Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-07-2014

Trung Quốc tăng cường liên minh với Hàn Quốc

coreeXichildren


Tổng thống Hàn Quốc Hàn Quốc Park Geun Hye (T) và Chủ tịch Trung Quóc Tập Cận (P) trong buổi tiếp đón của trẻ em tại Seoul, ngày 03/07/2014
Reuters


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Hàn Quốc hai ngày 03-04/07/2014. Đây là lần đầu tiên từ hai thập niên nay một vị đứng đầu nhà nước Trung Quốc đến thăm đất nước thù nghịch với đồng minh Bắc Triều Tiên của mình.

Ưu tiên này dành cho Seoul cũng là cách Bắc Kinh bày tỏ sự bực bội ngày càng nhiều đối với một Bình Nhưỡng khó bảo và không thể đoán trước được. Chủ đề này được nhật báo công giáo La Croix đề cập đến qua bài giải thích đề tựa « Trung Quốc tăng cường liên minh với Hàn Quốc ».

Thứ nhất tờ báo nhận định đây là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình thực hiện chuyến công du trên bán đảo Triều Tiên kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2012. Tầm mức quan trọng nằm ở điểm đây cũng là lần đầu một vị chủ tịch Trung Quốc đến thăm Hàn Quốc tư bản và dân chủ trước Bắc Triều Tiên cộng sản và chuyên chế.

Đương nhiên Bắc Kinh vẫn là đồng minh chính của Bình Nhưỡng. Bởi vì đó còn là một mối liên kết bằng xương máu.

Dưới thời Mao Trạch Đông, gần một triệu binh sĩ Trung Quốc đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Vậy mà từ khi kế vị cha đến giờ, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un chưa từng một lần được gặp Tập Cận Bình.

Vậy thì tại sao Bắc Kinh muốn tăng cường liên kết với Hàn Quốc ?

Theo La Croix, ưu tiên đến thăm Seoul trước là vì Tập cận Bình muốn bày tỏ thái độ bực bội đối với Bình Nhưỡng khó dự đoán.

Thời gian gần đây, Bắc Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa về phía bờ biển Nhật Bản. Hành động này đã làm gia tăng căng thẳng tại một vùng Châu Á ngày càng có nguy cơ bùng nổ chiến tranh do các vụ tranh chấp lãnh thổ. Nhất là giữa Trung Quốc và Hàn Quốc lại có một « kẻ thù chung » là Nhật Bản. Quốc gia này vừa sửa đổi Hiến pháp chủ hòa 1947, cho phép quân đội Nhật Bản tiến hành các chiến dịch quân sự bên ngoài lãnh thổ.

Trong bối cảnh đó, liệu Bắc Kinh có hy sinh mối quan hệ lâu đời với Bắc Triều Tiên hay không ?

La Croix cho rằng « chắc chắn là không ». Trung Quốc đương nhiên muốn tăng cường các mối hợp tác kinh tế và thương mại với Hàn Quốc. Trong mối tương quan này, Bắc Kinh là đối tác hàng đầu của Seoul và ngược lại Hàn Quốc là đối tác thứ tư của Trung Quốc.

Lượng trao đổi mậu dịch giữa hai quốc gia cao gấp hơn 40 lần so với giữa Bắc Kinh với Bình Nhưỡng. Dù vậy, Trung Quốc vẫn luôn là đồng minh hàng đầu với Bắc Triều Tiên. Có điều mối quan hệ hai bên đã trở nên căng thẳng từ năm 2012 sau các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân của Bình Nhưỡng, bất chấp lời kêu gọi của đồng minh Trung Quốc.

Mặt khác, dù chính thức ủng hộ hòa bình, sự ổn định và giải trừ hạt nhân trên bán đảo, nhưng Bắc Kinh không muốn có những biện pháp trả đũa quá cứng rắn chống lại người hàng xóm đồng minh hiếu chiến này. Điều đó có thể dẫn đến sự sụp đổ nền kinh tế và thống nhất vĩnh viễn bán đảo.

La Croix nhắc lại rằng chưa bao giờ Trung Quốc muốn có một đường biên giới trực tiếp với một Triều Tiên hợp nhất. Vì điều đó cũng có nghĩa là sẽ có khoảng 30 ngàn binh sĩ Mỹ ngay sát biên giới mình.

Nhật Bản sẽ sửa đổi Hiến pháp chủ hòa 1947 ?

« Nhật Bản không loại trừ sử dụng quân đội », tờ Le Figaro cho hay. Để làm được việc đó, Tokyo phải sửa đổi Hiến pháp chủ hòa 1947.

Tuy nhiên theo nhật báo, hơn 50% số người dân Nhật được hỏi không đồng tình với dự án này của chính phủ.

Theo tuyên bố của chính phủ Nhật Bản hôm 01/07 vừa qua, Tokyo sẽ cho sửa đổi lại Hiến pháp 1947. Nói một cách rõ ràng, quân đội Nhật Bản kể từ giờ có thể tham gia ứng cứu trong trường hợp một trong những đồng minh thân cận bị tấn công, với điều kiện nếu đó là « một mối nguy hiểm thiết thực và thật sự đe dọa an ninh » và tự do của người dân Nhật Bản.

Trong bối cảnh các hiểm họa trên Biển Đông đang gia tăng cùng với sự khẳng định về quân sự của Trung Quốc, những động thái mới của quân đội Nhật Bản cũng là điều dễ hiểu.

Theo chuyên gia Valérie Niquet, thuộc Quỹ Nghiên cứu chiến lược (FRS), « Trong giả thuyết, đương nhiên là rất có thể xảy ra, khi một chiến hạm Mỹ được một tàu chiến Nhật hộ tống bị Trung Quốc tấn công, về mặt lý thuyết Nhật Bản sẽ không có quyền đáp trả ».

Tokyo chỉ có thể đáp trả bằng hệ thống chống tên lửa trong trường hợp Bình Nhưỡng bắn một tên lửa đạn đạo về phía Hoa Kỳ. Với tuyên bố trên, kể từ giờ Nhật Bản sẽ dễ dàng tham gia các chiến dịch quân sự trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc, cũng như trong những khu vực có mức độ tranh chấp thấp.

Tuy nhiên, Le Figaro cho rằng quyết tâm sửa đổi Hiến Pháp chủ hòa 1947 của ông Shinzo Abe cũng sẽ gặp nhiều trở ngại. Phản đối dự án này không chỉ đến từ ngay chính trong đảng của ông và đảng liên minh theo Phật giáo Komeito, mà còn từ phía lòng dân.

Một kết quả thăm dò trên nhật báo Nikkei cho thấy phân nửa người dân Nhật tỏ ra thù nghịch với dự án của chính phủ. Hôm thứ ba vừa qua, tờ nhật báo Asahi Shimbun, được cho là thuộc cánh tả, còn đưa tít lớn « Một ngày nhục nhã », trong khi hàng ngàn người biểu tình trước phủ Thủ tướng tại Tokyo.

Le Figaro cũng không quên nhấn mạnh, kẻ gào to nhất trong vụ này chính là Trung Quốc, trong khi Hàn Quốc chỉ phản ứng một cách dè chừng.

Trung Quốc : Tập Cận Bình tiếp tục « săn hổ và ruồi »

Trung Quốc lại có thêm một vị quyền cao chức trọng bị rơi rụng trong cuộc « săn hổ và ruồi » của ông Tập Cận Bình. Le Figaro với giọng điệu mô phạm cho rằng « Tập Cận Bình đưa quân đội vào khuôn phép ».

Việc thanh trừng một vị quan chức cao cấp đánh dấu quyết tâm của Bắc Kinh hiện đại hóa quân đội.

Theo Le Figaro, sự hạ bệ thượng tướng Từ Tài Hậu cho thấy Tập Cận Bình đang nắm lại quyền kiểm soát quân đội trong tay. Bởi vì từ trước tới nay, quân đội Trung Quốc giống như một Nhà nước trong một Nhà nước mà không một lãnh đạo tiền nhiệm nào thành công trong việc đưa lại vào khuôn phép.

Ông Từ Tài Hậu, năm rồi vẫn còn giữ chức Phó chủ tịch Quân ủy trung ương, một trong những cơ chế quan trọng nhất của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đã bị khai trừ đảng và sẽ phải trả lời trước tòa án quân sự về các tội danh lạm dụng quyền hành để mua quan bán chức và tham ô.

Le Figaro cho rằng dịch tham nhũng và chuyện buôn bán quan chức trong quân đội Trung Quốc là rất phổ biến. Giới quân nhân bị ô uế bởi nhiều vụ tai tiếng như sở hữu xe hơi hạng sang, kinh doanh ngành địa ốc, căn cứ quân sự biến thành điểm du lịch…

Từ khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình có tham vọng biến đội quân chân đất của Mao Trạch Đông thành một lực lượng có thể tham chiến trên mọi mặt trận : trên biển Thái Bình Dương, trên Internet và ngay cả trên không gian.

Tuy nhiên tờ báo nhận thấy rằng cải cách quân đội không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Các sĩ quan cao cấp từ hai thập niên nay đều tìm cách chống đối lại mọi sự thay đổi. Đặng Tiểu Bình là lãnh đạo cuối cùng có thể xây dựng lại được quân đội. Như vậy, trong vụ việc lần này, Tập Cận Bình vừa chứng tỏ là ông sẵn sàng chặt bỏ những chiếc đầu nào không chơi cùng một ván cờ với mình.

Về điểm này, tờ Le Monde trong bài viết đề tựa « Tại Trung Quốc, quân đội bị sờ gáy trong chiến dịch chống tham nhũng » cũng đồng tình cho rằng, ông Tập Cận Bình đã phá vỡ các tiền lệ : « Không tấn công các vị quan chức cao cấp đã về hưu lẫn quân đội ».

Nhà chính trị học Trương Minh (Zhang Minh) thuộc trường đại học Nhân Dân Bắc Kinh giải thích với Le Monde là ông Tập Cận Bình « đang mở một bước đột phá. Nói một cách khác chiến dịch lần này sẽ không chừa một ai. Nguyên tắc ngầm trước đây là không tấn công vào những người đã về hưu cũng như giới quân nhân. Tất cả giờ đã vỡ tan tành ».

Cũng theo Trương Minh, dù các chiến dịch này chỉ đụng chạm đến những người thuộc tiền triều, nhưng nhà chính trị học này không tin cuộc chiến đó đơn giản mang màu sắc thanh trừng nội bộ. Bởi vì ông Tập Cận Bình có tham vọng hành động trên toàn bộ hệ thống, dù không ai biết được cách làm này có hiệu quả hay không, nhưng chí ít ra những gì ông Tập muốn cho thấy.

Cũng theo báo Le Monde, chiến dịch đuổi hổ lần này cũng được giới theo xu hướng tự do tán đồng. Họ đánh giá cao hiệu quả của chiến dịch chống tham nhũng, được tiến hành dưới danh nghĩa cải cách theo kinh tế thị trường.

Chuyên gia về Trung Quốc Jean-Philippe Beja nhận định đối với một bộ phận giới ủng hộ tự do, « Để tiến hành cải cách nhắm đến việc tự do hóa thị trường, cần phải có một người mạnh mẽ có khả năng đối kháng lại với những nhóm lợi ích và chứng tỏ cho mọi người thấy rằng họ không hề đùa chút nào ».

Pháp : Cựu tổng thống Pháp phản công

Hầu hết các trang báo Pháp hôm nay đều giật tít lớn trên trang nhất về cú phản công của cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.

Trước ống kính truyền hình, ông Sarkozy tỏ thái độ giận dữ sau quyết định của hai vị thẩm phán khởi tố ông với các tội danh « hối mại quyền thế và tham nhũng ». “Sarkozy: phản công” trang nhất nhật báo cánh hữu Le Figaro. « Nicolas Sarkozy : Có ý định hạ nhục tôi » tựa đề của nhật báo kinh tế Les Echos. « Lời xảo biện về âm mưu », tít của tờ thiên tả Libération.

Tờ thiên tả cho là ông Nicolas Sarkozy lại dùng điệp khúc cũ về « công cụ hóa chính trị ngành tư pháp ». Đương nhiên những lời tố cáo đó chỉ thuyết phục được những kẻ trung thành mê muội. Bởi vì, một cách nghiêm túc, ai mà có thể tin rằng thẩm phán và cảnh sát đã liên kết với nhau trong một chiến dịch bí mật, do điện Elysée tổ chức hay ở đâu đó nhằm hạ uy tín ông.

Bài xã luận nhắc rằng cựu tổng thống Pháp hiện đang đối đầu với một nền tư pháp độc lập. Tờ báo kết luận « kiểu lập luận vô bổ này, nếu không nói là nó xác nhận một lần nữa thái độ của cựu tổng thống xem thường đối với ngành tư pháp, đang lộ rõ những điểm yếu của lập luận bào chữa của ông ».

Một luận điểm không được Le Figaro tán đồng. Không có gì là bất ngờ khi tờ nhật báo đối lập còn lấy lại luận điệu của ông Sarkozy đưa ra trên truyền hình hôm qua.

Bài xã luận của Le Figaro bồi thêm là cần gì phải có tấm bằng luật mới có thể thấy là, để chống lại một nhật vật tầm cỡ, một cựu tổng thống, người ta đã dùng đủ mọi phương cách : nghe lén điện thoại trong nhiều tháng liền, từ luật sư cho đến cả chủ tịch đoàn luật sư Paris, các thủ đoạn tư pháp để đi từ vụ việc này đến vụ việc khác chỉ nhằm moi móc được điều gì đó.

Đó là chưa kể đến các vụ câu lưu triền miên và nhục nhã cựu tổng thống, các luật sư của ông và hai vị thẩm phán cao cấp khác, bị đối xử như là những kẻ trộm cắp. Tất cả những điều đó diễn ra dưới cái nhìn sung sướng của đảng cầm quyền nhưng giả vờ ngao ngán, luôn mồm cho rằng có sự tách biệt quyền lực nhằm chứng tỏ sự thực lòng…Rồi chúng ta sẽ biết được chuyện gì trong vụ việc này, Le Figaro kết luận.

Tờ Le Parisien xem cú phản công của cựu tổng thống như là cách để ông quay lại chính trường.

Tờ báo cho rằng « Cựu tổng thống trực tiếp yêu cầu dân Pháp làm chứng để lên án một cách công khai trách nhiệm của các đối thủ chính trị trong các vụ lôi thôi của ông với tư pháp. Tổ chức cú phản công như thế, được xem như là tái khởi động chiến dịch. Nếu như cú phản công mang một ẩn ý nào đó, sự trở lại của Nicolas Sarkozy không phải là không có hiệu quả nào kể từ ngày hôm qua, Le Parisien đánh giá.

Tuy nhiên nhật báo Công giáo La Croix tỏ ra chút nghi ngờ. Bởi vì, các cử tri cánh hữu không thể nào không lo lắng về những vụ việc liên tiếp gần đây đang gieo rắc nghi ngờ về tư cách của ông, những vụ việc đang làm chao đảo đảng UMP và gây phiền toái cho nhiều lãnh đạo khác trong đảng, bị phân tán giữa chính tham vọng chính trị của họ và việc không thể bỏ rơi ông Sarkozy vào giây phút quan trọng này.


Switch mode views: