Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-03-2013

Những thách thức đang chờ đức Giáo hoàng mới

Tangiaohoang Francis



Tân Giáo hoàng Phanxicô rời Thánh đường Santa Maria Maggiore ở Roma. Ảnh chụp ngày 14/03/2013.
REUTERS/Alessandro Bianchi


Mật nghị hồng y tại Vatican đã có kết quả với việc bầu một hồng y người Achentina làm người kế nhiệm đức giáo hoàng Benedicto XVI.

Báo chí Pháp ngày 14/03/2013 dành ưu tiên đặc biệt cho sự kiện này với nhận định chung : Đức Giáo hoàng mới là niềm kỳ vọng cải cách Giáo Hội cùng với những nhiều hồ sơ hóc búa mà những người tiền nhiệm chưa xử lý xong.

Nhật báo Công Giáo La Croix đăng một bức ảnh lớn của đức giáo hoàng vừa được bầu - giáo hoàng Phanxicô - với dòng tựa « Đức Giáo hoàng đến từ phía nam ».

Nhật báo cánh tả Pháp Libération cũng dành trang nhất đăng ảnh vị tân Giáo hoàng cùng với các hồng y tham gia mật nghị đứng trên ban công đại thánh đường Thánh Phêrô để chào các giáo dân.

Nhật báo cánh hữu Pháp Le Figaro cũng dành trang nhất đăng ảnh người vừa đắc cử Giáo hoàng với hàng tít lớn : «Phanxicô, đức giáo hoàng của tình bác ái ».

Cả ba tờ báo đều ghi nhận rằng giáo hội Công Giáo La Mã vừa trải qua hai sự kiện đặc biệt : Đức Giáo hoàng Benedicto XVI từ nhiệm là một sự kiện đặc biệt xưa nay hiếm, và giờ đây các hồng y tham gia mật nghị đã bầu một người thuộc dòng Tên đầu tiên và là người Mỹ Latinh đầu tiên vào vị trí Giáo hoàng.

Cả ba tờ báo đều ghi nhận về xuất thân bình dân của đức giáo hoàng Phanxicô.

Qua đó, các tờ báo lược lại cuộc sống giản dị và gần gụi tầng lớp bình dân của tân Giáo hoàng. Từ đó, các tờ báo nhận định, Giáo hoàng Phanxicô là « Đức Giáo hoàng của người nghèo », luôn biết lắng nghe tiếng nói của những người bất hạnh nhất trong xã hội.

Le Figaro bày tỏ lạc quan khi đăng bài xã luận trên trang nhất với dòng tựa : «Gương mặt của niềm hy vọng », Libération cũng có bài xã luận mang tên « Quyền lực », và La Croix thì đăng bài xã luận : « Bắt đầu một chặng đường ».

Cả ba bài xã luận đều cho rằng Giáo hoàng Phanxicô là một nhân vật mang tính « chuyển tiếp », là nhân vật có thể đứng giữa hai cánh bảo thủ và canh tân trong Giáo hội Công Giáo.

Nhiều thách thức đang chờ đón Giáo hoàng Phanxicô

Chính vì ông là niềm kỳ vọng, nên trên vai ông sẽ là một gánh nặng của những yêu cầu cải tổ.

Về chủ đề này, La Croix đăng bài : «10 hồ sơ nóng của vị tân giáo hoàng », Libération thì có bài : « 5 việc chờ đón Giáo hoàng Phanxicô ».

Cả hai tờ báo đều tập trung vào một số hồ sơ được cho là những thách thức lớn nhất của Tân Giáo hoàng Phanxicô.

Thứ nhất là hồ sơ cải cách Giáo Hội Công giáo. Hai tờ báo nêu rõ, trải qua nhiều vụ tai tiếng thời gian qua, uy tín và hình ảnh của Giáo hội Công giáo đã bị tổn hại. Nào là những xì căn đan lạm dụng tình dục, nào là sự thiếu minh bạch tài chính, nào là bị chỉ trích không theo kịp thời đại… Đó là những hồ sơ hóc búa cần phải xử lý của người kế nhiệm đức Giáo hoàng Benedicto XVI.

Thứ hai đó là hiện tượng suy yếu của Công giáo tại Châu Âu. Một trong những minh chứng được đưa ra, đó là chỉ trong vòng 10 năm, số trẻ em con nhà Công giáo được rửa tội tại Pháp đã giảm đến 100.000 lượt.

Các tờ báo nhận định, xì căn đan các tu sĩ lạm dụng tình dục trẻ em rùm beng ở Đức, Ai-Len, hay ở Bỉ, đã góp phần vào việc mất uy tín của Công giáo tại Châu Âu.

Thứ ba đó là vấn đề quan hệ với Hồi giáo. Vấn đề này nổi lên trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa thế giới phương Tây và thế giới Hồi giáo.

Vatican tỏ ra lo lắng cho số phận của những người Công giáo chiếm thiểu số trong các xã hội có đa số là người Hồi giáo.

Kế đến đó là những vấn đề liên quan đến xã hội hiện đại, như phá thai hay hôn nhân đồng tính. Những vấn đề đang gây chia rẽ sâu sắc tín đồ Công giáo.

Đặc biệt đáng chú ý là Libération nêu ra hồ sơ Công giáo tại Trung Quốc và cho rằng đó cũng là một trong những thử thách đang chờ Đức Giáo hoàng Phanxicô. Tờ báo nhắc lại, từ nhiều năm nay, tại Trung Quốc đã tồn tại hai Giáo hội Công giáo, một hoạt động chính thức do nhà nước Trung Quốc điều khiển, một hoạt động ngầm hướng về Vatican.

Vấn đề là làm sao biết được bên nào trong hai giáo hội nêu trên có ảnh hưởng nhiều hơn đến tín đồ Công giáo tại Trung Quốc, làm sao định lượng được mức độ tự do của các tín đồ Công giáo ở đất nước này.

Tóm lại, hàng loạt khó khăn đang chờ tân Giáo hoàng Phanxicô. Và cũng như tờ báo Công Giáo La Croix đặt tựa cho bài xã luận của mình : « Điểm khởi đầu của một chặng đường ». Hay như nhận định trong bài xã luận của nhật báo Libération là liệu vị tân Giáo hoàng « sẽ dẫn dắt Giáo hội và tín đồ về một hướng cởi mở hơn đối với các vấn đề liên quan đến phụ nữ, đến giới tính ; hay là ông ta cũng sẽ cứng nhắc như những người tiền nhiệm ».

Thế nhưng, dù sao thì sự bầu chọn Giáo hoàng Phanxicô, một người dòng Tên đầu tiên và là người Mỹ Latinh đầu tiên, cũng cho thấy một tín hiệu cởi mở trong Giáo hội Công giáo, cũng cho thấy một tương lai có nhiều hy vọng như tựa đề của bài xã luận của tờ Le Figaro : «Gương mặt của niềm hy vọng ».

Hàn Quốc thúc ép Trung Quốc bằng chiêu bài hạt nhân ?

Bắc Triều Tiên liên tiếp tỏ ra không nhượng bộ trong quyết tâm trang bị vũ khí hạt nhân.

Giờ đây, đến lượt Hàn Quốc cũng bắt đầu lên tiếng đòi sản xuất loại vũ khí này. Nhật báo Libération quan tâm đến hồ sơ nói trên qua bài viết : «Đối mặt với miền Bắc, Hàn Quốc lại tỏ ra thích hạt nhân ».

Tờ báo cho biết, tại Hàn Quốc đã rộ lên những tiếng nói đòi quyền sở hữu vũ khí hạt nhân.

Theo thăm dò, có từ 52% đến 65% người Hàn Quốc ủng hộ quan điểm này. Quan điểm trên càng được củng cố sau đợt thử hạt nhân lần thứ ba hồi tháng 2 rồi của Bắc Triều Tiên.

Một dân biểu Hàn Quốc tỏ ra bức xúc : «Nếu trong khu phố của bạn có tên cướp sỡ hữu một khẩu súng đời mới nhất, thì thật là vô lý khi mà bạn bị buộc phải tự vệ bằng những hòn đá cuội ».

Tờ báo nhắc lại, đây không phải là lần đầu tiên Hàn Quốc có ý phát triển vũ khí hạt nhân, mà hồi những năm 1970, tổng thống khi ấy là ông Park Chung-hee , tức cha của tổng thống đương nhiệm Park Geung-Hye, đã bí mật triển khai chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Nhưng khi ấy, Hoa K ỳ đã thuyết phục Hàn Quốc dừng ý định này.

Tờ báo nhận định, với tư cách là thành viên của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và là đồng minh « lệ thuộc » vào Mỹ, Hàn Quốc khó có thể đạt được mong ước của mình. Thêm vào đó, tại Hàn Quốc cũng có những lo ngại cho rằng, nếu Hàn Quốc lao vào vũ khí hạt nhân như Bắc Triều Tiên, thì khu vực sẽ bị đẩy vào trong một cuộc chạy đua vũ trang đầy nguy hiểm.

Thế thì tại sao tại Hàn Quốc lại nổi lên làn sóng đòi hạt nhân như thế ?

Libération cho rằng, với việc lên tiếng mạnh mẽ đó, Hàn Quốc muốn dùng cách mới để gây sức ép lên Trung Quốc : Dùng chiêu bài đe dọa đẩy khu vực vào bất ổn để buộc Trung Quốc có hành động cứng rắn hơn đối với Bắc Triều Tiên.

Các nước giàu bắt đầu trông mong vào những nước tân hưng

Trong lĩnh vực kinh tế, nhật báo kinh tế Les Echos có bài đáng chú ý với hàng tựa : «Các nước mới nổi đầu tư vào những nước giàu nhiều hơn chiều ngược lại ».

Thời thế đổi thay, các nước giàu phải quằn mình trong khủng hoảng, trong khi những nước mới nổi thì luôn có thặng dư thương mại, do đó đã bắt đầu đầu tư ào ạt vào những nước giàu.

Les Echos cho biết, theo một nghiên cứu, những nước như Trung Quốc, Braxin, Ấn Độ, Nga… đã tiến hành việc sáp nhập hoặc mua lại doanh nghiệp ở những đại gia như Mỹ, Anh, Úc, Nhật, Đức hay Canada.

Cụ thể là trong giai đoạn 2008-2012, các nước mới nổi đã tham gia vào việc mua lại doanh nghiệp hay trái phiếu trị giá đến 161 tỷ đô la ở những nước giàu, trong khi đó đầu tư theo chiều ngược lại trong cùng giai đoạn chỉ có 151 tỷ đô la.

Nước đầu tàu trong việc này là Trung Quốc. Năm rồi, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tiến hành việc mua lại đến 120 vụ trị giá 23 tỷ đô la, tức chiếm đến 70% trên tổng thể, trong khi đó Ấn Độ chỉ chiếm có 4 tỷ đô la tức 12% trên tổng thể.

Một điểm đáng chú ý là, các doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện việc sáp nhập hai mua lại nói trên đa phần là những doanh nghiệp nhà nước.

Cuộc chiến smartphone luôn khốc liệt

Cũng trong hồ sơ kinh tế, Les Echos đăng bài : «Trận chiến giữa các đại gia để thống trị thị trường điện thoại thông minh- smartphone ».

Tờ báo đặc biệt chú ý đến « cuộc chiến » giữa hai đại gia lớn nhất làng điện thoại thông minh là Apple và Samsung.

Căng thẳng tiếp tục leo thang thêm một bậc khi mà hôm nay tại New York - sân nhà của Apple, Samsung tung ra điện thoại thông minh mới của mình, Galaxy SIV, một « vũ khí » phản pháo lại Iphone 5 của Apple.

Tờ báo nhận định, đợt tung hàng ra này của Samsung mang tính chiến lược vì đã chạy nhanh hơn Apple trong khi phải vài tháng tới Apple mới tung ra mẫu điện thoại thông minh mới của mình.

Hãng Samsung dự kiến trong năm 2013 sẽ bán được 280 triệu smartphones, trong khi một vài nhà phân tích cho rằng con số đó có thể lên đến 320 triệu.

Tuy vậy, tờ báo cũng cho biết, hồi quý 4 năm 2012, smartphone của Apple đã vượt smartphone của Samsung về số lượng bán ra.

Cụ thể là, trong ba tháng cuối năm 2012, Apple đã bán ra được 27,4 triệu chiếc Iphone 5, 17,4 triệu Iphone 4S, trong khi đó trong giai đoạn này Samsung chỉ bán ra được 15 triệu chiếc Galaxy SIII.

Bên cạnh hai đại gia Apple và Samsung, Les Echos cũng cho biết, trên « chiến trường smartphone », còn có các nhãn hiệu lớn khác như Sony, ZTE, HTC…

Phụ nữ bị lấn lướt : Lỗi của chính mình ?

Trong hồ sơ xã hội, nhật báo Les Echos có bài : « Bản tuyên ngôn nữ quyền gây ồn ào tại nước Mỹ ».

Tờ báo đề cập đến một quyển sách vừa được trình làng tại Hoa K ỳ của bà Sheryl Sandberg, nhân vật số 2 của Facebook. Quyển sách mang tên « Lean In », với ý nghĩa là : phải biết tự khẳng định mình.

Tác giả quyển sách đưa ra một nhận định đáng chú ý : Phụ nữ bị cánh đàn ông áp đặt một phần cũng do lỗi của chị em.

Tác giả khẳng định : «Phụ nữ tự tạo cho mình những chướng ngại do thiếu tự tin, do đã lùi bước trong những phút giây cần khẳng định mình ».

Les Echos cho hay, quyển sách đã kéo theo các cuộc tranh luận được tổ chức trên kênh truyền hình CNN, đã làm tiêu tốn nhiều giấy mực của báo giới.

Một số người cho rằng, có thể sắp tới, nhân vật số 2 này của Facebook sẽ rời Facebook để tập trung toàn lực cho cuộc đấu tranh vì lý tưởng nữ quyền nói trên.

Hổ bị đe dọa nghiêm trọng

Tại hội nghị của Công ước quốc tế về các động thực vật hoang dã (CITES) diễn ra tại Bangkok, một cuộc điều tra vừa được công bố kết quả, được nhật báo Le Monde ghi nhận.

Theo điều tra, trong giai đoạn 2000-2012, đã có các bộ phận thuộc 1425 cá thể hổ bị tịch thu ở 13 nước trong đó có Trung Quốc, Miến Điện, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.

Cũng theo kết quả này, hiện trên thế giới chỉ còn khoảng 3000 cá thể hổ trong khi cách đây một thế kỷ con số này là 100.000.

Switch mode views: