Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hội Trái Tim Bác Ái giúp cộng đồng hiểu về bệnh tự kỷ


WESTMINSTER, California (NV) - Sáng Chủ Nhật, 17 Tháng Tư, Hội Trái Tim Bác Ái đã tổ chức một buổi hội thảo về bệnh tự kỷ tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster.

hoithao benhtuky 1
Hai thuyết trình viên Donna Perfetti (phải) và Michael Trần giảng giải phương cách để gia đình giúp các trẻ em tự kỷ. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Đây là một sinh hoạt thường xuyên, cứ hai tháng hội lại tổ chức một lần, thường là tại nhật báo Người Việt “để giúp cho các gia đình trong cộng đồng người Việt hiểu biết thêm về bệnh tự kỷ. Trong những dịp này, hội thường mời các chuyên viên về bệnh tự kỷ đến để hướng dẫn, giải thích cho thân nhân những phương cách giáo dục huấn luyện người bệnh hoạt động được lại bình thường,” ông Quí Trần, phó hội trưởng, cho biết.

Lần hội thảo này, hai chuyên viên được hội mời đến nói chuyện là bà Donna Perfetti, chuyên viên trị liệu chức năng (occupational therapy), và ông Michael Trần, nhân viên của bệnh viện Pediatric Clinic.

Có khoảng 10 đồng hương đến tham dự, nhưng dù ít, hai thuyết trình viên vẫn nhiệt tình nói về đề tài của mình, góp phần hướng dẫn thiết thực cho thân nhân những người bệnh.

Theo các chuyên gia này, bệnh tự kỷ nên được chú tâm săn sóc từ sớm nghĩa là từ khi còn nhỏ tuổi. Để phát hiện nơi các em, một số những dấu hiệu sau đây có thể được ghi nhận để báo cho bác sĩ biết, như các em chỉ thích chơi một mình, không biết bắt chước, hay la hét, nổi sùng khi không diễn tả được, thường thích chạy nhiều hơn đi, tỏ ra hung bạo, tự hành hạ thể xác, có khi còn không phân biệt được người thân hay lạ.

Để đối phó trong trường hợp này, thân nhân trong gia đình cần nên tìm đến các tổ chức chuyên môn để gặp gỡ trao đổi những kinh nghiệm, học hỏi từ những bác sĩ, chuyên viên về bệnh tự kỷ, lắng nghe những hướng dẫn của các bác sĩ, các thầy cô và các chuyên viên tâm lý.

Những phương pháp nên được áp dụng cho các em bị tự kỷ, trước hết là về dinh dưỡng.

hoithao benhtuky 2
Ông Quí Trần (phải) trả lời cuộc phỏng vấn. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Trong phần này, thuyết trình viên Donna Perfetti đề cập chi tiết về những món ăn, cách thức cho ăn cho các em bị tự kỷ. Cần chú tâm theo dõi, kiên nhẫn tập cho các em trong sinh hoạt ăn uống được như người thường.

Thuyết trình viên Michael Trần đề cập những phương pháp hướng dẫn các em về ngôn ngữ, ăn nói, hoạt động để cho các em dần trở lại như bình thường qua những trò chơi, leo cầu thang, hoạt động chân tay. Cần nhớ rằng người bệnh tự kỷ thường không có phản xạ nên khi để các em leo cầu thang phải hết sức chú ý.

Các thuyết trình viên đã dành nhiều thời giờ để trao đổi với người tham dự trong những trường hợp riêng, cá biệt và góp ý cũng như hướng dẫn những phương pháp thực hiện với các em bị tự kỷ như hoạt động, ăn nói, vui chơi, sinh hoạt gia đình...

Đây có lẽ là phần các tham dự viên rất chú ý nên cuộc hội thảo đã đem lại nhiều điều bổ ích cho người đến tham dự.

Tóm lại, để săn sóc, hướng dẫn giáo dục cho các em bị tự kỷ, theo ông Quí Trần, thân nhân trong gia đình là chính. Cũng có nhiều cơ quan tổ chức, nhà trường có những chương trình giúp đỡ đặc biệt cho con em bị tự kỷ, gia đình có thể tìm đến xin được trợ giúp hoặc nhờ các luật sư xin được quyền lợi cho con em mình. Nhưng trước hết là phải tự mình tham dự vào các buổi hội thảo như thế này để trao đổi kinh nghiệm cho nhau, nghe những hướng dẫn của các chuyên viên, bác sĩ, các nhà tâm lý học...

Ông Quí Trần cho biết Hội Trái Tim Bác Ái còn có nhiều hoạt động khác nữa để giúp cho các trẻ em nghèo, tật bệnh ở trong nước. Hàng năm hội có những buổi gây quĩ để làm những công việc này và thường được sự ủng hộ nhiệt thành của bà con trong cộng đồng khắp nơi. Cũng trong những dịp này hội có báo cáo chi tiết về chi thu của hội và hỉnh ảnh về hoạt động của hội tại Việt Nam.

Switch mode views: