Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Về non xanh thăm nhà Bác sĩ Yersin


NHA TRANG (NV) - Khi xe đi vào cung đường lên Hòn Bà-Nha Trang, ý nghĩ chúng tôi mơ hồ theo độ cao của núi và bật ra câu hỏi, ở tận những năm đầu thế kỷ trước (1915), Bác Sĩ Yersin chọn nơi hoang vu hút cao này để sống và làm việc sao?

bs yersin khuvuon
Cảnh mây núi, sương giá, cỏ hoang trên khu vườn thí nghiệm ngày trước của Bác Sĩ Yersin. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Trước khi sóng điện thoại di động, sóng 3G của cái điện thoại biến mất, chúng tôi kịp vào Wikipedia để xem nguồn sử liệu đồ sộ về vị bác sĩ ân nhân của nhân loại. Có đoạn trích như sau: “Bác Sĩ Yersin dùng số tiền có được nhờ giải thưởng khoa học. Giải thưởng Lassen đem lại cho ông 8,000 quan Pháp. Ông dùng ngay tiền đó vào việc mở đường mòn nối liền Suối Dầu-Hòn Bà dài 30 cây số quanh co uốn khúc. Con đường mà trước đó ông Krempf, một nhà sinh vật học, nhà thám hiểm đã sống nhiều năm ở viện Pasteur Nha Trang, bạn ông đã đi theo lối mòn của người dân tộc lên tới đỉnh Hòn Bà. Bác Sĩ Yersin đã sử dụng thiết bị tiên tiến Improver Road Tracer, ông đích thân chỉ đạo công việc, với sự giúp đỡ của các cai người An Nam làm một con đường có độ dốc rất đều, ở mức mười phần trăm. Ðôi khi phải dùng bộc phá để nổ phá đá, và dùng các mảnh vụn để xây tường chống...”

Khi đọc xong đoạn chép về gốc cội con đường núi tuyệt mỹ này, chúng tôi quay qua nói với cô bạn đồng hành còn trẻ người Nha Trang: “Những gì cô đọc về chuyện ông chủ tịch tỉnh Nha Trang nào đó có công mở con đường này vào năm 2001 thì phải coi lại cho đúng, việc mở đường của một nhà thám hiểm vĩ đại vì khoa học và nhân văn hoàn toàn khác với chuyện tu bổ con đường để khai thác du lịch kiếm tiền.”

Nếu Ðà Lạt có độ cao 1,500m thì Hòn Bà, Nha Trang nằm ở độ cao 1,578m so với mặt nước biển. Khi xe chúng tôi dừng lại trước cổng chắn của trạm kiểm lâm để trình báo xin qua, từ đó hai bên đường chỉ thấy toàn là những cụm rừng bạch đàn có thân gỗ chỉ to bằng bắp chân người; bóng dáng của các cánh rừng nguyên sinh cực kỳ giàu có của núi rừng Nam Tây Nguyên đã gần cạn kiệt.

Gần như biết chắc là không thể thấy bóng dáng của các cây cổ thụ nguyên sinh nữa, chúng tôi lại được mấy người bạn Nha Trang kể về sự kiện chính quyền ra sức cứu cây dầu đôi 200 tuổi trên đường 23-10 Nha Trang khỏi cái chết để tiếp tục sống, làm dáng cho môi sinh, môi trường thời săn đuổi tận diệt rừng.

bs yersin nha
Ngôi nhà gỗ mới phục dựng của Bác Sĩ Yersin trên đỉnh Hòn Bà-Nha Trang. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Xe tiếp tục vượt qua những bảng hiệu chỉ độ cao và cả những cụm mây mưa, nhưng hôm nay trời lại không mưa. Số liệu từ Google cho biết. Hòn Bà là nơi mưa nhiều nhất Việt Nam, lượng mưa trải đều hơn hai trăm năm mươi ngày một năm.

Thầy Thích Phước An - chùa Hải Ðức, tháp tùng cùng chúng tôi trầm ngâm nói: “Nha Trang mấy năm nay mưa ít dần, mọi năm thì tháng này mưa cả ngày, năm nay lại càng ít. Dù là đại hạn do thiên nhiên hay đại hạn do con người dân lành đều khổ như nhau.”

Nhìn theo cái nhìn ư tư của thầy Phước An, chúng tôi cũng cảm nhận rằng khi các mái nhà hào nhoáng của các khu du lịch sinh thái, trang trại, villa... của tầng lớp cán bộ, đại gia đỏ choán lấp dần hết các không gian trú ngụ của rừng, thì các cơn mưa mát lành của thời gió thuận mưa hòa cũng trốn sâu hơn vào cõi ký ức của các lương dân.

Chúng tôi dừng lại trong làn mây mỏng của đỉnh Hòn Bà, ở khoảng trống hiếm hoi trên đỉnh cao chót vót này, ý nghĩ đầu tiên là thật may cho chốn này vì chỉ có mỗi ba căn nhà. Phía trái là căn nhà gỗ kiểu xưa mới được phục dựng của Bác Sĩ Yersin, phía phải cái lữ quán (gọi vậy cho sang chớ cũng là một quán ăn kiêm nhà trọ), và trên nền cao hơn là trạm gác rừng của hạt kiểm lâm. Bây giờ là 10 giờ sáng, sự tinh khiết của các lớp sương mai và mây mỏng kéo mọi sự chú ý của chúng tôi về phía căn nhà của Bác Sĩ Yersin.

Rất tiếc là ngôi nhà gỗ này đã không phục dựng đúng theo kiểu dáng kiến trúc ngôi nhà làm việc của Bác Sĩ Yersin ở Hòn Bà như các hình ảnh còn lưu giữ được tại Bảo Tàng Yersin (trong khuôn viên Viện Pasteur Nha Trang). Nhưng may mắn ở lối vào và nền nhà xưa vẫn còn đó những mảng rêu già, rêu non, hoa cỏ hoang dã vẫn ít nhiều lưu dấu bước chân của một vị thánh nhân tại thế.

Chúng tôi không vội bước vào “nhà mới” của Bác Sĩ Yersin, vòng qua hiên nhà, nơi có mấy cái ghế đá nhìn xuống triền núi, nơi núi xanh và mây trắng đang sáng tạo bản phác thảo về chốn bồng lai tiên cảnh.

Cái nhìn chúng tôi lại bắt gặp bên chân các ghế đá là một đống vỏ lon bia và rác của du khách ăn nhậu.

bs yersin phong
Phòng khách nửa cổ nửa tân trong nhà “mới” của Bác Sĩ Yersin. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Vì sao nơi dành cho du khách muốn có những phút giây tận hưởng cảm giác thoát tục khi phóng tầm mắt ra khoảng không cảnh sắc tuyệt mỹ lại bị kéo về thực tại thảm thương đến thế này! Thôi, chẳng trách làm gì mà cũng chẳng chụp hình làm bằng chứng làm chi cho thêm bận lòng, bởi với các kiểu làm du lịch như gầy độ ăn nhậu dưới chế độ này thì dù cảnh thiên nhiên đẹp như thiên thai hay đền thờ thiêng liêng vốn gắn liền với đống rác văn hóa và rác sinh hoạt.

Khi nhạc sĩ Tuấn Khanh đến sau lưng chúng tôi thì những di chứng của xứ cường quốc uống bia đã được dọn sạch. Anh nhìn xuống triền núi phía sau nhà Bác Sĩ Yersin và nói: “Không thấy còn chút dấu vết nào của khu vườn thí nghiệm khoa học của Bác Sĩ Yersin, một ít tượng trưng làm kiểng về bài học trực quan cho người đến chiêm ngưỡng vị bác sĩ cũng không có. Nhưng kỳ quái hơn là trong các món lưu niệm trưng bày trong nhà Bác Sĩ Yersin lại có tới mấy chai rượu Tây.”

Ðược biết khu vườn thực vật núi Hòn Bà này được coi là nơi ươm trồng giống cây canhkina được dùng làm nguyên liệu chế ra thuốc ký ninh trị bệnh sốt rét của vị bác sĩ được thế giới tôn vinh là ân nhân của nhân loại.

Chúng tôi tiếp tục đi quanh quanh bên ngoài ngôi nhà Bác Sĩ Yersin với ý tìm nơi vị bác sĩ thiên tài đặt máy điện lượng kế để dự báo thời tiết, nhất là báo bão cho cư dân vùng duyên hải Nam Trung Phần. Cô nhà báo Ngân Hà, người gốc Nha Trang đi cùng chúng tôi cho biết, “Nếu anh tìm cái chỗ đặt máy đo thời tiết thì nên xuống ngôi nhà gỗ của bác sĩ ở Xóm Cồn, nghe kể là Bác Sĩ Yersin còn thả một con diều khổng lồ đến độ cao cả ngàn mét để dự báo bão, nên dân Nha Trang ngày xưa tin ông là một vị thánh, họ kể truyền miệng với nhau là ông chế được một khẩu thần công bắn tan sóng thần để bảo vệ người dân Nha Trang.”

Không còn ý định tìm cái máy điện lượng kế và con diều khổng lồ dự báo bão của Bác Sĩ Yersin nữa, nhưng chúng tôi vẫn miên man ấn tượng về khẩu thần công bắn tan sóng thần của vị thánh Yersin. Chúng tôi tin là ông có thể sáng tạo ra khẩu thần công đó, bởi không gì là không có thể trong cõi đại lượng nhân hậu cao cả của Bác Sĩ Yersin.

Ðỉnh Hòn Bà buổi chiều đến sớm hơn. Mây trắng và sương lạnh cứ quyện vào để mở mắt nhân sinh về cõi thanh khiết của vị ân nhân nhân loại chọn an trú. Công đức và lòng nhân cái bao la mà ông dành cho người Việt và dân Nha Trang được gói gọn trong lời ông trăng trối: “Khi chôn cất, xin được nằm úp mặt, hai tay dang ra, để được ôm trọn mảnh đất không phải nơi chôn nhau cắt rốn nhưng ông đã nặng tình, không thể chia xa.”

Mới đây, người dân Nha Trang bị tổn thương khi nghe tin, chế độ hiện hành định làm một tuyến cáp treo để khai thác triệt để Hòn Bà như Ðà Lạt thứ hai. Những núi rác vì lợi nhuận đầu cơ văn hóa với đa nghĩa của sự lũng đoạn lịch sử nếu không hủy hoại cũng sẽ làm dơ bẩn chốn thanh khiết của đất mẹ thứ hai của vị thánh nhân Yersin.

Trước ngôi miếu thờ nhỏ thờ Bác Sĩ Yersin theo phong cách tín ngưỡng dân gian, chúng tôi thắp nén hương kính tưởng ông. Phải chăng, đất nước này rồi sẽ không còn tồn tại độ cao thanh khiết và độ cao văn hóa chân chính trong lòng người?

Switch mode views: