Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chiến tích của những người Mẹ Việt Nam trong giai đoạn ‘đổi đời’


cacbame
Những bà mẹ miền Nam trên miền đất hồi sinh trong một sinh hoạt nhân ngày của Mẹ. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Ngày của Mẹ, Mother’s Day, năm 2018 là ngày Chủ Nhật 13 Tháng Năm (Chủ Nhật của tuần lễ thứ hai trong Tháng Năm).

Hòa theo tục lệ này của nước Mỹ, cộng đồng người Việt sống trên đất Mỹ cũng lấy ngày này làm dịp để tri ơn Mẹ trong gia đình. Những nhà hàng trong khu Little Saigon lại đông chật khách. Khách không chỉ đi một mình mà thường là cả gia đình, ông bà, vợ chồng, con cái. Không khí thật cảm động khi những người con trong lớp tuổi của thế hệ thứ hai người Việt tị nạn, lớp tuổi được giáo dục trong nền giáo dục Hoa Kỳ, lại còn giữ được nhiều phong cách của các thế hệ cha ông khi còn ở quê hương xứ sở.

Người ta nhắc đến công ơn Mẹ thường là công sanh đẻ, nuôi dưỡng, lòng tận tụy, sự hy sinh đến quên thân mình để nuôi con khôn lớn.

Nhưng có một mặt khác mà mọi người đã không để ý. Đó là sau 30 Tháng Tư, 1975, cuộc đổi đời đã buộc các bà Mẹ phải ra khỏi cánh cửa gia đình để lao vào xã hội, một xã hội đầy kỳ thị, phân biệt với người dân miền Nam mà chế độ mới gọi là “dân Ngụy.”

Nhắc lại sự bươn chải của các bà mẹ Việt Nam sau 30 Tháng Tư, 1975, người ta chợt nhận ra rằng chính các bà mẹ Việt Nam đã là những chiến sĩ phá tan cái cái lý tưởng Cộng Sản nơi người cán bộ Cộng Sản, phá tan cái xã hội “xin, cho” của chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa mà Cộng Sản đã áp đặt lên miền Bắc sau khi Việt Nam bị chia đôi vào năm 1954.

Sự phá đổ ấy đã diễn ra thầm lặng, không một lời tuyên bố, không một chủ trương, chính sách, không đổ máu, có chăng chỉ là những giọt nước mắt tức tưởi về đêm sau một ngày lăn lộn kiếm sống.

30 Tháng Tư, 1975, những người mẹ miền Nam bỗng như bị rơi vào một khoảng trống thật hãi hùng. Bất chợt người trụ cột của gia đình phải vào các trại tập trung cải tạo. Đây là một vết thương tinh thần quá lớn. Sự thiếu vắng người chồng, người cha sau những hốt hoảng đổi đời đã dần cho những người mẹ miền Nam không thể ngồi yên than khóc, lo âu trước đàn trẻ đang lớn, trước những bậc sinh thành bên nội bên ngoại đang đi dần vào già cả ốm đau cần được chăm sóc, thuốc men.

Nhìn lại thân mình, trong cảnh sống của xã hội Việt Nam bấy lâu, người phụ nữ là những người nội trợ, chỉ quanh quẩn trong gia đình, không có nghề nghiệp riêng tư. Ít người có được hoàn cảnh quen với sự làm việc ngoài xã hội. Nay bỗng nhiên trở thành người trụ cột gia đình, phải lo tất tật mọi thứ. Làm sao đây?

Và việc đầu tiên để có thể nuôi được những miệng ăn già trẻ trong gia đình là xem có gì quý giá trong nhà mà không còn thích hợp với cảnh sống trong xã hội mới, thì tìm người gạ bán. Cũng may vào thời gian này, người Bắc đổ vào Nam để mua những thứ mà ngoài Bắc bao nhiêu lâu nay không có. Bán chạy nhất là “Đạp, Đồng Đài,” thứ đến là bàn ghế tủ giường mà phải là bằng gỗ, loại sập gụ tủ chè càng khảm nhiều càng có giá.

Rồi đến khi trong nhà đã sạch bách những thứ có thể bán được thì các bà mẹ miền Nam đã hình thành được một cách tự nhiên lớp người “chạy hàng sách,” theo tiếng Bắc hay “môi giới,” “Cò” theo tiếng Nam. Họ chia nhau đi lục lọi hang cùng ngõ hẻm để xem có gia đình nào còn có “hàng” thì gạ mua hay giới thiệu cho bọn con buôn kiếm ít lời.

Cũng chỉ được một thời gian thì các loại “hàng” này cũng cạn, các bà mẹ miền Nam phải xoay qua nghề khác. Đúng lúc này, nhà nước CSVN sợ dân làm loạn vì ai cũng quá đói khổ nên tạm cho phép người dân được nhận quà của thân nhân ở nước ngoài gửi về. Đầu tiên chỉ cho nhận thuốc men chữa bệnh và một vài thứ gia dụng. Thế là một mạng lưới buôn bán thuốc men được hình thành một cách tự nhiên. Các loại thuốc nhà nước cấm như trụ sinh, thuốc sốt rét, lao phổi trở thành những thứ quốc cấm nên là những mối “hời” trong sự buôn bán, mối lái.

Nói về sự mối lái thường gọi là “cò” giới làm ăn có nhiều loại, từ cò nhà đất vàng bạc, đá quí, kể cả “trầm” cho đến các loại quà của thân nhân gửi về bị cấm nhận như thuốc men, đồ trang sức hay các hàng xa xỉ. Những loại hàng này bị hải quan tịch thu các người buôn bán lậu đã tìm cách móc nối với nhân viên hải quan để dụ họ tuồn hàng ra thị trường.

Sự móc nối này mới đầu chỉ thực hiện được trong giới cán bộ nhỏ nhưng chỉ một thời gian ngắn sau nó đã lan rộng lên các cấp cao hơn lên đến thành ủy, thậm chí cả trung ương nữa.

Một bà mẹ trong giới làm ăn này cho biết, bà Thành K., một người buôn bán vàng bạc, đá quí và đô la đã nuôi một giám đốc công an thành Hồ trong nhà trên đường Lê Thánh Tôn, chuốc cho viên công an cao cấp này nghiện nặng thuốc phiện. Viên công an này đã ở nhà bà nhiều hơn là ở tư dinh của hắn nằm trong khu Thành Ủy đường Champagne cũ. Nên nhà bà Thành K. đã được dùng làm nơi biến chế vàng bạc, trao đổi đá quý (kim cương hột xoàn) một cách vững chãi và xuyên quốc gia.

Một phụ nữ khác có tên là cô Tuyết (không rõ tên thực là gì), trước là vợ hai của một quân nhân cao cấp trong chính quyền VNCH đã bắt mối lên tới phó thủ tướng của nhà nước cộng sản. Bà này là đầu mối buôn bán kim cương hạt xoàn từ Nam ra Bắc và trầm hương từ Bắc vào Nam.

Hầu như các bà mẹ miền Nam khi phải lao đầu kiếm sống để thoát cảnh đói khổ, đi vùng kinh tế mới không ai là không từng phải hối lộ đút lót bọn cầm quyền Cộng Sản. Nhỏ là bọn cán bộ phường khóm, công an kinh tế thị trường, lớn là các hàng quan chức tại Thành Ủy. Chúng dần đã trở thành vua con một cõi, đủ quyền sinh sát trong tay.

Để đói phó với bọn chúng, các bà đã nối kết với nhau thành một mạng lưới chống đối khá thâm độc và triệt để với bọn cầm quyền. Các bà tập cho chúng làm ăn phi pháp, tập cho chúng sinh hoạt văn minh lệ thuộc vào nhiều nhu cầu để chúng phải tìm mọi cách có tiền để hưởng cảnh sống xa hoa, thượng lưu của bọn tư bản đang giãy chết.

Hành động đó của các bà mẹ miền Nam được thực hiện sâu sát, mãnh liệt nhiều khi không tiếc cả đến thân thể và thanh danh thời trước 1975. Nguyên nhân nếu nói là “phục quốc” thì có thể là quá đáng, bởi những hành động đó phần lớn là do từ nỗi căm thù bọn ác ôn đã đưa người dân vào chỗ đói khổ, nhục nhằn, đã làm cho chồng con họ thành những người tù khổ sai, đã làm cho gia đình của họ phải tan nát, chia ly.

Hành động đó của các bà mẹ miền Nam, nếu không là nói ngoa, thì chính các bà đã làm băng hoại niềm tin mù quáng vào đảng của chúng. Chúng sẵn sàng bỏ đảng vì rượu ngon gái đẹp vì cuộc sống xa hoa phù phiếm. Lý tưởng cộng sản nơi chúng tan nhòa để chỉ còn là những băng đảng Mafia Đỏ đua nhau tham nhũng làm tiền mà chém giết nhau.

Hậu quả của những việc làm của các bà mẹ miền Nam sau 30 Tháng Tư, 1975 đã là cuộc phản công đẹp mắt sau biến cố Tháng Tư mà chính các bà mẹ miền Nam khi làm cũng không hề nghĩ đến mục đích cao cả này.

Nay nhân ngày của Mẹ năm thứ 43 của cộng đồng người Việt trên đất Mỹ, người viết xin được nhắc đến một chiến tích rực rỡ của các bà mẹ miền Nam. Chiến tích này các bà mẹ miền Nam có thể không nghĩ tới hay không muốn nhắc lại bởi những nhục nhằn khổ ải phải trải qua. Nhưng trên khía cạnh tranh đấu lịch sử của người dân Việt chống Cộng, không thể không nhắc tới nhất là khi cộng sản cũng không bao giờ nhắc tới dù chỉ là lên án bọn “ngụy dân.”

Switch mode views: