Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Người ở Thủ Đô buộc phải "sống chung với lũ"


lu thudo 1
Người dân Chương Mỹ sử dụng mọi vật dụng có thể cho việc đi lại trong trận lụt lịch sử. RFA

Suốt gần tháng qua, các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến và Hoàng Văn Thụ của huyện Chương Mỹ, Hà Nội bị ngập nặng; cư dân địa phương phải sinh sống trong vùng ngập lụt. Khác với người dân ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long nơi hằng năm có mùa nước nổi, dân địa phương quen thuộc với tình trạng nước dâng cao mỗi năm nên ‘sống chung với lũ’ một cách bình thường. Trong khi đó cư dân các xã ngoại thành Hà Nội hiện đang chật vật chống chọi bao hệ lụy do nước lũ lưu cữu kéo dài.

Trận lụt “lịch sử”


Hai huyện Quốc Oai và Chương Mỹ ở ngoại vi thủ đô Hà Nội là những nơi trũng, được xem là “rốn lũ” của cả thành phố. Tình trạng cứ đến mùa mưa bão thì ngập lụt đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng theo người dân ghi nhận, diễn biến ở bờ nam sông Bùi, huyện Chương Mỹ năm nay là nghiêm trọng nhất mà họ từng thấy.

    Từ năm tôi nhớn đến giờ là hơn 50 tuổi rồi, năm nay mới là ngập to. Mọi năm cũng ngập nhưng mà chỉ ở dưới này cơ, chỉ ngập ít thôi... - Người dân Chương Mỹ

“Từ năm tôi nhớn đến giờ là hơn 50 tuổi rồi, năm nay mới là ngập to. Mọi năm cũng ngập nhưng mà chỉ ở dưới này cơ, chỉ ngập ít thôi, nhưng mà màu mỡ cũng mất, nhưng mà xong cạn ra ngay, chỉ trong vòng tuần hơn một tuần là cạn ra. Đây mức nước này chúng tôi tính phải hàng tháng mới cạn ra.” người dân thôn Tiên Tiến, xã Tân Tiến, Chương Mỹ.

“Năm ngoái ngập thua năm nay mấy chục phân cơ, nó phải lên đến tầm 20 phân vượt năm ngoái. Cái nước sau đây này, cái nước trước vẫn bình thường. Cái nước sau ngập mới ác.” người dân thôn Tiên Tiến, xã Tân Tiến, Chương Mỹ.

Tại huyện Chương Mỹ, khu vực bờ nam sông Bùi đã chịu cảnh ngập lụt từ ngày 20/7/2018 và đỉnh điểm là các ngày 29-30/7 vừa qua khi đê tả có nguy cơ vỡ đe dọa khu vực nội thành Hà Nội. Cho đến ngày 2/8/2018, nước trên sông Bùi tiếp tục chảy vào thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến.

Những khó khăn trong sản xuất và đời sống

Để tránh nguy cơ vỡ đê tả Bùi, chính quyền thành phố Hà Nội đã huy động hàng trăm người và phương tiện gia cố đê, đắp thêm hàng ngàn bao cát. Còn theo người dân, nước sông chảy vào ba xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến và Hoàng Văn Thụ góp phần giúp mực nước sông hạ bớt, tránh nguy cơ vỡ đê, cứu nguy cho nội thành

“Người ta bảo là bên này là để chứa nước để nó khỏi về Hà Nội. Bên này phải chịu ngập lụt để chịu gánh cho khỏi vỡ bên kia, cho nên người ta còn cho chảy về bên này cơ. Kể ra mà chống thì cũng chống được, nhưng nhà nước người ta làm để bên này chịu gánh vì bên này không phải là thành phố, là Hà Tây nhiều đồi núi, ít nhà, ít dân hơn.”

“Về nguyên tắc thi mà nước lớn không có chỗ lưu thông thì sẽ chảy vào chỗ này. Nước trong này sẽ dâng cao lên. Như vừa rồi chính quyền cố gắng đắp đê tả Bùi để giảm áp lực, cứu trợ đồng bào bên kia, thì bên này nước dâng lên rất nhanh. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ đã lên đến sấp xỉ vài chục cm so với đỉnh điểm trước đó.” Người dân thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ.

Hơn 3.600 hộ gia đình của huyện Chương Mỹ sống trong cảnh ngập sâu dưới 2m nước, bị cắt điện, tài sản bị hư hại, thiếu lương thực, nhiều gia đình phải đi ở nhờ. Tính đến ngày 1/8/2018, khoảng 6.000 người đã đi sơ tán, chủ yếu là trẻ nhỏ và người già.

Người dân vùng này kiếm sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, làm đồ mây tre đan thủ công và làm thuê tại những nơi khác. Ngập lụt khiến cho hàng trăm hecta lúa và hoa màu của họ mất trắng, chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng và không thể sản xuất, lưu thông hàng hóa thủ công.

lu thudo 2
Một người dân kiểm tra đàn vịt của mình trong lụt ở Chương Mỹ hôm 2/8/2018 AFP

Tuy nhiên, phía chính quyền chưa đưa ra chính sách hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất, khôi phục đời sống sau khi nước rút đi.

“Đến giờ phút này, theo mình được biết, chính quyền chưa có đại diện lên tiếng về vấn đề hỗ trợ cho bà con thiệt hại về tài sản, cây trồng, vật nuôi hay là về chính sách khác về khu vực chứa nước giảm áp lực cho đê tả Bùi. Bà con đang phân vân, khá là không an tâm vì ngập lụt kéo dài và nước sâu thế này. Cái thiệt hại chưa biết giải quyết thế nào.”

Một vấn đề quan trọng khác là thu nhập giảm sút và đời sống của các gia đình bị ảnh hưởng do ngập lụt, gây nên khó khăn trong việc đóng học phí, mua sách vở cho con em khi năm học mới đã đến.

“Nhiều năm nay, khu vực này đã bị ngập lụt, như hai năm nay là diễn ra thường xuyên. Chính quyền cũng chưa có một chính sách về giải quyết miễn học phí hay giảm học phí cho các cháu.”

“Bây giờ đang bảo làm đơn để đề nghị nhà trường miễn giảm cho một số nào đấy; lên xã làm đơn để người ta chứng nhận cho lên nhà trường đóng ngần nào thôi. Năm nay là không biết đóng nhiều không, chứ năm ngoái ngập, người ta miễn cho, chỉ đóng có 5 triệu.”

Nguyện vọng của người dân

Trong tình cảnh nước ngập “mênh mông bể sở”, người dân chỉ mong sao nước rút để họ có thể quay trở lại cuộc sống bình thường, khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, để khắc phục hậu quả của ngập lụt trước mắt và dài hạn, ngoài nỗ lực của từng gia đình, người dân cần sự hỗ trợ của nhà nước và các doanh nghiệp.

    Rất nhiều bà con muốn rằng là chính quyền thành phố Hà Nội và huyện Chương Mỹ có những chính sách đặc biệt cho bà con ở vùng rốn lũ, đặc biệt nữa là cải tạo đê điều, giảm thiên tai. - Người dân Chương Mỹ

“Rất nhiều bà con muốn rằng là chính quyền thành phố Hà Nội và huyện Chương Mỹ có những chính sách đặc biệt cho bà con ở vùng rốn lũ, đặc biệt nữa là cải tạo đê điều, giảm thiên tai. Nếu chưa cải tạo đê điều, thì bà con mong muốn là sẽ có những chính sách hỗ trợ bà con về thiệt hại tài sản, cũng như là sức khỏe, tinh thần.”

“Tôi rất là muốn nguyện vọng. Nguyện vọng thứ nhất là con cái ăn học, về vấn đề lương thực với tiền nong đóng học là cũng gay. Còn sau, ăn hết mấy tạ thóc thì chả biết nhà nước có hỗ trợ cho cái gì không. Chả hỗ trợ cái gì thì phải xoay, chứ còn biết làm thế nào.”

Trước mắt, sau khi nước rút đi, chính quyền thành phố Hà Nội, huyện Chương Mỹ và người dân cần làm sạch môi trường, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tiếp đến là chính quyền cần hỗ trợ khôi phục sản xuất, khắc phục thiệt hại về tài sản của người dân bằng chính sách tín dụng, miễn giảm thuế, phí. Trong lĩnh vực giáo dục, chính quyền cần có chính sách miễn học phí cho học sinh trong vùng chịu thiệt hại.

Switch mode views: