Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Việt Nam vẫn chỉ chống tham nhũng bằng miệng

HÀ NỘI (NV) .- Các vụ án tham nhũng “chưa tương xứng với tình hình” là nhận định của nhiều người trong buổi hội thảo về thực trạng và các giải pháp chống tham nhũng, do Thanh tra Chính phủ CSVN tổ chức.

xuthamnhung vnTòa án thành phố Hải Phòng xử sơ thẩm vụ án “cố ý làm trái” tại Vinashin tháng 3 năm 2012. Tham nhũng tràn lan nhưng số vụ án về tham nhũng luôn luôn rất thấp. (Hình: Thông tấn xã CSVN)

Trong hội thảo vừa kể hồi tuần qua, tất cả mọi người đồng ý rằng, tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở tất cả các cấp, các ngành với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm dân chúng mất lòng tin vào chính quyền.

Ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam, thừa nhận, chủ trương, chính sách, việc áp dụng quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa sát thực tiễn, thiếu hiệu quả. Số vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý còn thấp, chưa tương xứng với tình hình.

Tuy phát giác nhiều vi phạm về kinh tế nhưng thanh tra, kiểm toán còn lúng túng khi xác định hành vi tham nhũng nên xử lý hình sự ít. Việc xét xử các bị cáo tham nhũng chưa nghiêm, hình phạt nhẹ, số bị cáo được hưởng án treo chiếm đến 45%. Chưa kể, số trường hợp bị can phạm các tội tham nhũng được đình chỉ điều tra hoặc miễn trách nhiệm hình sự lên tới gần 30%.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam minh họa thêm về chuyện Việt Nam vẫn đang chống tham nhũng bằng miệng: Năm 2012, số lượng bị can trong các vụ án tham nhũng được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra quyết định đình chỉ điều tra cao gấp ba lần so với các địa phương. Đáng nói là trong nhiều năm qua, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu phải xem lại, phải giải thích rõ ràng về thực trạng phổ biến này nhưng “mèo vẫn hoàn mèo”.

Một thực tế khác liên quan đến chống tham nhũng tại Việt Nam, đã kéo dài nhiều năm nhưng vẫn nguyên vẹn như cũ là chuyện “tự phát hiện tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất hạn chế”.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra, cho rằng, chính quy định “người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm và xử lý khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách”  khiến lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị không làm gì hết bởi “sợ ảnh hưởng đến uy  tín, phải chịu trách nhiệm cá nhân và ảnh hưởng tới khả năng thăng tiến của họ”.

Tham nhũng tràn lan còn vì việc thực hiện yêu cầu “công khai, minh bạch” trong các cơ quan, đơn vị còn hình thức, đối phó. Trách nhiệm của người đứng đầu ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nặng về hình thức.

Nhiều người đề nghị, muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì phải xử người đứng đầu. Mặt khác, cần sửa đổi luật Hình sự, xác định rõ các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của những tội phạm liên quan tới tham nhũng. Định nghĩa rõ hơn về các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “rất lớn”, “thu lợi bất chính lớn” trong các tội phạm về kinh tế, chức vụ và tham nhũng. Phân định rành mạch thẩm quyền hành chính và quyền hạn tố tụng.

Thanh tra Chính phủ Việt Nam cho biết, mỗi năm, trung bình chỉ có 282 vụ án tham nhũng và 600 bị can được điều tra, truy tố, xét xử. Trong khi đó, kết quả cuộc khảo sát mới nhất về quan điểm và trải nghiệm của dân chúng đối với tình trạng tham nhũng, do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) vừa thực hiện tại Việt Nam, cho thấy, 55% dân chúng tin rằng, tham nhũng tại Việt Nam chỉ tăng chứ không giảm.

Cũng theo kết quả từ cuộc khảo sát này, sự bi quan của dân chúng Việt Nam về thực trạng tham nhũng, đang đứng hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Niềm tin của những người được khảo sát về hiệu quả của các nỗ lực chống tham nhũng từ phía nhà cầm quyền CSVN chỉ đạt tỷ lệ 24%, thua Thái Lan (25%), Malaysia (31%), Philippines (41%) và Campuchia (57%).

Một điểm đặc biệt khác từ kết quả cuộc khảo sát về quan điểm và trải nghiệm của dân chúng đối với tình trạng tham nhũng tại Việt Nam, do Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố là tỷ lệ dân chúng Việt Nam muốn trực tiếp tham gia đấu tranh chống tham nhũng hiện thấp nhất khu vực Đông Nam Á. (G.Đ)

Switch mode views: