Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc bất lực trước dịch cúm gia cầm H7N9


HEALTH-BIRDFLU-CHINA
Các nhân viên y tế đang theo dõi tình trạng một bệnh nhân 67 tuổi bị nhiễm H7N9, một bệnh viện ở Hàng Châu, tỉnh Triết Giang, 04/04/2013.
REUTERS/Chance Chan


Theo tổ chức Thú Y Thế Giới, trụ sở tại Paris, Trung Quốc đang đối phó với một cuộc khủng hoảng y tế « khá bất thường ».

Virus gây bệnh cúm gia cầm H7N9 rất khó phát hiện, đã giết chết 10 người, sau gần ba tháng gây trường hợp tử vong đầu tiên. Công luận Hoa lục lên án chính phủ cố tình che dấu thông tin.

Trong một bản thông báo công bố hôm qua 11/04/2013 từ Paris, Giám đốc tổ chức Thú Y Thế Giới Bernard Vallet nhận định :
« theo thông tin có được, thì chúng ta đang đối đầu với một tình trạng khá đặc biệt… với loại virus cúm rất yếu đối với điểu cầm, nhưng có đủ khả năng gây bệnh nghiêm trọng cho người bị lây nhiễm ».

Báo cáo của chính phủ Trung Quốc gửi tổ chức Thú Y Thế Giới viết rằng « những con gà mà xét nghiệm cho kết quả dương tính với H7N9 và bị nghi ngờ truyền bệnh cho người bị nhiễm lại không có dấu hiệu bị bệnh ».

Dựa vào các thông tin của Trung Quốc, tổ chức Thú Y Thế Giới kết luận bi quan : rất khó mà phát hiện gia cầm mang virus H7N9.

Nói cách khác, không như virus H5N1 vừa giết gà vịt, vừa giết người bị nhiễm, thì H7N9 đang hoành hành tại bốn tỉnh Trung Quốc, Triết Giang, Thượng Hải, Giang Tô và An Huy, chỉ làm chết người mà không chết vịt gà.

Cho đến hôm nay, gần ba tháng sau ngày phát hiện trường hợp tử vong đầu tiên tại Thượng Hải, H7N9 đã lây nhiễm cho 38 người và gây thiệt mạng cho 10 người ở miền đông Trung Quốc.

Thông tin lạc quan duy nhất có thể trấn an công luận đến từ tổ chức Y Tế Thế Giới : theo WHO/OMS, H7N9 không lây từ người sang người.

Giải pháp đối phó với virus cúm điểu cầm mới này là thuốc chủng ngừa, nhưng theo tổ chức Thú Y Thế Giới, có một phòng thí nghiệm tại Hoa lục, từ nay cho đến khi nghiên cứu và chế tạo phải « mất nhiều thời gian ».

Trung Quốc cam kết sẽ chế tạo được vắc-xin trong 7 tháng tới, nhưng vấn đề là vẫn còn mù mịt không rõ con vật « thủ phạm » nào đã mang virus lây bệnh cho gà, chim cút và bồ câu ?

Thủ phạm này không hẳn là chim trời, vì trong trường hợp này thì như thế không phải chỉ có miền đông bị lây nhiễm.

Trong khi đó thì cung cách đối phó của chính phủ Trung Quốc đang bị công luận Hoa lục chỉ trích là chậm chạp và thậm chí giấu tin để không « gây nhiễu » cho khóa họp quốc hội hợp thức hóa thành phần chính phủ mới.

Theo nhà báo Pháp Harold Thibault từ Thượng Hải, thì ở Trung Quốc không ai tin vào con số nạn nhân do nhà nước công bố.

 Nam Phương Đô Thị Báo, mà ban biên tập có tiếng can đảm và độc lập đặt nghi vấn : Có thật là số nạn nhân bị lây và chết ít như vậy chăng ?

 Tờ báo muốn ám chỉ chính quyền đã giữ im lặng suốt « ba tuần lễ » từ lúc một phòng xét nghiệm phát hiện virus H7N9 từ một bệnh nhân 87 tuổi cho đến khi bộ Y tế công bố lần đầu tiên.

 Tại sao có sự vô tâm này ? Báo Nam Phương Đô Thị giải thích là vào thời gian đó, đảng Cộng sản Trung Quốc tập trung tổ chức trình diễn nội các mới nên không một cán bộ lãnh đạo địa phương nào dám « làm phiền trung ương » bằng những tin xấu.

Bản tin này được đưa lên mạng hôm thứ tư nhưng hôm sau biến mất.

Mười năm sau đợt dịch viêm phổi cấp tính SARS gây thiệt mạng cho hơn 700 người tại Trung Quốc và nhiều nước châu Á, chính quyền Trung Quốc tiếp tục tự đánh mất uy tín.

Trong năm 2003, Bắc Kinh đã che dấu sự thật suốt nhiều tháng trước khi buộc phải thừa nhận bất lực.

Trong những năm qua, các thông tin dịch tễ được Trung Quốc phối hợp với tổ chức Y Tế Thế Giới cập nhật hóa thường xuyên hơn.

Tuy nhiên, với cuộc khủng hoảng H7N9 hiện nay, người dân Trung Quốc buộc phải đặt câu hỏi : Phản ứng chậm chạp của chính phủ trong các tuần lễ qua phải chăng xuất phát từ guồng máy nhà nước kềnh càng, cán bộ vô trách nhiệm hay có do một quyết tâm che giấu thông tin vì sợ có hại cho con đường thăng quan tiến chức, bất chấp sinh mạng của dân ?

Dù gì đi nữa thì theo Hiệp hội công nghiệp gia cầm quốc gia, khủng hoảng H7N9 đang gây « tác hại hủy diệt » cho ngành chăn nuôi Trung Quốc.



Switch mode views: