Chợ đêm cuối năm ở miền Trung
- Thứ Ba, 02 tháng Hai năm 2016 09:38
- Tác Giả: RFA
Một phụ nữ vừa mang cải đến khu nông sản ở chợ đêm để chuẩn bị bỏ hàng. RFA photo
Cuối năm, những phiên chợ đêm càng thêm đậm đặc bởi tiếng người mua kẻ bán và tiếng thở của người nghèo, tiếng van vỉ của người ăn xin và tiếng kì kèo của người bán mớ rau, ký đậu không đủ mua nửa ký gạo… Đó là không khí chung của chợ đêm, chợ đầu mối ở miền Trung. Đặc biệt, các chợ đêm ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Huế càng cho cảm giác cuối năm mạnh hơn bởi giá thành ở đây đang tuột dốc mà nông dân lại trúng vụ.
Trúng vụ nhưng rớt giá
Bài ca trúng vụ mà rớt giá, được giá lại mất vụ hầu như là bài ca chung của nông dân cả nước. Nhưng nó còn thê thiết hơn nhiều khi được thốt ra từ miệng của người nông dân miền Trung. Ông Ba Hạn, một nông dân Duy Xuyên, Quảng Nam, chia sẻ:
“Thì chừ mức độ đó để tiêu thêm thôi chứ không có nhiều. Phải có phân, có thuốc chứ. Hễ gần đến kì thu hoạch thì cai thuốc. Mình không có điều kiện đễ làm sau sạch. Muốn làm rau sạch phải có vốn để mua lưới, làm nhà lồng thôi. Ở mình nói chung là rau không an toàn vì thời gian cai thuốc cho rau quá ngắn. Người nông dân trồng manh mún trên ruộng và phải bơm thuốc trừ sâu nên khó bán rau lắm…”.
Theo ông Ba Hạn, năm nay thời tiết thuận lợi, không có lụt lội nên việc trồng rau màu, các loại thực phẩm Tết diễn ra khá suông sẻ. Tuy nhiên, vì ai cũng làm được nên rau xanh năm nay rẻ hơn mọi năm và người nông dân phải chịu thua lỗ.
Có một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng nông dân miền Trung bị thua lỗ nặng nề đối với rau xanh là vấn đề trồng rau sạch. Công nghệ trồng rau sạch vẫn còn quá xa lạ đối với người nông dân mặc dù với việc chăn nuôi kết hợp ao cá và vườn rau, muốn có một qui trình trồng rau sạch không phải là khó. Nhưng theo ông thì hầu như người nông dân chưa bao giờ được ai giúp đỡ để tự trồng một vườn rau sạch, mọi chuyện vẫn phải dựa vào kinh nghiệm nhà nông.
Mà một khi công nghệ trồng rau sạch còn xa lạ thì người nông dân vẫn phải dùng phân, dùng thuốc để nuôi dưỡng cây rau. Và hệ quả của việc này là hầu hết rau xanh của người nông dân trồng ra đều không an toàn vì dùng phân hóa học và thuốc dưỡng cây quá nhiều.
Và đây là chỗ bế tắc của người nông dân bởi một khi cả hệ thống ruộng đồng đều dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu, nếu như đơn lẻ một gia đình nông dân nào đó không dùng phân hóa học và không dùng thuốc trừ sâu thì đó sẽ là nơi tập trung của sâu bọ và bệnh tật. Chính vì vậy, người nông dân không còn lựa chọn nào khác là phải dùng đến thuốc độc để bơm.
Và lượng rau tiêu thụ của người nông dân trên thị trường bị giảm đáng kể, phần lớn người dân thành phố tự mua thùng xốp, tự trồng rau để ăn. Mặc dù việc tự trồng rau này có thể tốn kém lên gấp vài chục lần mua rau chợ nhưng người ta vẫn chọn giải pháp này nhằm đảm bảo sức khỏe.
Chợ đêm miền Trung chủ yếu là tiêu thụ các loại rau củ quả, đặc biệt, lượng rau xanh đưa ra các thành phố mỗi ngày có thể lên đến hàng trăm tấn. Nhưng rất tiếc là rau được mua với giá hết sức rẻ rúng. Ví dụ như hiện tại, một chục rau cải gồm mười hai kẹp được mua với giá chưa đến mười ngàn đồng, có đêm chỉ còn năm ngàn đồng. Một gánh rau cải nặng muốn gãy vai chứa gần sáu chục, bảy chục kẹp cải phải kẹp từ lúc năm giờ chiều và bán lúc mười hai giờ đêm, số tiền thu được chưa tới ba chục ngàn đồng. Đây là những con số làm cho người nông dân chết đứng giữa chợ nếu như nghĩ đến Tết, nghĩ đến tương lai học hành của con cái.
Và theo ông Hai Hạn, sở dĩ có chuyện thu nhập của người nông dân trở thành nỗi lo và một thứ gì đó tựa như tai ương trong dịp sắp Tết bởi vì hơn bao giờ hết, người nông dân Việt Nam rơi vào thảm cảnh thị trường thành phố bỏ rơi họ và ngay trên đám ruộng, muốn có một đám rau tốt họ phải đối mặt với nhiều thứ dịch vụ.
Như trường hợp rau cải chỉ còn dao động từ bảy ngàn đồng đến mười ngàn đồng, người nông dân vuốt mặt không kịp vì lỗ. Chỉ có một cách duy nhất để họ tồn tại là chấp nhận nhắm mắt xuôi chân, được đến đâu hay đến đó. Và bài ca trúng vụ thì rớt giá, được giá thì mất vụ vẫn mãi là bài ca không bao giờ quên của người nông dân thời kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tết như một lời nói thách
Ông Hiên, một nông dân lâu năm ở Đại Lộc, Quảng Nam, chia sẻ: “Ô chu choa không ra chi hết trơn, rẻ lắm. Chừ bên bãi họ làm nhiều lắm. Mình làm chừ không ăn đâu. Chủ yếu làm ngò, xà lách, tần ô và họ làm cả một bãi, làm chừ không ăn đâu. Đồ ở Gia La về cũng nhiều lắm!”.
Ông Hiên nói rằng với một nông dân như ông, trong suốt mười lăm năm nay, Tết bao giờ cũng là một lời thách thức. Thay vì vui mừng vì một năm cũ khép lại, năm mới mở ra trước mắt, hình như hầu hết người nông dân đều phải thức trắng đêm với vườn rau và những phiên chợ đêm. Và ở những phiên chợ cuối năm, nếu chịu khó quan sát, căn tính của dân tộc hiện ra rất rõ.
Mọi nỗi lo toan, eo sèo hay tính khờ khạo, mặc cảm của người nhà nông biểu hiện trong từng bó rau, kẹp cải hay trong từng tiếng thở dài khi cầm những đồng bạc lẻ sau khi bán rau. Theo ông Hiên, chính những nhà buôn Việt Nam giết chết người nông dân chứ không ai khác. Nghĩa là hiện tại, trên thành phố không phải người nào cũng trồng được rau xanh ở gia đình để có rau an toàn mà ăn. Phần lớn cư dân thành phố cũng đến chợ và siêu thị.
Trong khi đó, có một số nhà buôn chuyên mua rau của người nông dân đem đi bỏ các siêu thị. Và ở các siêu thị, rau được bán theo giá rau sạch. Ông Hiên nhấn mạnh là chuyện này chỉ có trong dịp Tết, khi mà nhu cầu tăng vọt trong khi đó lượng cung không đáp ứng kịp. Và có một kinh nghiệm dễ thấy nhất là rau của người nông dân dù trồng bằng thuốc hóa học vượt mức cho phép cỡ nào đi nữa thì cũng không gây ra cái chết ngay trước mắt. Chính vì vậy mà một số siêu thị đã qua mặt người tiêu dùng trong dịp Tết.
Nhưng đó cũng là chuyện hãn hữu. Và vấn đề chính mà ông Hiên muốn nói đến là không khí chợ đêm của thời buổi bây giờ khác xa với không khí chợ đêm trước đây chừng mười lăm năm. Nếu như chợ đêm trước đây làm cho người ta cảm thấy yêu cuộc sống, hy vọng vào tương lai và nỗ lực để năm sau khá hơn năm trước thì chợ đêm bây giờ nhiều tiếng thở dài.
Tiếng thở dài của người nông dân không dừng ở giá rau bị rớt mà còn kéo dài ra tận Hà Nội, nơi đang diễn ra đại hội 12 đảng Cộng sản Việt Nam. Tiếng thở dài của lòng hụt hẫng, không còn tin vào ngày mai và nhắm mắt xuôi chân, được tới đâu hay tới đó. Bởi vì người nông dân đã sống quá lâu trong một đất nước mà niềm hy vọng chỉ là thứ xa xỉ, tương lai chưa bao giờ thôi xám xịt và mỗi cái Tết như một lời thách thức.
Tết lại về, những tiếng thở dài và lời bàn ra tán vào về đại hội 12 càng làm cho cái Tết trở nên ngột ngạt, buồn tẻ!
Related news items:
Tin mới
- Sinh viên làm thêm trong mùa Tết - 11/02/2016 21:10
- Sài Gòn ba ngày Xuân - 10/02/2016 16:59
- Bánh tổ, bánh tét với người xứ Quảng - 08/02/2016 20:50
- Bán đồ cũ trên phố Sài Gòn ngày cuối năm - 08/02/2016 17:55
- Sinh lực phụ nữ đổ ra cho cái Tết như thế nào? - 07/02/2016 14:51
- Hoa Tết Sài Gòn - 06/02/2016 20:26
- Chợ truyền thống ở Việt Nam mai này ra sao? - 02/02/2016 20:32
- Nhớ ngày “ông Táo về trời” - 01/02/2016 02:49
- Nguyễn Phúc Nguyên, con đường gốm sứ ở Sài Gòn - 31/01/2016 11:44
- Ngày Xuân nói chuyện về trà: Hương trà ngày Tết - 30/01/2016 01:02
Các tin khác
- Kẹo Tết và sức khỏe trẻ em - 29/01/2016 20:33
- Đỉnh Fanxipan không còn nguyên vẹn - 29/01/2016 20:28
- Nghề nấu dầu tràm xứ Huế - 29/01/2016 20:23
- Đấm bóp dạo ở Sài Gòn - 29/01/2016 13:22
- Nghĩa Trang Biên Hòa là di tích lịch sử (kỳ cuối) - 24/01/2016 16:05
- Tháng chạp của những người già neo đơn - 23/01/2016 15:05
- Đường sách Sài Gòn và văn hóa đọc - 23/01/2016 14:48
- Tết của những người bán hàng rong - 23/01/2016 14:40
- Câu chuyện trùng tu Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa (Kỳ 2) - 23/01/2016 01:55
- Trùng tu Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa (kỳ 1) - 22/01/2016 13:23