Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-04-2013
- Thứ Tư, 10 tháng Tư năm 2013 17:11
- Tác Giả: Lê Phước
Tokyo đau đầu với việc xử lý nước phóng xạ
Các bể chứa ngầm đễ trữ nước nhiễm phóng xạ (REUTERS /TEPCO)
Thảm họa Fukushima đã trôi qua hơn hai năm, nhưng nguy cơ hạt nhân vẫn chưa hết đe dọa Nhật Bản khi mà vào ngày 07/04 vừa qua, chính tập đoàn Tepco đã thừa nhận là một khối lượng khổng lồ nước nhiễm phóng xạ tại hai bể chứa ngầm đã bị rò rỉ.
Về chủ đề này, hai tờ báo Le Monde và Les Echos nhận định chung : Tepco đang bế tắc trong việc xử lý nước nhiễm phóng xạ.
Theo thú nhận của tập đoàn Tepco, ở hai bể chứa ngầm số 2 và số 3, có hơn 120 tấn nước nhiễm phóng xạ đã bị rò rỉ vào lòng đất.
Tepco đã thành lập khẩn cấp một đơn vị đặc trách khủng hoảng vào ngày 06/04.
Chính quyền tỉnh Fukushima đã phải yêu cầu Tepco ngừng sử dụng các bể ngầm để chứa nước phóng xạ nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống nước ngầm.
Thứ hai vừa qua, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã yêu cầu Tepco áp dụng mọi biện pháp có thể để tránh nước phóng xạ rò rỉ ra biển. Xin nhắc lại rằng, trước đó, Tepco đã từng cho thải nước được cho là có nồng độ nhiễm xạ thấp vào đại dương. Thế nhưng, theo Le Monde, mức nhiễm xạ thực tế của số nước được thải này cao hơn nhiều so với mức cho phép.
Hiện tại, Tepco còn phải tiếp tục làm mát các lò hạt nhân, nhưng phải đảm bảo không để cho nước dùng để làm mát đã bị nhiễm xạ rò rỉ vào môi trường.
Vấn đề đặt ra là nếu không sử dụng bể ngầm thì phải cần nhiều bồn nổi để chứa nước phóng xạ. Thế nhưng, hiện tại nhà máy Fukushima không có đủ bồn chứa, và các bồn chứa hiện có cũng không đủ chắc chắn.
Trong khi đó, ước tính mỗi ngày việc làm mát lò phản ứng tạo ra 400 tấn nước có độ nhiễm phóng xạ cao.
Nước phóng xạ đã rò rỉ khỏi các bể ngầm có thể có mức phóng xạ đến 290 triệu Becquerel/lít.
Để tránh đổ nước nhiễm xạ ra biển, Tepco đã cho lắp đặt khoảng 10 bồn nổi và cho đào 7 bể chứa ngầm. Đã có hơn 270 000 tấn nước nhiễm xạ được trữ ở đó. Tepco từng dự tính sẽ tăng gấp đôi con số này trong vòng 2 năm tới.
Theo Le Monde, hiện tại Tepco chỉ còn trông cậy vào hệ thống lọc nước nhiễm xạ ALPS. Hệ thống này có khả năng lọc được 62 trên 1000 hạt nhân phóng xạ có trong nước bị nhiễm xạ ở cường độ cao.Năng suất của hệ thống mới này là 250 tấn nước/ngày.
Hôm 30/03, hệ thống đã được bắt đầu cho vận hành thử, và giai đoạn thử nghiệm kết thúc sớm nhất cũng phải vào tháng 9 tới.
Trong bối cảnh đó, chính phủ thì tăng sức ép lên Tepco, người dân thì ngày càng ngại hạt nhân, lời nói của Tepco ngày càng mất độ tin cậy, việc làm mát lò hạt nhân vẫn phải tiếp tục, nước nhiễm xạ sẽ tiếp tục tăng thêm. Và như Les Echos nhận định : Tepco đang bị rơi vào bế tắc.
Bán đảo Triều Tiên : Nguy cơ chạy đua vũ trang
Tiếp tục nhìn về bán đảo Triều Tiên, báo L’Humanité đăng bài phỏng vấn ông Pascal Dayez-Burgeon với dòng tựa: «Hạt nhân được dùng làm vũ khí dọa dẫm». Ông nguyên là quan chức ngoại giao từng làm việc tại Hàn Quốc, đồng thời là chuyên gia về quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.
Tờ báo nhắc lại, vừa qua Bình Nhưỡng đã leo thêm một nấc thang khi kêu gọi công dân nước ngoài rời khỏi Seoul và Bình Nhưỡng để tránh tai họa khi chiến tranh xảy ra.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye tỏ ra cứng rắn hơn khi lên tiếng đe dọa kinh tế đối với miền bắc. Nhật Bản cũng đã tăng cường triển khai phương tiện đề phòng nguy cơ bị Bắc Triều Tiên tấn công bất ngờ.
Về phần mình, Mỹ nhân cơ hội tăng cường quân lực trong khu vực với cớ là đề phòng nguy cơ đến từ Bắc Triều Tiên. Tất cả tạo ra một mối lo lắng khác bên cạnh hồ sơ hạt nhân Bình Nhưỡng, đó là nguy cơ chạy đua vũ trang trong khu vực.
Bàn về thực lực của Bắc Triều Tiên, chuyên gia Pascal Dayez-Burgeon cho rằng, có thể sự đe dọa đã được khoa trương quá mức bởi vì dù Bắc Triều Tiên đã thành công trong vụ thử hạt nhân lần thứ 3 vừa qua, nhưng thử thành công không có nghĩa là đã sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân.
Chuyên gia này nhận định, lần thử thành công vừa rồi chỉ cho thấy Bắc Triều Tiên có thể đã làm chủ được thao tác thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa.
Bắc Triều Tiên muốn gì ?
Về phần mình, báo Le Figaro cho biết, các đoàn ngoại giao ở Bình Nhưỡng cũng như người ngoại quốc ở Hàn Quốc vẫn không chịu rời khỏi khu vực như lời kêu gọi của Bình Nhưỡng.
Một quan chức quốc phòng Hàn Quốc kêu gọi : « Quý vị hãy yên tâm, sẽ không có chiến tranh, Kim Jong-Un tuy còn trẻ nhưng cũng không phải người điên ».
Ý quan chức này cho rằng, việc Bắc Triều Tiên khởi chiến đồng nghĩa với tự sát, bởi vậy mà ông Kim Jong-Un chẳng dại gì.
Thế thì đâu là mục tiêu thật sự của Bình Nhưỡng?
Tờ báo dẫn lời của tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye và một số chuyên gia khác cho rằng, Bình Nhưỡng lần này vẫn sử dụng chiêu bài đe dọa để buộc các bên trở lại bàn đàm phán nhằm kiếm nguồn hỗ trợ kinh tế và lương thực.
Chia sẻ quan điểm trên, nhật báo cánh tả Libération đăng bài nhận định, từ 20 năm nay, Bình Nhưỡng đã quen dùng lá bài khiêu khích để kiếm lợi ích kinh tế từ kẻ thù và đã nhiều lần đạt được mục đích.
Theo tờ báo các nước có liên quan đều lo ngại chiến tranh nên đã lần lượt để cho Bình Nhưỡng trục lợi. Thêm vào đó, không nước nào chấp nhận để cho chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ : Trung Quốc vì lợi ích chiến lược, Hàn Quốc ngại cái giá kinh tế quá đắt đỏ của việc thống nhất, Mỹ thì cũng muốn giữ y hiện trạng vì có lợi cho chính sách chuyển trọng tâm về vùng Châu Á Thái Bình Dương.
Pháp đứng về phía Mỹ để chỉ trích Đức ?
Trong hai ngày thứ Hai và thứ Ba vừa qua, tân Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Jack Lew đã có chuyến thăm chớp nhoáng đến Bruxelles, Berlin và Paris. Nhật báo kinh tế Les Echos phản ánh chuyến công du này qua bài viết : «Tăng trưởng : Hoa Kỳ gây sức ép với Đức ».
Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Jack Lew trên cương vị Bộ trưởng Tài chính. Ông đã chọn Châu Âu trong khi người tiền nhiệm là ông Tim Geithner lại chọn Trung Quốc. Và điểm đến của ông lại là ba nơi mang tính quyết định của Liên Hiệp Châu Âu. Điều đó cho thấy mối bận tâm đến kinh tế Châu Âu của ông là không nhỏ.
Tờ báo dẫn lại lời của ông Jack Lew nêu rõ rằng chính sách khắc khổ quá mức tại Châu Âu đang gây ra nhiều hạn chế, làm tăng nạn thất nghiệp, không kích thích tăng trưởng. Mà vấn đề của Mỹ mong mỏi hiện tại là tăng trưởng.
Nói cách khác, ông Jack Lew phản đối chính sách khắc khổ quá mức của Châu Âu.
Tại Pháp hôm qua, ông Jack Lew đã hội kiến với tổng thống Pháp François Hollande và với người đồng nhiệm Pháp ông Pierre Moscovici.
Sau khi hội đàm, ông Moscovici tuyên bố là hai bên đã có « những sự đồng thuận to lớn » về các biện pháp tái tạo việc làm, cân đối giữa việc vực vậy tài chính công và sự tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng Tài chính Pháp còn nói : « Chúng ta không đồng ý để sự khắc khổ đè nặng quá trình suy thoái » .
Les Echos nhận định, Pháp đang hợp tác với Mỹ để gây sức ép lên thủ tướng Đức Angela Merkel-người có lập trường thúc đẩy mạnh mẽ chính sách thắt lưng buộc bụng tại Châu Âu.
Trong bối cảnh đó, tờ báo cho biết, tại Châu Âu, vấn đề khắc khổ đang là chủ đề gây bất đồng sâu sắc.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Herman Van Rompuy cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ khắc khổ. Xem ra, giải pháp cuối cùng cho hồ sơ khủng hoảng kinh tế Châu Âu vẫn còn xa, dù rằng đồng minh Mỹ đã tỏ ra sốt ruột.
Slovenia sẽ là nước thứ sáu cần EU cứu giúp ?
Cũng liên quan đến kinh tế Châu Âu, nhật báo cánh hữu Le Figaro đăng bải cảnh báo : « Sau Chypre, Slovenia đang gây sợ hãi cho khu vực đồng euro ».
Tờ báo đề cập đến cuộc hội kiến với các nhà lãnh đạo Châu Âu tại Bruxelles vào hôm qua của tân thủ tướng Slovenia, bà Alenka Bratusek.
Theo tờ báo, dù rằng bà này đã ra sức trấn an về tình hình tài chính của nước bà, nhưng giới chuyên gia lại dự báo, sắp tới Slovenia có thể sẽ là nước EU thứ sáu phải cần đến nguồn trợ giúp tài chính từ bên ngoài.
Dự phóng, nếu phải cứu hộ, thì chiếc phao dành cho Slovenia sẽ trị giá 8 tỷ euro, trong khi của Chypre là 17 tỷ euro.
Năm nước EU đã từng nhận cứu hộ từ bên ngoài là : Hy Lạp, Ai Len, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Chypre.
Ai Cập : kinh tế lâm nguy
Ai Cập dưới sự điều hành của lực lượng Huynh Đệ Hồi Giáo đang lâm vào ngõ cụt kinh tế, đến mức mà tờ Le Figaro đã đăng dòng tựa cảnh báo : «Ai Cập của ông Morsi bị đe dọa phá sản ».
Tờ báo cho biết, do bất ổn chính trị triền miên, nên khách du lịch và các nhà đầu tư nước ngoài sụt giảm nghiêm trọng, trong khi đây lại là hai nguồn sinh lợi chính cho Ai Cập.
Thâm hụt ngân sách của nước này hiện đã lên đến 10,9% GDP. Đồng nội tệ thì liên tiếp mất giá.
Chính phủ Morsi đã thương lượng vay tiền IMF và đã bắt đầu một số biện pháp cắt giảm chi tiêu công. Tuy nhiên, theo tờ báo, chính phủ Morsi điều hành kinh tế không quyết liệt vì sợ có người xuống đường phản đối Morsi, và vì lợi ích chính trị của phe Huynh Đệ Hồi Giáo là trước nhất. Đến mức mà một nhà kinh tế học nước này chua xót : «Chính phủ Morsi đặt lợi ích phe phái lên trên lợi ích quốc gia ».
Trẻ sơ sinh Anh khốn đốn vì … bạn hàng Trung Quốc
Trong mục Mỗi ngày một câu chuyện, Le Figaro hôm nay đăng dòng tựa khá bắt mắt : «Trẻ sơ sinh tại Anh khốn đốn vì sức mua của Trung Quốc ».
Thật là một hiện tượng chưa từng xảy ra ở nước Anh kể từ sau Thế chiến thứ Hai. Từ mấy tuần nay, các nhãn hiệu sữa lớn tại Anh Quốc đã phải hạn định số lượng mua của mỗi khách hàng, theo đó mỗi người chỉ được mua một lần tối đa 2 hộp sữa.
Nguyên nhân là để đề phòng tình trạng thiếu sữa dành cho trẻ sơ sinh tại Anh. Mà nguyên nhân của sự đề phòng này lại đến từ Trung Quốc.
Số là sau vụ sữa nhiễm melamine hồi năm 2008 tại Trung Quốc, các bậc phụ huynh nước này bắt đầu vọng ngoại, tìm mua sữa Châu Âu để đảm sức khỏe cho con em mình.
Thế là qua đường chính ngạch cũng có, mà qua đường không chính ngạch cũng có, sữa của Anh đã bị người Trung Quốc tiêu thụ rầm rộ đến mức đe dọa « an ninh sữa » đối với trẻ sơ sinh tại Anh. Trước nước Anh, thì Hồng Kông và Úc cũng đã lâm cảnh tương tự.
Pháp : bùng nổ làn sóng bài đồng tính
Trên hồ sơ xã hội, L’Humanité nhìn về nước Pháp với dòng tựa : « Nạn bài đồng tính bùng nổ ».
Tờ báo cho biết, trong khi Thượng viện Pháp đang bàn thảo về Dự luật hôn nhân đồng tính, thì phong trào bài đồng tính càng trở nên dữ dội hơn, với đủ mọi cách phản đối dữ tợn : từ những lời lẽ miệt thị cho đến các vụ hành hung, đánh đập dã man.
Tờ báo nhắc lại một vụ việc mới xảy ra hồi tuần rồi tại thủ đô Paris : Một cập tình nhân đồng tính nam bị một nhóm bài đồng tính tấn công ngay tại bến tàu điện ngầm, kết quả là hai người phải đi cấp cứu.
Một trong hai nạn nhân đã đăng lên facebook ảnh gương mặt bị đánh tím bầm của mình kèm theo dòng chữ : «Đây là gương mặt của nạn bài đồng tính».
Tờ báo còn cho biết, có không ít những thượng nghị sĩ Pháp đã sử dụng những lời lẽ nặng nề để phản đối hôn nhân đồng tính.
Related news items:
Tin mới
- Trung Quốc bất lực trước dịch cúm gia cầm H7N9 - 12/04/2013 16:41
- Xâm phạm lãnh hải Philippines, ngư dân Trung Quốc đối diện với bản án nặng nề - 12/04/2013 16:24
- Nhiều nhà báo ở Việt Nam bị tấn công, đe dọa - 11/04/2013 21:48
- Cúm gia cầm gây hại cho kinh doanh ở TQ - 11/04/2013 21:32
- Gạo nhập khẩu ở Mỹ bị nhiễm chì - 11/04/2013 20:36
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-04-2013 - 11/04/2013 20:20
- Washington cảnh cáo Bình Nhưỡng chấm dứt «đùa với lửa» - 11/04/2013 19:31
- Mỹ đặt radar cực mạnh trên biển để phát hiện tên lửa Bắc Triều Tiên - 11/04/2013 16:54
- Trung Quốc chính thức phát sóng kênh phát thanh “Tiếng nói Biển Đông” - 10/04/2013 22:24
- Mỹ và Hàn Quốc tăng mức báo động trước đe dọa của Bình Nhưỡng - 10/04/2013 19:17
Các tin khác
- Margaret Thatcher : Chính trị gia danh tiếng để lại nhiều tranh cãi - 10/04/2013 05:24
- Iran khánh thành cơ sở làm giàu chất uranium - 10/04/2013 05:04
- Nhật triển khai tên lửa Patriot giữa Tokyo - 10/04/2013 00:25
- Tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng biển Philippines - 10/04/2013 00:11
- Toàn bộ công nhân Bắc Triều Tiên vắng mặt tại Kaesong - 09/04/2013 18:16
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-04-2013 - 09/04/2013 17:34
- Ông Vũ Văn Luân : Phiên tòa xử các quan chức Tiên Lãng là một trò hề - 09/04/2013 17:20
- Bình Nhưỡng kêu gọi kiều dân nước ngoài tại Hàn Quốc di tản tránh bom hạt nhân - 09/04/2013 16:32
- Hoa Kỳ mở điều trần về nhân quyền VN - 08/04/2013 20:01
- Hàng trăm nghìn người biểu tình ủng hộ ứng viên tổng thống đối lập - 08/04/2013 19:26