truyện đã được lưu truyền từ trước.

Nói về sự lưu truyền thì trong kho tàng văn học dân gian nối tiếp từ đời này qua đời khác, chúng ta có nhiều truyện được gọi là cổ tích, thần tiên hay thần kỳ.

Có lẽ, truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh xuất phát từ hiện tượng địa dư hay khí hậu mà được thi vị hóa thành hai ông thần núi và nước thi thố tài hô phong hoán vũ để lấy được công chúa Mỵ Nương của một ông vua Hùng Vương.
Nguyễn Nhược Pháp hay Phạm Thiên Thư đã làm thơ từ truyện tích này. Nhạc sĩ Phạm Duy bắt vào cảm hứng đó từ thơ Phạm Thiên Thư mà viết ca khúc Qua Suối Mây Hồng, một trong mười bài “đạo ca.”

Cũng về truyện một nàng Mỵ Nương, có khi là cách gọi một “Mệ Nàng,” chúng ta có truyện cổ tích về anh Trương Chi, “người thì thật xấu hát thì thật hay.”

Cả Phạm Duy lẫn Văn Cao đều có tác phẩm về tích này. Văn Cao mượn truyện Trương Chi để viết về nỗi niềm riêng, còn Phạm Duy kể lại câu chuyện Khối Tình Trương Chi với nét tài hoa khác. Hai nhạc sĩ này cũng tận hưởng sự lãng mạn trữ tình của truyện Lưu Nguyễn Nhập Thiên Thai mà viết hai ca khúc. Bản Thiên Thai của Văn Cao thì kể chuyện xưa với nét nhạc tân kỳ mới lạ. Tiếng Sáo Thiên Thai của Phạm Duy lại đi từ ý thơ của Thế Lữ diễn thành tiết điệu lả lơi, mờ ảo.

Từ truyện Thiên Thai, ta còn có Hoàng Nguyên u uẩn với bài “Ðường Nào Lên Thiên Thai”, một tuyệt chiêu của tiếng hát Thanh Thúy. Người viết thì khó quên được thơ Tống Biệt và “lá đào rơi rắc lối Thiên Thai” của Tản Ðà, được Võ Ðức Thu phổ từng câu từng chữ vào nhạc, thành một ca khúc thuộc loại đẹp nhất của tân nhạc Việt Nam.

Cũng bi thảm ai oán như hòn vọng phu, ta còn có truyện nàng thiếu phụ ở Nam Xương đã dạy con chờ chồng đi đánh giặc ngoài xa mà gây ra ngộ nhận với cái bóng của mình in trên vách tối. Bài Thiếu Phụ Nam Xương của Thẩm Oánh là một truyện ca buồn.

Khi điểm lại truyện ca, Quỳnh Giao chỉ muốn nhắc đến loại truyện cổ tích đời xưa còn đọng trong trí nhớ của đời sau thành ý nhạc lời ca được lưu truyền mãi. Tân nhạc của ta còn kho truyện về Trầu Cau, về nàng Bân, về chim Ô Thước trong Tháng Bảy mưa ngâu, hay nàng tiên Giáng Hương bị đày xuống trần, như nghe thấy trong bài Hẹn Hò và Cành Hoa Trắng của Phạm Duy. Nếu có lấy một chủ đề về truyện ca, chúng ta phải thực hiện thành nhiều đĩa nhạc...

Như mọi dân tộc khác khi nhìn lên mặt trăng là mơ cảnh huyền ảo rồi viết thành thơ, dựng thành truyện và soạn thành nhạc, chúng ta cũng mơ tiên trên cung quế và hát về thằng Cuội dưới gốc cây đa. Một nét riêng của tân nhạc là ra khỏi hình ảnh đầy ước lệ của truyện Ðường Minh Hoàng Du Nguyệt Ðiện ở bên Tầu để có những bài truyện ca mộc mạc và gần gũi với hồn nước. Chúng ta hãy nghe lại Lê Thương hay Phạm Duy và tủm tỉm với thằng Cuội già ôm một mối mơ...

Nếu lại mơ khúc nghê thường trong một tâm cảnh khác hẳn với hình tượng cổ điển của Trung Hoa, hãy nghe lại bài Mơ Tiên của Dương Thiệu Tước. Ðấy không là một truyện ca, nhưng dẫn ta vào thế giới kỳ ảo với nét độc đáo riêng.

Switch mode views: