Miền Tây với những con sông cạn nguồn
- Thứ Sáu, 08 tháng Giêng năm 2016 11:19
- Tác Giả: Liêu Thái/Người Việt
VIỆT NAM (NV) - Câu chuyện Cửu Long cạn dòng đã được tác giả Ngô Thế Vinh đề cập trong “Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng” cách đây khá lâu. Nhưng khi ông Ngô Thế Vinh viết cuốn sách này, đời sống của đồng bào miệt Tây Nam Bộ chưa khốn khó như hiện tại.
Nếp nhà quen thuộc của người Tây Nam Bộ sông nước. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Có thể nói rằng Tây Nam Bộ không còn là vựa lúa, ao cá của miền Nam nữa. Mọi sự đã đối thay đến mức khó mà tưởng tượng!
Cá sông, cá đồng nay về đâu?
Nói về miệt Tây Nam Bộ, không riêng gì sách vở, tạp chí văn hóa, tạp chí địa lý mô tả mà ngay cả những người từng đến thăm Tây Nam Bộ như chính người viết bài này vào những năm 1990, đều công nhận là nơi này trái cây bạt ngàn, chim rừng cũng bạt ngàn và cá lội đen cả nước. Muốn ăn nhậu chỉ cần rủ nhau vác cần ra một đám ruộng sâu nào đó ngồi thả mồi, chừng nửa giờ thì cá không làm gì cho hết...
Nhưng đó là chuyện của những năm 1990, cách đây 20 năm. Còn bây giờ, trở lại đồng bằng sông Cửu Long, không riêng gì một tỉnh nào, đều trở nên trơ trọi khi nói về chuyện cá mắm ở đây. Có một điều lạ là hiện tại, xuống miệt Tây Nam Bộ, nếu muốn tìm mua món cá khô, mua mắm thì rất nhiều nhưng vác cần ra đồng thì chuyện này đã xưa, ngồi cả ngày cũng không có con cá nào.
Và cũng xin nói thêm là hầu hết các món khô đều là hàng tích trữ từ nhiều năm trước, nguồn hàng hiện tại cũng rất quí hiếm, được bán với giá trên trời bởi nó được xếp vào nhóm đặc sản hiếm. Như lời của Bà Út Lời, một người buôn bán các loại khô sặc ở Ninh Kiều, Cần Thơ: “Mọi thứ bây giờ khó kiếm rồi. Như món rắn khô, cá da trơn khô đã thành đặc sản hiếm.”
Theo bà Út Lời: “Những món như cá lóc khô, cá trê khô, nhái khô bây giờ cũng có giá cao rồi. Không như trước đây muốn có thì mang đèn pin ra đồng, sau một đêm thì nhiều nhóc ra đó, tha hồ mà làm, mà phơi. Bây giờ thứ gì cũng hiếm, cá mắm cũng không còn nữa.”
Một lượng cá ít ỏi sau một ngày đánh lưới trên sông Hậu. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
“Chuyện đồng ruộng không còn cá nữa cũng dễ hiểu thôi, một phần do cá không dám bén mảng vào ruộng vì người ta bơm thuốc độc quá nhiều. Các công ty sản xuất thuốc trừ sâu bây giờ mọc ra đầy, công nghệ Trung Quốc rẻ như bèo, chỉ cần bỏ ra vài trăm triệu là có cái nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu. Chính vì vậy mà thuốc rẻ, người nông dân xài vô tội vạ... Kết quả là cá không tài nào dám vào ruộng, vào bao nhiêu chết bấy nhiêu!”
Phần khác nữa, cũng là phần quan trọng nhất là nước trên các con sông chính gồm sông Tiền và sông Hậu đã tuột xuống mức rất thấp trong mùa khô. Ngay cả bây giờ đang mùa nước nổi mà nước vẫn thấp. Nước không dẫn vào ruộng được, cá cũng không có chỗ để đẻ. Thường thì cá đẻ trong ruộng đồng và vào các lùm cây bần, đước, sú, vẹt... để đẻ. Nhưng chủ yếu là đồng ruộng.
Bây giờ mực nước luôn luôn thấp, nước mặn từ ngoài cửa biển tràn vào mỗi mùa trăng. Như vậy thì cá nước ngọt phải tìm đường mà tránh, chúng sẽ bơi về thượng nguồn, chúng không dám ở miệt đồng bằng Tây Nam Bộ này nữa vì ở đây nguy hiểm tính mạng. Chính vì vậy mà trước đây chừng ba năm, mang giỏ đi buổi sáng thì trưa về đầy giỏ cá tôm. Còn bây giờ mang giỏ đi buổi sáng sớm, chiều về được lưng giỏ cá, tôm, ốc...
Những cái đập đe dọa đồng bằng sông Cửu Long
Hoàn toàn đồng ý với nhận xét của bà Lời, ông Tư Hùng, người mới đổi nghề từ đánh cá đồng, đặt ống trúm sang thụt ba khía trong rừng ngập mặn, cũng nói: “Tui phải bỏ nghề cá nước ngọt vì loài cá bây giờ tinh khôn và hiếm hoi rồi. Kiếm cả ngày chẳng được mấy con, sông ngòi cũng không còn cá mắm gì!”
Theo ông Tư Hùng, “Trước đây mười năm, mỗi đêm tôi đánh được hai chục, ba chục ký cá. Còn bây giờ may mắn lắm thì được năm, sáu ký, có đêm được nửa ký. Như vậy thì sống sao nổi. So với trước đây ba chục năm thì khỏi phải nói. Hồi đó đánh lưới một giờ là có vài chục ký cá. Bây giờ cạn kiệt hết rồi!”
“Đi thụt ba khía thì phải tới rừng ngập mặn, đường sá xa xôi, cả đi và về có khi tốn sáu bảy chục ngàn đồng tiền xăng nhưng bù vào đó cũng còn cái để sống. Chứ đánh lưới và đặt ống trúm, đặt lờ thì bây giờ người ta bỏ nghề nhiều rồi, cá đồng bằng sông Cửu Long không còn để đánh đâu. Ruộng thì bị ngập mặn.”
Nói về ruộng ngập mặn thì bây giờ bị nhiều rồi, ruộng ở Sóc Trăng, Cà Mau, An Giang, Cần Thơ, đâu cũng có đất ngập mặn hết. Do nước sông Cửu Long cạn dòng, nên thủy triều ngoài biển vào là vào tận lên tới An Giang, Cần Thơ, có khi lên tới Vĩnh Long, Bến tre, nói chung là đâu cũng có nguồn nước mặn đổ vào. Hậu quả thì miễn bàn, ngập mặn chừng ba mùa thì thành ruộng muối!
Một người thụt ba khía ở Đất Mũi, Cà Mau. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Cứ tưởng tượng một lúc nào đó đồng bằng sông Cửu Long thành ruộng muối? Vì chuyện này không phải là không thành hiện thực khi mà Trung Quốc xây chín cái đập thủy điện ở Vân Nam, thượng nguồn sông Mê Kông rồi mà vẫn còn tiếp tục xây nữa. Trong khi đó, Thái Lan và Cambodia cũng xây mấy đập nữa. Lúc đó cả đồng bằng sông Cửu Long này phải ngửa mặt kêu trời, chờ mấy ông trời Trung Quốc, Thái Lan và Cambodia ban cho nguồn nước.
“Tôi sợ rồi đây đồng bằng sông Cửu Long không còn lúa gạo nữa, tôm cá thì hết lâu rồi. Ngay cả con ba khía ở rừng ngập mặn hay con ốc đen ở rừng ngập mặn bây giờ cũng hiếm lắm rồi! Không phải dễ kiếm như ngày xưa nữa. Tôi lội ruộng, lội rừng ngập mặn quanh năm nên linh cảm của tôi về ruộng đồng ở đây cao lắm. Tôi sợ đến một lúc nào đó mọi thứ sẽ trơ trọi và hoang mạc chứ đừng tưởng nói đùa.”
Câu nói của ông Tư Hùng, một nông dân quanh năm làm ruộng và đánh trúm, thụt ba khía nhưng lại sâu sắc và thấm thía vô cùng. Nhưng điều này cũng làm cho chúng tôi hết sức ngạc nhiên bởi vì sau một kì nghỉ dài, tham quan “lục tỉnh miền Tây” và tiếp xúc với nhiều người. Chúng tôi luôn bị cảm giác hình như người miền Tây không bận tâm đến chính trị, xã hội, họ chỉ cần làm kiếm tiền, ăn, nhậu và đẻ con...
Đa phần là vậy. Ngoại trừ trường hợp ông Hùng biết được có chín con đập của Trung Quốc và nhiều con đập của Thái Lan, Cambodia trên thượng nguồn MêKông hay bà Út Lời bán khô sặc biết rằng có nhiều cái nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu công nghệ Trung Quốc đã phá nát ruộng đồng Tây Nam Bộ... Hầu như chẳng có mấy người biết chuyện này. Khi hỏi về chuyện những con sông cạn dòng, họ chỉ trả lời rất tỉnh: “Anh/chị lo làm ăn, nghèo khổ quá làm kiếm đồng thôi chứ không có quan tâm chuyện này!”
Lại thêm một con sông khác đang cạn dòng nơi tâm hồn người Tây Nam Bộ, nơi của bạt ngàn trái ngọt, phù sa màu mỡ, lòng người khoáng đạt và cởi mở.
Related news items:
Tin mới
- 'Tử sĩ Hoàng Sa phải được vinh danh trên chính quê hương mình' - 19/01/2016 18:15
- Chợ hoa Phước Lộc Thọ mang Xuân về Little Saigon - 17/01/2016 13:52
- Có một cách mua vé số trúng $1.4 tỷ - 12/01/2016 15:30
- Lộ phí và đinh tặc - 11/01/2016 21:37
- Biết thêm về xổ số ở Mỹ - 11/01/2016 14:58
- Rượu bia ngày Tết - 09/01/2016 02:23
- Chuyện cái phong bì - 09/01/2016 02:17
- Đảo ngọc Phú Quốc trước một canh bạc lớn - 07/01/2016 15:21
- Uống cà phê Trung Quốc ở Đà Nẵng - 04/01/2016 23:01
- Sắm đồ Tết - 04/01/2016 22:55
Các tin khác
- Mặn đắng nghề muối ở Cam Ranh - 02/01/2016 17:00
- Tân Hiệp Phát trong mắt người tiêu dùng - 31/12/2015 16:47
- Ðêm Ðông Hà Nội và hàng nước ngô phố cổ - 31/12/2015 16:13
- Đà Nẵng 'ngộp thở' vì người Trung Quốc - 25/12/2015 20:54
- Cuối năm đi thụt ba khía - 25/12/2015 20:27
- Những đêm Đông của người homeless ở Little Saigon - 24/12/2015 12:45
- Mối nguy từ những bờ biển lở lói - 23/12/2015 21:50
- Nỗi khổ của nông dân Tây Bắc mùa giá rét - 23/12/2015 21:45
- Mùa cứu trợ Tết bắt đầu - 22/12/2015 01:48
- Tại sao Trung Cộng phá hoại san hô ở Biển Đông - 22/12/2015 01:23