Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Dân Sài Gòn liên tục phản đối chặt cây xanh


SÀI GÒN (NV) - Trong bốn ngày liên tiếp 25, 26, 27 và 28 tháng 3 năm 2016, nhiều người dân Sài Gòn đã đến khu vực đường Tôn Ðức Thắng (đường Cường Ðể cũ), nơi có hàng cây Xà Cừ trên 100 tuổi, để phản đối chính quyền sắp cho đốn hạ các cây cổ thụ gắn liền với nét đẹp của thành phố này.

chatcayxanh sg 1
Người dân căng băng rôn phản đối chính quyền. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

Ðường Tôn Ðức Thắng ở Sài Gòn lâu nay vẫn được mệnh danh là “con đường màu xanh” vì nơi đây có hàng cây cổ thụ, đường kính thân cây trên 80cm có tuổi thọ gần 100 năm hiếm hoi còn sót lại ở thành phố, giúp đường Tôn Ðức Thắng trở thành một trong những con đường cây xanh rợp bóng mát đẹp nhất Sài Gòn.

Thế nhưng xuất phát từ cuộc họp báo ngày 23 tháng 3 của Sở Giao Thông Vận Tải Sài Gòn, ông Hoàng Như Cương - Phó trưởng Ban Quản Lý Ðường Sắt Ðô Thị thành phố, cho biết có khoảng 300 cây xanh trên đường Tôn Ðức Thắng sẽ được di dời và đốn hạ để phục vụ dự án cầu Thủ Thiêm 2 và hạng mục xây dựng nhà ga Ba Son thuộc dự án metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên.

Theo bản tin “Sẽ chặt hạ 300 cây xanh trên đường Tôn Ðức Thắng” trên báo Thanh Niên, thì “các loại cây xanh được đề nghị đốn hạ là cây nằm dọc theo chiều dài của cầu và gần các trụ cầu. Ðây là những cây lớn, có đường kính thân từ 80 cm trở lên, nếu bứng dưỡng thì khả năng cây chết rất cao và đòi hỏi chi phí thực hiện lớn.”

Người dân bất bình phản đối

Theo ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường. Nhiều người dân căng băng rôn biểu ngữ phản đối như “chặt cây là tội ác,” “Tôi che bóng mát cho mọi người, xin đừng giết tôi”... Phía chính quyền có huy động lực lượng công an, dân phòng. Nhưng ghi nhận chưa có sự can thiệp nào xảy ra, họ chỉ đứng không cho người đi đường dừng đỗ xe lại quan sát.

Tham gia biểu tình với biểu ngữ: “Tôi yêu cây, cây yêu tôi. Chặt cây là tội ác.” Bạn Nguyễn Nữ Phương Dung cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn này. Nên hàng cây này gắn bó với tuổi thơ tôi từ nhỏ cho đến lớn.”

chatcayxanh sg 2
Một người dân cố tình ôm cây mặc cho bị công an “nhắc nhở.” (Hình: Ðỗ Ðức Hợp)

“Ðọc những thông tin chính quyền sẽ cho chặt cây mà không khỏi đau lòng. Tại sao không tìm giải pháp nào khác mà cứ chăm chăm đòi chặt cây. Trong khi muốn trong một cây hơn 100 tuổi này đâu phải dễ dàng,” bạn Dung cho biết.

Chị Sương Quỳnh, một biểu tình viên tham dự liên tục trong 4 ngày liền bức xúc: “Thật là quá vô lý, trong khi bắt người dân đóng tiền thuế bảo vệ môi trường thông qua giá xăng, nhưng cây xanh là để bảo vệ môi trường thì đem chặt.”

“Một số phản ánh nói rằng, từ khi làm dự án cũng đã chặt hơn 100 cây rồi sao không phản ứng lúc đó, giờ làm rồi mới phản ứng? Vậy thông tin chặt cây để làm đường Metro có loan rộng rãi cho dân biết không? Có trưng cầu ý dân trước không? Người dân chỉ biết khi báo chí trong nước đưa tin trong mấy ngày này, lúc đó mới biết mà phản ứng.”

“Việc tính toán ban đầu khi làm công trình phải nghĩ đến việc bảo tồn cây cả trăm năm và phá đi ảnh hưởng thế nào với môi trường chứ? Sao lại trách dân là khi làm rồi mới phản ứng? Người dân có phải người vẽ ra dự án này đâu mà biết tường tận mọi việc?” Chị Sương Quỳnh ngán ngẩm.

Còn anh Ðỗ Ðức Hợp, một biểu tình viên tham gia bảo vệ cây xanh đã cho biết: “Nếu lấy lý do đốn hạ để xây dựng cầu vượt thủ thiêm 2 thì tôi muốn hỏi các nhà chuyên môn về vấn đề cây xanh và quy hoạch đô thị ở thành phố là vì sao đã có cầu Thủ Thiêm 1 (nối Quận 1 và Quận 2) ở rất gần vị trí trên thì có nhất thiết phải làm cầu vượt Thủ Thiêm 2 trị giá gần 2,300 tỉ đồng cùng chức năng và chặt đi hàng loạt cây xanh, cây cổ thụ quý giá trên? Hay chỉ vẽ ra dự án để ăn tiền?”

chatcayxanh sg 3
Ðường Tôn Ðức Thắng Quận 1, được mệnh danh con đường màu xanh. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

Nữ tu Maria Nguyễn Mai Hạnh, thuộc dòng Thánh Phaolo số 4 Tôn Ðức Thắng cho biết: “Nhà dòng cũng đã gửi đơn kiến nghị lên chính quyền đề nghị xem xét lại việc chặt cây. Dù biết rằng để phát triển đô thị thì ta phải biết hy sinh đi một số giá trị của cuộc sống. Ở đây là cây xanh, lá phổi của thành phố nhưng trước khi làm việc gì xin các vị hãy đắn đo kỹ lưỡng và trưng cầu dân ý thì hay hơn, để tránh việc đi lên vết xe đổ như ở Hà Nội.”

Còn ông Trần Hạnh (75 tuổi), một người dân cư ngụ ở đường Tôn Ðức Thắng này từ trước năm 1975 cho biết: “Nhìn những hàng cây cao lớn này mà xót xa, cây cổ thụ chính là một phần vẻ đẹp mỹ quan của thành phố Sài Gòn, đồng thời là lá phổi lọc không khí thế mà chính quyền này nó vẫn muốn chặt hết.”

“Với những dự án giao thông này thành phố sẽ hiện đại hơn, giao thông thuận tiện hơn nhưng dù sao cũng phải thấy rằng những cây cổ thụ này gắn bó với người dân Sài Gòn cả trăm năm nay. Thực tế, chúng làm cho thành phố đẹp hơn, có hồn hơn rất nhiều so với nếu như sau này chỉ toàn nhà cao tầng, công trình hiện đại.”

“Dường như chính quyền này muốn xóa bỏ tất cả những gì tôn lên nét đẹp của Sài Gòn trước đây. Họ muốn thay đổi những công trình để người dân quên đi hai chữ Sài Gòn. Vì những công trình mới toanh này là do họ xây dựng,” ông Hạnh cho biết suy nghĩ của mình.

Theo thông báo thì việc đốn hạ sẽ bắt đầu từ ngày 26 tháng 3 năm 2016, thế nhưng theo ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường, khi vấp phải sự phản ứng của người dân, tính cho đến hết ngày 28 tháng 3, việc đốn hạ cây vẫn chưa được tiến hành.

Switch mode views: