Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bán đồ cũ trên phố Sài Gòn ngày cuối năm


SÀI GÒN (NV) - Vào mấy ngày trước đêm trừ tịch, điều đập vào mắt du khách là chuyện đường phố tràn ngập các điểm bán hoa kiểng. Thật khó mà giải thích vì sao Sài Gòn ngày nay lại có nhiều điểm bán hoa chưng tết như vậy, dù năm nào bà con nông dân ở các địa phương như Bến Tre, Đồng Tháp cũng khóc ròng vì hoa ế.

docu saigon 1
Các thần vật linh vật “mãn nhiệm kỳ” được đưa ra phố sang tay giá bèo. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Một trong những điểm đáng chú ý khác xuất hiện trên đường phố Sài Gòn là cảnh bán lẻ, bán mớ đồ cũ. Người Sài Gòn xưa nay có tục dọn dẹp nhà cửa ăn tết nên mỗi năm sau ngày 25 Tháng Chạp là dọn nhà, công sở làm vệ sinh... thế nên đây là dịp để dân mua ve chai, người buôn đồ cũ, dân sưu tập kỷ vật vô mùa mua bán lớn.

Ở các trung tâm đồ cũ, đồ xưa, chợ trời, chợ chạy như Nhật Tảo, Lý Nam Đế, Nguyễn Thài Bình, Nguyễn Oanh... cứ ngày cuối năm là nhộn nhịp khác thường. Nhưng ở các góc phố bình thường cũng có người Sài Gòn đưa đồ nhà hết xài của mình ra bán.

Ở góc đường Lý Chính Thắng, chúng tôi gặp hai chị em bày vài món đồ xưa ra bán, hỏi thăm thì được biết nhà hai cô ở gần đây thôi, mấy món hai cô bán là đồ hai cô được tặng như gấu bông, lọ cắm hoa, truyện tranh và cả các món trang sức lỗi mốt...

Khi hỏi hai cô do túng tiền xài hay lý do nào khác mà phải bán các món đồ riêng tư của mình. Cô lớn tuổi nói. “Bọn cháu đâu cần tiền, chỉ là mấy thứ kỷ niệm này để thì chật nhà, nếu cho thì sợ gặp người nhận không thích đem đi bỏ rác, thà đem bán rẻ mà biết chắc là họ thích nên họ mới mua.”

Người ta thường cho rằng một phần thế hệ trẻ Sài Gòn ngày nay sống trong thừa mứa vật chất, nhưng nếu chịu tìm hiểu họ, đôi khi cũng có thể chia sẻ với họ về cách mà họ ứng xử với các vật kỷ niệm dư thừa của họ

Có khi để biết tinh thần thực dụng với đức tin của người đời nay phổ biến đến mức nào thì chỉ cần ra các điểm chợ chạy cuối năm là thấy các thần vật, linh vật “mãn nhiệm kỳ” đưa ra phố sang tay giá bèo. Chịu khó dạo chợ trời, chợ chạy ngày cuối năm có khi sẽ trúng mánh một vài món hàng giá trị nào đó do các đại gia mướn lầm người dọn dẹp. Chúng tôi vừa nghe chuyện một họa sĩ trẻ vừa rước về từ chợ trời bên kia cầu Nhị Thiên Đường một bức tranh sơn dầu của một danh họa Hà Nội.

Anh kể: “Bác tin không, chỉ 50 nghìn đấy, bảo là tranh giả tranh chép của bác P. thì với giá ấy cũng ngon hơn bát phở.”

Nếu ai là người từng có nhiều ký ức sâu đậm với Sài Gòn, mỗi khi gặp một món đồ xưa trước biến cố 1975 bày bán trên phố đều bồi hồi nhớ lại thời kỳ đen tối chạy chợ, chạy hàng mua bán tất tần tật mọi thứ có thể để mong cầu đổi lấy miếng ăn mà tồn tại qua ngày dưới chế độ cộng sản bao cấp. Sau hơn bốn mươi năm, những góc phố khuất mua bán đồ cũ, đồ hết xài... trong ngày cuối năm vẫn phần nào gợi lại nỗi u hoài...

docu saigon 2
Các chậu cây cảnh bị ăn trộm cây cũng được vứt ra phố để tránh xui xẻo. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Hiện tượng các quán cà phê sang trọng ở Sài Gòn ngày nay và các đại gia lớn bé của chế độ cộng sản chưng bày các hiện vật và đồ kỷ vật của miền Nam Việt Nam ngày trước, đã phần nào cho thấy họ muốn dùng các giá trị văn hóa chân chính đó đắp bù cho đời sống trọc phú mà trơ trọi văn hóa của họ.

Ở một con đường nhỏ, gần khu Nhật Tảo, chúng tôi gặp một tay bán các bộ Album tem và tiền xưa, trong đó đáng chú ý là bộ sưu tập gồm 2 cuốn album tiền giấy VNCH. Tay này chào hàng nói giọng Bắc. “Đồ hiếm đấy, mấy bà ve chai vô nhà người ta phụ dọn dẹp cố tình hốt nhầm, chớ thứ này chẳng ai bán đâu.”

Xin chụp tấm ảnh tay này chẳng cho, hỏi giá thì đòi cả chục triệu nên chúng tôi đành xin kiếu, tay này nói thêm. “Các bác hốt trước thì có khi gặp bọn đề co quán cà phê, nhà hàng sang tay cho chúng là trúng đậm hơn cả bọn em. Chúng em kém vốn nên chả dám ngậm lâu, chứ thứ hàng này hót lắm bác ạ.”

Dạo các góc chợ khuất ngày cuối năm không chỉ đơn thuần mua sắm được một món đồ ưng ý mà là dịp nhìn coi sự thay đổi của người Sài Gòn từ các món đồ mà họ không xài nữa. Và điều trớ trêu thay, giữa thời đại thừa mứa các vật dụng tiêu dùng công nghệ, thì việc chịu khó chạy vài vòng chợ khuất góc phố để tìm cho mình một kỷ vật ưng ý cũng là thú vui tết hưởng Xuân vậy.

Switch mode views: