Miền Trung quay quắt với nắng hạn
- Thứ Tư, 11 tháng Năm năm 2016 10:33
- Tác Giả: RFA
Một cánh đồng lúa ở Hà Tĩnh. AFP photo
Nghệ An và Hà Tĩnh là hai tỉnh được ví như cái chảo lửa của khu vực Bắc miền Trung Việt Nam. Ba tháng đầu năm nay, sau khi thoát khỏi trận giá rét kinh hồn, nhiều huyện có tuyết rơi thì Nghệ An và Hà Tĩnh lại phải đối mặt với nắng hạn. Hầu như chưa có trận mưa nào kể từ tháng Giêng đến nay. Mực nước xuống thấp, ruộng đồng trơ khô cỏ cháy, sông ngòi cạn kiệt, trâu bò há hốc và nguồn nước sinh hoạt của con người cũng thiếu trầm trọng. Đó là tình trạng chung ở các tỉnh này.
Cầu mưa lại gặp mưa đá
Ông Sáu, một nông dân trồng dưa lê ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Hôm qua có mưa đá ở Con Cuông, trận mưa diễn ra tầm 25 phút trở lại, mấy nhà mái lá bị hỏng… Hiện tại hơi mát trở lại chút đỉnh…”
Là một nông dân trồng dưa Lê, ông Sáu cho biết cây dưa lê có sức chọi hạn tốt tuy nhiên vẫn ở mức độ cây lúa còn tồn tại được. Nghĩa là người nông dân biến những cánh đồng lúa thiếu nước thành những cánh đồng dưa lên và tưới tiêu bằng cách tự khoan giếng để bơm nước cho dưa lê. Năm 2015, cũng vào mùa này, cây dưa lên phát triển tốt mặc dù nắng hạn cũng nặng không kém. Nhưng nhờ vào nguồn nước ngầm dồi dào nên người nông dân vượt qua được.
Còn hiện tại, nguồn nước ngầm có xu hướng cạn dần, thời gian hút nước không thể kéo dài như mọi năm. Những năm trước, máy bơm nước có thể hoạt động mười hai giờ đồng hồ mỗi ngày nhưng năm nay, dưới cái nắng oi ả, khô khốc, máy bơm nước chỉ hoạt động chưa đầy ba giờ đồng hồ thì nguồn nước cạn kiệt, thay vì bơm nước sạch lên tưới dưa thì nguồn nước bốc toàn mùi phèn và bùn đen. Mà với cây dưa lê, không có gì đáng sợ hơn nguồn nước bẩn. Bởi vì nguồn nước phèn và bẩn sẽ nhanh chóng làm cho những trái dưa đang phát triển thối ruỗng, gốc dưa héo dần và chết.
Trong lúc bà con nông đang cầu trời cho một trận mưa để nước sông bớt cạn kiệt thì đùng một cái, chiều ngày 9 tháng 4, một số huyện ở Nghệ An có mưa đá ngập đầu. Những viên đá to như quả trứng gà và nắm tay liên tục giáng xuống mặt đất khiến cho nhà cửa hư hại nặng nề, rau màu tan nát không còn gì để nói. Bà con nông dân Nghệ An chưa kịp vuốt mặt vì nắng hạn thì lại tiếp tục buông tay mà kêu trời vì mưa đá.
Hôm qua có mưa đá ở Con Cuông, trận mưa diễn ra tầm 25 phút trở lại, mấy nhà mái lá bị hỏng… Hiện tại hơi mát trở lại chút đỉnh…
- Ông Sáu, Nghệ An
Ngược lại, phía hạ lưu các con sông, nơi giáp ranh với biển, nguồn nước liên tục cạn kiệt bởi thượng nguồn bị khóa để tích nước cho thủy điện Bản Vẽ, Bản Cốc và Sao Va cùng với 24 thủy điện phía Tây Nghệ An khiến cho nước mặn tiếp tục xâm thực đất liền. Hàng ngàn hecta lúa và ao đầm nuôi tôm đang phải đối mặt với mất mùa, thua lỗ.
Tình trạng hạn hán kéo dài từ Nghệ An đến Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Các tỉnh này vừa phải chịu hạn hán, gió Lào thổi như cháy lại vừa không có nguồn nước để sinh hoạt, để tưới cây. Dưới cái nắng gay gắt có khi lên đến bốn mươi độ C, người nông dân nơi đây đang phải gồng lưng từng ngày, từng giờ để tồn tại.
Anh Viện, một nông dân ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, buồn bã chia sẻ: “Trồng ngô thì ngô không lên, hầu như đang tập trung trồng sắn. Trồng rau thì chịu, không có lên. Trên đây không có nước, loại phi ba đai như vậy là 50 ngàn đồng một chuyến ba thùng phuy như vậy. Ở đây có vài nhà đã khoan giếng, mình vừa lắp xong giếng với giá mười hai triệu đồng. Cũng tùy, nhà nào may mắn thì khoan hai ngày, nhà nào không may thì cả nửa tháng mới xong, mình nuôi họ cho đến ngày khoan có nước. Nói chung là nguồn nước khó lắm!”.
Anh Viện cho biết thêm là gần năm sào ruộng nhà anh hoàn toàn mất mùa, nhìn những bông lúa đứng ngơ trong gió Lào anh chỉ biết buồn. Cũng giống như nhiều nông dân khác đang chờ đến ngày toàn xã cùng đốt đồng lấy tro để làm vụ mới. Tuy nhiên, gió Lào và nắng gắt luôn là nỗi lo bởi gió có thể đưa cánh đồng lửa táp vào khu nhà dân và gây ra hỏa hoạn. Chính vì vậy việc giải quyết cây lúa bị ngơ cũng là cả một vấn đề.
Nhiều nông dân chuyển sang trồng khoai mì vì thiếu nước. RFA photo
Anh Viện tâm sự với chúng tôi rằng vụ mùa năm trước cũng không trúng vụ gì cho mấy nên lượng lúa dự trữ trong bồ của các gia đình ở Cẩm Xuyên đang cạn dần. Người nông dân đã nghĩ cách đối phó với nạn thiếu lương thực trong thời gian dài cho đến khi vụ Hè Thu đi vào thu hoạch.
Các gia đình ở Cẩm Xuyên đang bắt đầu nhận viện trợ từ con cái làm ăn xa, trong lúc nền kinh tế Việt Nam cũng đang khó khăn chung nên con cái đi làm ăn xa phải thắt lưng buộc bụng để gởi về giúp gia đình. Cả một bài toán khó đang chờ đáp số phía trước.
Ngư dân kêu trời
Một ngư dân tên Vui, sống ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, chia sẻ không vui chút nào: “Nước ở đây hiếm rồi, những nơi như Kỳ Anh, Hà Tĩnh và Quảng Trị là nước khô khan lắm. Mình trước đây làm một mẫu ruộng còn giờ làm có bốn sào thôi. Bây giờ mọi thứ đều khó khăn rồi… Đánh bắt bây giờ khô khan lắm, khó lắm!”.
Ông Vui nói rằng ông rất buồn. Bởi kinh tế gia đình ông hoàn toàn phụ thuộc vào mẻ lưới và chiếc thuyền nhỏ của ông. Ông là một ngư dân chuyên đánh lưới chụp và người ta vẫn nói vui rằng ông là con rái cá. Bởi khả năng lặng rất lâu và lặng xuống độ sâu có khi lên đến ba mét nước để nhấn nguyên tấm lưới chụp và lần mò vào lưới để bắt cá, ngoi lên mặt nước bỏ vào mạn thuyền của ông Vui thuộc hàng độc nhất vô nhị trong làng chài Nghi Xuân.
Thế nhưng chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, nước trên sông La cạn xuống gần đáy, những nơi sâu nhất cũng chưa đầy một mét nước, nghề lặn cá bằng lưới chụp của ông Vui xem như không có đất sống. Ông phải chuyển sang đánh lưới cào.
Mà ông Vui nói rằng không có gì buồn hơn đối với một ngư dân như ông khi phải đánh lưới cào. Bởi ông luôn tự hào nghề đánh lướp chụp của mình là có hậu. Nghĩa là ông chỉ chụp những con cá lớn và không bao giờ đụng đến những con cá bé. Đó cũng là cách cân bằng sinh thái trong lúc kiếm cơm. Tuy nhiên, khi sông La cạn nước, người ta thi nhau đánh lưới cào và không bỏ sót một con cá nào cho dù đó là cá lờn bơn trên mặt nước người ta cũng bắt. Trong tình trạng này, ông Vui cũng phải chấp nhận mang cả cá lờn bơn về nhà vì có thả ra xong thì người đi sau cũng cào lại.
Nước ở đây hiếm rồi, những nơi như Kỳ Anh, Hà Tĩnh và Quảng Trị là nước khô khan lắm. Mình trước đây làm một mẫu ruộng còn giờ làm có bốn sào thôi. Bây giờ mọi thứ đều khó khăn rồi…
- Ông Vui, Hà Tĩnh
Chính vì vậy mà đôi khi ông Vui đang nhìn thấy sông La và tôm cá rên xiết dưới mẻ lưới của ngư dân. Và với đà sông suối ngày càng khô cạn do thủy điện, tôm cá ngày càng ít đi, nhà hàng, quán xá hải sản mở ra ngày càng nhiều, ông Vui có linh cảm đến một lúc nào đó làng chài khắp mọi nơi trên đất nước này sẽ phải trả giá nặng nề bằng một cuộc khủng hoảng ngư trường và thất nghiệp đe dọa.
Cùng tâm trạng với ông Vui, một ngư dân khác tên Lĩnh, sống ở Quảng Trị cho rằng không riêng gì nghề đánh bắt mà hầu hết các nghề khai thác tự nhiên tại Việt Nam, đặc biệt là tại khu vực miền Trung đang bị khủng hoảng trầm trọng. Nắng hạn tại các tỉnh miền Trung nói riêng và trên cả nước nói chung cũng giống như hồi chuông cảnh tỉnh. Một hồi chuông kêu gọi con người phải dừng ngay những hành động tham lam và bất chấp của mình.
Tuy nhiên, có vẻ như hồi chuông này không có giá trị gì trong một đất nước mà sự ồn ào, tính bát nháo đã xâm chiếm từ trung ương tới địa phương. Và con người, nếu muốn phục hồi được thiên nhiên chung quanh mình, có lẽ cần phải phục hồi nhân phẩm trước. Mà muốn cho thiên nhiên trở lại vẻ thơ mộng và hào phóng của mình, có lẽ hệ thống cầm quyền tại Việt Nam phải phục hồi nhân phẩm gấp rút và tiên phong, sau đó đến toàn dân, chỉ có như vậy mới dám hy vọng thế hệ sau tốt đep hơn!
Ông Lĩnh đã nói thẳng với chúng tôi như thế và một lần nữa ông kêu gọi hệ thống cầm quyền hãy kịp thời phục hồi nhân phẩm để thiên nhiên bớt nổi giận!
Related news items:
Tin mới
- Quảng Bình và biển chết, nguy cơ nạn đói tràn lan - 01/05/2016 19:57
- Lá Thư Báo Tử Muộn Màng’ - 29/04/2016 23:18
- 30 Tháng Tư, 41 năm sau: Xin được phủ cờ - 29/04/2016 13:56
- Kêu gọi xuống đường vì môi trường tại Việt Nam - 28/04/2016 10:11
- Có một Hoàng Sa 'mua bán ve chai' kiếm sống - 28/04/2016 10:00
- Cá chết hàng loạt - Phải giải quyết từ đâu? - 26/04/2016 19:23
- Vụ cá chết: Hệ thống công quyền Việt Nam như 'sắp chết' - 25/04/2016 15:02
- Kẹt xe và nắng nóng ở Sài Gòn - 22/04/2016 19:00
- Đói, nóng và động đất với người K Dong - 20/04/2016 21:35
- Cơn bão hàng đa cấp - 20/04/2016 21:26
Các tin khác
- Mua bán thuốc kích dục, roi điện tại VN - 20/04/2016 21:01
- Hội Trái Tim Bác Ái giúp cộng đồng hiểu về bệnh tự kỷ - 18/04/2016 20:03
- Ông 'Phước đen' và ông 'Phước điên' ở làng Sình - 18/04/2016 19:56
- Bà Luật Sư Nguyễn Văn Đài gặp gỡ cộng đồng Nam Calif. - 18/04/2016 00:24
- Xà Bông Cô Ba, hương xưa còn đây - 15/04/2016 20:17
- Gặp người làm nghề trang điểm tử thi ở Little Saigon - 15/04/2016 20:13
- Việt Nam đã nỗ lực gì trong việc tháo gỡ bom mìn chiến tranh? - 10/04/2016 21:36
- Giải pháp hạn chế nạn cướp bóc đối với du khách - 10/04/2016 21:15
- Văn hóa người H’mong, những điều chưa kể - 10/04/2016 21:06
- Xâm hại tình dục nơi học đường - 10/04/2016 20:53