Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài

               Suy Tư Dòng Đời:

  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hồng Kông-Dubai


hongkongMới ngồi xuống chưa kịp đọc tờ báo hay viết blog xong là đã nghe cô tiếp viên của Philippine Airlines thông báo máy bay sắp hạ cánh. Thế là đành phải tắt cái laptop, cất vội đồ đạc vào túi trên hàng ghế trước mặt theo thông báo. Nhưng thật lòng mà nói đây cũng là một trong nhiều cái thú của những người đang sống và làm việc ở Á Châu như tôi hiện nay. Chỉ cần bay 1, 2 tiếng là chúng ta đã có thể đến một nơi khác. Một nơi khác hoàn toàn từ thời tiết, ngôn ngữ cho đến văn hóa, ẩm thực.

Như ở Hồng Kông, tuy cách Manila không quá hai giờ bay nhưng vừa mới đáp xuống phi trường là đã thấy nó khác.

Cái khác thứ nhất là cái ồn. Người Hoa hình như đi đâu họ cũng ồn. Họ đang ở phi trường, đang sắp hàng chờ hải quan kiểm tra mà cứ lí la, lí lố ỏm tỏi y như là đang ăn tiệc ở ngay trong nhà họ.

Cái khác thứ hai là đi đâu cũng thấy hàng quán. Cái này thì tôi thích. Ðặc biệt hơn, nhờ tôi đã từng ở đây vào những dịp hè trong thập niên 1990 nên tôi biết mình cần phải đi đâu, kêu món ăn gì cho đúng ý, tìm chỗ nào mới quay được cảnh đẹp, và quan trọng hơn hết trong chuyến đi này là gọi cho ai mới tìm ra được người Việt để phỏng vấn.

Khác với các cộng đồng người Việt ở Canada, Mỹ, Úc... cộng đồng người Việt ở đây chỉ vỏn vẹn có vài ngàn người. Một số người, đa số là phụ nữ, định cư ở đây qua diện “hôn thê” từ lúc họ vượt biên sang ở trại vào thập niên 1980, 1990 và quen biết, lấy người Hồng Kông sau đó.

Một số khác, đa số là người Bắc, từng bị án hình sự nên không một nước nào chịu nhận cho đi định cư cuối cùng được chính phủ cho ở lại sau khi nước Anh trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997.

Nhóm cuối cùng mà tôi biết là những người gốc Hoa trước đây ở Việt Nam không có giấy tờ nên Việt Nam không chịu nhận về. Cha ông của họ từng theo Quốc Dân Ðảng và chạy sang Việt Nam xin tỵ nạn sau năm 1949.

Cũng vượt biên qua Hồng Kông vào cuối thập niên 1980, họ bị rớt thanh lọc nhưng nhờ sự tranh đấu của văn phòng bà Luật Sư Pam Baker, chính phủ Hồng Kông cuối cùng đã cho họ định cư vì tình trạng “stateless” (vô tổ quốc) của họ, và ít nhiều gì thì gốc của họ cũng là người Hoa. Ðây cũng là nhóm người Việt tỵ nạn mà tôi quen lâu nhất - từ lúc tôi mới 21, 22 tuổi.

Cũng vì sự khác biệt này mà cộng đồng người Việt ở đây không sinh hoạt chung, ngoại trừ nhóm người Việt bên Công Giáo mỗi tuần đi lễ gặp nhau ở nhà thờ. Hoặc nếu như họ đã quen nhau từ lúc còn ở chung trong trại cấm. Thật cũng may là tôi đã quen biết với các anh chị em tỵ nạn từ trước chứ nếu không chẳng biết làm sao tìm cho ra được để phỏng vấn.

Dĩ nhiên tôi cũng biết đối với tuyệt đại đa số dân du lịch đến đây, người Việt hay ngoại quốc, có hay không có người Việt thì... cũng chả sao. Vì chủ ý của họ là đến để tham quan, thưởng ngoạn. Nếu vậy thì tôi có lời khuyên thế này. Bạn phải cố thực hiện cho được ít nhất là 5 điều sau đây mới có thể cảm nhận những gì được cho là đặc trưng (quinessential) nhất ở Hồng Kông.

Thứ nhất, bạn phải bắt xe “tram” lên đỉnh đồi nằm bên đảo Hồng Kông (Hong Kong Island), được gọi tắt là The Peak, để ngắm hoàng hôn và toàn cảnh của thành phố. Sẽ không có nơi nào trên thế giới cho bạn một hình ảnh núi đồi, cầu cảng thương mại sầm uất với hàng trăm, hàng ngàn tòa cao ốc ở ngay trước mặt bạn như thế.

Thứ hai, sau khi xuống xe “tram,” bạn nên đi thẳng đến bến cảng để bắt phà Star Ferry sang bên khu Kowloon cách đó không quá 15 phút. Từ đó nhìn sang phía bên kia đảo Hồng Kông nơi bạn vừa mới ngắm cảnh hoàng hôn xong bạn sẽ thấy đây mới chính là hình ảnh đầy sắc màu của một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Nó không to quá như San Francisco Bay và hoàn toàn không thua kém gì Sydney Harbour ở Úc.

Thứ ba, sau một thời gian tĩnh lặng ngắm nhìn mây nước và những tòa nhà chọc trời, bạn nên bắt tàu điện ngầm MRT từ trạm Tsim Sha Tsui gần đó để đến trạm Mongkok chỉ cách đó 2 trạm. Có hai lý do tại sao bạn nên đến nơi này. Ðến để mua sắm nơi được cho là có mật độ đông dân nhất thế giới. Và đến để đi ăn trong khu chợ đêm Yau Ma Tei. Bạn sẽ không thể tìm được ở đâu có những hình ảnh ồn ào và những hương vị đủ mùi như ở đây, kể cả ở Trung Quốc, Ðài Loan hay Singapore.

Ðiều thứ tư, nếu như bạn thực hiện được thì tôi phải cho là bạn rất may mắn. Ðó là bạn tìm được cho mình một chỗ ngồi trong nhà hàng điểm tâm (yum cha) nổi tiếng nhất ở Hồng Kông nằm trong City Hall ngay bên cạnh cầu cảng bên Hong Kong Island. Chưa lần nào tôi đến đây mà không phải sắp hàng. Mặc dù sức chứa của nhà hàng này chỉ độ chừng trên 1,000 người. Tôi nói thật đấy nhé. Ðây sẽ là một trong những nhà hàng lớn nhất trong đời mà bạn có dịp bước vào. Nói đúng ra thì nó là một cái hall chứ không phải nhà hàng như bạn thường thấy!

Bạn đến đây không phải chỉ để thưởng thức những món ăn yum cha ngon không thể tả (nhất là món “ha cheung fan” - bánh ướt tôm) mà còn để thấy được một hình ảnh văn hóa rất đặc thù về ăn uống của người Hồng Kông. Nó luôn tràn trề, sống động và rất ư là nhanh gọn.

Ðây cũng là điều mà bạn sẽ thấy khi thực hiện điều thứ năm, đó là trước khi bay đi nơi khác, bạn nên check in ở ngay tại ga Kowloon hoặc bên Hong Kong Island trong thành phố trước khi bắt xe lửa ra phi trường. Sẽ không có một phương tiện công cộng nào tiện lợi và mau chóng như nó. Và cũng sẽ không có nơi nào trên thế giới mà tôi biết sau khi check in bạn vẫn có thể ở lại city để tiếp tục ăn chơi.

Rất tiếc lần này tôi không có thời gian làm điều đó vì chỉ còn một tiếng nữa là tôi phải bắt chuyến bay xuyên đêm thẳng đến Dubai của vương quốc United Arab Emirates nằm ngay trong khu Trung Ðông đầy biến động.

Switch mode views: