Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 31-03-2013

Trung Quốc : Người dân dùng Internet để chống ô nhiễm

chine-pollution-riviere-banlieue



Cảnh sông ô nhiễm vùng ngoại ô Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 24/03/2013.
Reuters

 

Mấy thập niên qua kinh tế Trung Quốc phát triển với tốc độ phi mã nhưng lại là một sự phát triển không bền vững, tức chỉ chạy theo chỉ số tăng trưởng mà lơ là chất lượng tăng trưởng, dẫn đến những hệ lụy nguy hại về xã hội và môi trường.

Người dân bất bình đấu tranh, và Internet đã trở thành một phương tiện hữu hiệu, tạo được một số hiệu quả đáng kể.

Tạp chí Courrier International quan tâm đến hồ sơ này trong lĩnh vực môi trường qua bài trích dẫn của tờ Financial Times với dòng tựa : «Vi Bác phơi bài tai họa ung thư ở các ngôi làng ».

 Tờ báo nhắc lại, người dân Trung Quốc ngày càng hướng về Internet để biểu thị sự phẫn nộ về hiện tượng ô nhiễm, đến mức mà đôi khi buộc chính quyền phải hành động.

Tờ báo nhìn về một ngôi làng thuộc tỉnh Sơn Đông.
Trước kia, nước sông cũng như nước ngầm ở làng này rất sạch, thế nhưng hiện tại đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, đến mức mà khiến ngôi làng trở thành nơi có tỷ lệ nhiễm ung thư cao nhất thế giới.

Thế là đầu tháng này, một nhà báo địa phương đã đăng lên trang Vi Bác bức thư báo động về vụ việc.
Thông điệp này đã nhanh chóng được lan truyền, các kênh truyền hình buộc phải đề cập đến vấn đề này, và chính phủ buộc phải thừa nhận rằng tại Trung Quốc đang tồn tại những « ngôi làng ung thư », một hiện tượng mà bấy lâu nay nhà cầm quyền cố tình giấu nhẹm.

Hưởng ứng hành động của nhà báo trên, trong kỳ nghỉ tết Nguyên đán vừa qua, nhiều người Trung Quốc khi về quê ăn tết, đã nhân đó chụp lại cảnh ô nhiễm ở địa phương mình và tung lên mạng Vi Bác.

Đi sâu hơn vào hồ sơ ô nhiễm nguồn nước tại Trung Quốc, Financial Times cho biết, hiện có đến 70% mạch nước ngầm tại Trung Quốc bị ô nhiễm ở mức độ nghiêm trọng.
 Hậu quả theo các nhà khoa học là làm tăng số người bị ung thư và những căn bệnh khác.

Hồi tháng rồi, một doanh nhân đã tuyên bố trên trang Vi Bác là sẵn sàng tặng 200.000 nhân dân tệ (khoảng 25.000 euro) cho một quan chức phụ trách môi trường ở địa phương nếu quan chức này dám tắm ở những con sông đang bị ô nhiễm.
 Một tuần lễ sau, trên truyền hình quốc gia, quan chức nọ đã có câu trả lời là đồng ý xuống tắm nhưng phải là trong từ 3 đến 5 năm nữa.

Ô nhiễm là « bí mật quốc gia »

Ô nhiễm mạch nước ngầm kéo theo ô nhiễm lòng đất và biến các sản phẩm nông nghiệp thành những sản phẩm độc hại bởi vì nông dân sử dụng nước giếng để tưới ruộng rẫy.
Chẳng hạn như có những địa phương, người dân tưới các rẫy rau cải bằng nước của những giếng tọa lạc gần các nhà máy hóa dầu hoặc nhà máy sản xuất giấy, tức những nơi thải ra chất thảy vô cùng độc hại.

Trong bối cảnh đó, thì mức độ ô nhiễm lòng đất được nhà cầm quyền xem như là một « bí mật quốc gia » vì Bắc Kinh đã từ chối việc công bố rộng rãi kết quả điều tra ô nhiễm được tiến hành từ nhiều năm qua.
Theo những người đấu tranh chống ô nhiễm thì nguyên nhân của việc che giấu này là vì chính phủ Trung Quốc sợ tạo ra một làn sóng sợ hãi trong xã hội, và đặt biệt là làm ảnh hưởng đến các nhà máy sản xuất, bởi vì thủ phạm của tình trạng ô nhiễm lòng đất tại Trung Quốc là do nước thải độc hại của các nhà máy công nghiệp không được xử lý đàng hoàng.

Thái Lan : Hòa bình ở miền Nam còn khá xa vời

Chín năm qua, miền Nam Thái Lan lâm vào bất ổn với cuộc nổi dậy của cộng đồng Hồi Giáo tại đây.
Đến hiện tại, xung đột đã làm thiệt mạng đến 5000 người. Hồi cuối tháng 02/2013, chính phủ và phe nổi dậy đã đạt được thỏa thuận về việc tiến hành đàm phán.
 Thỏa thuận có thật sự vãn hồi hòa bình ở khu vực hay không ? Khó lắm, đó là câu trả lời của tờ Bangkok Post được Courrier International dẫn lại với dòng tựa : « Thái Lan : mở rộng vòng tay về phía miền Nam ».

Ngày 28/02 tại Kuala Lumpur, chính phủ Thái Lan đã ký thỏa thuận về đàm phán nhằm mang lại hòa bình với nhóm ly khai hồi giáo Barisan Revolusi National (BRN). Quyết định này có vẻ được sự ủng hộ của người dân.

Thế nhưng, ý định của chính phủ Thái Lan được hoan nghênh nhưng cũng kèm theo lời chỉ trích.

 Phát ngôn viên đảng Dân chủ đối lập trách chính phủ đã quá vội vã khi ký kết thỏa thuận chỉ nhằm gia tăng quyền lực chính trị, và ông khẳng định rằng đại diện của nhóm BRN là ông Hassan không có nhiều ảnh hưởng đối với quân nổi dậy, nhất là thế hệ trẻ hoàn toàn muốn ly khai.

Như vậy, tiến trình đàm phán được dự báo sẽ lâu dài và khó khăn, và không ai biết rằng khi nào mới có kết quả.

Chypre đã thật sự được cứu ?

Ngày 25/03/2013, Chypre đã đạt được thỏa thuận với bộ ba chủ nợ là Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Liên Hiệp Châu Âu để nhận được gói tài trợ 10 tỷ euro.

 Đổi lại nước này cam kết tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Laiki Bank sẽ bị xóa tên để sáp nhập lại với Bank of Cyprus, những khoảng tiền gửi trên 100 000 euro sẽ bị đánh thuế.
Các tạp chí Pháp chú ý nhiều đến sự kiện này.

Bàn về thỏa thuận nói trên của chính phủ Chypre với bộ ba chủ nợ, nhật báo O Phileleftheros của Chypre đăng bài kêu gọi người dân nổi dậy chống lại thỏa thuận này, được Courrier International dẫn lại với dòng tựa : « Chúng ta hãy phản kháng ».

Tờ báo cho rằng, thỏa thuận đó sẽ phá hủy hệ thống ngân hàng Chypre, và kéo theo đó là hủy hoại tương lai của nước này. và lo ngại việc chính phủ sẽ thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, sẽ cắt giảm đủ thứ để kiếm tiền trả nợ, sẽ khiến cho nhiều người mất việc làm, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân.

Điều quan trọng nữa là sẽ làm phương hại để quyền tự chủ quốc gia của Chypre, bởi vì theo tờ báo, thỏa thuận nói trên, tức số phận của Chypre, đã được quyết định không phải bởi chính người Chypre, mà là bởi bộ ba chủ nợ là Ngân hàng trung ương Châu Âu, Liên Hiệp Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Nhận định về hồ sơ này, tạp chí L’Express đăng bài : « Maxcơva thua trong canh bạc Chypre ».

Tờ báo cho biết, thỏa thuận đạt được vào ngày 25/03 nói trên về việc đánh thuế các khoảng ký gửi trên 100.000 euro tại các ngân hàng trên lãnh thổ Chypre sẽ gây nhiều thiệt hại cho người Nga, bởi vì bấy lâu nay người Nga đã thi nhau gửi tiền tại Chypre để tận dụng các nguồn thuế rẻ ở nước này, để rồi sau đó cho đồng tiền quay lại đầu tư trên lãnh thổ Nga.

Nói cách khác là các đại gia Nga đã sử dụng các ngân hàng Chypre để « rửa tiền ».

Theo số liệu chính thức thì hiện tại có khoảng 24 tỷ euro ký gửi tại Chypre đến từ Nga. Theo L’Express con số thực tế có lẽ còn cao hơn nhiều.

Trên phương diện chiến lược, từ lâu Nga đã nhắm đến việc tăng cường hải quân tại khu vực Địa Trung Hải.
 Hiện tại Nga đã có một căn cứ quân sự tại cảng Tartus của Syria.

Thế nhưng tình hình Syria đang hổn loạn, đến mức mà Nga đã quyết định sẽ cho các tàu qua tiếp liệu ở Liban.

Gần đây, một tướng lĩnh Nga đã tuyên bố sẽ cho triển khai thường trực đến Địa Trung Hải một « lực lượng hải quân chiến lược ».
Thế nhưng, cụ thể là ở đâu thì không nói rõ.
 L’Express nhận định, ở Chypre đã có hai căn cứ quân sự của Anh thế thì cũng rất có thể sẽ có sự hiện diện của quân nhân Nga.

 Nên nhớ rằng, Chypre không thuộc NATO, và người dân Chypre thì cũng mong có thêm lực lượng nước ngoài thân cận vì lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc.

Chưa hết, Nga từ lâu muốn làm thân với Chypre để chi phối nguồn khí đốt của nước này.

Theo L’Express, không phải là Nga thiếu khí đốt, mà là vì Nga là nước cung cấp khí đốt chính cho Châu Âu, và muốn giữ thế độc quyền này nên rất ngại việc Châu Âu đi tìm những nguồn cung ứng khác.

Trong khi Chypre lâm khủng hoảng tài chính, Nga lại không đủ sức cứu lấy nước này, và thế là Chypre phải tìm về Châu Âu, từ đó Nga đã mất vị thế tại Chypre.

Châu Âu không người lái

Qua hồ sơ Chypre, Châu Âu càng lộ rõ những điểm yếu của mình. Le Nouvel Observateur nêu ra ba điểm yếu chính trong bài « Châu Âu có người lèo lái hay không ? ».

Trước tiên tờ báo cho rằng, thỏa thuận đạt được vừa qua giữa chính phủ Chypre và bộ ba chủ nợ cũng là một loại giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Chypre.

 Thế nhưng, vấn đề là ở chỗ người Chypre và người ở các nước Châu Âu khác cảm thấy sợ hãi : Họ sợ hãi vì họ thiếu thông tin. Từ đó xuất hiện điểm yếu thứ nhất của EU, mà tờ báo gọi là « Không người lái ».

Tờ báo cho biết, chẳng ai đứng ra giải thích rõ tiến trình đạt được kế hoạch cứu hộ Chypre, cũng chẳng có ai đứng ra giải thích rõ cái lợi cái hại với người dân Chypre nói riêng và với người Châu Âu nói chung.

 Tờ báo nhắc lại câu nói mỉa mai hồi năm 1973 của cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger khi nói về Châu Âu : « Châu Âu hả ? Số điện thoại Châu Âu là số mấy nhỉ ? ».

Kế đến tờ báo cho biết, nguy cơ lâm vào khủng hoảng tài chính của Chypre không phải là đến bất chợt, mà đã hiện diện từ lâu.
Tờ báo nhắc lại, chỉ có mấy năm mà các ngân hàng Chypre đã phình to ra với số tiền ký gửi khổng lồ, đến mức mà chính phủ Chypre không đủ sức một mình tự gỡ rối, mà phải kêu cứu đến bộ ba chủ nợ.

Nguy cơ đã có từ lâu như vậy, thế mà không một nước nào hay tổ chức nào tại Châu Âu đứng ra cảnh báo.
 Và một điều trớ trêu nữa là khi Chypre lên tiếng kêu cứu hồi năm ngoái, thì cũng là thời điểm nước này đang giữ ghế chủ tịch EU.

Cuối cùng tờ báo nhắc lại, hồi năm 2008, Chypre bắt đầu sử dụng đồng euro. Khi ấy có ai kiểm tra kỹ tình trạng tài chính nhiều nguy cơ của Chypre không ?
 Le Nouvel Observateur cho biết là có, và khi ấy Ủy ban Châu Âu đã tuyên bố : «Chypre đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về thâm hụt ngân sách, về nợ công và về lạm phát ».

Nói như vậy, thì khi ấy, người ta không chú trọng đến các nguyên tắc chống rửa tiền, đến các quy định liên quan đến hợp tác thuế khóa.
 Và như thế, tình trạng gửi tiền của nước ngoài tại Chypre đã tiếp tục tăng lên đến mức mất kiểm soát, vượt khỏi tầm tay của chính phủ.

Hoa Kỳ : Mặt trái của máy bay không người lái

Từ năm 2001, Hoa Kỳ bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố bằng máy bay không người lái.
Từ lâu, loại phương tiện này được đặt dưới quyền quản lý của CIA, Nhà Trắng đang xem xét chuyển quyền quản lý cho Bộ quốc phòng. Các tạp chí Pháp dành nhiều bài viết chủ đề này.

Tạp chí Le Nouvel Observateur đăng bài : «CIA mất máy bay không người lái ».
Tờ báo nhận định, tiếp sau tổng thống Bush, tổng thống Obama cũng đã lạm dụng loại phương tiện điều khiển từ xa này.
 Do được đặt dưới quyền quản lý của Cục tình báo liên bang (CIA), nên từ lâu mọi thông tin tác chiến của các máy bay không người lái đều bị giấu nhẹm như các tin tình báo.

Trong khi đó, trên thực địa, loại phương tiện điều khiển từ xa này được dùng tấn công các mục tiêu đã được định vị, và đã không ít lần làm thiệt mạng thường dân.

Những tiếng phản đối mặt trái này đã trở nên dữ dội khi ông John Brennan được bổ nhiệm làm tân giám đốc CIA.
Nên nhớ rằng, người này từng là cố vấn Nhà Trắng, và là người được xem là thúc đẩy chương trình sử dụng máy bay không người lái trên chiến trường.
Sự việc đến mức mà tổng thống Obama có thể xem xét chuyển quyền quản lý loại phương tiện này cho Bộ Quốc phòng để mọi thông tin liên quan sẽ trở nên minh bạch hơn.

Bàn về chủ đề này, tuần báo L’Express đăng bài : «Máy bay không người lái tấn công ».
Tờ báo nhấn mạnh đến khía cạnh vô nhân đạo của việc sử dụng loại phương tiện này.
 Đây là loại phương tiện được điều khiển từ xa, được dùng để tấn công các mục tiêu định sẳn.
Vì không phân biệt được ai là quân nhân ai là dân thường, nên đã nhiều lần loại máy bay này không chỉ hạ sát được những đối tượng khủng bố cần tiêu diệt, mà còn làm thiệt mạng không ít dân thường.
Sự việc đến hiện tại vẫn được chính quyền Hoa Kỳ im hơi lặng tiếng.

Dư luận thì không có nhiều phản ứng, bởi theo tờ báo, sử dụng máy bay không người lái để tác chiến không tạo ra cảm giác chiến tranh như các phương tiện khác vì người điều khiển nó có đôi khi ở cách hàng ngàn cây số.

Thế nhưng, tờ báo cho hay, ngay chính những người điều khiển loại máy bay này cũng có cảm giác chiến tranh. Bằng chứng là, theo điều tra, có 1/3 trên tổng số người điều khiển có cùng những triệu chứng hậu chiến tranh như những chiến binh tác chiến trực tiếp trên thực địa.

Về phần mình, nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng Tư thì có bài : «Máy bay không người lái và máy bay tấn công tự sát, trò chơi phản chiếu trong gương ».

 Tờ báo so sánh việc dùng máy bay không người lái và việc sử dụng máy bay cảm tử. Theo tờ báo, hai cách dùng này giống như hiện tượng ta được phản chiếu hình ảnh trong gương, vì vừa giống nhau nhưng lại có chỗ khác nhau.

Giống nhau đó là cả hai loại phương tiện đều giết người.
 Khác nhau là máy bay cảm tử thì tấn công tự sát, và người lái loại máy bay này cũng bị đe dọa tính mạng, trong khi đó người điều khiển máy bay không người lái, do ở cách xa thực địa, nên không hề có nguy hiểm gì.
 Từ đó, tờ báo nhấn mạnh đến tính chất nhân đạo, tức muốn nói việc do tính mạng không bi đe dọa, nên người điều khiển máy bay không người lái sẽ có nhiều can đảm giết người hơn, chưa kể là việc hạt sát nhầm dân thường.

Bulgari : Tự thiêu vì khủng hoảng kinh tế ?

Gần đây làn sóng tự thiêu đã lan rộng tại Châu Âu trong bối cảnh đời sống ngày càng khó khăn dưới bão táp khủng hoảng kinh tế.

Courrier International nhìn về một nước Châu Âu đang có làn sóng này đi qua là Bulgari qua bài viết trích dẫn của một tờ nhật báo tại nước này.

Tờ báo cho biết, tại Bulgari, vừa qua chỉ trong vòng một tháng mà đã có đến 8 người tự thiêu.

 Nguyên nhân được cho là do bị khủng hoảng tâm lý bởi cuộc sống khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, và cũng là để phản đối những bất công xã hội, phản đối sự điều hành thiếu hiệu quả của nhà cầm quyền.

Họ chọn cách tự thiêu vì cách này có thể gửi một thông điệp mạnh và rõ ràng nhất đến tất cả mọi người về sự thất vọng và sự đau đớn của họ.

Switch mode views: