Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đấm bóp dạo ở Sài Gòn


SÀI GÒN (NV) - Một người thanh niên dáng tầm thước, mặc áo thun trắng có điểm sọc trên chiếc xe đạp chạy chầm chậm, anh ta cầm một cái súc sắc khua lẻng rẻng xuất hiện từ đầu hẻm xa vừa chạy vào.

tho dambop
Một người sống với việc đấm bóp dạo ở Sài Gòn.(Hình: Duy Thức/Người Việt)

Giống như tiếng chuông leng keng của xe cà rem, tiếng nhạc inh ỏi của xe bán đĩa nhạc. chỉ cần nghe tiếng khua của những nút khoén xâu qua sợi dây là dấu hiệu của tiếng rao đêm về khuya. Dân thành phố ai cũng biết ngay đó là người hành nghề giác hơi và đấm bóp.

Trời đã khuya lơ khuya lắc tôi không ngủ được nên vẫn ngồi trước nhà, hơi thoáng ý nghĩ thương thân phận cò ăn đêm. Khi thấy mình tôi ngồi dựa trên chiếc ghế nhựa giữa con hẻm thanh vắng thì anh ta dừng xe lại ra ý mời chào dù không nói gì.

Nghề đấm bóp xưa kia phần nhiều ở các tay tứ chiếng giang hồ, một số dân xì ke ma túy cũng thường hành nghề này để dòm ngó gia chủ xem có hở gì không mà đánh cắp. Ghê hơn nữa bọn đội lớp có hung khí trong mình hết sức nguy hiểm.

Dù sao bên cạnh đó vẫn là những người lao động thực sự sống lương thiện bằng nghề đấm bóp dạo.

Đêm tối, khoái đấm bóp nhất là các ông anh nhậu nhẹt say mèm hoặc những người suốt ngày làm việc mệt nhọc muốn giãn gân cốt. Anh thanh niên trẻ tuổi đứng trước mặt tôi trông có vẻ thật thà. Đồ nghề chẳng có gì ngoài vỏn vẹn một chiếc túi và cặp da cũ móc ở tay xe.

Tôi lắc đầu tỏ vẻ không muốn nhưng anh ta vẫn đứng yên. Tôi nói:

- Nếu mỏi chân thì cứ ngồi đây nghỉ một chút.

Anh ta không nề hà, dựng xe vào gốc cây rồi ngồi xuống ghế, thỉnh thoảng không quên lắc chuỗi nút khoén ra chiều kêu gọi những người khách đâu đó còn thức sau các cánh cửa đóng kín đêm khuya. Tôi gợi chuyện:

- Từ tối tới giờ mấy người khách rồi? Làm đến mấy giờ thì nghỉ.

Anh ta được dịp than vãn:

- Tôi chạy xe từ bảy giờ đến giờ. Hai tiếng mới có một người khách được năm chục ngàn. Sắp Tết, người ta tiết kiệm mọi khoản chi tiêu. Vì thế mà đấm bóp cũng ế hẳn. Nghề này là nghề của cú. Ngày ngủ, đêm làm việc từ chập tối đến gần sáng vì người ta làm việc suốt ngày, đêm đến ê ẩm mới cần đến đấm bóp. Thật ra ban ngày đôi khi cũng có khách quen kêu nhưng không nhiều, đôi khi là mấy ông già hoặc người đau yếu cần đấm bóp nhẹ.

Tôi nhận xét :

-Có lẽ bến xe, chợ búa... tập trung nhiều người làm việc đêm muốn đấm bóp hơn là chạy rong cầu may thế này chứ ?

Anh ta giải thích :

- Đúng vậy, khách chủ yếu là dân khuân vác, cánh xe ôm... Nhưng ở đó bao giờ cũng có những người hành nghề lâu năm. Tôi mới nên không thể chen chân vào được.

Vừa lúc đó ông hàng xóm đối diện nhà tôi trờ xe về tới sau cuộc đi chơi khuya. Ông này vui vẻ kêu lên:

- Đấm bóp hả. Đúng lúc đang ê ẩm cả người suốt hôm nay.

Anh thợ đấm bóp nhìn tôi ra vẻ ngầm chứng minh đi rong vẫn có khách chứ không cần trú một chỗ ở bến. Anh ta nhanh nhẹn rút trong cặp ra một tấm bạt gấp ngay ngắn, rũ ra, rồi trải ngay xuống mặt hẻm tráng xi măng trước hàng hiên, rút thêm chiếc gối mỏng đặt trên tấm bạt. Con hẻm giờ này vắng vẻ nên không ngại xe cộ qua lại hay người hiếu kỳ dòm ngó. Khách không dám dẫn thợ vào nhà sợ táy máy. Ngược lại, thợ cũng ngại vào nhà sợ gặp dân ngáo đá, say rượu... trở tay không kịp. Ông hàng xóm nằm sấp xuống tấm bạt có vẻ thư giãn lắm.

Anh thợ hỏi :

- Chú muốn giác hơi, đấm bóp hay cả hai?

Anh thợ bắt đầu hành nghề thuần thục. Tùy mỗi người khách kêu mỏi vai, đau lưng hay nhức đầu... mà đấm bóp đúng chỗ. Anh ta thoa dầu lên lưng, bóp lấy gân cổ ở sau gáy, chà sát kéo mạnh cánh tay duỗi song song, bẻ ngón tay ngón chân kêu răng rắc... Ông hàng xóm như thiếp đi một lúc cho tới khi anh ta bóp từ bắp đùi xuống tận khuỷu chân mới tỉnh lại.

Khách đấm bóp ít nói, họ thường im lặng thưởng thức cảm giác dễ chịu nhưng hôm nay có tôi ngồi gần nên ông hàng xóm cũng góp chuyện. Vừa làm việc vừa trò chuyện cho vui lòng khách, anh ta trả lời khi được hỏi nguyên nhân vào nghề:

- Tôi không có chữ nghĩa, chỉ học đến lớp 6 thì nghỉ, không nghề nghiệp chuyên môn, không vốn liếng cũng chẳng có đất đai vườn ruộng. Quê tôi đất chật người đông chẳng có việc gì làm. May gặp người quen chỉ dạy cách đấm bóp. Tôi rời đất Vĩnh Phúc theo ông ấy vào Nam rồi sống bằng nghề này đã mấy năm rồi.

Dân lao động từ Bắc vào Nam làm trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, số còn lại làm nghề tự do như anh thợ này cũng sống được hơn bám lại quê nhà. Dân tha hương cứ nghề nào kiếm ăn được là quay về mách nước, rủ rê bà con hàng xóm đi cùng. Ở nơi xứ lạ, họ nương dựa nhau mà sống.

Anh ta mỉm cười thú thật:

- Làm nghề này cần sức khỏe vì đấm bóp phải có lực ở tay chứ làm lớt phớt, khách không “đã,” chẳng những không trả tiền mà họ còn mắng cho. Lúc mới đầu không quen tôi cũng mỏi lắm. Cứ làm một lúc phải nghỉ nhưng chỉ một vài tuần là thành thạo. Thợ lâu ngày đều phải có cách đấm bóp sao cho khách hài lòng mà mình vẫn giữ được sức. Không thì bỏ nghề sớm.

Khoảng bốn mươi lăm phút cho một lần đấm bóp. Sau đó anh ta mau chóng dốc túi đồ nghề lấy ra các ống thủy tinh. Giác hơi có khi dùng ống trúc, ống sành nhưng lâu nay, người ta thường dùng ống thủy tinh. Anh ta bật lửa, hơ vào ống rồi mau chóng úp chụp xuống lưng khách.

Ở một số tiệm cạo gió hẳn hoi còn chích lể nhưng bây giờ, đấm bóp ngoài đường chẳng ai dám lể hút bầm cho đỡ nhức mỏi theo lối dân gian cổ truyền, vì sợ lây bệnh truyền nhiễm. Trước 75, nổi tiếng cạo gió, giác hơi, chích lể là ông Ba Cầu Bông. Trẻ con cảm sốt thường được các bà mẹ dẫn đến cạo gió, chích lể khóc um trời. Đến bây giờ vẫn còn một số đệ tử của ông hành nghề rải rác đây đó.

Anh thợ lại tiếp tục kể:

-Tôi mướn nhà ở Gò Vấp chung với mấy người độc thân chia tiền phòng. Ở đó cũng toàn người cùng quê. Chúng tôi chia nhau nấu ăn cho đỡ tốn.Tối đến mọi người tỏa ra khắp nơi hành nghề đấm bóp dạo. Ban ngày quanh đấy có khi phụ hồ, khiêng vác hay ai kêu lặt vặt đều làm cả. Miễn có việc là mừng.

Như vậy ngoài bảo đảm cuộc sống hàng ngày thì vì không cần phải gửi tiền về quê, cha mẹ còn sức khỏe cày cuốc được và các anh chị đều có công ăn việc làm, anh thợ có thể để dành chút ít hầu có ngày cưới vợ. Ở khu nhà trọ cũng có mấy cặp ở đấy. Vợ chồng toàn làm các nghề bán rong bán dạo, tằn tiện gửi về quê nuôi cha mẹ già hay con nhỏ gửi ông bà.

Cứ nhẩn nha từ ven đô vào nội thành rồi quay về. Nghề này toàn xe đạp chầm chậm để khách kêu còn kịp dừng chứ xe máy phóng vèo vèo khách gọi không kịp nghe. Với lại chạy xe máy đêm khuya dễ bị cướp.

Anh ta chỉ vào chiếc túi đồ nghề, nói thêm:

- Trong này có một ống sắt và tôi cũng phải học vài ngón võ phòng thân, đề phòng gặp thằng nghiện hay ăn cướp còn kịp đối phó. Đi đêm có ngày gặp ma. Có lần gặp thằng say rề xe máy lại gây sự định trấn lột, tôi kịp chống trả thoát thân vào hẻm. Trên những con đường đi hằng đêm, tôi thuộc làu các ngõ ngách ngang dọc. Chỉ có điều đôi khi gặp kẻ quỵt tiền đành chịu, chẳng lẽ đánh nhau sứt đầu mẻ trán đòi mấy chục.

Thật ra thợ đấm bóp tay nghề cao đều có mối quen, thậm chí đấm bóp cho khách theo lịch định kỳ được trả công cao, bo hậu hĩ. Một số người làm tại các khách sạn mối mang thường hơn nhưng bù lại, phải chia hoa hồng cho quản lý. Chỉ có dân đấm bóp dạo là thấp nhất do tay nghề không cao bằng, đi rong đêm hôm khuya khoắt nhiều bất trắc và tiền công chẳng bao nhiêu.

Hiện nay giá cho một suất đấm bóp rong khoảng sáu chục ngàn. Thế nhưng do thợ ngày càng đông, khách ngày càng ít. Khách của đấm bóp rong lại toàn dân lao động nghèo, nên được trả bao nhiêu thợ cũng làm, cố gắng sao làm vừa lòng khách. Sau đó đưa số điện thoại để trông cậy vào những lần sau.

Cách khuyến mãi chiều chuộng khách này tỏ ra khá hiệu nghiệm vì ông hàng xóm là chủ thầu nhỏ chẳng những thưởng thêm mà còn hứa hẹn sẽ kêu anh thợ đến Bà Hom, nơi ông ta có một nhóm thợ đang trực ở đó xây dãy nhà cho công nhân trọ.

Anh thợ thu dọn đồ nghề, leo lên xe, lại chạy đi giữa con hẻm vắng hoe vắng ngắt, hy vọng một căn nhà nào đó mở cửa gọi hay người khách lạc thức khuya.

Switch mode views: