Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Vỡ tín dụng đen, nhiều người dân Cà Mau khốn khổ

phunu camau
Một phụ nữ vùng ĐBSCL sinh sống trên chiếc ghe của mình. AFP photo

Người dân Cà Mau, nơi điểm cuối của đất nước, nơi của rừng đước bạt ngàn, u uẩn và những con người cần cù, cui cút làm ăn, tính tình hiền hòa, chân chất. Nhưng có vẻ như miệt Cà Mau không còn được bản chất cố hữu, những vấn nạn xã hội đã ăn sâu vào đời sống của cư dân vùng đất này. Gần đây, chuyện người dân bươn bả đi bắt từng con ốc rừng, thụt từng con ba khía để bán kiếm sống nhưng rồi lại vỡ tín dụng đen, người dân phải đối mặt với mất đất, mất nhà đang là câu chuyện nổi cộm và gây đau lòng ở xứ Cà Mau.

Đời sống cực khổ đã khiến người ta làm liều

Chị Bé Bảy, một Chủ tịch hội Phụ nữ sống ở huyện Đầm Dơi, chia sẻ: “Thì năm nay cũng thất thu chú ơi, cũng khó khăn. Năm nay cũng tùy, kinh tế nó tệ hơn chứ không bằng những năm trước. Vì thời tiết, mọi thứ ngày càng khắc nghiệt hơn…”.

Theo chị Bé Bảy, đời sống ở đây vẫn còn rất nhiều khó khăn mặc dù hiện tại, kinh tế Cà Mau vẫn phát triển hơn so với mười năm trước. Thế nhưng điều kiện học tập, chỗ ở trọ để học cấp trung học phổ thông cho con em các xã vùng sâu là chuyện còn nhiều vấn đề để nói. Bởi chỉ riêng khoản chi phí để đi tàu cao tốc hoặc đi đò để đến trường không thôi cũng ngốn một khoản lớn chi phí trong gia đình. Và để nuôi từ một đến hai đứa con đi học, các gia đình nghèo hết cựa quậy, khó có cơ hội để thoát nghèo.

Để chịu đựng nuôi các con ăn học và giữ gia đình khỏi bị đổ vỡ, hầu hết các cặp vợ chồng miệt Tây Nam Bộ nói chung và miệt Cà Mau nói riêng đều phải gồng lưng làm thuê cuốc mướn, đi chèo đò, đi đánh bắt, bỏ câu và đi thụt ba khía, trồng rau trồng đậu… Mọi hoạt động làm kinh tế từ nông nghiệp đến ngư nghiệp ở các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Cái Nước và Thới Bình… đều chỉ đóng vai trò gắng gượng, cầm hơi đối với người nghèo. Mà số lượng người nghèo, người sống gắng gượng chịu đựng ở các huyện vùng sâu Cà Mau chiếm rất cao. Chính vì lẽ này mà có nhiều gia đình không chịu nổi nghèo khổ đã dẫn đến tan vỡ.

Chị Bé Bảy buồn bã nói rằng chỉ trong vòng chưa đầy một năm trở lại đây, có khá nhiều phụ nữ trẻ ở các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh cà Mau đã bỏ chồng bỏ con lên thành phố kiếm việc làm. Bởi đời sống của họ nếu nhìn bên ngoài thì không có vấn đề gì, con cái vẫn đi học, vợ chồng vẫn bươn bả làm ăn. Nhưng thực chất bên trong đã có sự rạng nứt, cơm không lành canh không ngọt từ rất lâu bởi kinh tế năm sau không có gì khá hơn năm trước nhưng sức ép chi tiêu cho con cái ngày càng tăng, vật giá leo thang.

Và hầu hết các phụ nữ trẻ bỏ gia đình, bỏ chồng con lên thành phố kiếm việc đều không có bằng cấp, nhiều người chưa thoát mù chữ, họ chỉ có nhan sắc và tuổi trẻ để làm vốn. Cuối cùng, lựa chọn bắt buộc của họ để tồn tại giữa thành phố là vào phục vụ ở những tiệm hớt tóc thanh nữ, massage, gội đầu và các quán bia, quán cà phê đèn mờ.

Ban đầu, những phụ nữ trẻ này còn hy sinh tiền bạc, ăn uống nhín nhịn để gởi tiền về lo cho chồng con. Nhưng càng về sau, người chồng sống vật vờ, chán nản ở quê nhà với rượu chè be bét, thiếu vợ bên cạnh đã khiến người vợ nản chí, lo tìm đường cứu bản thân. Và cách cứu bản thân quen thuộc nhất của chị em phụ nữ trẻ miệt Tây Nam Bộ khi lên thành phố là tìm một người đàn ông già hoặc chết vợ hoặc vẫn còn vợ nhưng thích có vợ bé để dựa dẫm. Đó là những người còn nghĩ đến gia đình.

Với những người muốn ly khai với gia đình, muốn bỏ quê đi biệt xứ thì chọn lấy chồng người nước ngoài như Trung Quốc, Đài Loan. Đương nhiên là họ chịu cảnh vợ lẽ, bồ nhí của những người nước ngoài và không thiếu những phụ nữ bị lừa đưa sang Trung Quốc để bán.

Và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến chuyện có nhiều quĩ tín dụng đen ở Cà Mau, đặc biệt là ở các huyện nghèo trong tỉnh này. Bởi vì quá nghèo nên các gia đình nghèo bị đổ vỡ không có cơ hội thế chấp bất kì thứ gì cho ngân hàng để vay vốn làm ăn và nếu có vay được vốn họ cũng chẳng biết bắt đầu làm ăn như thế nào, từ chỗ nào? Bên cạnh đó, danh sách hộ nghèo ở hầu hết trên cả nước đều bị đánh tráo.

Nhiều người nghèo rớt mùng tơi, đi năm lần bảy lượt để xin vay hỗ trợ người nghèo mà không được. Trong khi đó, nhiều người giàu có lại cầm hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng tiền vay xóa đói giảm nghèo để làm ăn, để cho vay nặng lãi bởi họ là cán bộ hoặc họ toa rập với cán bộ, chính quyền và có ăn chia bài bản.

Khi quĩ tín dụng đen bị vỡ

Một con nợ mà cũng là một người bị bà Nguyễn Thị Bé Tám là chủ cho vay lừa mất đất, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Trùm xã đen cho vay là bà Nguyễn Thị Bé Tám, cho vay nặng lãi để lấy đất của người ta, bả gài thế. Miếng đất người ta cả tỉ bạc nó cho vay cả gốc lẫn lãi chừng năm trăm triệu đồng là lấy đất của người ta. Thử nghĩ nó cho vay với lãi suất ba chục phần trăm mỗi tháng thì một trăm triệu phải trả lãi ba chục triệu một tháng thì chịu sao cho nổi? Chính vì vậy mà nó lấy trắng đất của người ta. Bỏ ra một chút tiền để lừa lấy đất của người ta!”.

Theo ông này, hiện tại, bà Nguyễn Thị Bé Tám đã bị nhà nước quan tâm, ngành công an đã vào cuộc để điều tra vụ bà ta lừa gạt hàng trăm nông dân nghèo để cho vay nặng lãi, lấy bìa đỏ thế chấp chuyển đổi sang tên Nguyễn Thị Bé Tám. Nhưng để bà Bé Tám làm được việc tày đình như vậy, không phải là chuyện đơn giản. Bởi đã có một hệ thống bóc lột người nghèo gồm cán bộ nhà nước và những đầu sỏ giang hồ như bà Bé Tám ở đây.

Ông cũng cho biết thêm gốc gác của bà Bé Tám không phải là người làm ăn chân chính hay giàu có từ đầu mà bà là người có nhiều mối quan hệ dây mơ rễ má với cán bộ ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn. Do biết chung chi và chia chác, hầu hết số tiền cho vay lãi suất thấp để người nông dân nghèo làm ăn thoát nghèo lại rơi vào tay bà Bé Tám. Và bà Bé Tám đã dùng số tiền này để cho vay nặng lãi, để lừa nông dân mất trắng tài sản.

Nhiều gia đình nghèo hoặc khó khăn, gặp những việc quan trọng cần đến một khoản tiền lớn mà không có nhưng lại có đất đai của ông bà, cha mẹ để lại đã lọt vào cái bẫy của bà Bé Tám. Vì bà này có sẵn tiền và cho vay lãi suất từ 6% đến 11% mỗi tháng, mức lãi suất khá cao nhưng bù vào đó là thủ tục không rườm rà và khi cần là có ngay nên hầu hết người gặp khó khăn đều tìm đến bà Bé Tám. Nhiều gia đình sắp đổ vỡ cũng tìm gặp bà Bé Tám như một chiếc phao cứu sinh.

Nhưng thay vì cho vay nặng lãi và chỉ lấy tiền lãi, bà Bé Tám lại nghĩ đến chuyện lấy sạch tài sản của người vay. Bằng chứng là bà đã nâng khống số tiền vay và gài thế những ai đến vay đều làm một hợp đồng mua bán đất giả để nhận tiền hợp lệ. Nhưng trên thực tế thì bút sa gà chết. Những ai ký hợp đồng mua bán nhà với bà Bé Tám đều bị mất trắng tài sản bởi bà cho giang hồ đàn em đến xiết nợ, đánh đập, hù dọa người vay tiền để họ bỏ trốn và bà treo biển bán nhà của người bỏ trốn.

Cũng là một trong những nạn nhân của bà Bé Tám, ông này cho rằng đã có sự ăn chia, toa rập giữa cán bộ ngân hàng, cán bộ địa chính và một số công an với băng nhóm Nguyễn Thị Bé Tám. Bởi nếu không có sự ăn rơ, tại sao hàng vài chục cái bìa đỏ bị bà bé Tám lừa mà ngành công chứng vẫn cứ công chứng và ngành địa chính vẫn chấp nhận đổi tên từ người bị nợ sang tên Nguyễn Thị Bé Tám. Vậy đâu là trật tự, đâu là công lý và ngành công an kinh tế, công an điều tra đã tồn tại, lãnh lương nhà nước để làm gì?

Câu hỏi của nạn nhân mất đất ở Cà Mau cũng là câu hỏi chung của những người nghèo nơi miệt Tây Nam Bộ đang ngày càng trở nên xáo động, náo loạn và phức tạp!

Switch mode views: