Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-04-2013
- Thứ Sáu, 05 tháng Tư năm 2013 20:38
- Tác Giả: Minh Anh
Hồ sơ bí mật về các thiên đường trốn thuế
Tổng thống Pháp François Hollande (trái) và Jérôme Cahuzac, nguyên bộ trưởng Ngân sách, Paris, 04/01/2013.
REUTERS/Philippe Wojazer
Những ngày gần đây, chính trường Pháp không ngừng biến động.
Việc Bộ trưởng Ngân sách Pháp Jérôme Cahuzac thú nhận sở hữu một tài khoản ở nước ngoài từ hơn 20 năm nay đang làm cho uy tín của chính phủ Xã hội nói chung và bản thân tổng thống Pháp François Hollande nói riêng bị sút giảm trầm trọng.
Trang nhất nhật báo kinh tế Les Echos chạy tít « Lại thêm một vụ việc làm suy giảm điểm tín nhiệm của Hollande ».
Theo kết quả thăm dò do chính tờ báo thực hiện, ông François Hollande đang trở thành vị tổng thống mất uy tín nhất trong nền đệ ngũ Cộng hòa chỉ sau gần một năm lên cầm quyền.
« Hollande bị vây hãm » là hàng tựa của nhật báo thiên tả Liberation. Đối diện với những tổn thất do quả bom « Cahuzac » gây ra, tổng thống Hollande sẽ phải tìm ra lối thoát. Tuy nhiên, ông gạt bỏ mọi yêu sách của phe đối lập đòi cải tổ nội các.
Tờ báo thiên hữu Le Figaro thì nhận xét rằng tổng thống Pháp đang rơi vào « Ngõ cụt », tựa trên trang nhất của tờ báo.
Những lời thú nhận của vị cựu Bộ trưởng Ngân sách đã làm cho uy tín của ông suy yếu. Giờ lại đến lượt người phụ trách về tài chính trong chiến dịch tranh cử tổng thống đang bị giới báo chí trong nước chĩa mũi dùi.
Chưa bao giờ điểm tín nhiệm của một vị tổng thống bị rớt xuống thê thảm và nhanh đến thế. Vậy mà, trước một cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng như vậy, nhưng ông Hollande hiện tại vẫn kiên quyết loại trừ khả năng thay đổi nội các.
Đối với các báo Pháp, « quả bom Cahuzac », theo cách gọi của báo chí trong nước, đặt lại vấn đề đạo đức trong giới chính khách.
Nhật báo công giáo La Croix tự hỏi « Làm thế nào hòa hợp giữa đạo đức và chính trị ? »
Tờ báo trích dẫn những đề nghị của sáu gương mặt điển hình trong nước nhằm khôi phục niềm tin trên chính trường.
Bên cạnh việc phải xem xét lại đạo đức chính khách, vấn đề chống trốn thuế cũng là một câu hỏi hóc búa.
Nhật báo Cộng sản l’Humanité tố cáo sự thông đồng giữa tiền bạc và chính trị.
Với hàng tựa « Thiên đường trốn thuế, sự đào tẩu lớn », tờ báo cho biết là hàng năm, nhà nước thất thu đến 40 tỷ euro do nạn trốn thuế, trong khi người dân được kêu gọi phải thắt lưng buộc bụng.
« OffshoreLeaks »
Liên quan đến hồ sơ này, báo Le Monde hôm nay đặc biệt dành nhiều trang để « Tiết lộ về các dữ liệu bí mật của các thiên đường thuế ».
Với sự kết hợp của Hiệp hội báo điều tra quốc tế (ICIJ), Le Monde khám phá 2,5 triệu hồ sơ mật của hệ thống trốn thuế được toàn cầu hóa liên quan đến hơn 120.000 doanh nghiệp bề nổi.
Tác giả bài viết cũng mô tả cặn kẽ làm cách nào lấy được danh sách 130 công dân Pháp trốn thuế, trong đó có tên ông cựu Bộ trưởng Ngân sách vừa từ chức và người quản lý tài chính chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của ông Francois Hollande năm 2012.
« Chiến dịch OffshoreLeaks » là tên một vụ điều tra về các hoạt động trốn thuế mà các phóng viên điều tra đặt cho.
Theo tờ báo, ICIJ sở hữu một « kho » thông tin bảo mật. Số thông tin đó được thu thập từ các cựu nhân viên của hai doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ tài chính offshore : Portcullis TrustNet và Commonwealth Trust Limited.
Đây là nơi lưu trữ các nguồn thông tin tài chính mật của hàng trăm nghìn tập đoàn được thành lập vào cuối thập niên 90 và trong suốt thập niên 2000 tại các thiên đường thuế.
Le Monde cho biết thường các thông tin đến được các chính phủ hay các cơ quan thuế chỉ là những mẩu thông tin vụn vặt.
Các dấu hiệu cho thấy việc truy tìm các tài khoản không kê khai ở nước ngoài thường vấp phải bí mật ngân hàng.
Theo đánh giá của Le Monde, chiến dịch « OffshoreLeaks » có quy mô cao gấp 162 lần so với vụ rò rỉ thông tin ngoại giao của WikiLeaks.
Lượng thông tin thu thập được lưu trữ trong máy vi tính chiếm đến 260 Gb. Các phóng viên điều tra phải mày mò tìm kiếm các thông tin chính xác, thường được mã hóa, về nhân thân các nhà quản lý và các cổ đông của các tập đoàn được thiết lập trên các thiên đường thuế như các quần đảo Virgin, quần đảo Cayman, quần đảo Cook của Anh quốc, hay tại Nhà nước Độc lập Samoa, và đảo quốc Singapore.
Với khối lượng thông tin khổng lồ như một đám rừng rậm, các phóng viên điều tra thuộc các hãng thông tấn lớn trên toàn cầu, đồng thời cũng là cộng tác viên của ICIJ, liên tục vấp phải nhiều khó khăn.
Không như Wikileaks, nhờ vào nguồn thông tin của các đại sứ quán, những mẩu thoại bằng thư điện tử, nói chung tài liệu hiển nhiên, rõ ràng, có thể khai thác ngay tức thì.
Công tác điều tra ICIJ đòi hỏi rất nhiều công đoạn như phải được giải mã, so sánh, kết hợp, phân tích.
Các phóng viên phải trải qua hàng giờ trước màn ảnh vi tính trước khi có thể bắt đầu nghiệp vụ công tác điều tra báo chí : tìm hiểu các doanh nghiệp và các cá nhân khác nhau, sau đó gọi điện thoại, xin hẹn…
Theo tác giả, để dò tìm danh sách các công dân Pháp trốn thuế, tác giả cùng với một nữ đồng nghiệp Tây Ban Nha đã phải cùng nhau làm việc suốt ba ngày ba đêm. Do khối lượng thông tin to lớn, hai ký giả phải mất nhiều thời gian để sàng lọc những thông tin họ cần.
Để có thể hoàn tất kho dữ liệu khổng lồ có tên gọi là Offshore main entity tables (OMET), tác giả cho hay là, ICIJ đã mất hơn 15 tháng điều tra.
Các hãng thông tấn có thể tiếp cận cơ sở dữ liệu này nhờ vào mật mã an toàn dàng riêng cho mỗi hãng. Tại đây, giới báo chí có thể tìm thấy các dữ liệu dưới dạng Word, Excel hay PDF : các thư điện tử trao đổi giữa các doanh nghiệp Portcullis TrustNet và Commonwealth Trust Limited và các luật sư từ nhiều quốc gia khác nhau, địa chỉ liên lạc của luật sư riêng của khách hàng, chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các hoạt động giao dịch và các loại giấy tờ cá nhân.
Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ phải tránh bẫy xung đột
Trong lãnh vực ngoại giao, nhật báo Công giáo La Croix có bài phỏng vấn GS. Graham Allison, thuộc trường Kennedy School of Government về sự đối đầu của hai cường quốc kinh tế thế giới. Theo giáo sư “ Trung Quốc và Hoa Kỳ cần phải tránh cái bẫy xung đột ».
Quan điểm của Lý Quang Diệu về Trung Quốc và mối quan hệ Mỹ - Trung
Trả lời về câu hỏi này, Giáo sư Allison nhấn mạnh rằng từ nhiều thập niên nay, từ thời Đặng Tiểu Bình cho đến bây giờ là Tập Cận Bình, Lý Quang Diệu, cựu thủ tướng Singapore vẫn là một cố vấn quan trọng cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Đối với ông Lý, việc Trung Quốc đi lên thành một cường quốc là một sự kiện hiếm có trong lịch sử.
Với số dân chiếm đến 1/5 dân số toàn cầu, chắc chắn trong tương lai, Trung Quốc sẽ là cường quốc hàng đầu kinh tế thế giới trong vòng một thập niên nữa. Và điều này sẽ có tác động lớn lên toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Vì vậy, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh nghĩ rằng họ sẽ quay trở lại với vị thế tự nhiên của mình « Đế chế Trung Hoa », nghĩa là « trung tâm thế giới ». Rằng các nước lân bang phải chấp nhận thực tế đó.
Trung Quốc muốn tự khẳng định vị thế của mình trên vũ đài quốc tế, chứ không muốn được xem như là một thành viên danh dự của phương Tây.
Chính vì điều đó mà Bắc Kinh không ngần ngại sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để gởi đi thông điệp. Mà ví dụ điển hình chính là Nhật Bản và Philippines, hai quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Qu ốc.
Không phải ngẫu nhiên mà năm rồi xuất khẩu của hai nước này sang Trung Quốc đã bị sụt giảm lần lượt ở mức là 16% và 20%.
Hoa Kỳ phải làm gì để phù hợp với tình thế mới này ?
Lịch sử từng chứng minh rằng khi có sự đối đầu giữa một cường quốc mới trỗi dậy và một cường quốc đang thống lĩnh xảy ra, trong 11/15 trường hợp kể từ năm 1500 đến nay, các cuộc đối đầu đó đều kết thúc bằng một cuộc chiến.
Vì vậy, lần này, cần phải xem xem làm thế nào Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể thoát được cái bẫy « xung đột » đó.
Các nhà lãnh đạo của hai quốc gia cần phải xem xét cặn kẽ các số liệu và phải nhìn nhận tầm cỡ của thách thức lịch sử này.
Cả hai phía cần phải có những hiệu chỉnh cần thiết trong thái độ và hành động để tránh một cuộc đối đầu bạo lực.
Giáo sư Allison tỏ ra đồng tình với quan điểm của ông Lý Quang Diệu cho rằng, Mỹ không thể ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Nhưng họ tìm cho ra được một phương cách để cùng nhau chia sẻ vai trò lãnh đạo trong thế kỷ XXI với một nước Trung Quốc ngày càng mạnh hơn.
Hiện tại, Washington vẫn tiếp tục muốn lên lớp Bắc Kinh, đòi hỏi họ phải dân chủ hơn như các nước phương Tây hay yêu cầu họ gánh vác một phần trách nhiệm trong một trật tự thế giới do phương Tây thiết lập kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Dĩ nhiên là Trung Quốc sẽ dần hiện đại hóa đất nước tiến đến một Nhà nước pháp quyền và một nền tư pháp độc lập.
Nhưng sẽ khó có thể có được một nền dân chủ tự do, vì điều đó cũng đồng nghĩa với sự sụp đổ.
Như vậy, xung đột Mỹ - Trung có thể tránh được ?
Về điểm này, Giáo sư Allison cho rằng cả hai quốc gia đều được lợi trong việc tìm kiếm một thỏa thuận.
Trung Quốc cần đưa hàng hóa mình vào thị trường Mỹ.
Đổi lại, Washington muốn Bắc Kinh mua trái phiếu.
Mặt khác, cả hai quốc gia có lợi ích chung trong việc lưu thông tự do và an ninh các tuyến hàng hải.
Trong ngắn hạn, Trung Quốc công nhận tính tối ưu về công nghệ và quân sự Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh vẫn thích chính sách ngoại giao dựa trên sức mạnh để dần dần khẳng định vị trí cường quốc kinh tế hàng đầu.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn tiếp tục làm hao tốn giấy mực các báo Pháp.
L’Humanité nhận định « Bắc Triều Tiên chơi chiến thuật căng thẳng ».
Việc Bình Nhưỡng đe dọa « san bằng » Hoa Kỳ, nếu cần sẽ dùng đến « vũ khí hạt nhân mới nhất, gọn nhẹ và đa dạng của Bắc Triều Tiên » đã bị cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh mẽ.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tỏ ra lo ngại cho tình hình căng thẳng leo thang.Người đứng đầu ngành ngoại giao Liên hiệp châu Âu kêu gọi Bắc Triều Tiên phải tuân thủ các cam kết giải trừ hạt nhân.
Trong khi đó, Nga quan ngại rằng tình thế « có thể bùng nổ ». Nga cho rằng những lời tuyên bố của nhà lãnh đạo trẻ Bắc Hàn là « không thể chấp nhận được ».
Le Figaro mỉa mai chạy tựa « Washington bị ong bầu Bắc Triều Tiên chích ».
Theo tờ báo, Hoa Kỳ có lẽ giờ đây không còn xem nhẹ các lời đe dọa của Bình Nhưỡng.
Việc quốc gia này tiến hành thành công ba vụ thử hạt nhân và đưa vào quỹ đạo một vệ tinh đang khiến Washington lo ngại.
Tờ báo trích dẫn nhận xét của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel : « Các quốc gia Iran hay Bắc Triều Tiên có một khả năng hạt nhân thật sự, họ còn có thể phóng cả tên lửa… Các hành động mà họ đã thực hiện chứng tỏ một mối nguy hiểm thật sự và rõ ràng… ».
Như nhận thức được hiểm họa này, báo Les Echos cho rằng “Washington từ chối cuộc đua leo thang với Bình Nhưỡng”.
Sau nhiều tuần lễ lời qua tiếng lại căng thẳng với Bắc Hàn và dương oai diễu võ, chính quyền Mỹ và Hàn Quốc dường như quyết định không tham gia cuộc chơi leo thang với Bắc Triều Tiên.
Washington cũng như Seoul muốn tránh việc đẩy Bình Nhưỡng đi đến đỉnh điểm của nỗi sợ. Vì nó có thể châm ngòi cho một sự cố không thể nào bào chữa được.
Bắc Triều Tiên đang gieo rắc nỗi kinh hoàng
Cũng liên quan đến chủ đề này, nhưng báo Le Monde lại nhìn sự việc dưới một góc nhìn khác nghiêm trọng hơn.
Tờ báo cho rằng « Bắc Triều Tiên đang gieo rắc nỗi kinh hoàng ».
Đối với Washington, Seoul hay Tokyo những lời đe dọa đó dường như quá quen thuộc.
Họ cho rằng những lời lẽ đó chỉ có tính chất mặc cả nhằm đảm bảo cho sự sống còn của chế độ độc tài.
Năm này qua năm khác, giờ đây tràng khiêu khích đó đang mang một sắc thái khác đáng sợ hơn. Bởi một lẽ đơn giản : quốc gia này vừa làm chủ được « quả bom hạt nhân ».
Trường hợp Bắc Triều Tiên giờ không còn là vấn đề ổn định tại châu Á.
Nó thể hiện mối nguy hiểm phổ biến hạt nhân. Một lượng lớn quốc gia ngày càng tăng đang dần làm chủ được công nghệ tên lửa và hạt nhân.
Bài viết nhắc lại rằng kể từ năm 1968 và việc ký kết Hiệp ước không phổ biến hạt nhân, thế giới được phân chia thành hai cực.
Cực « được phép » bao gồm năm quốc gia Anh, Nga, Pháp, Mỹ và Trung Quốc, những quốc gia đã có nền công nghệ hạt nhân trước năm 1960. Và cực « không được phép » bao gồm các nước Ấn Độ, Pakistan, Israel và có lẽ có Bắc Triều Tiên, những quốc gia sở hữu công nghệ trên sau 1960.
Le Monde đặt ra hai vấn đề. Thứ nhất, « liệu chính sách giải trừ hạt nhân, một chính sách đánh dấu thời kỳ chiến tranh lạnh, có còn hợp thời nữa hay không ? ».
Học thuyết giải trừ vũ khí hạt nhân còn là vấn đề về tính hợp lý.
Vũ khí hạt nhân được xem là vũ khí không được phép sử dụng. Và không một quốc gia nào lại điên dại sử dụng chúng.
Do bởi quốc gia đó có nguy cơ đón lãnh lại cú đánh có thể làm tan hoang đất nước.
Vũ khí hạt nhân chỉ là công cụ trấn áp chứ không phải để gây hấn. Nó giúp ngăn chặn chiến tranh. Bởi vì kể từ sau thảm họa Hiroshima và Nagasaki, chiến tranh hạt nhân là điều không thể nghĩ đến vì quá khiếp hãi.
Từ đó, Le Monde đặt tiếp câu hỏi thứ hai, « liệu Kim Jong-un có thấu hiểu được lý lẽ này hay không ? ».
Một số chuyên gia cho rằng có lẽ nên xem xét lại học thuyết giải trừ vũ khí hạt nhân ở đầu thế kỷ XXI này.
Họ cũng công nhận rằng trong thời kỳ chiến tranh lạnh, chính sách « cân bằng nỗi khiếp sợ » đã góp phần duy trì hòa bình giữa các cường quốc với nhau.
Thế nhưng, giờ đây, thế giới đã thay đổi. Thế giới hôm nay không còn là thế giới của hôm qua.
Ngày nay, trong một ván cờ chính trị, có nhiều người tham gia chứ không phải là hai như trước.
Nhóm quốc gia sở hữu bom hạt nhân ngày càng lan rộng và công nghệ cũng ngày càng được cải thiện.
Các quốc gia này đang tiến dần đến việc biến vũ khí hạt nhân thành vũ khí được sử dụng
. Do đó, các chuyên gia này cho rằng đã đến lúc cần phải đi đến việc giải trừ vũ khí hạt nhân đa phương và có kiểm soát.
Related news items:
Tin mới
- Kerry cảnh báo Iran đừng câu giờ - 08/04/2013 05:00
- Trung Quốc tìm cách giành lại vị thế ở Miến Điện - 07/04/2013 19:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-04-2013 - 07/04/2013 19:33
- Trung Quốc sẽ đưa du khách đến quần đảo Hoàng Sa - 07/04/2013 19:20
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-04-2013 - 06/04/2013 20:01
- Tổng thống Syria cảnh báo quốc tế trước hiệu ứng domino tại Trung Đông - 06/04/2013 19:50
- Giới ngoại giao quốc tế vẫn ở lại Bình Nhưỡng - 06/04/2013 19:44
- Khủng bố bằng bom miền nam Thái Lan : Hai viên chức cao cấp bị sát hại - 06/04/2013 16:04
- Washington thúc giục Bắc Kinh giải quyết khủng hoảng Bắc Triều Tiên - 06/04/2013 15:54
- Người Trung Quốc vào Quảng Nam đào vàng - 05/04/2013 20:46
Các tin khác
- Tòa thánh Vatican : Triệt để chấm dứt nạn lạm dụng tình dục trẻ em - 05/04/2013 19:53
- Bạo động giữa người Hồi giáo và Phật giáo Miến Điện lan sang Indonesia - 05/04/2013 19:30
- Bắc Triều Tiên « đề nghị » Matxcơva di tản sứ quán tại Bình Nhưỡng - 05/04/2013 16:15
- Vụ xử Đoàn Văn Vươn : Đáng buồn cho nền tư pháp Việt Nam - 05/04/2013 16:02
- Ông Đoàn Văn Vươn bị kết án 5 năm tù - 05/04/2013 15:48
- Vụ tranh chấp quốc kỳ ở Indonesia gây lo ngại về phong trào đòi ly khai - 04/04/2013 22:08
- Các đại gia giấu tiền hải ngoại là ai? - 04/04/2013 21:50
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-04-2013 - 04/04/2013 21:29
- Mỹ đưa tàu đổ bộ đến tập trận với Philippines - 04/04/2013 16:40
- Quân đội Bắc Triều Tiên "được lệnh đánh Mỹ" - 04/04/2013 16:33