Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hội thảo ‘Tàn tích chiến tranh: Thăm lại Việt Nam’ gợi bao nỗi nhớ


hoithao chientranh vn 1
Từ trái, cô Trâm Lê, ông Đinh Sinh Long, và ông Harrell Fletcher trong buổi hội thảo về chiến tranh Việt Nam. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

LOS ANGELES, California (NV) – Trưa Chủ Nhật, 1 Tháng Mười, viện bảo tàng Hammer Museum tổ chức buổi hội thảo “War Remnants: Vietnam Revisited” tại Hammer Museum, Los Angeles, gợi lại nhiều kỷ niệm trong lòng người gốc Việt.

Viện bảo tàng mời ông Harrell Fletcher, ông Đinh Sinh Long, và cô Trâm Lê tham dự.

Ông Fletcher cho biết buổi hội thảo được thành hình nhờ cảm hứng từ bộ phim phóng sự “The Vietnam War” của hai đạo diễn Ken Burns và Lynn Novich vừa khởi chiếu trên đài PBS.

Chương trình bắt đầu do ông Fletcher giới thiệu và chia sẻ cảm nghĩ của ông về một số hình ảnh mà ông chụp lại từ Bảo Tàng Chứng Tích Chiến Tranh tại 28 Võ Văn Tần, Quận 3, Sài Gòn, Việt Nam.

hoithao chientranh vn 2
Một người lính Mỹ đốt nhà của một người tình nghi là Việt Cộng. (Hình chụp lại từ tiển lãm. Đằng-Giao/Người Việt)

Ông cho biết, những hình ảnh ông chọn lọc không có tính tuyên truyền thân Cộng mà chỉ cho thấy quân nhân Mỹ rất lạc loài ở Việt Nam.

Như nhiều người không thích chiến tranh, ông cho rằng việc chính phủ Mỹ gởi quân đội trực tiếp tham chiến tại chiến trường Việt Nam là một sai lầm ngay từ nguyên tắc cơ bản.

Ông nhắc lại “The Domino Theory” của cố Tổng Thống Dwight Eisenhower được chính phủ Mỹ tin theo từ thời 1950 đến 1980, là nếu một nước theo Cộng Sản thì những nước láng giềng cũng theo cộng sản luôn, như những quân cờ domino xô nhau ngã.

Đó là lý do tại sao quân đội Mỹ có mặt tại Việt Nam.

Nhưng rồi bằng chứng cho thấy sau khi miền Nam Việt Nam bị cộng sản cưỡng chiếm, không có nước nào ở khu vực Đông Nam Á theo cộng sản cả.

Kế tiếp, cô Trâm Lê, thuộc đại học UCI, trình bày quan điểm của mình.

Là một trong những người có công thành lập, duy trì và phổ biến “Viet Stories, a Vietnamese American oral history Project” tại đại học UCI, cô Trâm cho rằng những hình ảnh trưng bày tại Bảo Tàng Chứng Tích Chiến Tranh chỉ là một sự tuyên truyền một chiều của Việt Cộng mà thôi, và qua những câu chuyện kể mà cô thu thập được từ những người tị nạn Cộng Sản thì sự hãi hùng của họ còn hơn những hình ảnh tuyên truyền đó.

Cô nói: “Đến khu Little Saigon ở Orange County, người ta hay nói đến sự thành công về thương mại của người gốc Việt, nhưng không ai biết đến những gì họ đã phải bỏ lại sau lưng để đến đây tìm tương lai cho con cái, một tương lai mà Việt Cộng đã cướp đi của họ.”

Những năm gần đây, mỗi mùa bãi trường, người ta chỉ nghe đến việc học sinh gốc Việt đậu thủ khoa, á khoa, chứ không ai biết rằng họ là thế hệ hậu duệ của những nạn nhân Cộng Sản, cô tiếp.

Sau đó, ông Long, cư dân Huntington Beach, cựu sĩ quan QLVNCH, nói về hoàn cảnh của mình sau ngày mất nước 30 Tháng Tư 1975.

Ông nói: “Thảm họa chiến tranh không chấm dứt sau ngày đen tối ấy. Biết bao nhiêu anh em binh sĩ chúng tôi đã chịu cảnh đọa đày trong địa ngục trần gian tại những trại giam cộng sản mà họ gọi là ‘trại học tập cải tạo.’”

Bao nhiêu tang thương, bao nhiêu là cảnh gia đình tan nát, con mất cha, vợ mất chồng vì cảnh tù đày của những cựu sĩ quan QLVNCH trước mũi súng đe dọa của Việt Cộng sau khi chiếm được miền Nam Việt Nam, ông Long cho biết.

Ông nói rằng những hình ảnh tuyên truyền của Cộng Sản Việt Nam chỉ là một chiều.

Ông lấy ví dụ, một trong những hình ảnh làm nhiều người phản chiến phê phán chiến tranh Việt Nam là tấm ảnh Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, tổng giám đốc Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam, đưa súng vào đầu một chiến binh Việt Cộng bị bắt trong một cuộc tấn công ở Sài Gòn. Người ta không biết rằng người này bị “xử tử” vì đã giết hại một gia đình tám người, kể cả đàn bà và trẻ em trước đó vài phút.

Ông kết luận: “Một bức ảnh không nói hết được câu chuyện.”

Tóm lại, cô Trâm và ông Long chỉ muốn là nhân chứng, bổ khuyết cho những tội ác chiến tranh đối với dân tộc của Việt Cộng mà Bảo Tàng Chứng Tích Chiến Tranh không đá động tới.

Bà Vivian Nguyễn, cư dân Santa Monica, nói: “Chiến tranh thật tàn nhẫn. Bao năm nay tôi cố quên những cảnh tượng hãi hùng mà tôi chứng kiến hồi còn nhỏ, nhưng những tiếng rên rỉ vì đau đớn, cứ thỉnh thoảng lại vang bên tai tôi. Bây giờ nhìn lại, mọi việc tưởng như mới xảy ra hôm qua. Nhưng bây giờ tôi không sợ nữa. Bây giờ, tôi tin tưởng là tôi đang được an toàn.”

Cô Tân Lê, cư dân Los Angeles, nói: “Tôi đồng ý với cô Trâm Lê, Little Saigon là chứng tích của nạn nhân chiến tranh Việt Nam. Người mình phải bỏ nước ra đi tìm đất sống vì không thể ở với Cộng Sản được.”

Ông Frank Nguyễn, cư dân San Diego, nói: “Tôi muốn đưa hai đứa con đến để tụi nó nghe sơ qua về lịch sử cận đại của mình. Thật buồn cho mình, phải bỏ quê, bỏ nhà để tìm hạnh phúc và tương lai. Hy vọng con tôi hiểu vì sao tôi không thể quên Việt Nam được.”

Bà Kimmy Phạm, cư dân El Monte, nói: “Ngày nào mà Bảo Tàng Chứng Tích Chiến Tranh có hình ảnh những người đàn bà và trẻ em bị thảm sát ở Huế năm 1968 và con số những lương dân vô tội chết đuối ở biển khi vượt biên, ngày đó tôi có thể tin Việt Cộng.”

Switch mode views: