Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

U mạch bạch huyết


Thính giả Tùng Nguyễn, email đến câu hỏi như sau:

“Cháu năm nay 13 tuổi. Cháu bị u bạch mạch bẩm sinh ở gần miệng. Cháu đi khám thì bác sĩ khuyên nên để hết tuổi lớn mới phẫu thuật. Hiện nay cháu có dùng thuốc nam để hạn chế khối u phát triển. Cháu muốn hỏi mình nên kiêng dùng những loại thực phẩm nào.

Cám ơn bác sĩ!”

Chúng tôi đã chuyển email này cho bác sĩ Hồ Văn Hiền, và sau đây là phần giải đáp của bác sĩ Hiền:

U mạch bạch huyết bẩm sinh

U mạch bạch huyết bẩm sinh tiếng Anh là congenital lymphangioma.

Lymph: bạch huyết, nghĩa là dịch lưu thông trong cơ thể,"trắng" hoặc đúng hơn là "trong" không đỏ như máu vì khác máu ở chỗ lymph không có hồng cầu (red blood cells).

Angio: mạch máu. Các mạch dẫn truyền bạch huyết (lymphatic vessels) tạo nên một hệ thống thoát lưu mở (open drainage system); không phải đóng như mạch máu [blood vessels, mạch dẫn truyền bạch huyết đem lượng huyết thanh (plasma) còn tồn tại ở các mô về tim.]

u mach bach huyetcongenital lymphangioma (Ảnh trên Net)

Trong lúc phát triển bào thai, một cụm tế bào tạo nên hệ bạch huyết bị cô lập trong một vùng nào đó của cơ thể, và sau đó phát triển độc lập, không thông thương với hệ bạch huyết chung của cơ thể. Cho nên bạch huyết ứ đọng lại nơi đó và thành khối u.

Người ta phân loại tùy theo hình dạng, địa điểm của u bướu.

●    Loại nông trong da, gồm các mạch nhỏ (capillary, mao quản)(lymphangioma circumscriptum), nhìn thấy ngoài da như những bong bóng nước trắng đỏ hay tím.
●    Loại hang có những vùng ứ đọng bạch huyết lớn hơn (cavernous lymphangioma),xuất hiện từ lúc dưới 1 tuổi, ở đầu và cỗ, nằm sâu dưới da, bên ngoài thì da bình thường,to chừng 1cm trở lên, có khi rất lớn, làm sưng hết cánh tay hoặc cẳng chân.
●    Loại nang gồm những túi bạch huyết lớn (cystic hygroma hoặc lymphangioma).

Người ta chữa lymphangioma nếu u ảnh hưởng đến cơ năng nào đó của cơ thể (ví dụ, u đè lên tròng mắt làm trở ngại thị giác), hay vì lý do thẩm mỹ, ngoại hình.

U bạch huyết không biến thành ung thư và nói chung trị liệu bằng phẫu thuật, chích chất làm xơ (sclerosing agents) hay laser cần khả năng chuyên môn cao ở bác sĩ phẫu thuật, kết quả có thể không hoàn toàn vừa ý. Nên hỏi bác sĩ kết quả mong đợi như thế nào, có đúng như mình nghĩ hay không.

Về vấn đề ăn uống, tôi không tìm thấy liên hệ nào giữa các thức ăn và u bạch huyết trên mặt.

Chỉ có bác sĩ chữa bệnh cho bệnh nhân biết đích xác về trường hợp bệnh nhân và trả lời thoả đáng cho cháu mà thôi.

Chúc bệnh nhân may mắn.

Switch mode views: