Mùa tốt nghiệp: Sinh viên gốc Việt nửa vui ra trường, nửa lo tìm việc
- Chúa Nhật, 20 tháng Năm năm 2018 13:44
- Tác Giả: Đằng-Giao/Người Việt
Lễ ra tường tại CSU Fullerton năm 2017. (Hình: CSU Fullerton cung cấp)
FULLERTON, California (NV) – Năm 2018, có đến 12,200 sinh viên tốt nghiệp đại học CSU Fullerton, một trường thu hút rất đông sinh viên gốc Việt ở nhiều nơi. Những sinh viên gốc Việt ra trường năm nay đang ở trong tình trạng nửa mừng, nửa lo. Vì sao?
Bà Paula Sellek, phát ngôn viên đại học CSU Fullerton, cho biết: “Trong số 12,200 sinh viên ra trường tại CSU Fullerton năm nay, có 912 sinh viên gốc Việt.”
Về những ngành đa số nữ sinh viên gốc Việt theo học tại đây, bà nói: “Để lấy bằng cử nhân, phái nữ có khuynh hướng chọn ngành chuẩn bị cho họ vào học về tiền kinh tế (pre-business), chăm lo sức khỏe, quản trị kinh doanh-kế toán, tâm lý học, hóa sinh.”
Nam sinh viên cũng có lựa chọn tương tự như nữ sinh về tiền kinh tế và quản trị kinh doanh-kế toán, nhưng họ lại đi theo con đường riêng, thích hợp hơn với sở trường của họ. “Cũng lấy bằng cử nhân, nam sinh thích theo khoa học điện toán (computer science) và kỹ sư cơ khí,” bà tiếp. “Tài chính cũng là ngành thu hút rất đông nam sinh viên gốc Việt.”
Em Phúc Nguyễn, chuẩn bị tốt nghiệp năm nay, nói: “Em theo ngành kỹ sư công chánh. Hiện giờ có ba cái hẹn phỏng vấn, một ở Texas, một ở Tennessee và một ở Alaska. Em có gởi đơn cho nhiều thành phố ở California nhưng họ đòi phải có bằng khi nộp đơn. Em mong kiếm được việc ở California để sống gần anh chị. Em không nghĩ mình sẽ học tiếp. Bây giờ, em lo nhất là tìm được việc.”
Em Elizabeth Lý, sinh viên ngành y tá, trình bày: “Em học ngành này vì lý do bất đắc dĩ. Em muốn học ngành tiền y khoa (pre-med) nhưng không đủ điểm.”
Có những sinh viên, việc tiếp tục học là chuyện tất nhiên. Vấn đề là bao giờ mà thôi.
Em Caroline Trần, cũng chuẩn bị tốt nghiệp năm nay, cho biết: “Em muốn thành bác sĩ nhưng vì không muốn ba mẹ phải lo tiền học cho em, em sẽ ra trường ngành y tá trước, đi làm vài năm và để dành tiền cũng như kinh nghiệm thực tế rồi em mới tính chuyện học tiếp. Ba má em sợ mất đà học, khi quay lại rất khó. Nhưng em biết mình chắc chắn sẽ thành bác sĩ giải phẫu nhi khoa.”
Nhưng có những sinh viên cho rằng kiếm được việc làm thích hợp đã là chuyện dễ cho nên hiện giờ, họ chưa nghĩ gì xa xôi hơn.
Vivi Trịnh tốt nghiệp năm 2016 ngành phát triển thiếu nhi. (Hình: CSU Fullerton cung cấp)
Em Ken Lê, sinh viên ngành hóa học, cười và nói: “Em biết ngành em học không dễ kiếm việc có luơng cao. Nhưng việc nào cũng vậy, nghề dạy nghề. Đồng lương sẽ tăng dần theo kinh nghiệm. Nhưng em nghĩ rằng ít người thích làm việc trong phòng thí nghiệm hay các hãng bào chế thuốc Tây nên em không lo lắm. Hiện đang có hai nơi ở cùng thành phố Alameda, California gọi em phỏng vấn.”
Sinh viên CSU Fullerton chuẩn bị đối đầu thử thách mới. (Hình: CSU Fullerton cung cấp)
Em Phan Sinh, sinh viên ngành công nghệ điện tử (electronics technology), cũng tốt nghiệp năm nay, giải thích về công việc của mình: “Ngành này nằm giữa kỹ thuật điện tử và công nghệ thông tin nên không khó tìm việc làm lắm. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm này, tìm được việc ‘ngon lành’ ngay tại Orange County la chuyện không dễ lắm.”
Phan Sinh: “Ngành này nằm giữa kỹ thuật điện tử và công nghệ thông tin nên không khó tìm việc làm lắm.” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Dĩ nhiên, các phụ huynh không coi trọng đồng lương con mình làm được nếu phải chọn lựa giữa làm gần hay làm xa.
Bà Lưu Thị Quế, cư dân Tustin, nói: “Không đâu hơn được là ở nhà mình đâu. Lương ít mà được gần nhà là lương cao rồi. Ở xa, cái gì cũng phải trả nhiều hơn. Con tôi ở đây với chúng tôi, không phải trả đồng nào tiền nhà, cả ăn uống cũng không. Thế thì mỗi tháng có hơn được ngàn bạc mà phải trả mấy khoản này thì ở nhà vẫn hơn. Tôi thấy, con trai mà đi xa là nó lấy vợ liền. Mà lấy vợ rồi, nó chẳng bao bao giờ về ở với gia đình nữa.”
Ông Nguyễn Văn Quân, ngụ tại Santa Ana, cũng không muốn con mình đi làm xa. Ông chia sẻ: “Con gái tôi chưa tới 26 tuổi. Từ nhỏ tới giờ, nó chỉ biết gia đình thôi. Cái quần, cái áo của nó, chị nó cũng lo. Bây giờ học xong rồi, nếu nó đi xa vì công việc thì tôi với má nó không yên lòng chút nào. Con gái xa nhà rất dễ sa ngã.”
Theo thống kê, con số 12,200 sinh viên ra trường năm nay tại CSU Fullerton là con số kỷ lục, bà Paula Sellek thông báo.
Năm 2017, có 10,617 sinh viên tốt nghiệp. Trong những năm gần đây, chưa năm nào số sinh viên tại đây tốt nghiệp vượt quá 10,000, vẫn theo bà Paula.
Mùa ra trường, có bao nhiêu niềm vui và nỗi lo trong tâm tư sinh viên gốc Việt ra trường? (Đằng-Giao)
Related news items:
Tin mới
- ‘Bước Chân Hy Vọng’ kỳ thứ 20 của Hội Ung Thư Việt Mỹ - 15/06/2018 21:44
- Quốc nội và hải ngoại cùng một lòng chống CSVN lập đặc khu - 10/06/2018 19:58
- Biểu tình chống ‘Dự Luật Đặc Khu’ trước Lãnh Sự CSVN tại San Francisco - 09/06/2018 15:02
- Cộng đồng Việt sẽ biểu tình phản đối ‘Dự Luật Đặc Khu’ trước Tổng Lãnh Sự CSVN tại San Francisco - 08/06/2018 11:14
- Chung kết và phát thưởng ‘Giải Khuyến Học’ lần thứ 29: Bảo tồn tinh hoa văn hóa Việt - 04/06/2018 20:30
- Thượng Viện California thông qua Dự Luật SB 895 - 01/06/2018 15:15
- Little Saigon: ‘Tài Tử Cải Lương’ trong hành trình qua ba miền đất nước - 30/05/2018 19:42
- Hội Bạn Người Cùi 24 năm âm thầm giúp người bệnh ở Việt Nam - 28/05/2018 10:13
- Tiểu thương vùng Little Saigon: Ở Mỹ, không ai dại mà bán hàng giả! - 25/05/2018 00:32
- Bác sĩ gốc Việt tạ ơn một trường nhỏ có lòng tốt đối với người tị nạn - 21/05/2018 23:40