Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ tròn trăm tuổi

USA-FED-100year-old

Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ Fed, tại Washington. Ảnh chụp ngày 22/08/2012
REUTERS/Larry Downing


Cách nay đúng 100 năm, ngày 23 tháng 12, Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson ký sắc lệnh thành lập Ngân hàng dự trữ Liên bang (Fed).

Ngân hàng trung ương Mỹ trải qua nhiều cuộc khủng hoảng và từng bước trở thành định chế tài chính quyền lực nhất thế giới.

Nhiều hội thảo và triển lãm được tổ chức nhân sinh nhật lần thứ 100 của Fed. Hoa Kỳ thậm chí còn lập ra hẳn một trang Internet vào dịp này.

Ở vào thế kỷ thứ XIX, do không có Ngân hàng trung ương, nhiều ngân hàng nhỏ có thể bị khánh tận chỉ vì một tin đồn hay một làn sóng hoảng loạn nào đó của khách hàng.

Thực ra, Hoa Kỳ đã từng có Ngân hàng trung ương, nhưng định chế đó đã bị Tổng thống Andrew Jackson, vị Tổng thống thuộc đảng Dân chủ đầu tiên của nước Mỹ, giải thể vào năm 1836.

Vào đầu những năm 1900, thành lập lại một định chế tài chính trực thuộc chính quyền liên bang không đơn giản.
 Trong mắt một số các chính trị gia của Hoa Kỳ thời đó, Ngân hàng trung ương là một nét đặc thù của Châu Âu, là một thứ « di sản » của người Anh để lại.

Nhưng sau nhiều cuộc tranh cãi và nhất là khủng hoảng ngân hàng vào năm 1907 cho thấy là các cơ quan tài chính cần có một điểm tựa. Ý tưởng lập ra lại một Ngân hàng trung ương bắt đầu manh nha.

Sắc lệnh được Tổng thống Wilson phê chuẩn ngày 23/12/1913 được coi là một bước cải tổ quan trọng vào thời điểm mà Hoa Kỳ đang trở thành nền kinh tế số 1 của thế giới.

Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ, Fed, là một định chế tài chính độc lập, được lập ra với những mục tiêu chính : Cung cấp các dịch vụ tài chính cho các ngân hàng con, kiểm soát và đặt ra một luật chơi chung cho ngành ngân hàng của Mỹ, thực thi chính sách tiền tệ quốc gia, bảo đảm ổn định về giá cả và lãi suất tương đối thấp.

Gần đây hơn, Fed còn có trách nhiệm điều chỉnh lãi suất để bảo đảm ổn định trên thị trường lao động Hoa Kỳ.

Thống đốc định chế tài chính này, giáo sư kinh tế Ben Bernanke nhắc lại những bước thăm trầm của Ngân hàng dự trữ Liên bang trong 100 năm qua.

Theo ông, thời kỳ đen tối nhất là trong giai đoạn cuộc đại khủng hoảng những năm 1930. Khi đó định chế tài chính này cương quyết không phá giá đồng đô la so với vàng, được quy định vào thời đó là 20 đôla /oz vàng.

Chính sách tiền tệ cứng nhắc đẩy toàn thế giới vào một cuộc « Đại Suy thoái » : Tình trạng giảm phát kéo dài, đánh sập các nền kinh tế của thế giới, thất nghiệp tràn lan, một phần dân số Mỹ lâm vào cảnh bần cùng.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Mỹ nói thêm, chính bài học của những năm 1929-1930 đã giúp cho Fed chọn một hướng đi khác khi phải đương đầu với khủng hoảng địa ốc, rồi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Từ đó đến nay, Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ luôn duy trì một chính sách tiền tệ « nới lỏng » - tức lãi suất thấp và bơm thêm tiền vào hệ thống kinh tế - để hỗ trợ tăng trưởng, khuyến khích tiêu thụ và đầu tư.

Một thách thức khác đã đặt ra cho Fed là ở vào những năm 1980, khi hiện tượng lạm phát bùng nổ. Khi đó, chỉ giá tiêu thụ ở Hoa Kỳ tăng tới 14 %.
Để dập tắt hiểm họa này, Thống đốc Ngân hàng Liên bang thời đó là Paul Vocler đã nâng lãi suất chỉ đạo lên tới 20 %.

Theo các nhà phân tích, đây là một liều thuốc hữu hiệu, nhưng lại rất mất lòng dân và Fed đã phải trả cái giá khá đắt.

Thập niên 1990 được coi là một thời kỳ tương đối ổn định và thịnh vượng dưới sự điều hành của « ông phù thủy » Alan Greenspan.

 Sau hai vụ tấn công nhắm vào tòa tháp đôi tại khu trung tâm thương mại World Trade Center, 11/09/2001 Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ liên tục giảm lãi suất để tiếp sức cho một nền kinh tế đang hụt hơi và đối phó với hiện tượng bóng bóng tin học.

 Chính sách đó là nguyên nhân dẫn tới các cuộc khủng hoảng địa ốc (2007-2008), rồi tài chính (2008-2009), khi giá nhà đất cứ được « đẩy lên trời », tư nhân đi vay với lãi suất thấp, ngân hàng khuyến khích đầu tư, mua sắm và bất cẩn khi cấp tín dụng cho khách hàng.

Bên cạnh đó, giữa các ngân hàng lại chuyển nhượng cho nhau những gói « nợ xấu » mà không biết ở trong đó có những gì.

Để đối phó với trận « đại hồng thủy tài chính » nổ ra vào đầu thu năm 2008, Fed đã mua vào hàng tháng khoảng 85 tỷ đô la nợ của chính phủ và các tập đoàn tài chính đáng tin cậy, đồng thời giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục (0,25 %).
Các biện pháp đó nhằm kích thích tăng trưởng và chặn đà lây lan của nạn thất nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, trong 5 năm qua, Fed đang bước vào một « khu vực » đầy bất trắc.

 Chưa ai biết các biện pháp ồ ạt bơm tiền vào hệ thống kinh tế của Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ là mầm mống của một cuộc khủng hoảng nào khác hay không.

Nhiều câu hỏi đang được đặt ra vào lúc Thống đốc Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đang chuẩn bị bàn giao công việc lại cho vị nữ Thống đốc đầu tiên trọng lịch sử của Fed là bà Janet Yellen.

 Bà Yellen sẽ chính thức lên điều hành định chế ngân hàng thế lực nhất thế giới này kể từ ngày 01/02/2014.



Switch mode views: