Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cà Mau trong cơn khát và viễn cảnh bỏ đất trồng lúa



Lời Tòa Soạn: Khu vực miền Tây Nam Bộ (Đồng Bằng Sông Cửu Long) của Việt Nam hiện đang đối mặt với đợt hạn hán khốc liệt, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân. Trong số 12 tỉnh công bố tình trạng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn, có 8 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long là Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Cà Mau, Vĩnh Long và Trà Vinh. Phóng viên báo Người Việt đã về 4 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh và Cà Mau để ghi nhận cuộc sống của người dân và gởi đến độc giả qua loạt bài này.

* Miền Tây Việt Nam khốn khổ vì hạn hán (Bài 8)

CÀ MAU (NV) - Trong thời xe đò cao cấp đủ các hạng thì việc leo lên chiếc xe đò cũ, rị mọ tấp vô đón khách né núp công an suốt tuyến từ Sóc Trăng về Cà Mau cũng có cái hay. Tài xế xe là một người đàn bà tuổi khoảng ngoài bốn mươi. Bắt chuyện với bà về tin Cà Mau đã công bố thiên tai hạn và nhiễm mặn.

camau hanhan 1
Người nông dân trẻ ra sức bơm cây nước dòng nước mặn như món canh nêm muối, anh nói, “Heo, gà, chó uống được, mình hết tiền mua nước bình cũng phải uống được.”

Bà nói: “Xứ tui người ta làm giàu bằng nghề biển với nuôi cá, nuôi tôm, có mấy ai làm ruộng nữa đâu mà lo.”

Sau này, chúng tôi gọi điện hỏi nữ nhà văn “Cánh Ðồng Bất Tận” Nguyễn Ngọc Tư cũng được bà cho biết Cà Mau chỉ còn huyện Trần Văn Thời và Thới Bình trồng lúa và bị thiệt hại nặng do hạn và nước mặn xâm thực nội đồng.

Lúc xuống xe, chúng tôi mới biết mình vừa đồng hành với mấy bao rùa, rắn, chim bị bắt ở các cánh đồng miệt Hậu Giang nơi chưa bị thiên tai hành hạ.

Bà tài xế vừa giao hàng động vật hoang dã cho bà chủ quán nhậu, vừa hỏi: “Bộ xứ này hết hàng này rồi sao mà chế gởi mua tận miệt trên?” Có lẽ giới ăn nhậu đặc sản động vật hoang dã đồng bằng đang “được mùa” mồi ngon. Hệ thống quán nhậu đủ hạng ở các tỉnh tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và cả nước luôn luôn “tăng trưởng và thành tựu” cùng chế độ hiện hành.

Qua rừng U Minh hạ

Các thông tin từ địa phương đều cho biết, huyện Trần Văn Thời là nơi nền nông nghiệp bị thiệt hại do hạn-mặn nhiều nhất, hơn 70% diện tích lúa vụ Ðông Xuân đã khô cháy, nhưng không một nguồn thông tin nào cho biết hiện trạng cư dân khát và đói nước uống và nước sinh hoạt ra sao?

camau hanhan 2
Dù không phải là nước ngọt nhưng các con kinh dẫn vào nội đồng huyện Trần Văn Thời, Cà Mau cũng bắt đầu cạn nước.

Trên hướng đi về địa danh Hòn Ðá Bạc, ngang qua rừng U Minh Hạ. Thật không công bằng nếu không ca ngợi màu xanh mát rượi của cánh rừng tràm nguyên sinh hiếm quí này. Nhưng đối diện với cửa rừng là con kênh chỉ còn chút nước đỏ như màu gạch nung. Một thứ nước không ai tin có cá, tôm nào có thể sống được, vậy mà bất ngờ thay lại có cảnh ba người phụ nữ giăng lưới trên dòng kênh tưởng như đã chết.

Người đi cùng tôi nói, “Vùng này chia hai rõ ràng, bên rừng U Minh dân vùng đệm thì làm ruộng, dân bên kia thì nuôi tôm.” Nhưng khi thấy các thửa ruộng lúa có máy xúc đang đào ao nuôi tôm, tôi hỏi, người bạn giải thích: “Dân ở đây khờ lắm, bọn mướn đất rẻ rề để đào đầm nuôi tôm, đất làm ruộng chuyển sang nuôi tôm mấy năm đầu trúng lắm sau đó thì thất, bọn nó bỏ đi mướn đất khác, chủ ruộng cũng bỏ đi lên Bình Dương làm mướn chớ đất nuôi tôm bơm nước mặn vô coi như đất chết làm lúa gì được nữa.”

Ðất nhiễm mặn ở các vùng đất trồng lúa, làm vườn ở Cà Mau có khi không chờ đến năm nay mà đã từ lâu có nguyên nhân từ phát triển nuôi thủy sản không kiểm soát, tạo cơ hội cho kẻ trục lợi hủy hoại tài nguyên đất nước ngọt, nơi các bậc tiền nhân khai hoang xưa phải trải mấy thế hệ mới gầy dựng được.

camau hanhan 3
Trước cửa rừng U Minh Hạ, dòng kinh đỏ như màu gạch nung như kinh chết, ba người phụ nữ này đang giăng lưới bắt cá.

Người bạn đi cùng hỏi tôi: “Anh có nghe đồn về chuyện dân đi rừng U Minh phát hiện con rắn hổ mây thân lớn bằng cột đèn không?” Tôi không trả lời anh, bởi khác với ngày xưa, những giai thoại hấp dẫn về cây rừng và động vật hoang dã rừng U Minh, ngày nay chuyện đồn này chỉ để kích thích sự thèm muốn món lạ của dân ăn nhậu lắm tiền nhiều của.

Thấy tôi không trả lời anh lại “khoe” tiếp chuyện rừng U Minh, “Có ông đó nhà ở gần rừng còn một cụm cây tràm cổ thụ, chỉ cần xẻ đôi một cây là làm được bộ ván ngựa bự chảng, có cán bộ về hưu trả ba bốn trăm triệu một cây ông không bán, gặp tui bán cho rồi, cả cái rừng U Minh chưa chắc nhà nước còn giữ được huống chi vài ba cây tràm cổ thụ.”

Xã Khánh Bình Tây Bắc mùa khô khát

Ði về xã Khánh Bình Tây, và Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, nơi chúng tôi được tin người dân thiếu nước ngọt nghiêm trọng.

Ðường đến nơi heo hút thưa dân cư này là con đường nhựa nhỏ, hình ảnh bận rộn làm ăn duy nhất mà chúng tôi thấy bên đường là các tiệm bán nước bình, kiêm đại lý bia nước ngọt.

camau hanhan 4
Ðường đi Hòn Ðá Bạc chỉ những người bán nước bình là là bận rộn. Lúc này, bán nước là mùa làm giàu của người trục lợi.

Khi dừng lại ở một tiệm để chụp ảnh chiếc võ lãi đang chuẩn bị đưa nước bình và bia về sâu trong các con kênh nội đồng để bán. Người đàn ông trung niên, mình trần, hậm hực hỏi chúng tôi chụp ảnh để làm gì? Phụ họa cùng ông là nhóm người làm công.

Khi được giải thích, họ dịu giọng nói: “Ông vô đây rồi không có đường khác ra đâu, nói không đưa lên mạng thì phải giữ lời đó.” Lý do mà người chủ bán nước bình này mất bình tĩnh cũng dễ hiểu vì có lẽ chính ông ta cũng không dám tin vào chất lượng nước của ông là sạch và tinh khiết, ông sợ bị kiểm tra thì ít nhưng sợ tốn tiền chi hối lộ thì nhiều. Quả thật, việc chính quyền tỉnh Cà Mau công bố thiên tai nghiêm trọng cũng là cơ hội làm giàu của giới kinh doanh nước uống, bởi xã Khánh Bình Tây Bắc này hoàn toàn không có đường ống cấp nước.

Xã Khánh Bình Tây Bắc được xem là xã giáp biển, nước mặn xâm nhập không phải là chuyện lạ với người dân, nhưng con kênh lớn, huyết mạch lưu thông của cả xã riêng trong năm nay đã bất ngờ kiệt nước, có những đoạn kênh các loại lưới bao để bắt cá của người dân nằm chỏng trơ trên lòng kênh nứt nẻ.

camau hanhan 5
Một con kinh nay chỉ còn trơ đáy.

Ở một quán nước, chúng tôi làm quen với người nông dân trẻ, hỏi chuyện anh về chuyện khát và đói nước ngọt, anh mời chúng tôi về nhà, nhà anh ở ngay trên bờ con kênh chính, ngoài hiên nhà, có một cây nước, bơm bằng tay. Anh không nói không rằng, dùng sức lực của người nông dân kéo, đẩy cần bơm, dòng nước từ lòng đất sâu sau một lúc bị nghẹn rồi cũng chảy ra. Anh đưa tay ngoắc chúng tôi lại nếm thử. Ðó là một thứ nước vàng lờ đờ màu phèn và mằn mặn như một món canh vừa nêm muối. Anh nói, “Heo, gà, chó còn uống được, mình hết tiền mua nước bình cũng phải uống được, chỉ sợ còn mấy tháng nữa mới có mưa, từ đây tới đó cái giếng đóng này mà cạn thì mới chết đứng!”

Trong 8 huyện của tỉnh Cà Mau thì huyện Thới Bình, U Minh và Trần Văn thời là còn những đồng lúa chuyên canh. Nhưng nhiều người Cà Mau tin rằng trong cảnh thường trực bị xâm ngập mặn và khô hạn như hiện nay thì không bao lâu nữa những cánh đồng đất thuộc bao đời trồng lúa nước sẽ không còn.

Chia tay với những người nông dân vừa mất vụ Ðông Xuân vì thiên tai. Nhớ câu chuyện họ đã nói với nhau: Ðất của họ ở đây làm lúa mỗi công trúng cả tấn lúa là chuyện thường, nếu sau này nhiễm mặn không cứu được thì chuyển qua nuôi tôm. Rồi cũng chính họ nói bàn thêm. Nếu cả Cà Mau này đất đem nuôi tôm hết thì lấy gạo đâu mà ăn. Suy tính lo âu của người nông dân vùng sâu này thật đơn giản vì hơn ai hết họ biết họ không có vốn để trở thành chủ đầm tôm; trồng lúa đối với họ vẫn là tất cả kế sinh nhai để sinh tồn.

Theo Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, các hồ chứa trên dòng chính ở phía Trung Quốc có dung tích khoảng 23 tỷ m3, các hồ chứa trên những sông nhánh khoảng 20 tỷ m3. Tổng dung tích này tác động rất lớn đến việc điều tiết nước và lưu lượng dòng chảy về phía hạ lưu.

Hiện có 11 đập trên dòng Mekong bên ngoài Việt Nam (gồm 9 đập trong kế hoạch xây dựng ở Lào và hai đập ở Cambodia) nhưng 11 đập này chỉ bằng 1/7 so với tác động của thượng lưu từ các đập ở Trung Quốc.

Switch mode views: