Dân TQ 'thu gom' sữa khắp thế giới
- Thứ Sáu, 12 tháng Tư năm 2013 19:33
- Tác Giả: BBC
Sữa Trung Quốc
Sản phẩm sữa Trung Quốc vẫn chưa khôi phục được niềm tin người tiêu dùng sau vụ tai tiếng năm 2008
Tình trạng 'xuất khẩu sữa không chính thức' diễn ra khắp thế giới vì người Trung Quốc gom mua sữa với số lượng lớn gửi về nước.
Ngày 11/4, hãng thông tấn Anh Reuters đưa tin các siêu thị và cửa hàng bán lẻ tại Anh quốc đã phải giới hạn lượng sữa một người được mua để tránh tình trạng hết hàng vì nguời Trung Quốc gom mua với số lượng lớn để gửi về nước.
Không chỉ riêng Anh quốc, tình trạng này cũng đã xảy ra ở Hong Kong, Úc và New Zealand, gây những khó khăn nhất định cho người tiêu dùng tại đây.
"Hạn chế bán"
Người phát ngôn của Hiệp hội bán lẻ Anh quốc (BRC) nói hầu hết những nơi cung cấp mặt hàng sữa trẻ em đang phải hạn chế bán.
Họ phải làm điều này vì xuất hiện một số khách hàng mua với số lượng lớn bất thường. Xu hướng không bình thường này được cho là kết quả của việc xuất khẩu sữa không chính thức sang Trung Quốc."
Những tuần qua, các siêu thị tại Anh quốc đã phải dán thông cáo yêu cầu khách hàng không mua nhiều hơn hai hộp sữa một lúc để đảm bảo nguồn cung cấp cho những người khác.
Nhiều người tiêu dùng tại Anh cho biết họ để ý thấy có tình trạng khan hiếm sữa tại các siêu thị và phải đi nhiều nơi mới mua được nhãn hiệu mình thường dùng.
"Vào Chủ Nhật, chúng tôi đã không thể tìm được sản phẩm nào từ Asda hay Tesco, chúng tôi đã phải tới Sainsbury's," bà Lyn Patterson nói với Reuters.
Hãng thực phẩm của Pháp Danone, công ty sản xuất sản phẩm sữa Aptamil nói hiện đang phải tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng bất thường này.
"Chúng tôi hiểu nhu cầu tăng cao bắt nguồn từ những đợt xuất khẩu không chính thức sang Trung Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu của các phụ huynh muốn tìm kiếm nhãn hiệu sữa phương Tây cho con cái mình," công ty này nói trong một thông cáo.
'Siêu lợi nhuận'
Một sản phẩm sữa chỉ với giá 10 bảng Anh được bán với giá cao gấp ba lần ở thị trường Trung Quốc, Reuters cho biết.
Dân Trung Quốc xếp hàng tại Hong Kong
Chính quyền Hong Kong đã phải hạn chế số sữa người dân Trung Quốc được mang về lục địa sau khi tình trạng mua gom đẩy giá và gây khan hiếm sữa tại đây
Một doanh nhân người Trung Quốc nói với Sky News rằng ông mua sữa từ các siêu thị và sau đó bán qua một trang mua sắm trên mạng Taobao của Trung Quốc.
"Tôi mua với giá 7 đến 9,5 bảng mỗi hộp sữa, và bán với giá từ 16,5-19,5 bảng," ông này nói.
Ông này cũng cho biết người Trung Quốc gom sữa dưới nhiều hình thức khác nhau:
"Thứ nhất là các sinh viên hay khách du lịch được gia đình hoặc bạn bè nhờ mua một vài hộp sữa.
Thứ hai là những công ty nhỏ và vừa như chúng tôi.
Và thứ ba là những nhà buôn lớn thường ở London hay Portsmouth.
Họ mua trực tiếp từ các nhà phân phối hàng cho siêu thị, với những đơn hàng từ 20.000 bảng."
Trả lời BBC Tiếng Việt, ông Junqi Yang, người dân tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cũng cho biết các dịch vụ giao hàng, cho thuê kho tại đây đang rất phát triển nhờ sữa nhập từ nước ngoài.
Khủng hoảng niềm tin
Trung Quốc là nước có ngành công nghiệp sản xuất sữa khá phát triển. Tính đến nay, ngành công nghiệp này có giá trị khoảng 30 tỷ đôla, với mức tăng trưởng thường niên trên 20% kể từ năm 2000.
Thế nhưng vụ tai tiếng hồi năm 2008 khiến 300 nghìn trẻ em tại Trung Quốc nhập viện và ít nhất sáu trong số đó tử vong vì uống phải sữa bột nhiễm hóa chất melamine đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin người tiêu dùng tại đây.
Điều này đồng thời cũng đã làm gia tăng đột biến nhu cầu của thị trường nội địa đối với các sản phẩm cao cấp của nước ngoài.
Ông Yang nói nhiều người Trung Quốc ở đây thà trả giá cao còn hơn chấp nhận đánh cược với sức khỏe và tính mạng của con cái mình khi dùng sữa nhãn hiệu Trung Quốc.
Tình trạng thu gom sữa số lượng lớn tại Hong Kong khiến giá cả lên cao và nguồn cung trở nên khan hiếm đã khiến chính quyền tại đây hạn chế số sữa một người Trung Quốc có thể mang về lục địa.
Bắc Kinh gần đây đã ra sức trấn an người dân rằng các sản phẩm sữa tại Trung Quốc là an toàn và được kiểm nghiệm chặt chẽ.
Tuy nhiên, hệ thống luật pháp thiếu hiệu quả tại đây đang vẫn là một vấn đề lớn.
Tin mới
- Việt Nam: Không cải tổ triệt để, kinh tế sẽ vẫn trì trệ - 15/04/2013 20:11
- Mỹ sẵn sàng thương lượng với Bắc Triều Tiên - 15/04/2013 19:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-04-2013 - 15/04/2013 02:52
- Thống Ðốc Brown vận động Trung Quốc đầu tư xe điện tốc hành - 13/04/2013 23:38
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-04-2013 - 13/04/2013 23:29
- Phiên tòa mới xử cựu Tổng thống Ai Cập bị ngưng - 13/04/2013 23:17
- Anh tìm thấy bằng chứng sử dụng vũ khí hóa học tại Syria - 13/04/2013 23:10
- Trung Quốc lo ngại trước hiệp định giữa Nhật và Đài Loan về Senkaku - 13/04/2013 20:33
- Một Tuyên úy trong chiến tranh Triều Tiên được trao tặng Huân Chương Danh Dự - 12/04/2013 22:42
- Nhật dành cho Đài Loan sự nhượng bộ hiếm có ở Biển Hoa Ðông - 12/04/2013 20:12
Các tin khác
- Chủ tịch TQ kêu gọi 'sẵn sàng chiến đấu' - 12/04/2013 19:18
- Hàng nghìn người vượt biên vào Brazil - 12/04/2013 19:11
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-04-2013 - 12/04/2013 17:12
- Trung Quốc bất lực trước dịch cúm gia cầm H7N9 - 12/04/2013 16:41
- Xâm phạm lãnh hải Philippines, ngư dân Trung Quốc đối diện với bản án nặng nề - 12/04/2013 16:24
- Nhiều nhà báo ở Việt Nam bị tấn công, đe dọa - 11/04/2013 21:48
- Cúm gia cầm gây hại cho kinh doanh ở TQ - 11/04/2013 21:32
- Gạo nhập khẩu ở Mỹ bị nhiễm chì - 11/04/2013 20:36
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-04-2013 - 11/04/2013 20:20
- Washington cảnh cáo Bình Nhưỡng chấm dứt «đùa với lửa» - 11/04/2013 19:31