Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-07-2014
- Thứ Ba, 01 tháng Bảy năm 2014 20:05
- Tác Giả: Minh Anh
Miến Điện : Đập thủy điện Trung Quốc đe dọa bang Kachin
Đập thủy điện Myitsone ở bang Kachin, Miến Điện
DR / Irrawaddy
Thời sự Châu Á khá rải rác trên các mặt báo Pháp sáng nay 01/07/2014, tập trung chủ yếu vào các lãnh vực kinh tế, chính trị và môi trường.
Mục điểm báo xin mở đầu với bài phóng sự đề tựa « Miến Điện : Bang Kachin dưới mối họa của đập thủy điện Trung Quốc » trên báo Le Monde.
Tờ báo nhận định dự án công trình khổng lồ này có nguy cơ làm đảo lộn cuộc sống của hàng chục ngàn người, đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái và làm biến mất nhiều điểm thờ tự tôn giáo cũng như văn hóa quan trọng của bang Kachin.
Đối với người dân Miến Điện, Myitson thuộc bang Kachin, phía bắc đất nước, nơi hợp lưu hai dòng chảy Mali và N’mai, là một địa điểm thiêng liêng. Vì từ đây bắt nguồn con sông lớn nhất nước, sông Irrawady, chảy dọc từ bắc chí nam với chiều dài hơn 2000 km, là nguồn huyết mạch quan trọng, và là cái nôi văn hóa của đất nước.
Nhưng đến năm 2005, chính phủ tập đoàn quân sự lúc bấy giờ đã ký kết một hợp đồng xây dựng đập thủy điện trị giá 3,6 tỷ đô –la với Tập đoàn China Southern Power Grid Trung Quốc ngay tại chính nơi hợp lưu hai dòng chảy đó. Và phần lớn lượng điện sản xuất ra là nhằm cung cấp cho tỉnh Vân Nam Trung Quốc bên cạnh chứ không phải cho người dân bang Kachin.
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, công trình thủy điện này có thể để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng cho dân cư và hệ sinh thái. Cuộc sống của hơn 11 ngàn người chung quanh khu vực sẽ bị xáo trộn.
Nhiều đền chùa Phật giáo, các nhà thờ Công giáo cùng nhiều đền thờ văn hóa khác của tộc người Kachin, đại đa số theo đạo Thiên chúa có nguy cơ biến mất. Hệ sinh thái khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là loại cá heo nước ngọt, một loài cá đang trên đà tuyệt chủng. Đó là chưa kể đến việc công trình này nằm trên đới đứt gãy.
Người dân nơi đây cũng cảm thấy tiền bồi thường do tập đoàn Trung Quốc chi trả cũng không công bằng. Chỉ có hai gia đình giàu có, sở hữu nhiều ngôi nhà được nhận hàng chục triệu kyats (khoảng 22.000 euro), trong khi phần đông hộ gia đình bị di dời chỉ nhận được chừng trăm ngàn kyats, tức khoảng 75 euro.
Le Monde nhắc lại là năm 2011, khi lên nắm quyền, Tổng thống Thein Sein gây bất ngờ cho Bắc Kinh khi ra lệnh đình lại dự án chí ít cho đến khi nào nhiệm kỳ của ông kết thúc là năm 2015. Gần sắp đến kỳ bầu cử Quốc hội 2015, nhiều nhà đấu tranh bảo vệ môi trường nghi ngờ việc ngưng dự án chỉ là tạm thời.
Nhiều cuộc tuần hành phản đối hay trưng cầu dân ý tại khu vực dự án đã diễn ra nhằm nhắc nhở rằng mối họa công trình đang được âm thầm nối lại là có thật.
Điều đáng chú ý là hôm 27/06 vừa qua, Tổng thống Thein Sein đã đến Bắc Kinh. Tuy nhiên, cho đến giờ chẳng ai biết được nội dung cuộc họp giữa ông Tập Cận Bình với người đứng đầu nhà nước Miến Điện, quốc gia từ lâu lệ thuộc quá nhiều vào cường quốc láng giềng trên phương diện kinh tế và quân sự.
Đương nhiên, việc cho ngưng dự án đập thủy điện cũng là cách để Naypyidaw tái cân bằng lại chính sách ngoại giao của mình. Nhưng Miến Điện cũng không thể tự cho phép mình rơi vào tình trạng tranh chấp với Bắc Kinh.
Dù là cách nào đi chăng nữa, hoặc phải để cho công trình được tiếp tục, hoặc là phải bồi thường cho phía đối tác, Miến Điện cũng sẽ phải trả giá đắt cho hành động táo tợn của mình, Le Monde kết luận.
Đảo chính quân sự Thái sẽ làm suy sụp nền kinh tế đất nước ?
Cũng tại Đông Nam Á, nhật báo Les Echos có bài phân tích mang tựa đề « Kinh tế, nạn nhân chồng chéo của cú đảo chính quân sự Thái Lan ».
Sở dĩ có sự can thiệp của quân đội là vì tầng lớp chính trị Thái trong giai đoạn 2006-2014 đã không có khả năng đạt được tính chính đáng toàn diện để lãnh đạo đất nước.
So với năm 2006, cú đảo chính lần này có vẻ nghiêm trọng hơn, Les Echos nhận xét. Hiến pháp bị đình hoãn, các cuộc bầu cử bị cấm trong vòng một năm, truyền thông bị kiểm duyệt, quyền tự do cá nhân bị hạn chế và biểu tình cũng bị cấm đoán.
Theo tờ báo, sở dĩ quân đội có thể can thiệp là vì tầng lớp chính trị đã không thể đạt được một tính chính đáng để lãnh đạo đất nước. Trên nguyên tắc, giới quân sự chỉ tạm cầm quyền trong vòng 18 tháng, thời gian để soạn thảo một Hiến pháp mới.
Nhưng theo các nhà quan sát, vì quá muốn lấy lại quyền điều hành đất nước, nên giới quân sự có nguy cơ gây hoảng sợ các nhà đầu tư nước ngoài và trì trệ nền kinh tế, vốn dĩ đang gặp nhiều khó khăn.
Trên thực tế, quân đội với danh nghĩa vì quyền lợi tài chính, đang muốn thâm nhập vào các doanh nghiệp. Họ muốn điều hành các doanh nghiệp Nhà nước và có chân trong Hội đồng quản trị các tập đoàn tư nhân. Tuy nhiên, Les Echos cho rằng hành động xâm nhập này của quân đội có nguy cơ làm suy sụp nền kinh tế đất nước.
Bởi vì trước đó, Thái Lan vừa cho thực hiện một chính sách mới hòng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Vương quốc Thái muốn trở thành một công xưởng lắp ráp ô-tô hàng đầu Châu Á. Nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đã đến gầy dựng cơ sở tại đây dọc theo vịnh Thái Lan, đông nam Bangkok.
Les Echos cho rằng các rủi ro suy sụp kinh tế đang lộ rõ. Nhiều tín hiệu báo động được phát đi. Nhất là với việc trục xuất các lao động nước ngoài trái phép như vụ hàng trăm lao động Cam Bốt gần đây (trong đó chỉ có hơn 1/3 là bất hợp pháp), giới cầm quyền hiện nay đang làm lung lay một số ngành trọng điểm.
Tai tiếng trong vụ nô lệ Miến Điện trong ngành nuôi trồng và đánh bắt thủy sản làm xấu đi phần nào hình ảnh đất nước. Đối tác thương mại Châu Âu cũng giảm bớt các hoạt động hợp tác và đình chỉ hoàn toàn các chuyến viếng thăm chính thức cũng như các thỏa thuận thương mại.
Nhận thức được các thiệt hại chồng chất do mình gây ra, tập đoàn quân sự đã nhanh chóng dỡ bỏ các lệnh giới nghiêm nhằm duy trì một số hoạt động như nông nghiệp và du lịch. Có điều, Les Echos cho rằng như vậy vẫn còn quá ít để tránh việc làm đổ vỡ mức tăng trưởng.
Tập Cận Bình chống tham nhũng hay thanh trừng nội bộ ?
Chuyển sang Trung Quốc, Les Echos chú ý đến chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình. Nhiều nhân vật chủ chốt trong đảng lần lượt rơi rụng.
Tờ báo lưu ý là các nhân vật bị hạ bệ này đều thuộc phe cánh Chu Vĩnh Khang, cựu lãnh đạo ngành an ninh Trung Quốc.
Kể từ sau vụ hạ bệ ông Bạc Hy Lai, lãnh đạo tỉnh Trùng Khánh năm 2013, không một nhân vật cao cấp nào có thể được xem như là đã tìm được chốn dung thân. Hôm qua, ông Tập Cận Bình lại cho hạ bệ một nhân vật cao cấp khác, là ông Từ Tài Hậu (Xu Caihou), nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, một trong những vị trí mà Les Echos đánh giá là chiến lược nhất và quyền lực nhất của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, do nắm trong tay Quân đội giải phóng Nhân dân.
Ông này bị kết tội lạm dụng quyền lực để đề bạt người thân cận và nhận hối lộ. Cùng số phận với vị tướng này còn có nhiều nhân vật quyền lực khác cũng bị cách chức như ông Tưởng Khiết Mẫn (Jiang Jiemin),cựu lãnh đạo Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước.
Lý Đông Sinh (Li Dongsheng), cựu Thứ trưởng Y tế công và Vương Vĩnh Xuân (Wang Yongchun), cựu Chủ tịch tập đoàn tập đoàn Dầu khí quốc gia CNPC.
Tờ báo nhận thấy nếu là « thứ trưởng » hay « Phó Chủ tịch », tất cả đều nằm trong tầm ngắm của chiến dịch chống tham nhũng này.
Một điểm đáng chú ý khác là tất cả các nhân vật bị hạ bệ đó, kể cả ông Bạc Hy Lai, đều thuộc vây cánh của ông Chu Vĩnh Khang, từng « độc quyền » lãnh đạo Ủy ban công vụ và tư pháp của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Chu chỉ rời chức vụ sau kỳ đại hội Đảng mùa thu năm 2012. Về mặt chính thức, ông Chu đang bị điều tra. Nếu đúng như những gì báo chí trong nước đưa tin đây có lẽ là lần đầu tiên kể từ sau Cách mạng Văn hóa, một vị quyền cao chức trọng của Nhà nước là đối tượng tra xét.
Les Echos cho hay ông Chu Vĩnh Khang sẽ không phải đơn độc trong chiến dịch này. Vào cuối tuần rồi, Vạn Khánh Lương (Wan Qingliang), Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông cũng bị cách chức. Tờ báo tự hỏi quyết tâm theo đuổi chiến dịch bàn tay sạch của ông Tập Cận Bình sẽ còn đi đến tận đâu.
EIIL gieo rắc kinh hoàng tại Trung Đông
Phe khủng bố Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Trung Đông tuyên bố khôi phục Vương quốc Hồi giáo bao trùm một vùng chồng lấn rộng lớn, đông bắc Syria và bắc Irak, là chủ đề thời sự nóng trên nhiều nhật báo Pháp.
Le Figaro chạy tựa « Phe Djihad thiết lập vương triều Hồi giáo nằm chồng lấn giữa Irak và Syria ».
Tờ báo dành hẳn một trang báo lớn để nhận định và phân tích tình hình tại đây. Theo tờ báo thì quân nổi dậy Hồi giáo cực đoan sau khi đã chiếm được nhiều vùng theo hệ phái Sunni đang muốn mở rộng hơn nữa tầm ảnh hưởng của mình.
Sự lớn mạnh của phe Hồi giáo cực đoan này đang đe dọa sự ổn định của nhiều quốc gia khác trong khu vực. Bài giải mã của tác giả Adrien Jaulmes còn cho rằng đây chính là « sự quay lại thời ‘vàng son’ mơ ước của những kẻ theo trào lưu Hồi giáo chính thống ».
Sau 90 năm hủy bỏ, giờ đây một vương quốc Hồi giáo chính thức hình thành bởi các phần tử Hồi giáo cực đoan Djihad. Đó cũng chính là ước mơ của Ben Laden. 13 năm sau vụ khủng bố tòa tháp đôi tại Mỹ hôm 11/09/2001.
Một quan điểm cũng được tờ nhật báo Công giáo La Croix đồng chia sẻ. Bài viết của Anne-Benedicte Hoffner còn tập trung giải thích « Thế nào là vương quốc Hồi giáo ? Vương quốc Hồi giáo bị hủy bỏ lúc nào ? và Tại sao EIIL lại khôi phục vương quốc này ? »
Libération dành đến 4 trang báo cho sự kiện này. Tờ báo mở đầu bằng bài phóng sự « lạnh người » thuật lại câu chuyện của Moushtaq, một tù nhân Irak, thuộc hệ phái Shia bị phe Djiahad hành quyết. Trước khi bị hành hình, anh ta còn kịp kể lại qua điện thoại cho anh em của mình nghe quân nổi dậy tiến lên như thế nào.
Bài xã luận « Khiếp hãi » của Liberation cho rằng « Câu chuyện bi thảm của Moushtaq xác nhận chiến thuật kinh hoàng do phe Djihd thực hiện từ nhiều tuần nay cũng như lối tuyên truyền gieo rắc khiếp sợ. Bởi vì không chỉ quốc gia Hồi giáo đó không phản đối hành động gây án của quân mình mà còn phô trương hành động đó trên các diễn đàn của phe Djihad, bằng cách trưng bày các đoạn video bẩn thỉu về các tù nhân dân sự sắp bị hành hình ».
Brazil 2014: người giàu Brazil thích xem bóng đá nhưng không biết cổ vũ
Nếu như chiến thắng của đội Pháp hôm qua trước đội Nigeria tràn ngập trên các mặt báo Pháp sáng nay, thì tờ Libération trong mục Góc nhìn từ São Paulo, có bài viết khá hay về các cổ động viên đội bóng Brazil. Theo tờ báo, « Tại các sân vận động, người giàu Brazil thiếu sự nhiệt tình dân tộc ».
Cúp bóng đá thế giới 2014 cho phép các cổ động viên khám phá đất nước và con người mà ở đó bóng đá là môn thể thao vua, nhưng đồng thời lại lộ rõ cho thấy sự phân hóa xã hội sâu sắc. Một bên là của « Black Blocs », những người biểu tình phản đối Cúp bóng đá Thế giới, và bên kia là « Yellow Blocs », những người có điều kiện tận hưởng các trận thi đấu.
Đến ngồi trên các khán đài cổ động cho đội nhà chỉ là những thành phần da trắng, thuộc khối « Yellow Blocs ». Nhìn lên khán đài chỉ toàn một màu da trắng, đến mức người ta có cảm tưởng là chỉ có người da trắng ở Brazil. Trong khi mà đến hơn phân nửa dân số lại là người da màu. Bởi vì chỉ có những người da trắng mới có đủ điều kiện để trả một chiếc vé đôi khi còn mắc hơn cả mức lương tối thiểu (tức khoảng 242 euro).
Tuy người da trắng có thể tận hưởng những giây phút tuyệt vời trên khán đài của Cúp bóng đá Thế giới, nhưng họ không phải là một công chúng tuyệt vời cho đội nhà, đến mức người ta phải gọi là « khủng hoảng trên khán đài ».
Trong trận cầu với Mehicô, cổ động viên của đối thủ (Mêhicô) nhiệt thành đến mức người ta cứ tưởng Mêhicô đang thi đấu trên sân nhà.
Brazil 2014 lộ rõ nghịch lý tại đây. Cầm quyền 11 năm nay, chính quyền cánh tả tổ chức đã tổ chức một cúp bóng đá thế giới cho người giàu, Libération nhận định. Trong khi mà theo yêu cầu của cựu tổng thống Lula, FIFA đã chấp thuận nhường 300 ngàn xuất (chiếm 10% tổng số vé) với giá bình dân, tức (từ 10 đến 55 euro). Thậm chí FIFA còn cho 50000 xuất vé từ thiện Chương trình hỗ trợ những người nghèo khó Bolsa Familia.
Thay vì phải hâm nóng đội nhà, những cổ động viên giàu có đó chỉ biết luôn mồm nói rằng « Tôi là người Brazil, với cả niềm tự hào và cả trái tim » hay chỉ biết hát quốc ca. Vào những giây phút khó khăn, cần sự cổ vũ, họ chỉ hiết lặng thinh, biến đổi sắc mặt chỉ vì sợ thua. Tệ hại đến mức các nhà tài trợ phải tuyển một hoạt náo viên để hâm nóng cổ động viên trước mỗi trận đấu nhưng vẫn không thành công.
Tin mới
- Liệu pháp tâm lý khẩn cấp cho đội Brazil - 03/07/2014 20:30
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-07-2014 - 03/07/2014 20:13
- Mỹ điều chiến đấu cơ tàng hình đến Đông Nam Á thị uy - 03/07/2014 19:49
- Chủ tịch Trung Quốc khẳng định quyền kiểm soát lên quân đội - 03/07/2014 19:37
- Bạo động đẫm máu lại nổ ra giữa người Hồi giáo và Phật giáo tại Miến Điện - 03/07/2014 16:10
- Ma túy tiếp tục tuồn từ Lào về Việt Nam - 02/07/2014 21:46
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-07-2014 - 02/07/2014 21:12
- Hồng Kông câu lưu hơn 500 người biểu tình - 02/07/2014 20:48
- Ngoại trưởng Philippines kín đáo thăm Việt Nam - 02/07/2014 19:38
- Pháp Đức tái ngộ ở tứ kết : Trận tranh hùng cổ điển - 01/07/2014 23:40
Các tin khác
- Cựu Tổng thống Pháp Sarkozy bị câu lưu - 01/07/2014 19:08
- Mỹ nhiều hy vọng vào tứ kết lần thứ nhì ở Word Cup - 01/07/2014 05:24
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-06-2014 - 01/07/2014 01:18
- Mỹ - Philippines tập trận tái chiếm đảo bị xâm lấn - 30/06/2014 18:46
- Đức Giáo Hoàng : Karl Marx đánh cắp của Thiên Chúa - 30/06/2014 18:16
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-06-2014 - 30/06/2014 12:17
- “Bom người” – vũ khí khủng bố mới khiến cả thế giới lo sợ - 30/06/2014 11:40
- Một Việt kiều Úc bị kết án tử hình vì ma túy - 29/06/2014 06:52
- Ấn Độ cũng phản đối bản đồ mới của Trung Quốc - 29/06/2014 06:45
- World Cup 2014 : Tuyển Pháp hoàn thành nhiệm vụ tuy bị Ecuador cầm hoà - 27/06/2014 23:02