Nhiễm độc thủy ngân
- Thứ Bảy, 14 tháng Chín năm 2013 12:26
- Tác Giả: Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Thính giả Lương Quốc Hùng, Xã Bình Lợi, Huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, Việt Nam Email đến câu hỏi như sau:
“Kính thưa bác sĩ Hồ Văn Hiền!
Hôm 07/08/2013 vừa rồi, con em làm vỡ nhiệt kế thủy ngân trong phòng. Do em không biết độc tính của nó, nên em chỉ bế cháu rời khỏi phòng và đã dùng máy hút bụi hút đi, rồi dùng khăn ước lau sạch, sau đó bế cháu vô lại trong phòng, lúc đó cháu bị ho liên tục. Em tra trên mạng mới biết thủy ngân là cực độc và cách làm của em là sai nguyên tắc. Em vội cho bé sang nhà bác ngủ, em tiến hành lau nền một lần nữa, mở hết cửa phòng và cho máy quạt, quạt thông gió hoạt động liên tục. Sáng hôm sau em mang bé đi khám tại bệnh viện Nhi thì bác sĩ bảo không sao, còn nếu bị nhiễm độc thì ói liên tục, vật vã và chỉ cho thuốc uống trị viêm hô hấp. Hiện giờ (12/08/2013) bé bớt ho, nhưng em thì lại bị đau họng, choáng váng (mức nhẹ). Em kính xin Bác Sĩ tư vấn cho em:
• Triệu chứng nhiễm độc thủy ngân,
• Cách điều trị
Con em 26 tháng rồi mà chỉ có 9 kg nếu bị nhiễm thủy ngân nữa em biết làm sau đây. Xin bác sĩ giúp bé.
Em trân trọng cám ơn bác sĩ.”
Chúng tôi đã chuyển thư email này cho Bác sĩ Hồ Văn Hiền, và sau đây là phần giải đáp của Bác sĩ Hiền:
Nhiễm độc thủy ngân
Ngộ độc thuỷ ngân thường gặp nhất là dưới dạng metyl ( methylmercury) do thực phẩm, thường là cá biển như cá mập, cá biển lớn ăn nhiều cá bé hơn chứa chất thuỷ ngân do kỹ nghệ thải ra làm ô nhiễm môi sinh biển. Cơ quan Quản Trị Thực phẩm và Dược Phẩm Mỹ (FDA) có đưa ra một số khuyến cáo về giới hạn tiêu dùng một số cá biển đối với những đàn bà có bầu, cho con bú, trong tuổi sinh sản, hoặc trẻ em (12-10-2003). Lý do là trong một số cá biển có chứa chất methyl thủy ngân (methylmercury/ MeHg) có thể gây độc cho người lớn, trẻ em hoặc thai nhi.
Phụ nữ đang có bầu, có thể sắp có bầu, phụ nữ cho con bú phải theo ba quy tắc sau:
1. Không được ăn cá mập (shark), swordfish (cá đao), king mackerel (cá ngừ loại lớn?), hay tile fish vì các cá này chứa lượng thủy ngân cao.
2. Lượng thủy ngân trong các loại cá khác có thể thay đổi. Bạn có thể ăn một cách an toàn 12 ounces (2-3 bữa ăn) các loại cá hoặc shellfish (tôm cua sò hến) khác mua (nghĩa là không phải tự bắt lấy) trong thời gian một tuần lễ. Phải thay đổi các loại cá và shellfish và không ăn một loại cá hoặc shellfish quá một lần trong tuần.
3. Về những loại cá gia đình và bạn bè câu, bắt được tại sông ngòi địa phương mình, nên kiểm điểm những khuyến cáo của địa phương mình. Nếu không có khuyến cáo nào cả, bạn có thể ăn tới 6 ounces (180 gram)( một bữa ăn thôi, cho một tuần, nếu là cá bắt tại địa phương, nhưng trong tuần đó đừng ăn cá gì khác)
Theo những quy tắc như trên nếu cho trẻ nhỏ ăn cá và shellfish, nhưng phải dọn cho chúng ăn những phần nhỏ hơn (smaller serving sizes).(1)
Trường hợp ngộ độc do tiếp xúc trực tiếp với kim loại thuỷ ngân (metallic, elemental mercury) ít khi gặp hơn. Ở nhiệt độ bình thường, thuỷ ngân là một kim loại ở thể lỏng, lóng lánh, sáng, dễ bốc hơi, phát ra một loại khí gọi là “hơi thuỷ ngân” (mercury vapor).
Ngộ độc do hít thở hơi thuỷ ngân có thể gây độc cho hệ thần kinh trung ương, các dây thần kinh, hệ tiêu hoá, phổi, thận, hệ miễn nhiễm, và có thể gây chết người, nhất là trẻ em.
Thuỷ ngân từ các dụng cụ y khoa như máy đo áp huyết, ống thuỷ đo nhiệt độ là một nguồn ô nhiểm nước thải, xuất phát từ các bệnh viện. Ở đây chúng ta sẽ bàn về trường hợp cụ thể lúc chúng ta gặp hơi thuỷ ngân từ những lượng thuỷ ngân nhỏ từ các dụng cụ nhỏ trong nhà. Một ống thuỷ thường chứa không tới 4 gram và đèn ống (fluorescent, tiết kiệm điện hơn các đèn có tim cháy) chứa chừng 4mg thuỷ ngân.
Câu hỏi thường gặp nhất là lúc ống thuỷ đo nhiệt độ bị vỡ (bể) thì phải làm gì. Cơ quan bảo vệ môi sinh của Mỹ (EPA) có khuyến cáo về vấn đề này. Tuy nhiên, vì thính giả ở Việt nam, tôi xin đưa ra một số khuyến cáo đơn giản hơn, căn cứ trên tài liệu của Dịch vụ Sức khoẻ Quốc gia (NHS) của Anh. (2 )
Lượng thuỷ ngân nhỏ này rất khó mà gây những tác dụng đáng kể trên sức khoẻ, mặc dù có một lượng hơi bay ra, và các hạt thuỷ ngân nhỏ như những hạt sương có thể phân tán rộng ra mà chúng ta không tìm thấy.
1) Mở cửa sổ, cho thoáng ít nhất 15 phút.
2) Mọi người ra ngoài, nhất là trẻ em, thú cưng (pets)
3) Mang găng tay, mặc quần áo cũ (dùng xong bỏ đi) để dọn dẹp ống thủy vỡ.
4) Cẩn thận lúc lượm mảnh thuỷ tinh, cho vào bao plastic. Hốt thuỷ ngân bằng một miếng giấy cứng, hoặc dùng ống hút (compte-goutte, dropper) hoặc chai nhựa plastic có vòi hút giọt thuỷ ngân vào chai.
5) Dùng miếng giẻ/khăn vải ẩm lau chùi chỗ tiếp xúc với thuỷ ngân.
6) Bỏ găng tay, giấy, dụng cụ dùng hốt thuỷ ngân bỏ vào bao plastic chung với thuỷ ngân.
7) Không bỏ vào thùng rác, đem đến những nơi nhận đồ phế thải nguy hiểm
(hazardous waste disposal centers) nếu có thể được. Những tấm thảm, vải bọc ghế có thể rút, hấp thụ thuỷ ngân vào các sợi của nó. Trường hợp này cần liên lạc với cơ quan y tế công cộng địa phương, nếu có thể, để người ta hướng dẫn cách tẩy hoặc thanh toán các đồ vật ô nhiễm thuỷ ngân. Phần này có thể không thực tế đối với đa số trường hợp, nhất là ở Việt nam.
Những việc cần tránh:
1. -không dùng tay sờ vào thuỷ ngân
2. -không dùng máy hút bụi hút, làm thuỷ ngân và hơi phân tán ra
3. -không bỏ vào thùng rác, vì thuỷ ngân là chất phế thải nguy hiểm (hazardous waste)(có thể không thực hiện được ở Việt Nam)
4. -không bỏ vào ống cống, ống nước thành phố.
5. -không dùng bàn chải hốt, quét thuỷ ngân
6. -áo quần mặc lúc dọn dẹp thuỷ ngân phải bỏ vào bao plastic khằn kín, bỏ đi, không cho vào máy giặt.
Nếu chẳng may nuốt một số lượng nhỏ, hay tiếp xúc với da, có lẽ không có hậu quả đáng kể, vì lượng hấp thụ qua đường ruột, qua da rất nhỏ.
Nếu hít phải hơi thuỷ ngân lượng nhỏ thôi, thì không có hậu quả gì nhiều. Nếu nhiều hơn, hơi thuỷ ngân vào phổi, đi vào máu và có thể gây những triệu chứng sau:
● -ho
● -hụt hơi, khó thở
● -tức ngực, thấy nóng rát trong ngực (burning)
● -ho ra máu
● -bức rứt, run rẩy (tremor), khó chịu
● -nếu hơi thuỷ ngân vào mắt: nhức mắt, đỏ mắt, mí mắt sưng.
Cần rửa da hoặc mắt trong 15 phút nết có tiếp xúc (tiếp cận) với thuỷ ngân.
Trường hợp có triệu chứng trên, cần liên lạc với cơ quan y tế như Poison Center ở Mỹ, hoặc bác sĩ, phòng cấp cứu.
Về trường hợp thính giả hỏi, ngoài chuyện triệu chứng có thể do hít hơi thuỷ ngân, khả năng hai cha con cùng bị cảm do virus nên ho, đau cổ họng (không biết bởi vậy mới đo nhiệt độ và làm bể ống thuỷ?) cũng có thể là nguyên nhân có thể giải thích các triệu chứng trên cả hai người. Như đã nói ở trên và cũng như bs của em đã cho ý kiến, cơ nguy hậu quả đáng kể do ngộ độc thuỷ ngân ở đây rất nhỏ. Nếu cần, theo dõi với bác sĩ của mình.
Ở đây, tôi chỉ trình bày với tính các hoàn toàn thông tin.
Nói chung là chúng ta phải ý thức là thuỷ ngân không phải là đồ chơi và là một chất độc, nhất là cho trẻ em vì chúng nhỏ con và đang phát triển hệ thần kinh, tạo máu... của chúng; cũng như các con thú cưng (pets) vì chúng thân thể chúng nhỏ, nhạy với chất độc. Chúng ta phải cẩn thận và dùng những biện pháp an toàn thích hợp với hoàn cảnh sống của mỗi người.
Cảm ơn vị thính giả đặt câu hỏi có thể giúp ích cho nhiều người.
Chúc quý vị thính giả may mắn.
(1) a) Chúng ta biết cá mập là shark, nhưng Từ điển Việt Anh (TDVA) của Viện khoa học Xã Hội VN còn dịch là cá nhám. King mackerel, tuna thì tiếng Việt không dịch thống nhất. TDVA dịch cá thu là mackerel, cá ngừ thì dịch là tunny hay horse mackerel. Essential English Vietnamese Dictionary của Nguyễn Đình Hoà thì dịch tuna là cá thu, cá ngừ, mà mackerel cũng dịch là cá thu. Swordfish được Nguyễn đình Hòa dịch là cá mũi kiếm, cá đao. Do đó rất là lộn xộn nếu chúng ta dịch tên cá tuna và mackerel ra Việt ngữ, vì tên cá thu và cá ngừ lẫn lộn tùy người dịch. Các bà nội trợ quen đi chợ cá thì nghĩ rằng tuna là cá thu (tiếng Pháp là thon; nhưng hồi xưa chúng ta cho trẻ uống dầu cá thu, tiếng Pháp là huile de foie de morue) và cá ngừ là mackerel.
b) FDA and EPA Revised Consumer Advisory on Methylmercury in Fish (March 2004)
1. Do not eat Shark, Swordfish, King Mackerel, or Tilefish because they contain high levels of mercury.
2. Eat up to 12 ounces (two average meals) a week of a variety of fish and shellfish that are lower in mercury.
● Five of the most commonly eaten fish that are low in mercury are shrimp, canned light tuna, salmon,pollock, and catfish.
● Another commonly eaten fish, albacore ("white") tuna has more mercury than canned light tuna. So, when choosing your two meals of fish and shellfish, you may eat up to six ounces (one average meal) of albacore tuna per week.
3. Check local advisories about the safety of fish caught by family and friends in your local lakes, rivers and coastal areas. If no advice is available, eat up to six ounces (one average meal) per week of fish you catch from local waters, but don't consume any other fish during that week.
(2) (http://www.nhs.uk/chq/Pages/854.aspx?CategoryID=87)
Related news items:
Tin mới
- Bệnh Đau Mắt Đỏ - 08/10/2013 23:18
- Bệnh cơ loạn dưỡng Duchenne - 07/10/2013 14:59
- Ai được hưởng 'Obamacare?' - 06/10/2013 07:49
- Ngày đầu tiên ghi danh 'Obamacare' - 03/10/2013 18:00
- Các loại thuốc dùng chung có thể chữa viêm gan siêu vi C - 27/09/2013 00:55
- Tê rút tay sau phẫu thuật rỗng tủy cổ - 22/09/2013 17:00
- Bảo Vệ Trái Tim Quý Bà - 20/09/2013 23:56
- Những điều cần biết về dị ứng - 19/09/2013 01:02
- U mạch bạch huyết - 17/09/2013 00:06
- Ombudsman lên tiếng thay cao niên viện dưỡng lão Quận Cam - 13/09/2013 12:53
Các tin khác
- Bệnh Hắc Võng Mạc - 07/09/2013 11:08
- Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất - 01/09/2013 04:48
- Có nên uống thuốc bổ sung vitamin và khoáng chất? - 29/08/2013 14:33
- Những cảnh đời trong một bệnh viện ở Sài Gòn - 29/08/2013 14:01
- Nhiễm lao tiềm ẩn (LTBI) - 26/08/2013 14:06
- Tay yếu do dùng máy tính quá nhiều - 19/08/2013 14:31
- Lợi và hại của xét nghiệm tiền ung thư tuyến tiền liệt - 15/08/2013 22:45
- Những triệu chứng cần lưu ý cho người cao tuổi - 11/08/2013 22:36
- Bệnh trĩ - 11/08/2013 22:21
- Cách chữa mụn (mụt) cóc - 10/08/2013 22:40