Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-08-2016

Nhật Bản: Tân bộ trưởng Quốc Phòng chối bỏ quá khứ quân phiệt

Tomomi Inada -quocphong

Tân bộ trưởng Quốc Phòng Tomomi Inada trong một cuộc họp báo, Tokyo, 3/8/2016.
REUTERS/Kim Kyung-Hoon

Chiến sự tại Trung Cận Đông và Bắc Phi là các chủ đề trang nhất Libération và Le Figaro hôm nay, tiếp theo thỏa thuận Nga – Mỹ tại Syria và quyết định can thiệp của Hoa Kỳ chống Daech tại Libya.

 Le Monde đặc biệt quan tâm đến môi trường Trái đất xấu đi trầm trọng.
Cải cách thuế đánh tận gốc gây nhiều tranh cãi của chính phủ Pháp là tựa trang đầu của báo Les Echos.

Nhưng trước hết, về thời sự châu Á, xin giới thiệu bài « Tân lãnh đạo quốc phòng Nhật, diều hâu dân tộc chủ nghĩa và theo thuyết phủ định (négationnisme) ».

Trong số các bộ trưởng mới của chính phủ Shinzo Abe, nhân vật được công luận đặc biệt chú ý là Tomomi Inada, một chính trị gia đang lên như diều.
Theo Libération, lý do chủ yếu nữ dân biểu 57 tuổi được bổ nhiệm vào chức vụ then chốt này là bà có cùng lập trường « siêu bảo thủ » với thủ tướng Abe.

Nhiệm vụ của tân lãnh đạo quân đội Nhật là thực thi các chính sách « mở rộng sự hiện diện quân sự của Nhật trên trường quốc tế ».
Hồi năm ngoái, bà Tomomi Inada đã công khai phủ nhận điều 9 của Hiến pháp, « hòn đá tảng của lập trường hòa bình » của Nhật Bản, theo đó « nhân dân Nhật vĩnh viễn từ bỏ quyền tiến hành chiến ».

Luật sư Tomomi Inada là thành viên của tổ chức cực hữu hùng mạnh Nippon Kaigi, với gần 35.000 thành viên, trong đó có tới 300 nghị sĩ và 1.700 dân biểu địa phương.
Tân bộ trưởng Quốc Phòng Nhật phủ nhận một loạt tội ác của quân đội Nhật trong Thế chiến Hai đã được đại bộ phận chính giới Nhật thừa nhận, như vụ thảm sát Nam Kinh (Trung Quốc) năm 1937, nạn bắt phụ nữ làm nô lệ tình dục.
Tomomi Inada thậm chí còn đi xa hơn thủ tướng Abe khi nhiều lần kêu gọi nước Nhật không xin lỗi về chuyện này.

Người thừa kế Shinzo Abe

Bà Tomomi Inada cũng thường xuyên đến thăm ngôi đền Yasukuni gây nhiều tranh cãi vì đây là nơi có bàn thờ 14 tội phạm chiến tranh Nhật và một bảo tàng ca ngợi các cuộc xâm lăng của Nhật thời đế quốc.

Năm 2005, bộ trưởng Quốc Phòng tương lai từng giúp hai quân nhân trong vụ kiện chống lại giải Nobel văn hóa Kenzaburu Oe. Vì trong một cuốn tiểu thuyết, nhà văn này có kể lại một câu chuyện xảy ra trong thời gian Thế chiến Hai, khi lính Nhật buộc thường dân trên đảo Okinawa phải tự sát trước khi quân Mỹ đến.

Về lý do của việc bổ nhiệm một phụ nữ « thiếu kinh nghiệm » trong lĩnh vực này lãnh đạo bộ Quốc Phòng và thậm chí làm « người thừa kế », Le Monde cho rằng thủ tướng Nhật « muốn duy trì quyền lực » ngay cả khi ông hết nhiệm kỳ vào năm 2018.

Le Monde nhận xét, việc bổ nhiệm những người thân cận và phe cánh trong đảng vào các vị trí then chốt, điều mà ông Abe đã từng làm hồi năm 2006, đã kết thúc với thất bại, đặc biệt do « sự vụng về » của các tân bộ trưởng.

Cũng theo Le Monde, lập trường hết sức cứng rắn và thái độ chối bỏ quá khứ của nữ bộ trưởng Quốc Phòng chắc chắn sẽ khiến cho quan hệ giữa Tokyo với Bắc Kinh và Seoul thêm phức tạp.

Syria : Dân thường kẹt bẫy chiến tranh

Cuộc chiến Syria hơn 5 năm kể từ khi xung đột bùng phạt là chủ đề lớn của Libération. « Nhiều cuộc chiến trong một cuộc chiến » là hàng tựa chính của tờ báo trên nền hình ảnh đường phố Syria chìm trong khói đen.

 « Hơn bao giờ hết, cư dân (Syria) bị kẹt » trong chiếc bẫy chiến tranh.
« Cộng đồng quốc tế không thể ngăn cản » được cuộc xung đột đang ngày càng trở nên phức tạp hơn.

Bài xã luận « Cuộc chơi chết người » nhận định : « điều tồi tệ nhất sẽ là người ta quen » với tình trạng hiện nay tại Syria.
Dân chúng Syria, từ Aleppo đến Manbij, hứng chịu bạo lực từ nhiều phía, từ « các vụ bắn nhầm của liên quân, các cuộc tấn công của quân chính phủ được không quân Nga hỗ trợ, các trận phản công của lực lượng thánh chiến », chưa kể đến nạn đói triền miên.

Sự mệt mỏi của cộng đồng quốc tế có lợi cho nước Nga Putin và chính quyền Assad. Việc Aleppo – thủ phủ của phe nổi dậy – rơi vào tay Damas « không báo hiệu điều tốt lành ».

Libération dự đoán, trong những tháng tới tình hình « sẽ còn khốc liệt hơn », khi Hoa Kỳ bước vào giai đoạn cuộc bầu cử tổng thống.
Nước Nga có thể lợi dụng giai đoạn này để « hoàn toàn giành được thế thượng phong », đặc biệt trong bối cảnh tình hình Thổ Nhĩ Kỳ hết sức bất trắc.

Libération có bài phân tích đáng chú ý : « Matxcơva làm chủ cuộc chơi ngoại giao ».
Bài viết mô tả quá trình Nga « giành ưu thế so với Hoa Kỳ trong các thương lượng hòa bình », kể từ cuộc can thiệp quân sự cuối năm ngoái.

Lộ trình hòa bình thông qua giải pháp chính trị, được 20 quốc gia có can dự nhiều nhất, đỡ đầu hồi cuối năm ngoái, và được Hội Đồng Bảo An thông qua, dự kiến lập ra một chính phủ chuyển tiếp tại Damas vào tháng 8.

Tuy nhiên, trận chiến Aleppo đã đảo lộn toàn bộ lịch trình. « Hỗ trợ quân đội Damas chiếm thêm đất để cho phép chính quyền Assad thương lượng trên thế mạnh tại Genève là chiến lược gặt hái thành công của Nga ».

Libération dẫn lại báo The Times, « bi kịch Aleppo cho thấy mặt yếu của phương Tây », cuộc vây hãm Aleppo có thể so với một « Sarajevo » của thế kỷ XXI, và « một thắng lợi của Nga không chỉ cho phép Assad duy trì quyền lực, mà còn giúp Nga tiếp tục ở lại lâu dài tại Trung Đông ».

Chống Daech : Cuộc chiến chưa có hồi kết

Về cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, Le Figaro cho biết « Daech bỏ chạy tại Libya » trước các cuộc phản công của quân chính phủ, được không quân Hoa Kỳ hậu thuẫn.

Bài xã luận Le Figaro « Cuộc chiến trường kỳ » đưa ra một cái nhìn lạc quan : « sau các thất bại lớn tại Syria và Irak, Daech tiếp tục không còn chỗ dựa tại Syrte, Libya », « quân thánh chiến bị dồn vào chân tường, bị bao vây tại phía nam Địa Trung Hải ».

Tuy nhiên, Le Figaro cũng tỏ ra thận trọng, cho dù đã giành được « nhiều trận thắng », nhưng « cuộc chiến chống lại quái vật nhiều đầu Hồi giáo cực đoan » còn xa mới kết thúc.
 Tình trạng « vô chính phủ » tại Syria, Irak và Libya là mảnh đất màu cho Daech, tổ chức này có thể « rút vào hoạt động bí mật, hoặc thay đổi phương thức hành động ».

Mỹ : Donald Trump "quá đà"

Về thời sự Hoa Kỳ, về những lời xúc phạm mới đây của ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa Donald Trump bị phản đối dữ dội, Le Monde có bài phân tích : « Donald Trump lại thêm một cú khiêu khích quá đà ? ».

Le Monde nhận xét, trước sự việc này ông Trump vốn vẫn liên tục đưa ra những lời lẽ đả kích thậm tệ, kỳ quặc nhắm vào đối thủ, nhưng « uy tín vẫn không thua kém bà Clinton trong các thăm dò dư luận ».

Tuy nhiên, « gió đã đổi chiều » khi « tỉ phú bất động sản » nhắm vào cha mẹ một quân nhân Mỹ theo đạo Hồi – hy sinh trong cuộc chiến Irak năm 2004. Không chỉ các lãnh đạo chính quyền, thái độ của ông Trump cũng bị nhiều người cùng đảng ông lên án.
« Nỗi nhục của đất nước » là từ mà một dân biểu Cộng Hòa dành để nói về Donald Trump.

F-35 : Chương trình vũ khí đắt nhất lịch sử

Cũng về nước Mỹ, báo Les Echos đặc biệt chú ý đến việc quân đội Hoa Kỳ đưa vào sử dụng phi cơ chiến đấu F-35. Với chương trình quân sự 400 tỷ đô la, được coi là « tốn kém nhất trong lịch sử nhân loại », Hoa Kỳ giờ đây đang sở hữu một vũ khí vô cùng hiện đại, máy bay siêu thanh F-35 cất cánh thẳng đứng, với các tính năng vượt « gấp 6 lần » so với các phi cơ chiến đấu hiện có.

Tuy nhiên, Les Echos cũng lưu ý, chưa kể giá mua khoảng 160 triệu đô la/chiếc, riêng kinh phí để sử dụng F-35 cũng là một gánh nặng hết sức lớn cho quân đội.

Dự án F-35 thoạt tiên muốn sản xuất ra một loại máy bay "giá thành thấp", nhưng rút cục khó khăn kỹ thuật chồng chất đã buộc -F35 ra lò chậm mất 8 năm so với dự kiến, với ngân sách tăng gấp đôi.

2015 : Khí hậu Trái đất đột ngột tồi tệ

Khí hậu là chủ đề lớn của báo Le Monde. Theo báo cáo của cơ quan Khí hậu Mỹ vừa được công bố hôm 2/8, 2015 là năm của hàng chục kỷ lục tồi tệ về môi trường.

Năm 2015 được coi là năm nóng nhất kể từ 1861. Le Monde đặc biệt chú ý tới tình trạng các đại dương bị hâm nóng nhanh chóng, Bắc cực tan băng, khiến mực nước biển dâng cao và sự sinh sôi mạnh mẽ của các loài tảo biển. Bên cạnh đó là các hiện tượng thời tiết dị thường, như khô hạn và bão tố, tăng vọt…
Riêng về hạn hán, trong năm 2015, 14% diện tích Trái đất bị ảnh hưởng, so với 8% năm 2014.

Các nhà khí hậu học đặc biệt lo ngại về tình trạng đại dương bị axit hóa.
Câu hỏi đặt ra là, đến mức độ nào, thì tình trạng axit hóa nặng nề khiến các đại dương không còn có thể là nơi thâu giữ khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính, điều vẫn ra diễn ra cho tới nay.

Bên cạnh khí CO2, hai loại khí thải chủ yếu khác là methan và azot cũng đạt mức kỷ lục trong năm vừa qua.
Tình hình Trái đất bị hâm nóng nhanh chóng, nhưng theo Le Monde, từ Thượng đỉnh COP21 cho đến nay, mới chỉ có 22 quốc gia phê chuẩn thỏa thuận chống biến đổi khí hậu, vốn đã được 177 quốc gia ký kết.
Danh sách các nước tiên phong này chủ yếu lại gồm các quốc đảo nhỏ bé.

Thế Vận Hội : Vì sao kỷ lục thể thao ngày càng ít ?

Trước thềm Thế Vận Hội Rio sẽ diễn ra vào ngày mai với hàng trăm môn thi đấu, trong đó đối với không ít môn, phá vỡ kỷ lục thế giới là thành tích được mong đợi nhất.
Tuy nhiên, dường như kỷ lục thể thao ngày càng trở nên vô cùng hiếm hoi, như ghi nhận của Le Figaro.

Bài « Cơ thể con người phải chăng đã đạt giới hạn ? » dẫn lại một nghiên cứu về y học thể thao của Viện Y sinh học Pháp (Irmes).
Theo đó, không những kỷ lục ngày càng hiếm hoi hơn, mà chênh lệch giữa các kỷ lục cũng ngày càng giảm.

Giám đốc Viện Irmes Jean François Toussaint cho rằng, có lẽ trong những năm tới phải tính đến chuyện « sử dụng đồng hồ đo 1/1000 phần giây trong các cuộc thi chạy, nếu thế giới vẫn muốn có thêm các kỷ lục mới ».

Một đồng tác giả công trình nói trên cho rằng, con người hiện nay đã học được cách khai thác tối đa các tiềm năng thể chất, cùng với việc hoàn thiện các điều kiện thi đấu, để các nhà điền kinh phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác.

Nhìn chung, đã đến lúc phải thừa nhận rằng không thể tiếp tục đẩy kỷ lục lên mãi mãi, « con người không thể chạy nhanh bằng con báo, cần phải chấp nhận điều này ».


Switch mode views: