Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-03-2013

 Mỹ chuyển hướng chiến lược sang châu Á : Căn nguyên và những cái bẫy

Hanquoc  USS Lassen

 



Khu trục hạm USS Lassen tới Hàn Quốc ngày 9/3/2013 chuẩn bị cho cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn.
REUTERS/South Korean Navy/Handout


 

Liên quan đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay có bài phân tích đề tựa « Căn nguyên và những cái bẫy trong việc rẽ hướng sang châu Á của Hoa Kỳ ».

Tờ báo nhận định rằng, việc Mỹ tăng cường quân đội trong khu vực có nguy cơ khiến cho Trung Quốc thêm hung hăng.

Nhìn từ bên ngoài, sự chuyển hướng của Hoa Kỳ sang châu Á mang một lý do rất đơn giản, đó là vì quyền lợi kinh tế và an ninh quốc gia. Sự rẽ hướng đó được chính quyền Obama gọi là « xoay trục ». Hay nói một cách khác, chính là sự thay đổi chiến lược của Hoa Kỳ tại châu Á.

Sự « xoay trục » của Hoa Kỳ về châu Á phải được hiểu rằng Mỹ đã nhận thức được sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng và các hành động khiêu khích của Bắc KInh trước các đồng minh truyền thống của Mỹ tại khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông.

Từ hai thập niên nay, việc Bắc Kinh tăng đều đặn ngân sách quốc phòng mỗi năm đến trên 10% cho thấy một ngày nào đó Trung Quốc có thể trở thành một đối thủ đáng gờm. Đấy là chưa tính đến mối họa Bắc Triều Tiên đang đè nặng lên Hàn Quốc.

Hai yếu tố thuận lợi cho sự « xoay trục »

Theo phân tích của tác giả, có hai yếu tố mang các bản chất khác nhau sau đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự « xoay trục ». Một mặt, chính việc khám phá nguồn trữ lượng dồi dào khí đá phiến hé mở triển vọng giúp Hoa Kỳ giảm sự lệ thuộc vào nguồn dầu hỏa Trung Đông.

Như vậy, Washington đã có thể giảm quân số trong khu vực này, bắt đầu từ việc rút hết quân tại Irak vào năm 2011 và tương tự cho Afghanistan từ đây đến hết năm 2014. Mặt khác, chiến tranh lạnh kết thúc cho phép Mỹ giải ước từ từ khỏi châu Âu. Lầu Năm Góc sẽ cho rút bớt thêm quân tại các khu căn cứ ở Đức.

Kinh tế và quân sự là hai trục chính trong việc « rẽ hướng » sang châu Á

Bài phân tích nhận định, việc « rẽ hướng » sang châu Á sẽ được dựa vào hai trục chính. Trục thứ nhất liên quan đến vấn đề kinh tế.

Việc lần đầu tiên Tổng thống Obama tham dự « Hội nghị thượng đỉnh Đông Á » cho thấy Mỹ rất mong muốn đạt được một sự hội nhập kinh tế và thương mại hoàn toàn với châu Á. Hoa Kỳ bày tỏ thiện chí đàm phán về một thỏa thuận tự do trao đổi mậu dịch ngay trong lòng khối Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trục thứ hai liên quan đến vấn đề quân sự. Cam kết chuyển hướng sang châu Á đi kèm với việc tái định vị quân sự. Mà bằng chứng là Washington thông báo kể từ tháng 4/2012 sẽ gởi 2500 quân đến khu căn cứ quân sự Darwin tại Úc. Hoa Kỳ còn thắt chặt các mối quan hệ quân sự với các nước trong khu vực Đông Nam Á qua việc cho neo đậu các tàu chiến tại các khu hải cảng lớn của Singapore hay đặt các máy bay giám sát tại Philippines và cũng như qua việc cho thực hiện các đợt luân chuyển binh sĩ thường xuyên hơn.

Theo bài báo, mục tiêu của các động thái này là nhằm đạt được một sự linh hoạt luân chuyển binh lính tối đa trong khu vực mà không cần phải dựa dẫm nhiều vào các khu căn cứ quân sự thường trực của Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tác dụng ngược của chiến lược « xoay trục »

Tuy nhiên, bài phân tích đánh giá rằng sự hiệu chỉnh chiến lược trên rất có thể sẽ có tác dụng phản ngược với mục tiêu đề ra. Thay vì là nhằm ổn định - hội nhập khu châu Á – Thái Bình Dương, và đảm bảo các đồng minh châu Á của mình, sự « xoay trục » đó có nguy cơ khiến Bắc Kinh trở nên hung hăng hơn.

Trước việc luôn bị xem thường về năng lực quân sự và rất có thể luôn ám ảnh bởi sự gia tăng quân lực Mỹ, Trung Quốc đã gia tăng các tiềm năng quân sự của mình. Chẳng hạn như sự kiện Bắc Kinh khởi động chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của mình vào năm 2011.

Theo các chuyên gia phân tích, thay vì góp phần làm hạ nhiệt trong khu vực, chiến lược « xoay trục » của Hoa Kỳ có nguy cơ đẩy giới quân sự Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn. Trên thực tế là Bắc Kinh đã nói bóng nói gió đến sự trở lại «tâm lý chiến tranh lạnh».

Bài phân tích đã trích dẫn nhận định của một vị giáo sư đại học cho rằng chính sách ngoại giao mới của Hoa Kỳ đã làm trầm trọng thêm cảm giác bất an và chỉ có thể làm cho Trung Quốc thêm phần hung hăng. Chính sách này không những không tạo được sự ổn định trong khu vực mà còn gây sứt mẻ trong mối quan hệ bang giao Mỹ - Trung.

Theo vị giáo sư này, chính sách « xoay trục » này được dựa trên một đánh giá sai lầm. Ông cho rằng, Trung Quốc phô trương thanh thế chủ yếu là nhằm che đậy những bất an trong nước do nhiều năm khủng hoảng tài chính và bất ổn xã hội.

Những hạn chế trong chính sách « xoay trục »

Cuối cùng, bài phân tích cũng nhận định rằng chính sách « xoay trục » của Hoa Kỳ vẫn còn khó có thể hoàn thiện được.

Thứ nhất liên quan đến vấn đề tài chính. Tác giả cho rằng việc áp dụng cắt giảm tự động từ hồi tuần rồi sẽ làm cho ngân sách quốc phòng giảm xuống đến ít nhất là 8%, tức là giảm 500 tỉ đô-la trong vòng 10 năm.Thứ hai, việc giảm lệ thuộc vào nguồn dầu hỏa nhập khẩu từ Trung Đông vẫn còn là một triển vọng khá xa vời.

Thứ ba, có sự khác biệt giữa người tiền nhiệm và người kế thừa trong lãnh vực ngoại giao. Khác với bà Hillary Clinton, tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ ông John Kerry đã chọn châu Âu và Trung Đông làm điểm đến trong chuyến xuất ngoại đầu tiên chứ không phải là châu Á.

Một tín hiệu cho thấy Washington chưa thể nào quay lưng lại với các « đồng minh cũ » của mình.

Một điều chắc chắn là Hoa Kỳ cũng không thể nào lùi bước với châu Á. Nhưng Hoa Kỳ cũng khó có thể mà giữa thăng bằng được cán cân Đông – Tây của mình.

« Âm » và « Dương » tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh

Hôm qua, thứ ba 12/3/2013, Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Hoa bế mạc. Nếu như nhật báo cộng sản L’Humanité có vẻ hài lòng về những cam kết cải cách do ông Du Chính Thanh, tân chủ tịch Toàn quốc chính hiệp đưa ra qua hàng tựa « Trung Quốc cam kết đi theo con đường ‘dân chủ hiệp thương’ », thì báo Le Monde lại nhìn phiên họp lưỡng hội đầu tiên này dưới lăng kính của triết lý âm dương qua bài xã luận đề tựa « Tại Bắc Kinh, âm và dương ở Đại lễ đường Nhân dân ».

Lưỡng hội ở đây chính là Quốc hội nhân dân Trung Hoa và Hội Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Hoa, gọi tắt là Toàn quốc Chính hiệp.

Theo bài xã luận, « Phiên họp lưỡng hội năm nay mang một ý nghĩa đặc biệt. Đây là phiên họp đầu tiên thời Tập Cận Bình, tân Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, được chỉ định vào cuối năm 2012 ».

Trong tranh tối tranh sáng của một hệ thống chính trị quyền lực bí ẩn hơn bao giờ hết, các nhà nghiên cứu về Trung Quốc học tìm cách đánh giá các ý định cải cách của vị « tân hoàng đế » (từ trong nguyên văn).

Nếu như triết lý âm dương rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp thường nhật của người dân Trung Quốc, thì đối với tác giả bài xã luận « triết lý » đó cũng được tìm thấy trong phiên họp Quốc hội khóa 12 lần này.

Trước tiên, tác giả gán khái niệm « dương » với nguồn năng lượng năng động. Bài xã luận công nhận có những điểm mới trong phiên họp lần này như đề ra một dự án tinh giản bộ máy hành chính (giải thể một số Bộ ban ngành chính phủ nhiều tai tiếng và gây thiệt hại nặng cho kinh tế), hay như bàn về cải cách « trại lao cải » - một trong những hình thức giam giữ người vừa tùy tiện vừa vô nhân đạo cũng đã được đề cập đến trong phiên họp lần này.

Và một điểm không kém phần quan trọng cũng được tác giả bài viết liệt vào khái niệm « dương » là việc công bố ban lãnh đạo nhà nước mới, trong đó, hai nhân vật quan trọng ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường lần lượt nắm các vị trí chủ chốt Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ.

Nói về « dương » thì cũng phải nói đến « âm », đó chính là hai mặt đối lập của một sự vật. Nghĩa là trái với « năng động » chính « thụ động ». Và khái niệm « âm » đó được thể hiện rõ nét trong bài diễn văn bế mạc của ông Du Chí Thanh, tân chủ tịch Hội hiệp thương chính trị nhân dân Trung Hoa.
Ông Du Chí Thanh cũng là một trong bảy thành viên của Ủy ban thường trực Bộ chính trị Đảng Cộng sản, trung tâm quyền lực Trung Quốc.

Bài xã luận cho rằng trong bài diễn văn bế mạc, vị tân chủ tịch Chính hiệp đã dội một gáo nước lạnh, dập tắt mọi hy vọng cải cách chính trị, khi bôi nhọ tất cả những gì được cho là giống với nền dân chủ theo kiểu « phương tây ».

Ông ca tụng các giá trị của « chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Quốc », bằng cách sử dụng các ngôn từ khó hiểu mà các thành phần bảo thủ của chế độ vẫn thường vận dụng.

Lý Khắc Cường, « bác Lý » của người dân Trung Quốc

Thứ Sáu tới đây, 15/03/2013, ông Lý Khắc Cường sẽ chính thức trở thành Thủ tướng của Trung Quốc, thay thế Thủ tướng mãn nhiệm Ôn Gia Bảo.

Trong bài viết phác họa lại chân dung nhà lãnh đạo tương lai, báo Le Figaro nhận định rằng chủ trương hướng cải cách của ông có thể sẽ mang đến một làn gió mới cho đất nước.

Nhiều người trông đợi rất nhiều vào ông Lý Khắc Cường, nhà kinh tế học 57 tuổi, chủ trương tự do ngay từ thời trai trẻ. Thế nhưng, không ai biết rằng liệu tư tưởng cải cách của ông có mang lại chút đổi mới gì hay không.

Duy chỉ có một điều chắc chắn là nhà lãnh đạo mới của chính phủ sẽ là nhà lãnh đạo có bằng cấp cao nhất mà Trung Quốc được biết đến từ năm 1949.

Trong tay ông là hai bằng cấp về luật và kinh tế của trường đại học Bắc Kinh, trường đại học uy tín nhất của đất nước.

Tờ báo ghi rằng, không giống như nhiều nhà lãnh đạo khác là được mang tiếng là có bằng cấp, ông Lý Khắc Cường là một « tiến sĩ thật sự ».

Thuộc lớp sinh viên đầu tiên được bước vào giảng đường đại học sau Cách mạng Văn hóa, ông Lý Khắc Cường đã làm luận án tiến sĩ kinh tế dưới sự dẫn dắt của ông Li Yining, một trong những nhà lý thuyết chủ trương mở cửa nền kinh tế thị trường tại Trung Quốc.Một tư tưởng được nhiều bạn đồng môn của ông theo đuổi và nở rộ trong suốt những năm 1980.

Ông Jean-Philippe Beja nhà nghiên cứu khoa học của Pháp cho rằng những người thuộc thế hệ của ông Lý Khắc Cường do từng bị gởi đi về nông thôn trong thời kỳ Cách mạng văn hóa nên họ nhìn thấy rõ sự cách biệt giữa lý thuyết và thực tế. Do đó, họ có tầm nhìn thực tiễn hơn về xã hội Trung Hoa.

Sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, đa số bạn bè trang lứa của ông đi sống lưu vong ở nước ngoài, Lý Khắc Cường quyết định ngoan ngoãn ở lại trong hàng ngũ. Dưới sự bảo bọc của ông Hồ Cẩm Đào, Lý Khắc Cường đã leo từng nấc thang trong hàng ngũ Đoàn Thanh niên Cộng sản.

Nếu như không gặp phải sự phản đối tự cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, lẽ ra lần này chiếc ghế Tổng Bí thư phải rơi vào tay ông.

Lãnh đạo thành công nhiều tỉnh từ Hà Nam cho đến Liêu Ninh, năm 2007 là cột mốc lớn trong sự nghiệp chính trị. Ông chính thức trở thành một trong chính thành viên của Ủy ban thường trực Bộ chính trị. Và ông đã được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng thứ nhất, chuyên trách về kinh tế và tài chính.

Tuy nhiên quá trình sự nghiệp chính trị của ông không phải là không có vết đen. Khi ông còn là lãnh đạo tỉnh Hà Nam giai đoạn 1999 và 2003, đã xảy ra vụ tai tiếng máu nhiễm bệnh. Hàng chục ngàn người đã bị nhiễm bệnh trong khuôn khổ chương trình « hiến máu nhân đạo ».

Le Figaro nhắc lại dưới sự chỉ đạo của ông, chính quyền tỉnh Hà Nam đã sử dụng nhiều biện pháp thô bạo để ngăn chặn các tổ chức ONG và nhà báo đưa ra ánh sáng thảm kịch đó. Ông Lý chỉ bày tỏ sự hối tiếc khi mà chính quyền trung ương công khai vụ việc bốn năm sau đó.

Ngoài vụ tai tiếng trên, báo Le Figaro liệt kê lại một số kết quả đáng ngờ trong lãnh vực an toàn thực phẩm và kiểm soát giá bất động sản. Thế nhưng, Le figaro cũng nhìn nhận rằng ông Lý Khắc Cường là một trong số các nhà lãnh đạo hiếm hoi của Trung Quốc có thể sử dụng lưu loát tiếng Anh.

Nghiêm nhưng cũng niềm nở, ông có vẻ thoải mái hơn một số nhà lãnh đạo khác và ông cũng rất thẳng thắn.

Kể từ giờ, Lý Khắc Cường sẽ phải gánh lấy trách nhiệm nặng nề lèo lái từng ngày nền kinh tế thứ hai thế giới, khi tuyên bố ủng hộ cải cách và tái cân bằng mô hình tăng trưởng.

Le Figaro đặt câu hỏi « Liệu người đàn ông cẩn trọng này có thể làm được gì nhiều hơn người tiền nhiệm hay không ? ».

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia chính trị tại Trung Quốc cho rằng trong bối cảnh hiện nay, « Tập Cận Bình cũng như Lý Khắc Cường hiểu rõ rằng họ phải làm được cái gì đó, nếu không đó sẽ ngày tận thế của họ ».

Tên thánh nào cho Đức Giáo Hoàng mới ?

Chiều tối hôm qua, thứ Ba 02/03/2013, một cột khói đen ngòm bốc lên từ nóc nhà nguyện Sixtine, báo hiệu cho biết 115 vị Hồng y vẫn chưa bầu ra được một Giáo Hoàng mới, để kế vị Giáo Hoàng Benedicto XVI thoái vị hôm 28/2/2013 vừa qua.

Hôm nay, cuộc bỏ phiếu mật sẽ được tiếp tục. Thế nhưng, điều mà báo Le Monde quan tâm nhiều nhất là Giáo Hoàng tương lai sẽ chọn cho mình tên thánh nào.

Le Monde đặt câu hỏi : Phaolô VII, Gioan Phaolô III, Benedicto XVII hay là Cêlestinô VI ?

Thường thì, các vị Giáo hoàng thường chọn các tên thánh mà họ rất gắn bó hay là tên vị Giáo Hoàng tiền nhiệm nào đó để bày tỏ sự kính ngưỡng.

Chính vì điều đó, cho đến ngày nay, trong Giáo hội Công giáo có đến 23 vị Giáo Hoàng mang tên thánh Gioan (Jean), 16 vị mang tên Grêgôriô hay Benedictô, 14 vị mang tên Clêmentê hay 13 vị mang tên thánh Lêô.

Tuy nhiên, Le Monde cũng cho biết có những trường hợp phá lệ. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I đã chọn cho mình một tên thánh rất đặc biệt hiếm có là vì đó là một tên ghép. Bởi vì ông muốn bày tỏ sự tôn kính đến hai vị Giáo Hoàng tiền nhiệm là Gioan XXIII và Phaolô VI. Đó cũng chính là hai vị Giáo Hoàng đã khởi xướng và điều khiển Công đồng Vatican II.

Tai tiếng an toàn thực phẩm : Lỗi một phần do người tiêu thụ

Từ vụ tai tiếng « horsegate », thuật ngữ ám chỉ đến vụ « thịt ngựa giả thịt bò » tại châu Âu, báo Libération có bài phân tích cho rằng chính việc lấy sự tiện lợi và giá rẻ thay cho các mặt tươi sống và chế biến theo truyền thống, người tiêu thụ cũng tham gia vào cuộc chơi của nhà phân phối lớn.

Libération cho biết ngày nay « các món ăn nấu sẵn” có mặt mọi lúc mọi nơi, từ trong nhà bếp của chính chúng ta cho đến các khu nhà ăn tập thể và từ bữa điểm tâm cho đến bữa ăn tối.

Vụ « horsegate » đã làm nổi lên một câu hỏi quan trọng đó chính là mối quan hệ chất lượng – giá cả.

Người tiêu thụ sẽ còn sẵn sàng đi đến đâu để tự đầu độc mình chỉ để nhằm trút hầu bao ít nhất ?

Bài báo cho rằng chính chúng ta những người tiêu thụ đang phớt lờ biết bao thiệt hại trong cuộc chiến giá cả trong đó có sự góp phần tham gia của người tiêu thụ.

Lối sống hiện đại thích sự tiện lợi, nhanh chóng và giá rẻ của chúng ta không những không làm cho bữa ăn đậm đà hương vị, mà chỉ làm giàu cho các nhà phân phối và gây thiệt hại cho các nhà sản xuất chính.

Libération lấy mặt hàng cá trích xông khói làm ví dụ điển hình. Cá trích xông khói hiệu JC David giá 4 euro một gói.

Cùng trên một gian hàng, các đối thủ cạnh tranh giá chỉ có một nửa. Chủ nhân hãng JC David giải thích, theo nguyên tắc cá phải được xông khói đủ 4 ngày trong lò củi thì mới đậm mùi. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh chỉ xông khói có 8 tiếng bằng lò điện.

Tuy nhiên, điểm lạc quan là nhờ vào vụ « horsegate » này mà người tiêu thụ bắt đầu thấy được ý nghĩa mới của việc chuẩn bị bữa ăn, theo như nhận định của một nhà xã hội học Pháp.

Switch mode views: