Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đà Nẵng 'ngộp thở' vì người Trung Quốc


ĐÀ NẴNG (NV) - Hàng loạt vụ việc có liên quan đến an ninh quốc phòng mà người Trung Quốc đã núp bóng một số người dân để mua đất sát cạnh sân bay quân sự Nước Mặn, Đà Nẵng và hàng loạt ngôi nhà của người Trung Quốc đã xây dọc bờ biển Đà Nẵng. Có thể nói rằng đến thời điểm hiện nay, người dân Đà Nẵng cảm thấy ngột ngạt với những gì mang yếu tố Trung Quốc. Sự có mặt của người Trung Quốc tại Đà Nẵng đâu đó còn mang cả tính thách thức và đe dọa.

danang nguoitq 1
Sòng bạc phục vụ người Trung Quốc do người Trung Quốc xây dựng tại Đà Nẵng. (Hình: Phi Hùng/Người Việt)


Đi đâu cũng đụng người Trung Quốc


Chuyện đi đâu cũng gặp người Trung Quốc, đụng người Trung Quốc, đây vốn là vấn đề không phải mới mẻ đối với người dân Đà Nẵng. Bởi trước năm 1980, nghĩa là trước chiến tranh Việt Trung 1979 ở Tây Bắc Việt Nam, người Đà Nẵng vốn sống hòa đồng và thân thiết với Hoa Kiều. Hoa Kiều ở Đà Nẵng khá đông đúc, họ là những người Hoa được người dân Đà Nẵng gọi với cái tên thân thương “Hoa Minh Hương.”

Hầu như giữa người Đà Nẵng và người Hoa Minh Hương có một mối quan hệ tương đối gắn bó từ kinh tế cho đến văn hóa, xã hội. Có không ít các cô gái Đà Nẵng làm dâu những người Hoa Minh Hương và cũng có không ít các cô gái Hoa Minh Hương làm dâu các gia đình Việt ở Đà Nẵng. Điều này cho thấy có sự giao thoa, cộng hưởng về tình cảm, dòng máu và nhiều vấn đề khác, không có sự tách biệt nặng nề.

Thế rồi chiến tranh biên giới 1979 nổ ra. Những người Hoa nhanh chân rời bỏ Đà Nẵng để về lại cố quốc. Những dãy nhà của họ trên đường Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Lê Độ, Hai Bà Trưng và Trần Quốc Toản... được bán nhanh chóng cho người Việt.

Và sau nhiều năm, người Hoa lại xuất hiện ở Đà Nẵng trong một tư thế khác, như lời của bà Vinh, một cư dân lâu năm ở quận Hải Châu, Đà Nẵng: “Người Hoa trước 1979 là những người Hoa lưu vong, họ bị mất đất sống, họ gần với mình hơn. Còn người Hoa bây giờ là người Hoa xâm chiếm, họ hành động theo lối bành trướng.”

“Bằng chứng của việc này là có rất nhiều người Hoa sang đây mua cả hàng chục lô đất, họ mua không công khai, có dấu hiệu mờ ám, trong khi đó, họ mua toàn ở những vị trí nhạy cảm. Như Đèo Hải Vân, dọc bờ biển, trên dãy Trường Sơn. Tất cả những vị trí này đều là chiến lược quân sự...”

danang nguoitq 2
Những ngôi nhà của người Trung Quốc xây dựng tại khu vực gần phi trường Nước Mặn, Đà Nẵng. (Hình: Phi Hùng/Người Việt)


“Và rõ ràng mua đất bỏ không, sau đó vây kín để xây công sự bên trong, hầm hố đầy rẫy, bởi tôi có con đi làm thợ hồ, từng xây dựng trong khu của người Trung Quốc, nó mô tả nghe sợ lắm, nói chung là hành tung của họ quá mờ ám. Không hiểu vì lý do gì mà một ông nghèo kiết xác mới đi vay tiền nhà nước để mua máy tính cho con lại có thể đứng tên mua mười hai lô đất để rồi sau đó sang tên cho người Trung Quốc mà không ai phát hiện được!”

“Vì thủ tục sang tên phải thông qua công chứng chứ. Còn nếu như không thông qua công chứng thì đâu có giá trị pháp lý gì, họ đâu có quyền xây dựng. Ở đây họ ngang nhiên xây dựng, làm chủ, chứng tỏ phải có một sự hợp pháp nào đó theo cách của họ.”

“Thực sự là chúng tôi, người dân Đà Nẵng hết sức bực mình về chuyện này. Đến thời điểm hiện nay, đi đâu cũng gặp người Trung Quốc, từ siêu thị cho đến chợ bán lẻ đều có họ. Họ ở chỗ ngon nhất Đà Nẵng, những mảnh đất vàng đều có mặt của họ. Chính vì vậy mà họ nghênh ngang rất khó chịu.”


Mối nguy ‘sính Trung Quốc’


“Sính Trung Quốc,” chuyện nghe tưởng đùa bởi hiện tại, với cục diện chính trị, xã hội cũng như những biến cố trên Biển Đông sẽ không bao giờ làm cho người Việt sính Trung Quốc. Nhưng đó là lý thuyết, trên thực tế đã có rất nhiều người sinh Trung Quốc, bởi điều này tạo cho họ một nguồn lợi nhuận không nhỏ. Một bộ phận không nhỏ người Đà Nẵng cũng rơi vào tình trạng này.

Ông Cư, sống ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng, cho hay: “Cái vụ sính Trung Quốc thì nhiều chứ không ít đâu! Bởi người ta chỉ cần biết kiếm được đồng tiền trước mắt, không nghĩ đến chuyện lâu dài nên người ta theo Trung Quốc làm chuyện bậy bạ!”

“Ví dụ như toa rập với người Trung Quốc để mua đất của Việt Nam, biến dần đất của người Việt thành đất của Trung Quốc cũng là một chuyện nổi cộm. Rồi hầu hết các nhà hàng, quán xá đều ghi chữ Trung Quốc, thậm chí khách sạn liên doanh với nhà nước cũng ghi chữ Trung Quốc. Cái không khí trên đường Trường Sa, Hoàng Sa và Võ Nguyên Giáp ngợm mùi Trung Quốc.”

danang nguoitq 3
Những quán nhậu dọc bờ biển Đà Nẵng đều ghi chữ Trung Quốc. (Hình: Phi Hùng/Người Việt)

“Như vậy thì chính người dân của mình tiếp tay cho Trung Quốc họ bành trướng một cách hợp pháp chứ ai nữa? Cái này lẽ ra người dân phải biết, phải tố cáo và đưa ra công luận, đằng này, có lẽ do dân trí thấp quá và cũng quá tin vào cái gọi là tình bạn bốn tốt mười sáu vàng gì đó nên đâm ra hỏng bét!”

“Đến giờ thì không còn nói được gì nữa rồi, ngoài biển thì ngư dân Việt Nam bị đánh đập, bị bắn, trong bờ thì người Trung Quốc họ đi nghênh ngang. Đương nhiên tôi cũng như bao người dân Đà Nẵng hay người dân Việt Nam khác, tôi không bao giờ kỳ thị, tôi sống hòa đồng. Nhưng một khi người ta có biểu hiện xâm lược thì chúng tôi không thể thân thiện hay hòa đồng được.”

“Cách tốt nhất bây giờ là không nên để người Trung Quốc xuất hiện ở Đà Nẵng, thậm chí Việt Nam. Chỉ khi nào họ ngưng chiếm biển Đông và họ thật sự tôn trọng dân tộc Việt Nam thì lúc đó để họ sang thăm thú, du lịch cũng chưa muộn! Đừng vì mấy đồng bạc lẻ của họ mà để tương lai dân tộc bị rách nát!”

Câu nói của ông Cư cũng là câu kết trong bài viết này. Bởi nó hàm chứa nhiều điều, trong đó, mỗi chữ của nó nặng trĩu nỗi buồn của một cư dân yêu thành phố Đà Nẵng, yêu đất nước, yêu dân tộc!

Switch mode views: