Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bác sĩ gốc Việt tạ ơn một trường nhỏ có lòng tốt đối với người tị nạn

bs phamsi 1

Bác sĩ Phạm Sĩ hiện làm việc tại Mayo Clinic ở Minnesota. (Lebanon Valley College News)

Ông Phạm Sĩ từng học để trở thành bác sĩ ở Sài Gòn, thì ước mơ bỗng bị tan vỡ bởi cuộc chiến. Câu chuyện lưu lạc của ông đến nước Mỹ đã được nhật báo Lebanon Daily News tường thuật vào đầu tháng Năm, với nội dung như sau.

Ông thoát khỏi Việt Nam vào ngày 30 tháng Tư, 1975, ngày Sài Gòn và cả miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản. Ông có mặt trên một chiếc thuyền, bị tách rời khỏi đất nước, bỏ lại những người thân trong gia đình, và chỉ có bộ quần áo trên người.

Bốn mươi năm sau đó, Phạm Sĩ là một bác sĩ giải phẫu tim mạch tài ba hiếm hoi của thế giới, và là nhà nghiên cứu y khoa từng viết hơn 170 bài nghiên cứu và tham gia ca mổ ghép tim và gan cho cựu Thống Đốc Bob Casey của tiểu bang Pennsylvania.

Nhưng theo ông Phạm Sĩ nói, câu chuyện tay trắng làm nên sự nghiệp của ông chỉ có thể xảy ra là nhờ lòng nhân đạo của thị xã Annville và trường đại học nhỏ bé chuyên về khoa học và nghệ thuật tại thung lũng Lebanon này, được tỏ bày dành cho những người tị nạn chiến tranh cách đây hơn bốn thập niên.

Ông Phạm Sĩ kể rằng ông đã lớn lên cảm thấy bất lực trong một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh. Ông ước ao có thể chữa lành những vết thương mà bạn bè ông phải chịu đựng do bom đạn gây ra. Vì vậy ông vào Sài Gòn để học ngành bác sĩ.

Nhưng đến năm 1975, cuộc chiến diễn biến tệ hơn cho phía Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi quân đội Mỹ rút khỏi, quân cộng sản Bắc Việt nhanh chóng xâm nhập và cưỡng chiếm miền Nam. Cha mẹ ông hồi đó sống ở miền Trung, và họ bị kẹt trong sự kiểm soát cộng sản khi cuộc xâm lăng tiến đến gần Sài Gòn.

Ông Phạm Sĩ nói, “Tôi biết chế độ cộng sản là gì và tôi biết dân chủ là gì, vì vậy tôi đã lựa chọn rời khỏi đất nước để rồi thành người tị nạn.”


bs phamsi 2
Bác sĩ giải phẫu tim mạch Phạm Sĩ đang nhận giải thưởng Distinguished Alumnus (Cựu Sinh Viên Xuất Sắc) của trường Lebanon Valley College vào ngày 27 tháng Tư, 2018. (Hình cung cấp cho báo Lebanon Daily News)

Những người tị nạn được đưa tới đảo Guam, nơi họ ở lại cho tới tháng Sáu 1975, khi họ được phép đến trại Fort Indiantown Gap, nơi chứa 15,000 người tị nạn.

Ông nói, “Hồi đó tôi không có gì cả. Tôi chỉ có một bộ quần áo trên người.”

Những người tị nạn không được phép rời khỏi trại Gap, cho đến khi họ có được một người Mỹ bảo trợ, và những người độc thân như ông Sĩ đều nằm cuối danh sách mà sự ưu tiên là dành cho những gia đình. Tuy vậy, đến tháng Tám năm ấy, trường Lebanon Valley College (LVC) tạo một cơ hội cho 12 học sinh tị nạn được ghi danh và có được nơi ăn chốn ở, thông qua sự kết hợp giữa chương trình học bổng Pell Grants, chương trình vừa học vừa làm, một học bổng và một khoản tiền vay nhỏ. Thậm chí trường đại học này còn cung cấp các lớp học tiếng Anh bổ túc cho các sinh viên.

Giáo Sư Hóa Học Danh Dự Owen Moe, thời đó là một giáo sư nghiên cứu tại LVC, đã không lập tức để ý tới Phạm Sĩ. Cho đến khi họ bắt đầu cùng nhau làm việc trên các dự án, ông mới xác định ông Sĩ thuộc hạng sinh viên có thể vươn lên tới hàng đầu trong chức nghiệp.

Ông Moe nói, “Anh ấy có sự quyết tâm, và phải đối phó trước nhiều trở ngại. Anh đã tìm cách vượt qua mọi trở ngại đó.”


bs phamsi 3
Bác sĩ Phạm Sĩ được ngồi cạnh vị Giáo Sư ân nhân Owen Moe (bên trái) và Viện Trưởng Lewis Thanye của trường Lebanon Valley College trong đêm trao giải thưởng 27 tháng Tư, 2018 tại trường này. (Hình cung cấp cho báo Lebanon Daily News)

Ông Phạm Sĩ nói rằng thầy Moe là một người dìu dắt tuyệt vời và là một niềm khích lệ lớn cho ông. Lúc đó ông rất biết ơn vì có cơ hội hoàn tất việc học tại một trường đại học Mỹ, với các giáo sư trực tiếp giảng dạy. Nhưng ít nhất mỗi tuần một lần, ông vẫn thức dậy và nghĩ rằng mình vẫn còn ở Việt Nam. Nơi đó cha mẹ ông đang sống dưới ách cai trị của cộng sản, và không biết ông còn sống hay đã chết.

Phạm Sĩ nói, “Chiến tranh làm cho người ta mau trưởng thành hơn. Đó là một vấn đề sống còn - bạn phải lớn lên, chiến đấu và tìm cách sống sót.”

Ông tốt nghiệp từ trường Lebanon Valley College, sau đó từ trường y khoa, và nhanh chóng vươn lên vượt qua hàng ngũ nghề nghiệp, trở thành trưởng khoa cấy ghép tim, phổi và tim nhân tạo, tại trường y khoa thuộc đại học University of Miami, ngoài những công việc khác. Ông đã công bố hơn 170 bài báo khoa học, giúp thành lập những phương pháp để ngăn chặn sự việc cơ thể tìm cách loại bỏ những bộ phận cấy ghép tim và phổi, và giúp một giải pháp được tiến xa hơn trong việc một phương thay thế phẫu thuật tim hở, theo thông tin do trường LVC cung cấp.

Vào năm 1993, ông là thành viên của một nhóm thực hiện ca cấy ghép gan và tim lần thứ bảy trên thế giới, mà bệnh nhân là cựu thống đốc Robert Casey của Pennsylvania.

Hiện nay ông đang làm việc cho Mayo Clinic tại Minnesota.

Tuy nhiên, những thành tựu mà ông Phạm Sĩ hãnh diện nhất sẽ không xuất hiện trong các cuốn sách lịch sử: đó là cung cấp các ca mổ cần thiết cho di dân, cho những người nghèo cư ngụ trong thành phố, và những người không có khả năng trả tiền giải phẫu.

Chính ở đó, ông Phạm Sĩ cảm thấy như thể đã hoàn thành sứ mạng ban đầu của ông: là sửa chữa những cơ thể bị phá hỏng, giống như những cơ thể mà cuộc chiến Việt Nam đã tìm cách hủy hoại. Ông cũng có cơ hội để chăm sóc các cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam. Trong số đo có một đại tá về hưu, người đã giúp lập một trại tị nạn nơi mà ông Phạm Sĩ từng ở.

Vì ông đam mê giúp đỡ người bệnh, một trong những thách thức chuyên nghiệp lớn nhất của ông là đối phó với thất bại sau một ca mổ có mức rủi ro cao.

Ông nói, “Bạn phải nói chuyện với các người thân trong gia đình, bạn biết đấy, nói cho người thân biết rằng bệnh nhân không thể qua khỏi. Thật khó, rất khó. Bạn phải học cách đối phó với chuyện đó và rồi tiếp tục đi tới. Nếu không, chuyện đó có thể trở nên khó khăn về mặt tâm lý.”

Mấy năm sau khi đến Mỹ, ông Sĩ mới có thể gửi thư cho cha mẹ thông qua một người bạn sống ở Canada. Bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được nối lại vào cuối thập niên 1980, và trong thập niên 1990, ông đưa cha mẹ sang Mỹ để sống với ông trong một thời gian.

Đến lượt ông dẫn con cái về Việt Nam và tới các quốc gia nghèo kém khác, để các con ông có thể hiểu được sự may mắn mà chúng có được ở đất nước Hoa Kỳ này.

Ông đã nhận được giải thưởng cựu sinh viên xuất sắc của LVC, tại một buổi lễ ngày 27 tháng Tư, và ông rất vui khi lãnh thưởng. Thực vậy, ông ghi nhận công lao của cả trường LVC lẫn cộng đồng Annville đã đón tiếp những người tị nạn trắng tay như ông.

Ông nói, “Dân chúng Mỹ rất rộng lượng, giúp đỡ rất nhiều.”

Vị bác sĩ này hy vọng mọi thành công của ông sẽ khích lệ những di dân khác, để họ không bị nản lòng khi theo đuổi ước mơ của họ.

Ông nói, “Mọi sự sẽ tốt đẹp hơn. Thời gian sẽ chữa lành nhiều vết thương.”

Switch mode views: