Cấm hay không cấm tin giả?
- Thứ Bảy, 07 tháng Bảy năm 2018 13:53
- Tác Giả: Hà Tường Cát/Người Việt
Một người sử dụng Internet ở quán cà phê ở Hà Nội. Quốc Hội CSVN vừa thông qua luật “An Ninh Mạng” với mục đích ngăn chặn và kiểm soát các thông tin bất lợi cho chế độ. (Hình: Getty Images)
Câu hỏi đặt ra có vẻ nghịch lý, nhưng để giải đáp không hề đơn giản. Trong lãnh vực thông tin, tin tức là loại sản phẩm đến với mọi người một cách gián tiếp, qua nhân sự và phương tiện truyền thông. Tin tức chỉ là sự tường trình với nhãn quan và nhận định của người làm truyền thông, không bao giờ tuyệt đối đầy đủ và độc lập.
Các cá nhân và chế độ độc tài tìm cách ngăn cấm những tin tức bất lợi cho mình và cáo buộc đó là tin giả. Điều đó chính là một hình thức vi phạm quyền tự do ngôn luận. Vì thế không nên đặt ra luật lệ ngăn cấm bất cứ thông tin gì, trong từng tình huống, nếu cần hãy phân xử bằng pháp luật.
Tin giả (fake news) là thuật ngữ được nhắc đến lần đầu tiên trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 và ngày nay trở thành hiện tượng toàn cầu.
Loan truyền những chuyện vô căn cứ, bịa đặt, hoặc cố ý xuyên tạc không phải là điều xa lạ, từ khi loài người có báo chí. Ngày nay bên cạnh mặt tốt về khả năng truyền bá tin tức nhanh chóng, rộng rãi và dễ dàng, cũng có hiện tượng không tốt là nó khiến môi trường thông tin bị “ô nhiễm,” đến mức không ai dám chắc cái gì là thật và đáng tin, còn cái gì là giả.
Một phân tích của MIT (Massachusetts Institute of Technology) và Twitter về các tin loan truyền trên mạng xã hội cho biết tin đồn, tin giả, lan truyền nhanh chóng và đến với nhiều người hơn tin thật do nó được đăng tải lại, re-tweet nhiều. Lý do vì tin giả có xu hướng tạo ra bất ngờ, có vẻ mới lạ hơn tin thật, và mọi người thường muốn chia sẻ các thông tin mới lạ.
Theo kết quả nghiên cứu tại Anh, tin giả được đăng tải lại nhiều hơn 70% so với tin thật. Tin thật tốn thời gian gấp 6 lần so với tin giả để đến tay 1,500 người đọc. Và tin thật hiếm khi có được lượng chia sẻ trên 1,000, trong khi tin giả có thể đạt tới lượng chia sẻ 100,000 người.
Môi trường xuất phát tin giả dễ dàng nhất và nhiều nhất là trên Internet với các mạng xã hội: Twitter, Facebook, YouTube. Các cơ quan truyền thông chuyên nghiệp có thể phải lãnh trách nhiệm về mặt pháp lý khi loan tin và các nhân viên hiểu rõ những nguyên tắc phải tuân thủ. Sai lầm về mặt kỹ thuật đôi khi không thể tránh khỏi, nhưng trường hợp đó không coi là tin giả vì không có sự cố ý.
Chủ đề liên quan đến chính trị có nhiều tin giả nhất, tiếp theo là những tin đồn kiểu huyền thoại. Các đề mục khác như kinh tế, khoa học, giải trí, xã hội có tin giả ít hơn. Những kỳ bầu cử luôn luôn là lúc xuất phát các tin giả và chuyện vu cáo các tin thật là tin giả. Viện lý do ổn định tình trạng ấy, nhiều chính quyền đưa ra luật cấm tin giả mà mục đích chính là ngăn chặn các thông tin không lợi cho họ.
Mạng xã hội phổ biến trên toàn cầu. (Hình: Getty Images)
Malaysia vừa thông qua một đạo luật, quy định tin giả là “sự phổ biến sai một phần hoặc toàn bộ tin tức, thông tin, dữ liệu và báo cáo dưới dạng tài liệu, hình ảnh, ghi âm hay bất kỳ hình thức nào khác có khả năng gợi ngôn từ hoặc tư tưởng.”
Phổ biến tin giả cũng có tội như phát hành, tiền phạt có thể tới 500,000 ringgit ($123,000) và án tù tối đa 6 năm. Dư luận phê phán cho rằng đạo luật cấm tin giả này là một cách hạn chế quyền tự do ngôn luận và ngăn chặn sự công kích chính quyền đương nhiệm trước cuộc tổng tuyển cử vào Tháng Sáu sắp đến.
Malaysia không phải nước duy nhất đặt vấn đề tin giả, các nước Châu Á khác như Singapore và Philippines cũng đều chuẩn bị luật lệ tương tự. Thái Lan đã coi việc loan truyền “tin tức sai” trên Internet là tội hình sự. Bộ Thông Tin Cambodia tháng trước họp kín để tìm biện pháp “chống tin giả.”
Tạp chí The Diplomat ở Nhật cho biết Việt Nam đã có luật mới về “an ninh mạng” và “Lực Lượng 47” với 10,000 nhân sự theo dõi những quan điểm sai trái trên mạng.
Bà Aung San Suu Kyi, khi chưa nắm quyền hành từng là nhà tranh đấu nổi tiếng cho tự do ngôn luận, bây giờ bào chữa cho chính quyền Myanmar, gọi vụ đàn áp dân thiểu số Hồi Giáo Rohyngia, mà truyền thông quốc tế tường trình là “tin giả.” Bộ trưởng Thông Tin Indonesia dọa đóng cửa Facebook trước cuộc bầu cử năm 2019 vì để lộ dữ kiện cá nhân và loan tin giả.
Nhiều nước Âu Châu cũng soạn thảo những dự luật về tin giả. Liên Âu đề nghị luật lệ áp dụng với các hãng điều hành mạng xã hội chứ không nhắm vào người sử dụng. Pháp muốn các thẩm phán có thể can thiệp gỡ bỏ những tin tức có nội dung sai trái ra khỏi mạng xã hội, nhưng không truy tố nguồn tin. Anh thành lập “đơn vị chống tin giả” nhằm răn đe các cá nhân, tổ chức và quốc gia phổ biến tin giả, nhưng chưa cho biết chi tiết về phương cách hành động.
Ấn Độ cũng đã đưa ra luật trừng trị các nhà báo loan tin giả, nhưng bị nhiều chỉ trích và chỉ 24 giờ sau, Thủ Tướng Narendra Modi phải cho lệnh thu hồi. Câu lạc bộ báo chí Ấn Độ nói rằng: “Việc chính phủ hạn chế đệ tứ quyền, một trụ cột dân chủ của chúng ta, không phải là giải pháp.”
Tại Mỹ, cuộc chiến trường kỳ giữa Tổng Thống Donald Trump và giới truyền thông đã tiếp diễn không ngừng, từ hơn một năm bất phân thắng bại. Hầu hết các cơ quan truyền thông liên tục chỉ trích ông Trump, không chỉ phê phán đường lối chính sách mà còn khai thác những chuyện tai tiếng để làm giảm uy tín cá nhân ông chứ không nhắm mục tiêu gì nhiều hơn. Chỉ trích, phê bình chính quyền là truyền thống sinh hoạt dân chủ và của báo chí ở mọi xứ tự do.
Ngược lại ông Trump gọi bất cứ cáo buộc nào về mình là tin giả, không cần viện ra bằng chứng hay lý lẽ đáng tin cậy, Những người tuyệt đối ủng hộ ông cũng hùa theo, phụ họa vô điều kiện vào lập luận ấy. Do thiếu ý thức chính trị căn bản, họ còn đi xa hơn, cáo buộc tất cả các cơ quan truyền thông dòng chính là thiên tả, có tư tưởng xã hội chủ nghĩa và thậm chí là cộng sản.
Một nghiên cứu của hai giáo sư Đại Học Yale cho biết, qua cuộc đối đầu dai dẳng này, những người Cộng Hòa thiên về chỗ tin tưởng các cơ quan truyền thông nặng đảng tính và sẵn sàng gieo rắc tin thất thiệt, hơn là truyền thông dòng chính có khuynh hướng cấp tiến mà họ gán cho là phe đảng Dân Chủ. Hiện tượng này phát triển do Tổng Thống Donald Trump công khai tán trợ các cơ quan truyền thông thiên vị như Fox News và Sinclair Broadcasting.
Ngay từ buổi đầu, Tổng Thống Donald Trump đã công khai coi truyền thông Mỹ là thù địch, ông muốn đưa ra những luật lệ mới kiềm chế báo chí kể cả kiểm duyệt. Nhưng ý đồ đi tới độc tài đó không thể nào phát triển trong lòng nền dân chủ Mỹ đã có căn bản bền vững từ thời lập quốc.
Tuy nhiên khi một tổng thống Mỹ gọi tất cả những thông tin không vừa ý mình là “Fake News” (tin giả), thì ông còn khuyến khích những chính trị gia ở các nước – vốn không có truyền thống tôn trọng quyền hiến định về tự do ngôn luận – sẵn sàng gia tăng tấn công vào giới truyền thông. Những người đó không lo ngại sự chỉ trích của dư luận quốc tế, bởi vì chính nhà lãnh đạo quốc gia giữ vai trò cầm cương nảy mực về tự do báo chí cũng đang muốn làm giảm uy lực của báo chí.
Vì vậy, cấm việc nói sai, làm sai, cấm điều gian trá, ngăn chặn sự lừa dối là nghĩa vụ chung, nhưng chớ nên lầm lẫn thiếu sáng suốt trong những chuyện liên quan đến cái gọi là tin giả. (Hà Tường Cát)
Related news items:
Tin mới
- Móc cống ở Sài Gòn, nghề đối mặt với tử thần - 11/09/2018 23:26
- Xe lôi, nghề kiếm cơm ở Châu Đốc - 06/09/2018 00:26
- So sánh 35 quân lực mạnh nhất thế giới - 31/08/2018 03:14
- 2018, năm cháy rừng nặng nề nhất tại California - 14/08/2018 23:22
- Người ở Thủ Đô buộc phải "sống chung với lũ" - 08/08/2018 01:16
- Lê Văn Tám và những huyền thoại cách mạng - 02/08/2018 11:41
- Donald Trump cải chính phát ngôn về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ - 19/07/2018 03:37
- Bắc Hàn cho Hoa Kỳ ‘leo cây’ vụ trả hài cốt lính Mỹ - 13/07/2018 11:23
- Mùa Hè đi bắt cá lên bờ ở Nam California - 11/07/2018 17:12
- Trẻ em và mùa hè ngày nay - 11/07/2018 16:45
Các tin khác
- Facebook và làn sóng bất mãn trên không gian ảo ở Việt Nam - 01/07/2018 23:29
- Những nạn nhân bị công an đánh sau bạo động ở Bình Thuận nói gì? - 29/06/2018 00:36
- Thông điệp của Hoa hồng: ‘Đem yêu thương vào nơi oán thù’ - 27/06/2018 11:45
- Khi những công dân yêu nước biểu tình bị ‘xử lý nghiêm’ - 24/06/2018 12:56
- Việt Nam ‘bất ngờ’ bị đứt cáp Internet trước ngày dự trù biểu tình - 17/06/2018 19:30
- Hội Đồng Giám Mục Mỹ: Chia cách mẹ con ở biên giới là ‘vô đạo đức’ - 15/06/2018 00:34
- Hàng vạn người biểu tình khắp Việt Nam, báo ‘lề phải’ xem như không có - 10/06/2018 19:37
- LS Nguyễn Văn Đài và cô Lê Thu Hà sang Đức tị nạn - 08/06/2018 11:23
- Biển Đông: ‘Tự do hải hành’ của Mỹ không đủ răn đe Trung Quốc - 04/06/2018 20:18
- Blogger Mẹ Nấm tuyệt thực và ngừng ăn thức ăn của nhà tù - 01/06/2018 15:26